NHỮNG NGƯỜI KHỐN KHỔ

III. HÈ SÁNG RỒl TỐI SẦM



Ănggiônrátx đi quan sát tình hình. Anh theo ngõ Môngđêtua đi ra ngoài, quanh quất men theo các dãy nhà.

Phải nói rằng bấy giờ nghĩa quân lòng đầy hy vọng. Cái cách họ đã đánh lui cuộc tấn công ban đêm làm cho họ hầu như coi thường cuộc tấn công lúc sắp tảng sáng. Họ chờ đợi và họ cười cợt. Họ chẳng hề hoài nghi chút nào về sự thắng lợi cũng như không nghi ngờ chính nghĩa của mình. Vả lại nhất định viện binh sẽ đến với họ. Họ tin tưởng vào đó lắm. Người Pháp khi chiến đấu thường có lối tiên đoán tình hình một cách dễ dãi và đầy lạc quan, làm cho họ có thêm sức mạnh. Với lối đoán trước ấy, nghĩa quân chia cái ngày sắp đến ra làm ba giai đoạn chắc chắn: sáu giờ sáng thì một trung đoàn “mà họ đã vận động” sẽ quay súng, đến trưa thì toàn thể Pari nhất tề đứng dậy, mặt trời lặn thì cách mạng bùng nổ.

Từ tối hôm trước, tiếng chuông báo động ở nhà thờ phố Xanh Meri không hề ngừng một phút. Điều ấy chứng tỏ là chiến lũy kia, cái chiến lũy lớn nhất, chiến lũy của Gian, vẫn còn đứng vững. Tất cả những mối hy vọng ấy, nhóm này chuyển cho nhóm kia trong tiếng xì xào vui vẻ và đáng sợ như tiếng vo ve của đàn ong sắp xung trận.

Ănggiônrátx trở về. Như con chim ưng, anh vừa âm thầm dạo quanh một vòng trong vùng bóng tối ngoài chiến lũy. Hai tay khoanh lại, một bàn tay đặt trên miệng, anh lắng nghe trong chốc lát nỗi vui vẻ của anh em. Trong ánh bình minh mỗi lúc một sáng tỏ, nét mặt anh hiện ra tươi tắn và ửng hồng. Chàng nói:

Toàn bộ quân đội Pari tấn công. Một phần ba đội quân ấy đè lên cái chiến lũy của các đồng chí đấy. Ngoài ra còn có quốc dân quân. Tôi trông rõ mũ giát lông của trung đoàn xung kích số năm và cờ xí của đoàn cảnh vệ quân số sáu. Một giờ nữa các đồng chí sẽ bị tấn công. Còn dân chúng thì hôm qua sôi sục, nhưng sáng nay im lìm. Không còn mong đợi gì nữa, chẳng còn hy vọng vào đâu được. Không một ngoại ô nào, cũng không có một trung đoàn nào hưởng ứng. Các đồng chí bị bỏ rơi rồi.

Các lời nói ấy rơi vào giữa tiếng xì xào của các nhóm nghĩa quân và có tác dụng như giọt mưa giông đầu tiên rơi vào giữa tổ ong. Mọi người đều câm bặt. Một phút im lặng khó tả. Người ta có cảm tưởng như nghe thấy thần chết bay qua.

Nhưng chỉ trong giây lát.

Từ chỗ tối nhất trong đám đông, một tiếng người cất lên nói to với Ănggiônrátx:

Đành vậy! Xây chiến lũy lên cao bảy thước và anh em ta ở cả đấy. Các đồng chí, hãy lấy xác chúng ta mà phản kháng. Phải tỏ ra rằng nếu dân chúng bỏ rơi những người cộng hòa thì người cộng hòa vẫn không bỏ rơi dân chúng.

Lời nói ấy xé tan đám mây nặng nề của những người lo lắng cá nhân, làm cho trí óc mọi người như được giải thoát. Một tràng pháo tay hoan nghênh nó nhiệt liệt.

Mãi sau cũng không ai biết được tên người đã nói. Có lẽ là một người thợ nào đó không ai để ý tới, một người vô danh, một người bị quên lãng, một người qua đường anh hùng. Kiểu người vô danh vĩ đại ấy bao giờ cũng có mặt trong những biến động của loài người, những cơn thai nghén của xã hội. Và đến một giờ phút nhất định, họ nói lên cái lời cuối cùng quyết định, rồi tan biến ngay trong bóng tối, sau khi đã thay mặt cho nhân dân và Chúa một phút trong ánh chớp sáng lòa.

Không khí chung ngày mồng 6 tháng sáu năm 1832 là không khí của sự quyết tâm không gì lay chuyển nổi. Cho nên cũng vào giờ ấy, ở chiến lũy Xanh Meri, nghĩa quân cũng đồng thanh hô to: “Có viện trợ hay không viện trợ, mặc! Chúng ta quyết tử đến người cuối cùng ở đây.” Câu nói ấy thành một câu nói lịch sử và có ghi trong hồ sơ các vụ khởi nghĩa năm ấy.

Như thế, độc giả thấy rõ, mặc dù cách biệt với nhau về mặt vật chất, hai chiến lũy vẫn cảm thông với nhau.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.