NHỮNG NGƯỜI KHỐN KHỔ

QUYỂN VI: ĐÊM TRẮNG: I. NGÀY 16 THÁNG HAI 1833



Đêm 16 rạng 17 tháng hai 1833 là một đêm tốt lành. Ở trên khoảng bóng tối đêm sâu, vòm trời quang đãng. Đêm ấy là đêm hôn lễ của Mariuytx và Côdét.

Cả hai ngày vừa qua cũng rất đẹp.

Hôn lễ này không phải là cái hôn lễ mà ông ngoại mơ tưởng, nghĩa là một ngày hội thần tiên có vô số thiên thần và tiên đồng bay lượn trên đầu đôi vợ chồng mới cưới, một hôn lễ đáng chạm lên viền cửa. Tuy nhiên cũng rất êm đềm và vui vẻ.

Cách cưới xin năm 1833 khác với ngày nay. Hồi đó, nước Pháp chưa mượn của nước Anh cái kiểu tế nhị tối cao là đem ngay vợ đi sau khi ở nhà thờ ra, trốn một nơi nào đó vì xấu hổ với cảnh hạnh phúc của mình, và phối hợp hành tung của một anh vỡ nợ với niềm say sưa của thiên Thần tụng. Hồi đó, người ta chưa hiểu tính chất thanh khiết đoan trinh và lý thú của việc cho hạnh phúc của mình nhồi xóc trong xe trạm, lấy tiếng lóc cóc của bánh xe làm nhịp cho nói huyền bí riêng tư, dùng giường quán làm giường cưới; lại còn trả một đêm một số tiền cho cái buồng chung chạ để lưu lại đằng sau mình cái kỷ niệm thiêng liêng nhất lẫn lộn với những cảnh đối diện với anh xà ích và chị gái quán.

nửa sau cái thế kỷ mà chúng ta đang sống đây, ông xã trưởng với chiếc băng choàng, ông cố đạo với cái áo lễ, pháp luật và Chúa không đủ nữa. Phải bổ sung bằng anh đánh xe trạm ở Lônggiuynô; áo vét xanh viền đỏ, cúc hình nhạc đồng, lập lắc đeo tay, quần cộc bằng da màu xanh, thét chửi để thúc những con ngựa Noócmăng buộc đuôi, cầu vai giả, mũ đánh bóng, tóc rắc phấn, roi to, ủng khỏe. Người Pháp chưa nâng mức mỹ lệ lên đến chỗ tổ chức cho người ta ném một trận mưa giầy sờn dép cũ lên mái xe của đôi vợ chồng mới cưới, như giới thượng lưu Anh; cái tục lệ đó được đặt ra để tưởng nhớ Sơcsin, từ khi Mácbôrút cưới vợ mà bị bà cô nổi trận lôi đình và cái lôi đình đó mang may mắn đến cho ông ta. Dép và giầy vải chưa tham dự vào lễ cưới

của chúng ta. Nhưng hãy kiên nhẫn, mỹ tục còn phát triển thì rồi chúng ta sẽ đến đó thôi.

Một trăm năm trước cái thời 1833, người ta không tổ chức lễ cưới trên xe ngựa đi nước kiệu lớn.

Thời đó, người ta nghĩ một cách kỳ quặc rằng hôn lễ là một ngày lễ gia đình và xã hội, và một bữa tiệc gia tộc không làm hỏng vẻ long trọng thân tình; người ta cho là vui nhộn dù thái quá mà lành mạnh vẫn không làm thiệt gì cho hạnh phúc; cuối cùng, nếu việc hòa hợp hai số kiếp mà bắt đầu từ nhà cha mẹ, và từ đó buồng cưới sẽ là người chứng của đôi vợ chồng trẻ, thì chỉ có tốt và thành kính thôi.

Nghĩ như thế cho nên thời đó người ta trâng tráo làm đám cưới tại nhà.

Vậy nên hôn lễ Mariuytx cử hành ở nhà lão Gilơnócmăng, theo cái mốt ngày nay lỗi thời.

