NHỮNG NGƯỜI KHỐN KHỔ

V. CÓ THỨ CÁT MỊN MÀ NGUY HIỂM, CŨNG NHƯ CÓ NGƯỜI ĐÀN BÀ TẾ NHỊ MÀ GIẢO QUYẾT



Giăng Vangiăng thấy mình đã bước xuống nước; dưới chân không phải là đá nữa mà chỉ có bùn.

một vài nơi trên bờ biển Brơrơtanhơ[419] hay Êcốt[420] đôi khi có người bộ hành hay người đánh cá, gặp khi triều rút, đi trên bãi cát cách xa bờ, bỗng cảm thấy đã lâu mình bước chân đi hơi khó nhọc. Bãi bể như có chất nhựa và bàn chân như dính chất ấy. Cơ hồ không phải là cát nữa mà là nhựa vậy. Cát thì khô hẳn hoi nhưng cứ nhấc chân bước đi là y như dấu chân còn lại trên cát đầy sũng những nước. Tuy nhiên con mắt nhìn chẳng thấy có gì thay đổi. Bãi bể mênh mông, phẳng phiu, yên lặng. Cát ở nơi nào cũng vậy chẳng phân biệt được nơi nào chắc, nơi nào sụt. Đàn bọ bể vui vẻ vẫn nhảy nhặng xị trên chân khách đi đường. Khách đi về phía trước, hướng về phía đất liền mà tiến, cố đến gần bờ. Khách không ngại gì hết. Có gì mà ngại? Nhưng khách cảm thấy bước chân cứ mỗi lúc một nặng thêm. Bỗng khách sụt chân. Sụt đến bảy, tám phân. Thôi, lầm đường rồi; khách dừng lại để tìm phương hướng. Bỗng khách nhìn xuống chân, bàn chân đã biến mất; cát đã lấp nó. Khách rút chân lên, muốn quay trở lại; khách quay lại, nhưng thụt sâu thêm xuống. Cát đến mắt cá, khách nhảy qua và nhào qua bên trái, cát đến nửa ống chân, khách nhào qua bên phải, cát lên đến đầu gối. Bấy giờ, với một nỗi khủng khiếp không thể nói, khách nhận thấy mình lâm vào một vùng bãi lún, cái môi trường ghê gớm mà cá không thể lội, người không thể bơi. Nếu có mang xách gì, khách vứt đi, khách làm cho nhẹ người như con tàu lâm nạn. Không kịp nữa; cát đã lên khỏi gối.

Khách gọi, khách vẫy mũ hay khăn tay, cát cứ dâng lần lên chiếm người anh. Nếu bờ bể không có bóng người, nếu đất liền ở quá xa, nếu bãi cát vẫn có tiếng là nguy hiểm nữa nay, nếu không có những vị anh hùng nơi lân cận, thì là hết, khách không thể thoát khỏi sa lầy. Khách không thể thoát khỏi bị chôn vùi, một sự chôn vùi dài đằng đẵng, chắc chắn, không khoan thứ, không thể trì hoãn mà cũng không thể thôi thúc cho chóng xong. Nó kéo dài hàng mấy giờ, tưởng như không bao giờ hết. Nó bắt đứng

bạn giữa lúc bạn đang tự do giữa trời, giữa lúc bạn đang tươi vui, khỏe mạnh. Nó kéo chân bạn xuống. Mỗi lúc bạn cố ngoi lên, mỗi khi bạn thét lên, nó lại lôi bạn sâu xuống thêm chút nữa. Nó siết chặt thêm, như muốn trừng trị bạn, vì bạn đã kháng cự lại. Nó từ từ rút người ta trở về trong lòng đất, rút mà để cho người ta đủ thì giờ nhìn trời xa, nhìn cây cỏ, nhìn đồng ruộng xanh tươi, nhìn khói tỏa từ làng mạc nơi đồng bằng, nhìn cánh buồm trên mặt bể, nhìn chim bay, chim hót, nhìn mặt trời với mây xanh. Sa lầy là một hầm mộ biến thành thủy triều, từ trong lòng đất dâng lên vùi người sống. Mỗi một phút là một người phu huyệt tàn nhẫn. Kẻ khốn khổ thử ngồi xuống, thử nằm xuống, thử bò lên, mỗi cử động mỗi chôn vùi hắn sâu thêm. Hắn vùng dậy, hắn càng thụt xuống; hắn cảm thấy bị nuốt chửng. Hắn rú lên, van vỉ, kêu trời; hắn vặn tay, tuyệt vọng. Kìa, hắn đã ngập đến bụng; cát lại lên đến ngực; chỉ còn là bức tượng bán thân. Hắn giơ tay cao lên, thốt lên những tiếng rên giận dữ, cấu móng vào bãi muốn bấu víu trên thứ bùn tro ấy, hắn tì khuỷu tay xuống để mong thoát khỏi cái bọc mềm nhũn ấy, hắn khóc nấc lên điên dại; cát cứ dâng cao. Cát ngập đến vai, cát ngập đến cổ; bây giờ chỉ còn thấy cái mặt. Mồm há ra kêu cát đầy vào mồm; yên lặng. Mắt còn mở to nhìn, cát bịt lấy mắt; tối tăm. Cái trán cứ chìm dần; một mớ tóc phất phơ trên cát; một bàn tay chọc thủng mặt cát nhoi lên động đậy, vẫy vẫy rồi mất tăm. Ôi! Cảnh hủy diệt vô cùng thê thảm của một kiếp người!

