NHỮNG NGƯỜI KHỐN KHỔ

QUYỂN X: NGÀY 5 THÁNG 6 NĂM 1832: I. BỀ MẶT CỦA VẤN ĐỀ



Bạo khởi bao gồm những gì? Chẳng gì và tất cả. Một luồng điện tỏa dần đần, một ngọn lửa đột nhiên nảy ra, một sức mạnh đang lang thang, một luồng gió bay qua. Luồng gió đó đã gặp những tâm hồn đau khổ, những dục vọng bốc cháy, những cùng khổ đang rú lên, và thổi cuốn những cái đó đi.

Đi đâu?

Những nơi vô định. Đi qua Nhà nước, qua những luật pháp, qua cái thịnh vượng và cái xấc láo của kẻ khác.

Những tin tưởng tức bực, những hăng hái chán chường, những bất bình xúc động, những bản năng hung hăng bị nén ép, những tuổi trẻ can cường bị kích thích, những độ lượng mù quáng, tính hiếu kỳ, tính ưa thay đổi, sự khao khát cái bất ngờ, cái thích thú được xem diễn một trò mới và nghe tiếng còi của người quản trò, những hằn thù vớ vẩn, những oán hận, những thất ý, mọi kiêu hãnh của người đổ lỗi cho số kiếp, những khó chịu, những mộng rỗng, những tham vọng gặp khó khăn, những kẻ hy vọng tìm thấy lối thoát trong cảnh sụp đổ, cuối cùng, ở bậc thấp nhất, cái thứ than bùn bắt lửa, đó là các yếu tố của bạo khởi.

Ở đó có cái gì vĩ đại nhất cũng như cái gì nhỏ nhoi nhất.

Những sinh linh lò dò ở bên ngoài tất thảy, rình chờ một cơ hội, bọn lang thang, bọn vô lại, bọn ma cà bông các ngã tư phố, những kẻ màn trời chiếu đất, những người kiếm bánh ăn hú họa chứ không ở công việc lao động, những kẻ không tên tuổi trong cùng khổ và hư vô, những tay trần chân trụi đều thuộc về bạo khởi.

Ai mang trong lòng một niềm chống đối thầm kín về một sự kiện nào của nhà nước, của cuộc sống hoặc với số phận là người tiếp giáp với bạo khởi; khi bạo khởi xuất

hiện thì họ bắt đầu rung động và cảm thấy như bốc lên bởi cơn bão lốc.

Bạo khởi là một cơn gió hút trong không khí xã hội tạo nên đột ngột trong những điều kiện thời tiết nào đó, trong quay cuồng nó bốc lên, chạy, thét, rút bỏ, san bằng, đè bẹp, đạp đổ, nhổ trốc gốc, cuốn theo nó những bản chất lớn lao cũng như nhỏ yếu, con người kiên cường cũng như con người nhu nhược, cái thân cây cũng như cọng rơm rạ.

Bất hạnh thay những ai bị nó cuốn đi, cũng như những ai bị nó va phải! Nó đem kẻ nọ giập vào người kia cho tan vỡ.

Nó truyền cho những người nó tóm được một mãnh lực phi thường. Ai tầm thường bao nhiêu gặp nó cũng trở nên tràn đầy sức sống của thời cuộc, thứ gì nó cũng biến thành tên đạn để phóng đi. Nó đem hòn đá cuội làm nên viên đạn đại bác, anh phu khuân vác làm nên vị tướng chỉ huy.

Một đôi câu sấm truyền trong các học thuyết chính trị giảo quyệt thì đứng về quan điểm uy quyền, phải cần cho có chút ít bạo khởi. Giáo lý, bạo khởi củng cố cái chính quyền mà nó không lật đổ được. Bạo khởi thử thách quân đội, tập trung giai tầng tư sản, làm giãn gân cốt cho cảnh sát, xác nghiệm sự chắc chắn của giàn giáo xã hội. Đó là một môn thể dục, hầu như là một phép dưỡng sinh. Chính quyền sẽ mạnh khỏe hơn sau một vụ bạo khởi, cũng như con người sau khi xoa bóp.

Ba mươi năm về trước, bạo khởi lại còn được xem xét trên một quan điểm khác nữa.

Về việc gì cũng có một lý thuyết tự xưng là “lương tri”; Philanhtơ chống Anxextơ; trọng tài hòa giải giữa chân và giả; giải thích, cảnh cáo, giảm khinh có chút kiêu kỳ mà tự cho là khôn ngoan, bởi vì có pha lẫn khiển trách và tha thứ, nhưng thực ra chỉ là sính tri thức. Cả một trường phái chính trị mệnh danh là trung dung đã xuất phát từ đó. Giữa nước lạnh và nước nóng, đó là phe nước ấm ấm. Với cái sâu sắc giải kỳ thật là nông nổi, trường phái đó mổ xẻ hậu quả mà không truy đến nguyên nhân và đứng trên diễn đàn bán thông thái của mình mà mạt sát những náo loạn ở nơi công cộng.