Dù việc cưới xin là việc tự nhiên, việc thường ngày nhưng mọi thủ tục niêm yết, giấy tờ phải làm, công việc ở thị sảnh, ở nhà thờ, bao giờ cũng có vài rắc rối. Cho nên không thể thu xếp xong trước ngày 16 tháng hai.

Cũng chỉ nói thêm cho chính xác thôi, ngày 16 lại trúng vào ngày lễ “Thứ ba béo”.

Mọi người do dự, ngại ngần, nhất là bà dì Gilơnócmăng. Nhưng lão Gilơnócmăng bảo:

Thứ ba béo! Càng tốt. Tục ngữ có câu: Cưới ngày thứ ba béo

Không sinh con bạc bẽo

Cứ như vậy, 16 thì 16. Mariuytx, con muốn hoãn lại chăng?

– Hẳn là không ạ. Anh chàng si tình trả lời.

– Thế thì cứ cưới đi. Ông già nói.

Đám cưới tổ chức ngày 16, bất chấp chuyện vui công cộng.

Hôm ấy trời mưa, nhưng một đôi trai gái yêu nhau lúc nào cũng tìm thấy một mảnh trời dành riêng cho họ, dù mưa đổ khắp nơi.

Ngày hôm trước Giăng Vangiăng đã giao cho Mariuytx, trước mặt lão Gilơnócmăng, số tiền năm trăm tám mươi bốn nghìn phơrăng.

Cuộc hôn nhân làm theo chế độ cộng đồng tài sản[431] cho nên giấy tờ cũng đơn giản.

Bà Tútxanh, Giăng Vangiăng không cần nữa, Côdét được thừa hưởng và nâng lên làm hầu phòng.

Còn Giăng Vangiăng thì ở nhà lão Gilơnócmăng đã có một gian phòng xinh xắn xếp đặt riêng cho ông ta; Côdét đã bảo ông: “Cha ơi! Con van cha đấy”, thiết tha đến nỗi Giăng Vangiăng phải hầu như hứa với nàng ông sẽ đến ở.

Mấy hôm trước ngày cưới, Giăng Vangiăng gặp một điều không may. Ông bị dập nhẹ ngón tay bên phải, vết thương không nặng lắm, ông không để cho ai săn sóc, băng bó cho ông, cũng không để cho ai trông thấy nữa, cả Côdét cũng vậy. Nhưng ông cũng phải lấy vải quấn bàn tay và treo cánh tay lên vai nên ông không ký được vào giấy tờ. Lão Gilơnócmăng đỡ đầu dự khuyết cho Côdét phải thay ông ký.

Chúng tôi không dẫn độc giả đến thị sảnh hay nhà thờ. Người ta không lẽo đẽo đi theo đôi trai gái yêu nhau cho đến tận đây; thường thường khi chú rể đã gài vào ve áo cánh hoa chú rể thì mọi người quay lưng không đi sâu vào cuộc tình duyên kia nữa. Chúng tôi chỉ kể lại một sự việc mà những người dự đám cưới không để ý tới, xảy ra trên quãng đường từ phố Phiơ đuy Canve đến nhà thờ Xanh Pôn.

Lúc bấy giờ người ta đang lát lại đầu đường phía Bắc phố Xanh Luy, xe cộ bị chặn lại từ ngang phố Pácroaian. Đoàn xe đám cưới không thể đi thẳng đến nhà thờ Xanh Pôn.

Bắt buộc phải đi lối khác, đơn giản nhất là vòng phía đại lộ. Một người dự đám cưới bảo đại lộ sẽ vướng rất nhiều xe vì là ngày hội thứ ba béo. Lão Gilơnócmăng hỏi: – Vì sao? Người kia trả lời: – Vì có những đoàn người trá hình. Lão đáp: – Tuyệt lắm! Cứ đi lối ấy. Hai trẻ lấy nhau, chúng sắp vào cuộc đời, cũng nên để cho chúng làm quen với cái trò trá hình này một chút.