Có khi là một kỵ sĩ sa lầy cùng với con ngựa; có khi là bác đánh xe sa lầy cùng với chiếc xe; cái gì cũng chìm xuống cát được; không phải nước mà đắm. Đất nhận chết người trên cạn. Đất thấm biển là đất làm bẫy giết người. Trên mặt trông nó như đồng bằng, nhưng lòng nó mở ra như biển cả. Vực thẳm thường có những phản bội như vậy. Cái việc thảm đạm bất kỳ như trên có thể xảy ra ở bãi bể, và cũng có thể xảy ra trong cống ngầm Pari, cách đây ba mươi năm.

Trước khi có những công trình tu bổ to lớn khởi công từ năm 1833 thì đường hầm Pari có thể sụt đất bất thình lình.

Nước rỉ vào những lớp đất lân cận, nếu đất đó xốp quá; lòng máng dù xây đá như ở cống cũ hay tráng vôi chịu nước trên nền bêtông như ở cống mới, vì không có điểm

tựa nên cũng oằn xuống, oằn ở đây tức là nứt, và nứt tất là đổ. Lòng máng sẽ đổ một đoạn. Cái khoảng đất nẻ, cửa miệng của một vực bùn đó, nhà chuyên môn gọi là khoảng thụt. Khoảng thụt là gì? Là một bãi lún ở bờ biển gặp thình lình trong lòng đất; đó là bãi đồi Xanh Misen trong lỗ cống. Đất thấm nước tựa như được nung chảy, tất cả những phân tử đều lơ lửng trong một thể lỏng. Không phải đất và cũng không phải nước. Đôi khi rất sâu. Không gì đáng sợ hơn một cuộc chạm trán như vậy! Nếu nước là thành phần chính thì cái chết đến nhanh, đó là hiện tượng bị ngập lún; nếu đất là chính thì cái chết tiến chậm, đó là cảnh lún lầy.

Người ta có thể tưởng tượng được cái chết đó không? Sa lầy ở bãi bể đã khủng khiếp thì sa lầy ở nơi nhớp nhúa này thế nào? Một đằng thì ở giữa không khí, ánh sáng chan hòa, giữa thanh thiên bạch nhật, có chân trời sáng sủa, có tiếng động bao la, có những đám mây phiêu diêu chứa hạt mưa vàng như ngọc, có những con thuyền xa xa, trong niềm hy vọng hiện ra dưới nhiều hình thái ở khách qua đường, ở sự cứu vớt mong mỏi đến phút cuối. Một đằng thì tối như mù với im lặng như điếc, một vòm trời đen nghịt, huyệt mồ xây sẵn, chết trong bùn lầy nhơ nhớp, dưới một cái nắp đậy kín mít. Từ từ chết ngạt trong ô uế, trong một cái hộp đá, cái chết ấy giơ nanh vuốt trong đống bùn nhơ nhớp và chẹn lấy cổ ta. Hơi thở khò khè lẫn trong mùi hôi thối; kia là cát, đây là bùn; kia là cuồng phong, đây là uế khí; kia là biển cả, đây là rác rưởi. Rồi thì kêu gọi, nghiến chặt răng lại, quằn quại, giãy giụa, rồi ngắc ngoải trong cái thành phố khổng lồ không hề biết gì đến mình, cái thành phố ở ngay trên đầu mình ấy.

Chết như vậy, khủng khiếp biết chừng nào!

