NHỮNG NGƯỜI KHỐN KHỔ

PHẦN THỨ NHẤT: PHĂNG TIN (Fantine).QUYỂN I: MỘT CHÍNH NHÂN QUÂN TỬ



I. ÔNG MIRIEN

[4]
Khi pháp luật và phong hóa còn đày đọa con người, còn dựng nên những địa ngục ở
giữa xã hội văn minh và đem một thứ định mệnh nhân tạo chồng thêm lên thiên
mệnh; khi ba vấn đề lớn của thời đại là sự sa đọa của đàn ông vì bán sức lao động, sự
trụy lạc của đàn bà vì đói khát, sự cằn cỗi của trẻ nhỏ vì tối tăm, chưa được giải quyết;
khi ở một số nơi đời sống còn ngạt thở; nói khác đi và trên quan điểm rộng hơn, khi
trên mặt đất, dốt nát và đói khổ còn tồn tại thì những quyển sách như loại này còn có
thể có ích.
HÔTƠVIN – HAODƠ
NGÀY 1-1-1862
*****
Năm 1815, ông Sáclơ Frăngxoa Biêngvơnuy Mirien làm giám mục ở Đinhơ. Đó là một
ông lão chừng bảy mươi lăm tuổi, được cử về đây từ năm 1806.
Điều sau đây chẳng dính dáng tí gì đến nội dung câu chuyện chúng tôi kể, nhưng nêu
ra đây những tiếng đồn, những lời bàn tán về ông lúc ông đến địa phận, có lẽ cũng
không đến nỗi vô ích, dù chỉ là để cho mọi việc được chính xác. Đúng hay sai, miệng
thế thường chiếm trong cuộc đời, nhất là trong vận mệnh người khác, cũng nhiều chỗ
bằng công việc họ làm. Ông Myriel là con một vị bồi thẩm ở tòa thượng thẩm Etxơ,
dòng quý tộc văn thần. Người ta kể rằng, ông thân sinh định dành cho ông thừa kế
chức vụ của mình, nên đã kiếm vợ cho ông rất sớm, từ lúc ông còn mười tám đôi
mươi gì đấy, theo một thói tục khá phổ biến trong các gia đình tư pháp. Sáclơ Mirien
đã có vợ rồi đấy, nhưng theo dư luận, vẫn làm cho người ta nói về mình khá nhiều.
Ông ta tầm vóc hơi thấp bé, nhưng dáng người cân đối lại phong nhã, duyên dáng,
hóm hỉnh; cả quãng đời thanh niên chỉ dành cho việc giao du và trò ong bướm. Cách
mạng xảy đến, sự biến dồn dập, các gia đình tư pháp bị tổn vong, xua đuổi, truy lùng,
tản mát mọi nơi. Ngay từ những ngày đầu Cách mạng, Sáclơ Mirien đã di cư sang Ý.
Vợ ông ta chết bên ấy vì một bệnh phổi mắc sẵn từ rất lâu. Hai vợ chồng không có
con. Sau đó cái gì xảy ra trong thân thế Mirien? Sự sụp đổ của xã hội cũ, sự sa sút của
chính gia đình mình, những cảnh tượng bi thảm năm 93,[5] có lẽ còn ghê sợ hơn đối
với những kẻ di cư, vì đã hoảng hốt mà ở xa thì nhìn cái gì cũng thành phóng đại, tất
cả những cái đó phải chăng đã gieo vào trí ông ta những ý nghĩ từ bỏ công danh, mến
đời ẩn dật? Có phải, giữa những cuộc vui chơi và những tình cảm choán hết cuộc đời,
bỗng dưng ông bị giáng một đòn thần bí, kinh khủng, ngón đòn có khi chỉ vì đánh
trúng tim nên quật đổ con người mà lâu nay các tai họa công cộng đánh vào cuộc
sống và tài sản không sao lay chuyển nổi? Không một ai có thể trả lời được. Chỉ biết
một điều là khi từ Ý trở về, ông ta đã là một cố đạo.
Năm 1804, ông Mirien làm cha xứ ở Brinhôn. Ông đã già và sống cuộc đời ẩn dật.
Vào khoảng lễ đăng quang, ông phải lên Pari vì có chút việc của nhà xứ, việc gì thì