Đám cưới đi về phía đại lộ. Chiếc xe hòm đầu tiên là xe Côdét, có bà dì Gilơnócmăng, lão Gilơnócmăng và Giăng Vangiăng. Mariuytx ngồi chiếc xe thứ hai vì theo tục bấy giờ chú rể chưa được ngồi cùng cô dâu. Đoàn xe cưới đi khỏi phố Phiơ đuy Canve thì xếp ngay vào dãy xe dài vô tận từ phố Mađơlen đến nhà Bátxti và từ nhà Bátxti đến phố Mađơlen. Trên đường đầy rẫy những người trá hình. Mặc dầu thỉnh thoảng trời lại mưa, bọn hề vẫn đi giễu. Với cái không khí vui nhộn mùa đông năm 1833 ấy, Pari đã biến thành Vơnidơ.[432] Bây giờ thì không còn những ngày hội thứ ba béo như thế nữa vì không còn những cuộc diễu trá hình của dân chúng.

Hai bên lề đường chật ních người qua lại, cửa sổ đầy những bộ mặt tò mò, những hàng hiên các rạp hát cũng chen chúc người xem. Người ta xem những người trá hình, người ta xem cái dãy xe đủ kiểu như ở trường đua Lôngsăng, đi rất trật tự theo kỷ luật đi đường của cảnh sát, xe nọ bám xe kia như trên đường ray. Người ngồi trên xe vừa được xem vừa được người ta xem. Những viên đội cảnh binh ở hai vệ đường đứng giữ trật tự, để cho hai dãy xe vô tận đi song hành ngược chiều với nhau không va chạm gì như hai dòng suối, một chảy xuôi về đường Đăngtanh, một chảy ngược lên ô Xanh Ăngtoan. Xe mang huy hiệu của những vị đại thần và đại sứ đi lại tự do ở giữa lòng đường.

Một vài đoàn hoa lệ vui nhộn, đặc biệt là đám rước Bò béo, cũng hưởng đặc quyền ấy. Nước Anh vút roi trên cảnh vui nhộn của Pari, xe trạm của huân tước Xâynua chạy qua ầm ĩ, với một mệnh danh dân gian bám theo sau.

Trong hai dãy xe, có những lính cảnh vệ phi ngựa kèm dọc theo như những con chó chăn cừu, người ta thấy đây đó những cỗ xe nhà hiền lành chật cứng những bà dì, bà

cô, bà cố. Trong khung cửa các xe đó, có những trẻ con trá hình; hề lên bảy, hề gái lên sáu; những người bé rất dễ yêu đó cảm thấy mình được chính thức tham gia và tỏ ra nghiêm trang như những viên chức. Thỉnh thoảng lại tắc nghẽn khiến một trong hai dãy xe xuôi ngược phải dừng lại, cho đến khi gỡ xong cái nút rối. Một chiếc xe vướng thì cả dãy xe bị tê liệt. Sau đó dòng xe lại chuyển bánh.

Đoàn xe đám cưới ở trong dãy xe đi về phía nhà Bátxti dọc theo phía bên phải đại lộ. Đến ngang phố Pôngtôsu đoàn xe ngược lại một lát. Vừa đúng lúc ấy, ở bên kia đường, dãy xe đi về hướng phố Mađơlen cũng dừng lại. Ngay chỗ ấy có một chiếc xe trá hình.

Những chiếc xe ngựa, hay nói đúng hơn, những chiếc xe bò chở người trá hình ấy, người dân Pari rất quen thuộc. Nên ngày thứ ba béo, hay ngày lễ giữa tuần chay mà không có những chiếc xe trá hình ấy thì nhân dân cho là có điều gì không hay, và sẽ bàn tán: chắc có ẩn tình gì đây. Có lẽ nội các thay đổi mất! Những Cátxăng, Áccơlanh Côlôngbin[433] lóc xóc trên những chiếc xe ấy, ngất ngưởng trên đầu khách bộ hành, những người lố lăng nhất, từ anh chàng Thổ trá hình đến người đóng mọi rợ, những đô lực sĩ nâng những bà hầu tước, những mụ hàng cá khiến đến Rabơle[434] phải bịt tai, những mụ lẳng lơ làm cho Arixtophan[435] phải cúi mặt, tóc giả bằng sô gai, may ô hồng, mũ công tử vỏ, kính thằng hề, mũ ba sừng có con bướm vờn của Gianô, tiếng la

