100 Câu Chuyện Triết Lý Và Kẻ Trí

GIÁ TRỊ CỦA HÒN ĐÁ



Có một vị minh sư cảm thấy mệt mỏi khi ngày nào người học trò của mình cũng hỏi:

— Thưa thầy, giá trị của con người là gì?

Một hôm, vị minh sư lấy một hòn đá trao cho người học trò này và căn dặn:

— Con đem hòn đá này ra chợ nhưng không được bán nó đi, chỉ cần để ý xem người ta trả giá bao nhiêu.

Theo lời thầy, người học trò mang hòn đá ra chợ bán. Có người thấy hòn đá vừa to lại vừa đẹp nên trả với giá 2 đồng, người kia thấy có thể khắc nó thành ngọc bội nên trả 10 đồng. Có người lại nghĩ dùng nó làm vật trang trí trong nhà, cũng có người nghĩ mua về làm quà cho con, hoặc dùng làm cái gì đó. Cứ như thế, mỗi người đều có một mục đích khác nhau nhưng giá cao nhất họ trả cũng không quá 10 đồng. Người học trò về thưa với thầy.

Người thầy đáp:

— Ngày mai đem đến chỗ bán vàng hỏi thử những người ở đó xem thế nào, nhớ chỉ hỏi giá thôi, chứ đừng bán nó.

Hôm sau người đệ tử lại mang ra chỗ bán vàng, lúc về anh ta vui mừng nói với sư phụ:

— Những người ở đây chắc điên rồi, có người mới thấy đã trả 1 lạng tiền, có người trả 1 vạn đồng, người khác lại trả 10 vạn đồng, thậm chí có người còn trả hơn 10 vạn đồng.

Người thầy vẫn điềm nhiên nói:

— Ngày mai con hãy đem nó đến chỗ bán ngọc ngà châu báu. Nhưng tuyệt đối đừng bán nó, chỉ hỏi giá mà thôi.

Hôm sau, người học trò đem hòn đá đến chỗ bán ngọc ngà châu báu. Anh ta không còn tin vào tai mình nữa, ở đây có người trả 10 vạn đồng, rồi lại có người trả đến 20 vạn đồng nhưng người học trò vẫn không bán. Thấy thế, người bán đá quý này lại tăng giá cao hơn nữa, lên đến 100 ngàn đồng, nhưng người học trò vẫn nhất quyết nói:

— Tôi không thể bán nó.

Người bán đá quý vẫn một mực bảo:

— Chúng tôi sẽ trả 200 ngàn đồng tiền. 200 ngàn đồng tiền vẫn chưa được sao? Chỉ cần anh bán nó, anh muốn bao nhiêu tôi sẽ trả cho anh bấy nhiêu.

Người học trò thật thà trả lời:

— Tôi không thể bán nó, đây là viên đá của thầy tôi, tôi đến đây chỉ muốn hỏi giá mà thôi.

Người học trò quay về, trả viên đá lại cho sư phụ, lúc bấy giờ người thầy mới nói:

— Chúng ta không có ý định bán nó, có điều giờ con đã hiểu rồi chứ? Nếu như con chỉ biết hỏi, mà không chịu suy ngẫm, thì giá trị bản thân con chỉ bằng đôi mắt của những người ở chợ đó. Giá trị thật của một con người là ở cái TÂM và muốn nhìn ra được giá trị chân chính đó, trước tiên phải có một cái nhìn cao quý mới có thể thấy được giá trị thật của mình và người.

Giá trị của chúng ta không phải ở bên ngoài để bình luận mà ở nơi mỗi chúng ta tự đặt cho chính bản thân mình, kiên trì với bản thân, phấn đấu cho mình một không gian trưởng thành, một môi trường rèn luyện, như vậy mỗi người chúng ta đều có thể trở thành “Vô giá chi bảo”. Trong cuộc sống vốn nhiều khó khăn nhưng mỗi lần bị thất bại, vấp ngã… đều có một giá trị nhất định của nó nếu chúng ta biết cách vượt qua.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.