100 Câu Chuyện Triết Lý Và Kẻ Trí
DẤU CHÂN TRÊN BÙN
Khi Giám Chân[1] là hòa thượng vừa mới xuất gia, Trụ trì thấy sư thiên chất thông minh cần cù hiếu học, trong lòng thầm khen, nhưng lại để sư làm Hành cước tăng, một công việc mà trong chùa không ai chịu làm. Hàng ngày đi về trong mưa gió, chịu đựng gian khổ, người đi khất thực thường bị coi thường, châm chọc và chế giễu. Giám Chân rất tức giận.
Một hôm, đã canh ba mà Giám Chân vẫn chưa đi ngủ. Trụ trì lấy làm lạ, bèn bước vào phòng Giám Chân, thấy Giám Chân nằm im không động đậy, bên giường chất một đống giày cỏ đã rách nát.
Trụ trì gọi Giám Chân dậy hỏi:
— Hôm nay con không ra ngoài khất thực, mà xếp những chiếc giày hỏng ở đây làm gì?
Giám Chân ngáp một cái, nói:
— Người khác một năm đi một đôi giày cỏ vẫn không sao, nhưng con vừa mới đi tu hơn một năm, đã đi rách nhiều giày như thế, con có nên tiết kiệm giày cho nhà chùa không?
Trụ trì nghe xong đã hiểu, mỉm cười nói:
— Đêm qua trời đổ mưa to, con cùng ta ra xem con đường trước chùa một chút.
Giám Chân và Trụ trì đi ra con đường lớn trước chùa, đó là một sườn đất, do trời mưa nên mặt đường rất lầy lội.
Trụ trì đập nhẹ vai Giám Chân nói:
— Con muốn làm một vị sư bình thường hay một nhà sư Phật pháp tinh thông?
Giám Chân nói:
— Đương nhiên con muốn làm một nhà sư nổi tiếng Phật pháp tinh thông, nhưng hiện giờ con chỉ là một vị sư khất thực bị người ta coi khinh thì làm sao có thể Phật pháp tinh thông?
Trụ trì cười:
— Có phải hôm qua con đi qua con đường này không?
Giám Chân nói:
— Thưa phải.
Trụ trì hỏi:
— Con có thể tìm thấy dấu chân của mình không?
Giám Chân thật sự không hiểu, nói:
— Hôm qua đường vừa cứng vừa bằng phẳng, tiểu tăng làm sao có thể tìm thấy dấu chân của mình?
Trụ trì cười nói:
— Hôm nay hai chúng ta đi trên con đường này một lần nữa, con có thể tìm thấy dấu chân mình không?
Giám chân nói:
— Đương nhiên là được.
Trụ trì nghe xong, mỉm cười vỗ nhẹ vai Giám Chân nói:
— Đường lầy lội mới lưu lại dấu chân, trên thế giới rất nhiều chúng sinh không như thế. Những người đó suốt đời tầm thường, không trải qua phong ba sóng gió, cũng giống như đôi chân đặt trên con đường vừa bằng phẳng vừa cứng, bước đi, chẳng để lại gì. Còn những người đi qua mưa gió, lặn lội trong gian khổ, cũng giống như bước chân đi trên con đường lầy lội. Họ càng đi xa, dấu chân càng chứng minh cho giá trị của họ.
Giám Chân xấu hổ cúi đầu. Từ đó về sau, bước chân đầy sức lực của sư in đầy trên con đường lầy lội trước chùa, lưu dấu trên khắp xứ Phù Tang.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.