Hãy nghe trường phái đó nói: “Những bạo khởi làm rắc rối sự kiện 1830 đã làm mất tính cách thuần nhất của biến cố lớn lao đó. Khởi nghĩa tháng Bảy là một luồng gió bình dân mạnh mẽ sau đó bỗng hiện trời xanh. Các bạo khởi khiến cho thanh thiên tái hiện. Nó làm cho cuộc cách mạng đang nhất tề là thế biến chất thành xung đột. Trong Cách mạng tháng Bảy cũng như trong mọi bước tiến bộ nhảy cóc, có những rạn nứt, chính bạo khởi làm cho những rạn nứt đó dễ thấy. Người ta có thể nói: “À! Cái này đã vỡ. Sau Cách mạng tháng Bảy, người ta chỉ cảm thấy sự giải thoát, sau các bạo khởi, người ta cảm thấy tai họa.

Mọi bạo khởi làm các hiệu buôn đóng cửa, vốn sụt, sở giao dịch chứng khoán kinh hoàng, thương mại đình trệ, kinh doanh trở ngại, phá sản dồn gấp; hết tiền; gia sản tư nhân lo âu, công quỹ rúng động, công nghiệp ngập ngừng, tư bản lùi bước, lao động hạ giá, đâu đâu cũng có hiện tượng sợ hãi, dội phản xảy ra khắp các thành phố. Do đó những vực thẳm mở ra. Người ta tính ngày đầu bạo khởi đã làm nước Pháp tổn thất hai mươi triệu, ngày thứ hai bốn mươi, ngày thứ ba sáu mươi. Một cuộc bạo khởi ba ngày làm tốn một trăm hai mươi triệu: nếu chỉ xét về hậu quả tài chính thì tổn thất đó ngang với một tai họa kiểu đắm tàu hay thất trận làm hủy hoại một hạm đội sáu mươi tàu chiến đấu.

Đành rằng về phương diện lịch sử thì bạo khởi cũng có cái đẹp của nó. Giặc trên đường phố hùng tráng, cảm động không kém giặc trong lùm cây. Ở đó có linh hồn của rừng rú, ở đây là trái tim của thị thành. Ở đó có Giăng Suăng, ở đây có Giannơ. Bạo khởi soi rọi bằng đèn đỏ, nhưng rực rỡ, các khía cạnh độc đáo trong tính cách con người Pari, lòng quảng đại, sự tận tình, cái vui tính náo nhiệt, sự chứng thực dũng cảm là bộ phận của thông minh qua các sinh viên, quốc dân quân không lay chuyển, lều hành quân của các anh chủ hiệu, pháo đại của lũ nhóc con, sự khinh thường chết chóc của khách qua đường. Trường học và binh đoàn đấu với nhau.

Chung quy giữa các đối thủ chỉ có sự khác biệt về tuổi tác.

Cùng một chủng tộc, cùng một loại người dũng cảm đó thôi, những kẻ tuổi hai mươi chết vì lý tưởng, những kẻ bốn mươi chết vì gia đình. Luôn luôn buồn bã trong các

cuộc nội chiến, quân đội lấy thận trọng địch với táo bạo. Trong khi phô bày cảnh dũng cảm của dân chúng, bạo khởi rèn luyện lòng can đảm cho tư sản.

Tốt lắm. Nhưng tất cả những cái đó có ngang bằng với bấy nhiêu máu đổ hay không? Rồi cộng với đổ máu, còn có tương lai tối mò, tiến hóa bị thương tổn, lo âu xâm chiếm những người tốt, những người phái tự do trung thực bị thất vọng, các chế độ độc đoán nước ngoài đắc ý vì những vết thương cách mạng tự gây cho mình, những người bại trận năm 1830 đắc chí nói: “Chúng ta đã báo trước mà!” Phải thêm vào điều này: Pari lớn thêm có lẽ, nhưng nước Pháp bé đi, chắc rồi. Thêm nữa, vì cần phải nói cho hết, những cuộc tàn sát, những cuộc tàn sát thường hay làm ô nhục chiến thắng của trật tự – đã trở thành hung tợn – đối với tự do đã hóa điên rồ. Chung quy bạo khởi là tai hại!”

Đó là lời lẽ của cái gần như là sự khôn ngoan, mà cái gần như dân chúng, tức là giai tầng tư sản, vui lòng chấp nhận.

Về phần chúng tôi, chúng tôi bác cái danh từ quá rộng nghĩa, do đó quá tiện lợi là: những cuộc bạo khởi. Giữa một phong trào dân chúng này và một phong trào dân chúng khác, chúng tôi có phân biệt. Chúng tôi không tự hỏi một cuộc bạo khởi có tốn bằng một trận đánh hay không. Mà tại sao lại so với một trận đánh? Ở đây vấn đề chiến tranh lại đặt ra. Chiến tranh có phải là một đại họa ít nặng nề hơn bạo khởi hay không? Vả lại, có phải tất cả các cuộc bạo khởi đều là đại họa không? Và 14 tháng Bảy làm tốn một trăm hai mươi triệu bao giờ? Chỉ có việc đặt Philip V lên ngai vàng Tây Ban Nha là đã làm tốn cho Pháp hai tỉ. Dù có tốn ngang nhau đi nữa, chúng tôi cũng chọn 14 tháng Bảy. Vả lại chúng tôi bác bỏ những con số có vẻ lý lẽ mà thực ra chỉ là danh từ đó. Đối với một cuộc bạo khởi nhất định, chúng tôi nhận xét nó tự trong bản thân nó. Những sự bác khước có tính lý thuyết trình bày ở trên, chỉ nêu hậu quả, chúng tôi thì tìm nguyên nhân.

Chúng tôi nói cụ thể hơn.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.