Đừng Ép Con “Khôn” Sớm

Trước khi dọa nạt, hãy thảo luận với con!



“Đó có phải là thói xấu của bé không?”

Đây là câu hỏi mà tôi nhận được nhiều nhất từ các bà mẹ. Có vẻ như vấn đề dạy dỗ thói quen của trẻ cùng với việc giáo dục đạo đức là mối quan tâm chung của các bà mẹ từ trước tới nay.

“Nếu cứ mặc kệ thì lớn lên trẻ sẽ có thói xấu”, “Nếu như sau này trẻ hoàn toàn không nghe lời cha mẹ nữa thì phải làm sao”, “Tương lai trẻ có thể hòa nhập tốt với đời sống xã hội hay không…”.

Các bậc phụ huynh không ngừng suy nghĩ về điều này. Không có bà mẹ nào làm ngơ được khi thấy trẻ viết lung tung trên giấy dán tường hay tủ quần áo. Trong giờ ăn, nếu trẻ định thò tay vào chén cơm thì sẽ bị mẹ cốc vào tay ngay và còn bị trừng mắt nhìn. Những định kiến trong việc giáo huấn con cái như thế này là một “căn bệnh kinh niên” của các bậc phụ huynh. Bởi vì suy nghĩ “con cái càng quý thì phải càng nuôi dạy nghiêm khắc” đã bắt rễ sâu xa trong vô thức của các cha mẹ. Tuy nhiên, tôi đã thấy quá nhiều lý do dạy lễ nghĩa đang đè nặng lên sự phát triển tự nhiên của trẻ. Rõ ràng đó là những việc quá khắc nghiệt với trẻ nhưng cha mẹ vẫn nói đó chỉ là những việc đương nhiên phải làm mà thôi.

Cha mẹ thường uốn nắn và chấm dứt những hành động không đúng khi trẻ còn nhỏ bằng cách dọa nạt và giáo huấn. Nhưng theo tôi, thay vì giáo huấn, quý vị hãy thảo luận với con. Cha mẹ hãy thử thỏa hiệp với trẻ từng chút một cho đến lúc con có thể hiểu được vấn đề.

Có lần tôi đi siêu thị cùng con. Trước khi đi, con đã hứa hôm nay chỉ nhìn ngắm đồ đạc nhưng khi ghé qua quầy bán đồ chơi, con lại bắt đầu lằng nhằng đòi mua bộ rô bốt. Con vừa nhìn tôi chằm chằm vừa nói rằng bạn nhà hàng xóm đã có, sao mẹ lại không mua cho con.

Đó là lúc phải thảo luận với con. Trong cuộc thảo luận này, con là chủ thể “muốn có”. Vậy thì người mẹ dùng lý lẽ gì để thuyết phục con chính đáng hơn việc muốn có được món đồ chơi. Còn lý lẽ của tôi trong cuộc thảo luận này là “thứ đó quá đắt tiền nên phải bỏ lại.”

Những khao khát muốn sở hữu khi nhỏ đa số trở thành một phần trong quá trình hình thành cái tôi ở trẻ nhưng giai đoạn ấy sẽ qua đi khi trẻ 5 tuổi. Theo đó, khi đạo đức bắt đầu được hình thành, trẻ nhỏ cũng phải thích ứng với tiêu chuẩn về cái “được” và cái “không được”. Lúc này, cần phải dạy cho trẻ biết không thể nhận được điều mình muốn nếu không có sự nỗ lực nào.

Vậy thì, nếu cuộc thảo luận giữa hai bên đã diễn ra thì giờ là lúc phải thỏa hiệp.

Chúng ta phải nói những gì.

Trước tiên, tôi không muốn dập tắt ngay khao khát muốn sở hữu của con nên tôi đã tìm ra yếu tố khác đáng để làm giảm bớt khao khát đó: “Nếu con có cái này để chơi thì thích quá rồi. Nhưng mà con có biết món đồ chơi này giá bao nhiêu không?”