ném xuống người bộ hành, hay chống nạnh, đủ các bộ điệu lõa lồ, vai trần, mặt nạ, cả một mớ trò trâng tráo do một anh xà ích đội mũ hoa đưa diễu qua đường; đó là tục lệ xe trá hình.

Hy Lạp cần cỗ xe tải của Têxpi, Pháp cần chiếc xe ngựa của Vađê.

Cái gì cũng có thể nhại được, rập được, kể cả bản khuôn rập. Ngày hội Xatuyết, cái nhăn nhó của vẻ đẹp cổ đại ấy, từ phóng đại này đến phóng đại khác, đã trở thành ngày thứ ba béo; ngày hội Báccuýt, ngày xưa có vành cành nho, tràn trề ánh nắng, với những bộ ngực cẩm thạch phơi bày trong cảnh bán khỏa thân thần thánh, ngày nay đã nhũn đi dưới cái tã ướt sũng phương Bắc, rốt cục đã mang cái tên gọi là ngày hội mặt

nạ.

Tục diễu xe trá hình xuất hiện từ những thuở xa xưa của chế độ quân chủ. Sổ sách của Luy XI cấp cho quan quản các “hai mươi xu đúc ở Tua về ba cỗ xe trá hình ở ngã tư”. Ngày nay những mớ người ồn ào quái lạ ấy chồng đống nhau lên những chiếc xe ngựa hai bánh cổ lỗ hay những chiếc xe hàng bốn bánh của nhà nước bỏ cả mui xuống; hàng hai mươi người chồng chất lên một chiếc xe sáu chỗ; trên ghế chính, trên ghế phụ, trên vành mui, trên gọng xe; đứng, nằm, ngồi, quặp chân vào, thõng chân xuống, đàn bà ngồi trên gối đàn ông. Tất cả hai núi người điên cuồng vui nhộn ấy, từ đằng xa đã thấy nổi lên trên làn sóng đầu người.

Những xe người ấy tạo nên những núi nhộn giữa đám đông lộn xộn. Côlê, Pana và Pirông từ đó mà ra, giàu có thêm bao nhiêu tiếng lóng. Từ trên chót vót ấy, người ta phun những lời nhật tụng thô tục xuống công chúng. Chiếc xe chồng đống chương khê ấy nghênh ngang kiêu hãnh trên đường: ồn ào đằng trước, ầm ĩ sau lưng, chửi rủa, hò hét, kêu gào, quằn quại vì sung sướng; vui cười gầm thét lên, chế nhạo nảy lửa, bông lơn phô trương màu đỏ sực, hai con lừa khổ kéo chiếc xe hí kịch trình bày như một cuộc lễ phong thần. Đó, chiếc xe chiến thắng của thần Cười.

Nhưng vui cười trâng tráo quá nên cũng không thể là thành thật. Cái vui nhộn ấy có một cái gì đáng nghi ngờ. Cái vui nhộn ấy có một nhiệm vụ làm cho người dân Pari tin ở trò vui ấy.

Những chiếc xe hàng tôm, hàng cá ấy giấu giếm một cái gì tối tăm làm người hiểu biết phải suy nghĩ. Có bàn tay của chính phủ trong đó. Người ta thấy sờ ở giữa những người nhà nước và những người nhà thổ một mối quan hệ bí mật.