Một đôi khi, cái chết đền bồi sự khắc nghiệt của mình bằng một cảnh trang nghiêm dữ dội. Trên giàn hỏa, hay trên con tàu đang đắm, người ta có thể vĩ đại; trong ngọn lửa, trong sóng bọt, có thể có một dáng điệu hiên ngang, ở đấy, con người đẹp hẳn lên trong phút giây hủy diệt. Ở đây thì không. Cái chết ở đây dơ bẩn. Người ta tắt hơi một cách hèn hạ. Những hình ảnh lung linh cuối cùng quá đê hèn. Bùn và nhục đồng nghĩa. Nhỏ nhen, xấu xí, đê nhục. Chết trong một thùng rượu bồ đào, như Clarăngxơ, chấp nhận được; trong hố bùn như Excublô thì tởm quá. Ngoi ngóp trong đó rợn

người lắm. Vừa hấp hối, vừa bì bõm. Có đủ tối tăm để coi là địa ngục, có đủ bùn nhơ để chỉ là một vũng trâu đầm, và kẻ chết không biết mình sẽ thành ma hay hóa làm cóc.

Ở đâu thì hầm mộ cũng ghê rợn, ở đấy nó lại còn thêm dị dạng dị hình.

Độ sâu của khoảng đất thụt khác nhau, và chiều dài, độ đặc cũng vậy, tùy theo đất nền xấu nhiều hay xấu ít. Có khi khoảng thụt sâu trên dưới một mét, có khi đến đôi, ba mét, cũng có khi không tìm thấy đáy nữa. Ở nơi này bùn đặc chắc gần như đất, nơi kia gần như nước. Ở khoảng thụt Luynie, phải trọn một ngày một người mới biến hết, còn khoảng Phêlipô thì ngốn người ta trong năm phút. Bùn đỡ thân người nhiều hay ít tùy độ đặc của nó. Một đứa trẻ có thể thoát ở chính nơi người lớn bị chôn vùi. Nguyên tắc đầu tiên để tự cứu là phải vứt bỏ hết những gì ta ôm, xách. Ném túi dụng cụ, hay cái giỏ hoặc cái máng của mình, đó là việc làm đầu tiên của người thợ cống khi cảm thấy đất dưới chân rung rinh.

Đất thụt có những nguyên nhân khác nhau: đất quá giòn xốp; hoặc có một khoảng sụt nào đó trong lòng đất ở độ sâu người ta không dò tới; hoặc là do những cơn mưa rào dữ dội mùa hè; hay vì mưa dầm mùa đông; rồi cũng có thể là vì mưa nhỏ hạt mà liên miên. Có khi sức nặng của những ngôi nhà kế cận làm trên đất vôi hay đất cát xô lệch các vòm cống ngầm, làm cho chúng méo mó, hoặc là lòng máng vỡ ra và nứt nẻ dưới sức ép đó. Sức ép của đền Păngtêông một thế kỉ trước đây đã làm ngáng trở một phần những hầm núi Xanhtơ Giơnơvie như thế đó. Khi một cái cống sụt dưới sức ép của nhà cửa, trong một số trường hợp, nó gây ra một hiện tượng trên mặt đất là đá lát đường, nứt nẻ thành đường răng cưa; vết rạn ở vòm cống, phát triển thành đường ngoằn ngoèo suốt chiều dài vòm cống, do dễ thấy mà có thể cứu chữa nhanh chóng. Nhưng lắm khi sự phá hoại bên trong không hiện thành một thương tích gì bên ngoài. Trong trường hợp đó gây họa cho người thợ cống. Ai vào cống sụt không đề phòng, họ có thể mất mạng trong đó. Sổ sách cũ còn ghi lại mấy ca thợ cống bị vùi lấp cách đó trong khoảng thụt. Nó cho biết nhiều tên tuổi. Chẳng hạn tên anh thợ cống sa lầy trong một khoảng thụt ở cửa cống phố Carêm Prơnăng; anh Bledơ Putơranh; anh

Bledơ này là anh em với Nicôla Putơranh, người đào huyệt cuối cùng ở nghĩa địa Inôxăng năm 1785, là năm mà nghĩa địa ấy hết tồn tại.

Còn có chàng tử tước trẻ lịch sự Excublô mà chúng tôi vừa nói tới, một trong những anh hùng đã phong tỏa Lêrida, ở đấy người ta mang bít tất tơ, đàn vĩ cầm ra trước để xông lên đánh thành. Excublô một đêm bị bắt gặp trong buồng người chị em họ, nữ công tước Xuốcđi, bèn chui trốn vào cống Bôtơrêđi để khỏi bị công tước bắt, và chết chìm trong đó. Khi nghe thuật lại, bà Đơ Xuốcđi bảo đưa lọ thuốc và mải lo hít hơi muối chống ngất, bà quên khóc. Chẳng có tình yêu nào tắt tất. Cống nhơ dập tắt tất. Hêrô không chịu tắm rửa thi hài Lêăngđrơ. Tixbê bịt mũi trước xác chết Pyrăm và kêu: “Gớm!”


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.