Con tôi trả lời rằng không biết. Tôi chìa bảng giá cho con xem rồi lại nói tiếp: “Kyeong-mo nè, nếu bố lĩnh lương thì còn phải mua gạo và quần áo nữa. Nếu lấy tiền đó mua hết đồ chơi cho con thì chúng ta có thể không được ăn cơm đấy. Như vậy cũng được sao?”

“Nếu không có một trăm ngàn won thì không mua hết cái này được sao?”

Con đang hỏi tôi về giá trị của đồng tiền. Vì vậy tôi đã giải thích theo ngôn ngữ của con rằng “một trăm ngàn won là số tiền rất đắt đấy”. Khuôn mặt con tôi hiện lên vẻ khó xử. Điều đó có nghĩa là con đã hiểu vấn đề. Nhưng ngay lúc đó, con lại hỏi: “Vậy sao cô hàng xóm lại mua được?”

“Có thể là nhà hàng xóm giàu có hơn chúng ta và cũng có thể đó là món quà sinh nhật cho bạn bên ấy. Sinh nhật hay giáng sinh mỗi năm con đều nhận được quà đẹp còn gì.”

“Bây giờ nếu muốn có được đồ chơi này thì bố phải kiếm nhiều tiền hơn mới được.”

Dù rất tiếc nuối nhưng khuôn mặt con biểu hiện sự chấp nhận. Đó là nét mặt có được sau một cuộc thảo luận.

Nhưng tôi không thể cố chấp hoàn toàn theo ý mình được, nếu như vậy, trẻ có thể sẽ đóng cánh cửa đối thoại lại khi cần thảo luận vào lần sau.

“Kyeong-mo à, nếu con muốn nhận được món quà lớn như thế thì không được miễn phí đâu. Con phải làm việc tốt gì đó, đúng chứ?”

Lúc bấy giờ, Kyeong-mo đang đi học mẫu giáo. Con có một vài thói quen xấu như ăn cơm vào rồi lại phun ra hay khăng khăng không chịu đến trường. Tôi đã đề nghị Kyeong-mo thử sửa đổi một trong các thói xấu đó. Tôi còn nói thêm là nếu con sửa được thói xấu thì trong thời gian mấy tháng, tôi sẽ tiết kiệm tiền và mua đồ chơi cho con.

Trong suốt buổi thảo luận, Kyeong-mo chỉ hỏi nhiều nhất một câu: “Sao lại không được vậy mẹ?” và rất chăm chú lắng nghe lời giải thích của tôi. Vì thế, dù bảo con làm gì, tôi cũng chú tâm giải thích lý do chính đáng vì sao phải làm thế. Dù chỉ là việc dọn dẹp phòng thì tôi cũng nói với con rằng: “Bà vú dọn phòng cho con rất mệt đấy. Mà nếu đồ chơi của các con cứ tiện đâu bỏ đấy thì chẳng phải sau này tìm lại rất khó sao.”

Tuy nhiên, nếu tôi nói như vậy thì có khi các con cũng đưa ra lý do để từ chối: “Bây giờ con buồn ngủ quá nên chút nữa con làm”, “Con đang xem phim hoạt hình hay mà, chừng nào hết phim con sẽ làm.”

Những lý do kiểu như thế chỉ là những lời biện bạch, vì thế, tôi sẽ chú ý xem các con có giữ lời hay không.

Dù chỉ nói rất nhẹ nhàng nhưng bọn trẻ cũng học được nhiều điều hơn so với việc bị mắng. Trong cuộc sống này “có những điều mình muốn nhưng không được và nếu để có được điều mình muốn thì phải nỗ lực”, đó là những gì trẻ nhận thức được.

Không chỉ có vậy. Để có được những lý lẽ hợp lý cho cuộc thảo luận, đứa trẻ phải nghĩ đến những lý do logic và học được cách thể hiện chúng bằng lời nói. Cứ như vậy, đạo đức cơ bản cũng như nhiều loại năng lực liên quan đến chỉ số IQ của trẻ cũng được nuôi dưỡng.

