NHỮNG NGƯỜI KHỐN KHỔ

III. NHỮNG ĐIỀU NGHIÊM KHẮC



Đợi được vào dòng ít nhất phải hai năm, nhiều khi bốn năm; thời gian tập sự phải bốn năm. Rất hiếm có những bà được khấn nguyện trước tuổi hăm ba, hăm bốn. Dòng tu Bécnađin-bênêđichtin của Máctanh Vécga không nhận vào dòng mình những phụ nữ góa chồng.

trong tu phòng, họ tự dằn vặt, tự đầy đọa xác thịt một cách lạ lùng mà không bao giờ nói với ai. Ngày được chính thức khấn nguyện người nữ tu sĩ mặc những quần áo đẹp nhất, đầu chít một vành hoa hồng trắng; người ta chải dầu thơm và tết tóc cho bà, rồi bà quỳ xuống; người ta phủ lên mình bà một tấm màn đen và hát bài cầu hồn. Bấy giờ các tu sĩ phân ra thành hai hàng, một hàng đi sát bà và nói với một giọng rầu rĩ “Người chị em của chúng ta đã chết” và hàng người kia trả lời với một giọng âm vang “Sống trong lòng Giêsu Cơrít”.

Thời kỳ xảy ra câu chuyện này, trong tu viện có một nhà lưu trú. Nhà lưu trú dành cho các con gái quý tộc, phần lớn là giàu; trong số đó có tiểu thư Xanhtơ Olerơ, tiểu thư Đơ Bêlixen và một cô gái người Anh, mang cái tên nổi tiếng trong giới công giáo là Tanbô. Những cô gái được các tu sĩ nuôi dạy trong bốn bức tường kín, lớn lên với lòng ghê sợ xã hội và ghê sợ cuộc đời: một cô trong số đó có lần nói với chúng tôi: “Chỉ nhìn thấy cái lề đường cũng đủ làm cho tôi ghê sợ rùng mình từ gáy đến chân”. Các cô gái ấy mặc quần áo màu xanh, đội mũ chụp trắng và mang một hình Chúa Thánh Thần bằng bạc hay đồng mạ vàng trước ngực. Vào một số ngày lễ lớn, đặc biệt là vào ngày lễ Xanhtơ Máctơ, tu viện cho phép họ, coi như là một đặc ân và một hạnh phúc lớn lao, mặc áo như các nữ tu sĩ, đi dự lễ và thực hiện mọi biện pháp tắc của thánh Bơnoa suốt một ngày. Lúc đầu các tu sĩ cho họ mượn quần áo đen của mình. Nhưng như thế có phần phàm tục nên mẹ nhất cấm. Chỉ có các tu sĩ mới nhập dòng mới được phép mượn quần áo. Đáng chú ý là những chuyện ấy, có lẽ được xem như bình thường và khuyến khích ở trong tu viện vì một nhiệt tình truyền đạo và để cho các cô gái nhỏ ấy sớm ưa thích cái bộ áo thiêng liêng, lại là một hạnh phúc thực sự và

một điều giải trí đối với họ. Các cô gái nhỏ ấy vui thích một cách hồn nhiên. Đó là một cái mới lạ, nó làm cho họ thay đổi. Thật là những lý do thơ ngây của tuổi trẻ, không thể làm cho chúng ta, những người lớn, trải đời, hiểu được cái sung sướng được cầm cái cần rẩy nước thánh và đứng hàng giờ, tay bốn cùng hát tụng trước giá Kinh.

Những nữ sinh lưu trú này, trừ phần kỷ luật khắc khổ, cũng phải theo hết các tập tục của tu viện. Có cô đã trở về nhà và đi lấy chồng mấy năm rồi mà vẫn chưa bỏ được thói quen nói vội vàng “đời đời” khi nghe có tiếng người gõ cửa. Cũng như các nữ tu sĩ, những cô gái lưu trú chỉ được gặp người nhà ở phòng khách. Những bà mẹ của họ cũng không được phép ôm hôn con. Đây là một ví dụ chứng tỏ sự nghiêm ngặt ấy có thể đến mức như thế nào. Một hôm một cô gái có người mẹ đến thăm, đi cùng với em gái cô, mới ba tuổi. Em bé khóc và muốn hôn chị. Không thể được. Cô gái lưu trú chỉ xin phép cho em cô đưa bàn tay nhỏ qua chấn song để cô có thể hôn bàn tay em. Điều này cũng bị từ chối gần như tàn nhẫn.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.