NHỮNG NGƯỜI KHỐN KHỔ

QUYỂN II: NHÀ ĐẠI TƯ SẢN: I. CHÍN MƯƠI TUỔI VỚI BA MƯƠI HAI CHIẾC RĂNG



Phố Busơra, phố Normăngđi và phố Xanhtông ngày nay còn vài người dân cũ nhắc đến một cụ già tên là Gilơnoócmăng, nhắc đến một cách thích thú. Khi họ còn là thanh niên thì ông lão này đã già rồi.

Đối với những ai bùi ngùi nhìn về cái quá khứ rộn ràng những bóng dáng lờ mờ thì cái hình ảnh ấy hãy còn chưa mất hẳn trong những đường sá chằng chịt như mạng nhện gần khu Tăngpơlơ.

Thời vua Lui XIV, các đường phố ấy mang tên tất cả các tỉnh nước Pháp, giống như bây giờ ở khu Tivôi, người ta lấy tên của tất cả các thủ đô châu Âu mà đặt cho các phố. Nhân tiện nói qua: đấy là một sự tiến lên, dấu hiệu của tiến bộ.

Năm 1831 lão Gilơnoócmăng vẫn còn khỏe mạnh như mọi người. Lão đã thành ra một nhân vật rất lạ mắt chỉ vì sống lâu quá và kỳ dị, vì không giống một ai bây giờ nữa, tuy ngày xưa lão cũng giống tất cả mọi người. Thật là một ông già đặc biệt, người của một thời đại khác, một người tư sản hoàn chỉnh và hơi kiêu hãnh của thế kỷ mười tám, một người mang cái dòng dõi tư sản của mình với cái vẻ của các vị hầu mang tước hầu của họ. Lão đã ngoài chín mươi tuổi nhưng lưng vẫn chưa còng, nói vẫn sang sảng, rượu vẫn đánh tì tì, mắt vẫn sáng, ăn nói vẫn khỏe, ngủ vẫn ngáy vang. Lão vẫn còn nguyên ba mươi hai cái răng. Khi đọc sách lão mới cần kính. Vẫn đa tình, nhưng thường nói rằng từ mười năm nay đã dứt khoát không bén mảng đến đàn bà nữa. Lão bảo rằng: không thể làm cho đàn bà cảm được nữa; lão không bảo vì lão già khọm, nhưng lão bảo vì lão đã nghèo rồi. Lão nói: “Nếu ta không bị sa sút thì… hừ… hừ…!”

Lão chỉ còn một số lợi tức chừng mười lăm nghìn phơrăng. Điều ước mơ của lão là gom góp một cái gia tài lớn, có được một trăm nghìn phơrăng lợi tức để bao được vài mụ nhân tình.

Người ta thấy rõ lão không phải thuộc lớp người tám mươi gầy còm, ốm yếu, lúc nào cũng khặc khừ sắp chết như ông Vônte, không phải cái thứ tuổi thọ hom hem rạn nứt, lão già cứng cáp này vẫn luôn luôn mạnh khỏe.

Nhận thức của lão nông cạn, vội vàng, lão tính hay cáu bẳn, nổi nóng luôn một cách vô lý. Khi người ta nói trái ý lão, lão vung cái gậy lên; lão đánh đập người ta như hồi “thế kỷ lớn” trước. Lão có một cô gái năm mươi tuổi không chồng, mà lão mắng và đánh như đánh mắng một đứa trẻ lên tám. Lão tát người ở ra trò và chửi luôn mồm: đồ chết giẫm! Lão quen rủa: ôi cái quân giầy rách, cái quân giầy rách nầy! Lão có những thói thường kỳ lạ: hàng ngày lão để một người thợ cạo, trước kia đã mắc bệnh điên, cạo mặt cho lão; người thợ cạo ghét lão lắm, hắn ghen với lão vì vợ hắn xinh và lẳng lơ. Lão tự phụ mình biết phán đoán mọi điều và tự hào là rất tinh ý. Lão thường nói: “Kể ra mình cũng là một người sâu sắc; một con rận đốt, mình có thể đoán được con rận ấy của mụ đàn bà nào lây sang”.

Những lời mà lão thường nhắc là con người có cảm xúc và thiên nhiên. Lão không hiểu cái từ thứ hai này với cái khái niệm lớn lao mà thời đại chúng ta đã trả lại cho nó. Lão dùng theo kiểu của lão, trong những chuyện châm biếm bên cạnh lò sưởi. Lão nói: “Muốn làm cho văn minh cái gì cũng có nên thiên nhiên cho ta cả những cái mẫu man rợ rất ngộ nghĩnh. Châu Âu có những tiêu bản thu nhỏ lại của châu Á và châu Phi. Con mèo là con hổ phòng khách, con thằn lằn là một con cá sấu bỏ túi, các vũ nữ rạp Ôpêra là những cô gái rừng da hồng. Các cô ấy không ngoạm mà gặm các chàng trai. Hay là các mụ phù thủy! Các mụ biến họ thành những con sò và nuốt chửng họ. Người mọi Caraibơ ăn thịt người để lại xương, các cô ấy để lại vỏ. Phong tục của ta là như thế. Chúng ta không ngốn, chúng ta nhấm. Chúng ta không tiêu diệt một lúc, chúng ta xé dần”.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.