100 Câu Chuyện Triết Lý Và Kẻ Trí

NGHỆ THUẬT NÓI CHUYỆN



Socrates có thói quen đến những khu chợ đông đúc ở Athena để nói chuyện hay tranh luận với mọi người. Ông có những cách thức rất đặc biệt để khơi nguồn cho buổi nói chuyện hay cuộc tranh luận.

Một lần, Socrates vẫn đến chợ như mọi khi và ông đã hỏi một người trong chợ rằng:

— Xin lỗi! Tôi có một vấn đề không rõ, xin ngài chỉ giúp. Mọi người đều bảo sống trên đời cần phải có đạo đức, nhưng tôi không biết rốt cuộc đạo đức là cái gì?

Người đó trả lời:

— Là phải luôn thành thực, trung thành, chính trực, còn lừa gạt, nói dối thì bị coi là kẻ không có đạo đức.

Socrates vờ như không hiểu hỏi lại:

— Vậy tại sao trên chiến trường các tướng quân luôn tìm trăm phương nghìn kế để đánh lừa kẻ thù?

— Đánh lừa kẻ thù là hợp đạo lý, nhưng lừa người của mình thì không có đạo đức.

Socrates lại phản bác:

— Giả sử như quân ta bị địch bao vây, vị tướng quân nhìn thấy chí khí quân sĩ mình sa sút bèn lừa họ: “Viện binh sắp tới, hãy dũng cảm tiến về phía trước!”, do đó phá được vòng vây và giành toàn thắng, vậy vị tướng quân đó có được xem là có chính nghĩa, có đạo đức không?

Người đó nói:

— Với những tình huống nguy cấp trên chiến trường, thì cần phải làm như vậy. Nhưng trong cuộc sống hàng ngày mà làm như vậy thì không có đạo đức.

Socrates tiếp tục hỏi:

— Nếu như con anh bị bệnh, lại không chịu uống thuốc, trong trường hợp này, các bậc cha mẹ thường nói với con rằng: “Thuốc rất ngọt”. Nhờ vậy mà chúng chịu uống và khỏi bệnh, như vậy là không có đạo đức sao?

Người đó đành thừa nhận:

— Cha mẹ làm vậy là đúng, không thể xem là không có đạo đức.

Socrates thấy bất mãn, nói:

— Vừa rồi anh bảo nói dối là người không có đạo đức, giờ lại bảo nói dối cũng là có đạo đức. Nói như vậy, không thể đem việc nói dối ra để xác định đạo đức. Rốt cuộc thì như thế nào mới là đạo đức? Anh hãy nói cho tôi biết đi.

Người kia suy nghĩ một lúc rồi nói:

— Một người mà không biết thế nào là đạo đức, thì anh ta không thể làm được việc gì có đạo đức, chỉ khi biết rõ nó thì mới làm được nó.

Lúc này Socrates mới thấy thỏa mãn với câu trả lời đó, ông vừa cười vừa kéo tay anh ta:

— Anh thật là một nhà triết học vĩ đại, nhờ anh mà tôi đã biết được thế nào là đạo đức, cuối cùng thì tôi đã hiểu được vấn đề mà lâu nay vẫn hoài nghi, tôi chân thành cảm ơn anh!

Đây là “nghệ thuật nói chuyện” thông qua cách chất vấn, và lấy ví dụ trong từng hoàn cảnh cụ thể để nhận thức vấn đề một cách toàn diện.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.