Một chuyện khác xảy ra khi con trai lớn Kyeong-mo của tôi học lớp Ba. Tôi tình cờ thấy con xem trang web của người lớn trên Internet. Quá ngạc nhiên, tôi hỏi và con nói rằng một người bạn đã xem cái này nên con cũng muốn thấy một lần.

Trong trường hợp thế này, cha mẹ không được thỏa hiệp với con. Trước ý muốn này, cha mẹ phải kiên quyết dạy con rằng không được làm việc này. Nếu cha mẹ thể hiện lập trường không cứng rắn, điều đó sẽ được lưu lại trong đầu trẻ sau này. Vì thế, cha mẹ cần phải giải thích một cách rõ ràng ở góc độ của trẻ để bé biết vì sao không được phép làm một điều gì đó.

“Những bức tranh đó nhìn rất cuốn hút nên con có thể suốt ngày chỉ nghĩ đến chúng. Nếu vậy con không thể làm việc gì khác được, thế thì có tốt không?”

“Vậy sao bạn ấy lại xem nó?”

“Chắc là cha mẹ bạn ấy không biết chuyện này đâu. Đáng lẽ mẹ bạn ấy phải ngăn lại nhưng chắc là cô ấy đã không làm. Nhưng ở nhà mình thì tuyệt đối không được xem trang web này. Nếu con sống ở nhà mình thì phải theo những quy tắc trong nhà mình chứ, đúng không?”

Đây không phải là một cuộc thảo luận để đi đến thỏa hiệp mà chính là việc dạy dỗ một chiều. Việc dạy dỗ này bao gồm những điều không được phép làm như không được một mình đến tiệm Internet, không được lười biếng, không được muốn có một thứ gì đó mà không cố gắng…

Nhưng để thực hiện việc này, giữa cha mẹ và trẻ phải có sự tin tưởng. Khi cha mẹ dạy con theo những nguyên tắc giáo huấn từ một phía, lớn tiếng dọa nạt thì khi lớn lên, đứa trẻ sẽ xem những lời dạy dỗ như nước đổ lá khoai. Khi đến tuổi dậy thì, những đứa trẻ này sẽ trở thành “bất trị”9, xem thường lời nói của cha mẹ. Những trẻ hay thỏa hiệp với cha mẹ và thường cảm nhận được sự quan tâm của đấng sinh thành, thì khi bị cha mẹ bắt phải làm điều gì không vừa ý, trẻ cũng sẽ nghe theo với tâm niệm rằng “thực sự làm vậy là không được”.

Càng lớn lên, cha mẹ càng phải uốn nắn những việc trẻ không thích làm, những điều trẻ không muốn giữ gìn. Có nhiều đứa trẻ chịu nghe lời cha mẹ nhưng chẳng nghe lời ai khác nữa, đó là vì cha mẹ đã luôn lắng nghe, quan tâm đến chúng ngay từ đầu và truyền tải lời giáo huấn đúng cách.

Dù thỉnh thoảng tôi cũng dùng roi với hai cậu con trai của mình nhưng bọn trẻ biết lý do vì sao tôi làm vậy. Các con của tôi biết được rằng thật sự vì mình đã làm sai chứ không phải vì mẹ tức giận, càng không phải vì mẹ không yêu thương mình. Nếu như tôi thờ ơ trước việc kéo các con ngồi vào bàn để thảo luận và cùng nhau tìm ra phương án thỏa hiệp thì chúng tôi đã không thể có được kết quả như thế.

Khi trẻ làm điều mà trẻ cho là cần thiết nhưng đi ngược lại với ý muốn của cha mẹ thì trước hết, hãy thử nghe trẻ giải thích và cùng nhau thảo luận. Người mẹ hãy hướng trẻ vào vấn đề bằng cách đặt câu hỏi “tại sao?” để trẻ có thể hiểu được tình hình mà không cảm thấy bị tổn thương. Nếu không, trẻ sẽ dần xa cách với người mẹ chỉ khăng khăng muốn dạy dỗ mình và biết đâu, điều đó lại khiến trẻ trốn tránh những điều mà mình nhất định phải học trong một giai đoạn nào đó.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.