Chồng chất ô nhục để làm ra vui nhộn, lấy xấu xa nhơ nhuốc để cám dỗ dân chúng, một đồng một cốt, thằng ngô con đĩ vừa làm trò vui cho quần chúng vừa đương đầu quần chúng, cả cái đống người kinh khủng ấy diễu trên bốn chiếc bánh xe những mớ tã hào nhoáng nửa rác rưởi, nửa ánh sáng, vừa sủa vừa hát làm cho quần chúng vui phá lên, vỗ tay hoan nghênh cái vinh quang làm bằng ô nhục, rồi phải có cả một đội

cảnh sát điều khiển những con giao long hai mươi đầu ấy, có thế mới làm được hội hè cho nhân dân, thì thật cũng đáng buồn, nhưng biết làm thế nào? Những chiếc xe cộ bùn nhơ rác rưởi kết hoa, kết dải ấy quần chúng vừa chửi vừa tha thứ. Tiếng cười chung ấy như đồng lõa với sự sa đọa chung kia. Những tiếng hội hè trụy lạc ấy làm tan rã quần chúng, biến họ thành đám đông ô hợp. Quần chúng sa đọa cũng như bọn bạo chúa, đều ưa thích những thằng hề.

Vua có Rôcơlơrơ, dân có Paidatxơ. Pari là thành phố lớn cuồng vui mỗi khi nó không là thành phố lớn tuyệt diệu. Hội hè là bộ phận của chính trị. Phải thú nhận là Pari vui lòng xem diễn trò qua sự ô nhục. Nó chỉ đòi hỏi ở những ông chủ – khi nó có chủ – một điều thôi là bôi son trát phấn cho bùn nhơ. Rômơ cũng có tính cách ấy: Rômơ ưa Nêrông, Nêrông là một anh hề chợ phiên khổng lồ.

Chúng tôi đã nói tình cờ một đống người kỳ quái ấy gồm cả đàn bà và đàn ông trá hình lắc lư trên một chiếc xe rộng lớn, dừng lại ở phía trái đại lộ khi đoàn xe cưới dừng ở bên phải. Chiếc xe trá hình bên kia đường nhìn thấy chiếc xe cô dâu đối diện ở bên này.

Kìa một đám cưới. Một người trá hình kêu lên.

Đám cưới giả. Một người khác trả lời. Chúng ta mới là đám cưới thật.

Vì quá cách xa, họ không réo gọi đám cưới kia được và cũng sợ bọn cảnh binh can thiệp, hai người này quay nhìn chỗ khác.

Tất cả cái đám người trên xe trá hình ấy cũng đang gặp lúc khó khăn, họ đang phải đối đáp với tất cả quần chúng dưới đường đang la ó giễu cợt họ, đó là cảnh đám đông mơn trớn các xe trá hình, hai người trá hình trên kia cũng phải nhập với cả bọn để đương đầu với đám dân chúng kia, những tiếng thô tục hàng tôm hàng cá tung ra tất cả cũng không thừa để đối đáp lại những tràng văng tục của công chúng. Giữa hai bên có sự thay đổi gớm ghiếc những lời bóng gió.

Khi đó hai người trá hình khác cùng trong chiếc xe ấy, một đóng vai Tây Ban Nha với

cái mũi khổng lồ, một vẻ người già nua và bộ ria đen cùng với mụ hàng cá gầy gò, còn là con gái, mang một cái mặt nạ chó sói; hai người này cũng nhận thấy đám cưới. Khi mọi người trá hình trên xe và quần chúng ở dưới la ó chửi bới nhau thì hai người này nói chuyện riêng.

Câu chuyện riêng ấy chìm ngập trong tiếng ồn ào.

Những làn mưa đổ xuống, làm ướt đẫm cả chiếc xe rộng không mui. Gió tháng hai cũng chẳng ấm nào, mụ hàng cá mặc áo hở vai vừa trả lời người Tây Ban Nha vừa run cầm cập, cười và ho luôn mồm.

Đây là lời đối thoại của họ.

Này!

Cái gì ông bố?

Mày có trông thấy lão già kia không?

Lão kia, trong xe cưới thứ nhất, ngồi bên phía chúng ta.

