100 Câu Chuyện Triết Lý Và Kẻ Trí

CÁNH CỬA BÍ ẨN



Có một vị quan không những tài ba hơn người thông minh tuyệt đỉnh, mà còn là một nhà ngoại giao xuất chúng, rất được nhà vua tin tưởng. Sau khi ông ta chết đi, để tìm được một người có thể thay thế vị trí là điều không dễ dàng. Quốc vương đã cho tìm khắp vương quốc, cuối cùng đã tìm được ba người.

Một người là nhà toán học vĩ đại, ông ta có thể giải được tất cả các vấn đề về toán học. Số học là đòi hỏi sự chính xác tuyệt đối, tất cả các ngành học khác đều là một phần của nó, cho nên có thể nói toán học là khởi nguồn của bách khoa.

Một vị triết gia cũng là nhà ảo thuật vĩ đại, ông ấy có thể sáng tạo thần, sáng tạo lí luận, sáng tạo tất cả, mà không cần nhờ đến bất cứ sự hỗ trợ nào. Ngoài ra ông còn là một nhà văn, sáng tạo thế giới bằng ngôn từ và sự tưởng tượng của mình.

Người thứ ba là một giáo sĩ, người đặt niềm tin tuyệt đối vào Thượng đế, hằng ngày ông đều cầu nguyện trước Thượng đế.

Ba người được chọn cuối cùng này đều là những người thông minh tuyệt đỉnh, họ được đưa đến Hoàng cung gặp Quốc vương:

— Ta cho ba khanh ba ngày nghỉ ngơi cũng là để các khanh có thời gian chuẩn bị, sáng ngày thứ tư bắt đầu thi, ta sẽ chọn một người giành chiến thắng, người đó sẽ là Quốc sư của ta, vì thế ba khanh phải chứng minh được mình là người có trí tuệ nhất.

Vì vậy ba người đều tích cực chuẩn bị theo cách riêng của mình.

“Ba ngày có lẽ không đủ”, nhà toán học nghĩ thầm, ông cần phải nghĩ ra thật nhiều thí nghiệm và phương pháp giải nó, cho nên, ông không ăn, không ngủ liên tục suốt ba ngày này. Vì một khi được chọn, khoảng đời sau này của ông nhất định sẽ rất sung túc, hạnh phúc, cho nên mọi thứ cần được chuẩn bị thật kỹ càng.

Nhà triết học lại nghĩ ra tất cả các tình huống, và cần chuẩn bị tốt tất cả các đề mục có khả năng làm đề thi.

Chỉ có vị giáo sĩ là ăn uống ngủ nghỉ rất thoải mái, ông cầu nguyện hằng ngày, sau đó đi dạo. Bởi vì đối với một người truyền đạo mà nói, vốn dĩ không có đề thi sau cùng, mỗi một thời khắc trôi qua đều giống như đang thi, cho nên ông ấy cần gì phải chuẩn bị.

Cuối cùng cũng đến sáng ngày thứ tư, khi họ đến gặp Quốc vương, thì nhà toán học đã không thể đi được nữa, ông ấy làm thí nghiệm đến kiệt sức, dường như có thể ngã xuống đất bất cứ lúc nào, giờ đây đầu ông ấy vô cùng hỗn loạn, có vẻ sắp phát điên.

Còn vị triết gia bởi vì suy nghĩ quá nhiều, biện luận hết vấn đề này đến vấn đề khác, tinh thần cũng chẳng khá hơn vị toán học kia là bao.

Chỉ có mỗi vị giáo sĩ là tinh thần phấn chấn, vừa đi vừa hát rất vui vẻ, còn thoải mái lắng nghe tiếng chim hót, nhìn ngắm những tia nắng mặt trời, trông như chẳng có chuyện gì khiến ông ấy lo lắng. Bởi ông ấy vốn chẳng cầu mong gì, cũng chẳng ôm bất cứ hy vọng gì.

Khi bọn họ đến, Quốc vương cũng đã chuẩn bị xong một đề thi cho ba người. Cả ba người được dẫn vào một căn phòng, bên trên có một ổ khóa, trên ổ khóa có rất nhiều con số, nhưng lại không có chìa, những con số trên đó là dùng để mở ổ khóa này, nếu như có thể dùng phương pháp đặc biệt để xâu chuỗi được những con số đó lại với nhau, thì cánh cửa sẽ được mở. Người đầu tiên ra khỏi phòng sẽ là người được chọn. Đó chính là câu đố của Quốc vương.

Nhà toán học lập tức bắt đầu ghi các phép tính thực tế, liệt kê các tình huống, rất nhiều các vấn đề ông ta nghĩ được ra giấy, ông ta xem xét, quan sát những con số có trên ổ khóa, không hề lãng phí một giây phút nào, đây là vấn đề then chốt liên quan đến sinh tử.

Nhà triết học cũng lấy khăn bịt mắt ông ta lại, bắt đầu dùng phương pháp của riêng mình để suy luận, câu đố này vừa giải xong đã đến câu đố mới.

Riêng vị giáo sĩ thì chẳng màng nhìn đến ổ khóa, ông ta nghĩ mình còn có thể làm được gì nữa chứ? Ông không hiểu toán học, cũng không biết gì về khoa học thực tiễn, thì có thể làm được gì? Nghĩ thế nên ông bước đến góc phòng và ngồi xuống ca hát, ca một hồi lại nhắm mắt cầu nguyện.

Hai người kia thấy vậy, thầm nhủ ông ta không phải là đối thủ cạnh tranh của họ:

— Trông ông ta như vậy cũng tốt, giờ việc quyết định thắng thua chỉ còn hai người thôi.

Một lúc sau, khi họ nhớ đến vị giáo sĩ kia, thì mới phát hiện ông ta đã đi ra khỏi phòng từ lúc nào rồi, và cửa đã được mở.

Bấy giờ, Quốc vương đi vào nói:

— Hai ngươi còn ở trong này làm gì? Cuộc thi đã kết thúc từ lâu, đã có người ra khỏi phòng rồi.

Họ không hiểu tại sao vị giáo sĩ chỉ ngồi im, không làm gì lại ra được khỏi phòng. Nên bước đến hỏi, vị giáo sĩ mới trả lời:

— Tôi chỉ ngồi đó, cầu nguyện, bỗng có một tiếng nói văng vẳng trong đầu nhắc tôi rằng: “Ông thật ngốc, cần phải qua đó xem thử thế nào, phải xem cửa có khóa hay không chứ”. Cho nên tôi bèn bước đến cửa xem thử ra sao, quả nhiên cửa không khóa, chả có câu đố nào cần phải giải cả, vì vậy tôi mở cửa và đi ra ngoài.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.