Đừng Ép Con “Khôn” Sớm

Vì con, hãy cùng con làm bài tập



Chuyện xảy ra khi Kyeong-mo học lớp Hai. Một ngày nọ tôi tan sở và trở về nhà thì trông thấy con đang ở bàn ăn với khuôn mặt cáu bẳn và đang gây chiến với bà bảo mẫu. Khuôn mặt con trai tôi đỏ bừng lên vì nóng giận còn bà vú thì muốn hụt hơi vì rượt theo Kyeong-mo đang nhanh chân bỏ chạy.

“Thằng nhóc này không làm bài tập mà muốn chơi rồi hả?”

“Con đã nói là không thích làm rồi mà.”

Nhìn cảnh tượng ấy tôi cũng đoán được tình hình. Tôi cầm roi từ tay bà bảo mẫu rồi bước đến gần con: “Kyeong-mo, con nhất định phải làm bài tập. Nếu không làm thì sao có thể đến trường được chứ?”

“Vậy thì con không đi học nữa.”

Đến nước này thì tôi không còn cách nào khác ngoài việc hơi đe nẹt Kyeong-mo. Bài tập là “điều tối thiểu” mà con phải làm khi đi học. Tôi phải bắt con làm những việc tối thiểu, phải làm cho thằng bé hiểu rằng dù có ghét thì con vẫn phải làm và phải cố gắng để làm.

“Kyeong-mo!”

Trước biểu hiện đáng sợ của tôi, Kyeong-mo như khựng lại, khác hẳn với khí thế đùng đùng ban nãy. Ngay lúc đó, tôi dỗ dành Kyeong-mo rồi cho con ngồi xuống trước bàn học. Tôi hỏi con hôm nay bài tập là gì bằng giọng nói thật dịu dàng. “Con phải viết cái này.”

Con trai tôi mở quyển sách toán ra trước mặt. “Ở đâu nào? Chỉ cần làm hết từng này là được à?”

“Không phải, con phải làm từ chỗ này đến chỗ này lận.”

Kyeong-mo bắt đầu lật từng trang sách một cách bực dọc. Một trang, hai trang,… bàn tay con tiếp tục di chuyển. Số lượng bài tập Kyeong-mo phải làm tổng cộng là mười trang. Trong số đó, phần bài học hôm nay có bốn trang, sáu trang còn lại là bài tập nâng cao. Số lượng bài tập khá nhiều so với tôi nghĩ nhưng cho bài tập đến đâu là quyền hạn của giáo viên ở trường, phụ huynh cũng không được khiếu nại. Tôi dỗ dành con: “Làm hết chỗ này cũng không mất quá một tiếng đồng hồ đâu. Cùng làm bài tập với mẹ nào.”

“Không phải đâu, con phải viết lại đề bài nên phải làm đến hai lần đấy, mẹ ơi.”

“Sao cơ?”

Đột nhiên Kyeong-mo im bặt, chỉ nhìn tôi chằm chằm.

“Vậy thì ăn cơm trước đã.”

Hôm đó tôi chuẩn bị cơm cho Kyeong-mo sớm hơn mọi ngày và vừa sắp đũa bát ra là Kyeong-mo đã ăn ngay.

Lớp Hai là giai đoạn bồi dưỡng khả năng tính toán cơ bản của trẻ, đặc biệt là phép cộng, phép trừ. Qua các khuôn mẫu cơ bản, lặp đi lặp lại mà năng lực tính toán của trẻ sẽ được nâng lên. Nhưng dù vậy cũng không được ép buộc trẻ quá mức khiến trẻ mất đi hứng thú trong việc học. Tôi thấy rằng việc bắt trẻ chưa qua 9 tuổi làm bài tập nhiều chừng đó và phải làm đến hai lần là một điều vô lý.

Gần hết bữa ăn thì bố của Kyeong-mo cũng tan sở về nhà. Tôi liền nói: “Kyeong-mo nè, hãy chia bài tập của con cho bố với mẹ làm nhé.”

Chồng tôi tròn xoe mắt.

“Em nói gì thế? Sao chúng ta lại làm bài tập của Kyeong-mo?”

Sau khi giải thích với chồng, tôi nói với Kyeong-mo rằng trong thời gian ấy con hãy làm việc khác như đọc sách hay chơi piano.

“Đây là bài tập mà Kyeong-mo phải làm. Sao mà chúng ta làm giúp được?”

“Anh đừng làm khác đi, chỉ cần viết giống nét chữ của con là được.”

Vợ chồng tôi cầm bút chì bằng tay trái rồi viết những con số theo “chữ viết của Kyeong-mo”. Sau khi viết lại đề bài và quá trình tính toán, chúng tôi tạo ra những khoảng trống để con viết đáp án. Phải mất một tiếng đồng hồ vợ chồng tôi mới xong. Nếu là Kyeong-mo trực tiếp làm thì con còn phải ngồi lâu hơn ở bàn học để giải quyết hết chừng đó.

“Kyeong-mo à, tới đây làm đi con.”

Vẻ mặt Kyeong-mo sáng hẳn lên khi nhìn vào mớ bài tập đã được cha mẹ giúp sức. Dù tôi không yêu cầu gì nhưng Kyeong-mo tự hỏi: “Con chỉ cần viết lời giải và đáp án vào đây là được phải không?” rồi vui vẻ viết. Nếu như bình thường thì phải cần đến hai Kyeong-mo mới làm xong và chắc chắn sẽ có một trận ầm ĩ trong nhà.

Tôi không nói rằng bài tập không quan trọng với trẻ vì đó là yêu cầu tối thiểu của việc học. Khả năng chịu đựng và hoàn thành thứ mà mình ghét chính là một trong những đức tính quan trọng mà trẻ nhận được trong quá trình làm bài tập. Nhưng trừ tất cả những điều như vậy ra thì việc phải ưu tiên hàng đầu là làm sao để trẻ có được hứng thú và sự tích cực trong việc buộc phải học. Điều này được hình thành khi trẻ còn rất nhỏ và theo trẻ đến suốt cuộc đời. Nói khác đi, trong giai đoạn đầu tiên của việc học, nếu trẻ có cái nhìn hơi tiêu cực thì cả đời, trẻ sẽ nghĩ về việc học như một gánh nặng vậy. Cho nên, cha mẹ cần phải bảo vệ trẻ khỏi tình huống khiến trẻ mất đi hứng thú học tập, dù chỉ là chút ít.

Vì điều này, “thỉnh thoảng” tôi vẫn cùng con làm bài tập, dĩ nhiên có để lại phần quan trọng nhất cho con tự làm. Có như vậy con mới tự nhận thức được rằng bài tập là việc mà mình tự làm và nhất định phải làm.

Làm như vậy, không biết tôi có phải nghe những lời trách cứ từ tất cả thầy cô giáo hay không nhưng tôi vẫn bạo gan khuyên rằng cha mẹ hãy làm bài tập cùng con.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.