Lão có cánh tay treo bằng cái dải đen ấy à?

Phải.

Thế làm sao?

Tao nhận được nó, chắc lắm.

-Thế à?

Tao mà không nhận ra cái lão Pariđiêng này thì cứ xin cắt cổ tao đi, và cả đời tao không nói anh, mày, tao gì được sất.

– Hôm nay Pari thật là trò múa rối.

Mày cúi xuống một chút xem có trông thấy cô dâu không?

Không.

Chú rể?

Chú rể không có ở trong xe ấy.

Hừ!

Họa chú rể là lão già thứ hai ấy!

Cúi nữa! Cố nhìn thấy cô dâu.

Không thể được.

Thôi cũng được, cái lão già buộc cẳng tay kia chắc chắn là tao biết.

Bố biết thì làm cái gì?

Biết đâu đấy, có khi.

Bọn lão già thì được cái thá gì? Tôi cóc cần.

Tao biết hắn.

Thì cứ tha hồ.

Thế quái nào mà hắn lại dự cái đám cưới này nhỉ?

Thế thì chúng ta cũng dự đám cưới cả chứ sao?

Đám cưới này ở đâu nhỉ?

Cứ làm như là tôi biết ấy?

Này nghe tao.

Cái gì?

Xuống xe và theo dõi đám cưới này.

Để làm gì?

Xem đám cưới ấy ở đâu, đám cưới ấy là gì. Mau lên. Xuống xe đi, con gái của bố, con là thanh niên mà.

Tôi không rời được cái xe này.

Sao thế?

Người ta mướn tôi.

Bực nhỉ!

Tôi phải làm con mẹ hàng cá một ngày, cho trên sở.

Ừ nhỉ.

Nếu tôi rời khỏi cái xe này thì viên thanh tra cảnh sát đầu tiên trông thấy tôi là sẽ bắt ngay tôi. Bố biết chứ?

Phải, tao biết.

Ngày hôm nay chính phủ mua tôi rồi.

Không sao. Nhưng cái lão già kia làm tao bực mình.

Những lão già làm bố bực mình à, nhưng bố có phải là con gái đâu.

Hắn ở trong xe thứ nhất.

Thế sao?

Trong xe có cô dâu.

Rồi sao?

Thế thì hẳn là bố.

Thế thì việc gì đến tôi?

Tao bảo hắn là bố mà.

Không phải chỉ có người bố ấy thôi.

Này nghe tao.

Cái gì?

Tao, tao phải trá hình mới ra ngoài này được. Ở đây tao giấu mặt được, không ai biết tao là ai. Nhưng ngày mai không còn mặt nạ nữa. Mai là ngày thứ tư lễ Tro rồi. Tao ra đường sẽ bị tóm nên phải chui vào lỗ thôi. Mày, mày có thể đi lại tự do được.

Chẳng tự do lắm.

Cũng tự do hơn tao rồi.

Thế thì sao?

Mày phải cố dò xem đám cưới này đi đến đâu.

Đến đâu à?

Phải.

– Thế thì biết rồi.

Thế nó đến đâu?

Đến Cađơrăng Bơlơ.

Không phải về phía ấy.

Thế thì đến Larapê.

Hoặc thì chỗ khác.

Nó đến đâu thì đến, đám cưới là tự do.

Không phải chuyện ấy. Tao bảo mày phải cố tìm ra cho tao cái đám cưới ấy là đám cưới gì, cái đám cưới có lão già ấy, cái đám cưới ấy ở đâu?

May nhỉ! Chuyện đùa đấy! Dễ tìm ra được một đám cưới ở Pari trong ngày hội thứ ba béo, tám ngày sau! Đáy bể mò kim. Dễ thường làm được đấy hẳn?

Muốn thế nào, phải cố tìm cho ra, nghe chưa Adenma?

Hai dãy xe lại chuyển bánh đi ngược chiều nhau hai bên đại lộ; chiếc xe trá hình không nhìn thấy chiếc xe cô dâu nữa.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.