không ai nhớ nữa. Trong số những nhà quyền thế mà ông đến nhờ vả cho con chiên
của ông, có đức giáo chủ Phếch. Một hôm hoàng đế đến thăm cậu, ông linh mục đức
độ ấy đang đợi ở phòng khách nên gặp ngài lúc ngài đi qua. Ngài thấy ông nhìn mình
có vẻ tò mò, liền quay lại đột ngột hỏi:
– Lão nhân là ai mà nhìn ta kỹ thế?
Ông Mirien đáp:
– Tâu bệ hạ, bệ hạ nhìn một lão nhân, còn hạ thần thì nhìn một vĩ nhân, bên nào cũng
được lợi cả.
Ngay tối hôm ấy hoàng đế hỏi giáo chủ tên vị cha xứ và sau đó ít lâu, ông Mirien rất
ngạc nhiên được tin mình thăng chức giám mục thành Đinhơ.
Chẳng ai biết thực hư trong những câu chuyện người ta kháo nhau về đoạn đầu của
cuộc đời ông. Có mấy nhà quen thuộc gia đình ông hồi trước Cách mạng đâu! Thành
ra ông cũng phải chịu cái số phận chung của những người xa lạ mới đến ở một thành
phố nhỏ có lắm kẻ rỗi mồm mà ít người chịu khó suy nghĩ. Ông đành chịu vậy mặc
dù ông làm giám mục và chính vì ông làm giám mục. Thật ra, những chuyện xì xào về
ông chỉ là những chuyện xì xào, những tiếng đồn đại, những lời nói vào nói ra thôi,
nghĩa là toàn những chuyện ba láp cả, như cách nói mạnh mẽ của miền Nam.[6]
Dù sao, chín năm trời ông làm giám mục ở Đinhơ, những chuyện thóc mách người
tỉnh nhỏ ưa đem ra bàn tán buổi đầu ấy dần dần rồi cũng bẵng đi hết. Chẳng một ai
dám nói, mà cũng chẳng một ai dám nhớ đến nữa.
Đến nhậm chức ông có đem theo một người em gái, cô Baptistin. Cô kém ông anh
mười tuổi, ở vậy không lấy chồng. Trong nhà độc một người ở, trạc tuổi cô em, gọi là
bà Magơloa. Trước kia bà là vú già của Cha xứ, nhưng nay bà lại kiêm hai chức, vừa là
hầu phòng của cô em, vừa là quản gia của đức giám mục.
Cô Baptistin người cao lại lép, nước da xanh tái, nét mặt hiền hậu. Cô thực là một
người đáng trọng, vì hình như đàn bà có làm mẹ mới gọi là đáng kính được. Cô không
phải là người có nhan sắc, nhưng một đời tận tụy làm việc thiện đã làm cho cô có một
vẻ gì trong trắng và lúc về già được thêm cái vẻ nhân hậu. Dáng người mảnh dẻ của
thời con gái nay đã nhuốm vẻ thanh cao trong sáng của bậc thiên thần. Cô không phải
chỉ là một trinh nữ, cơ hồ cô là một linh hồn. Người cô như một cái bóng. Chỉ một
chút thể xác để biết là phụ nữa thôi; một chút thể chất rạng chói hào quang. Hai con
mắt to lúc nào cũng nhìn xuống; một cái cớ cho linh hồn nán lại chốn trần tục.
Bà Magơloa là một bà già thấp bé, da trắng, béo tròn, lúc nào cũng tất tả, cũng thở hổn
hển, một phần vì hoạt động, một phần vì chứng hen.
Khi ông Mirien đến nhậm chức, người ta đã đón rước ông về dinh giám mục với mọi
nghi lễ long trọng đúng quy chế nhà vua ban hành. Quy chế này xếp ông liền ngay
sau chức thiếu tướng. Ông thị trưởng và ông chánh án đến thăm ông đầu tiên; phần
ông, trước hết ông cũng đến thăm ông thiếu tướng và ông tỉnh trưởng.
Xếp đặt xong xuôi, ai nấy chờ xem ông giám mục tỉnh nhà bắt tay vào việc.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.