NHỮNG NGƯỜI KHỐN KHỔ

II. VÀI NÉT PHÁC HỌA ĐẦU TIÊN VỀ HAI BỘ MẶT KHẢ NGHI



Con chuột mắc bẫy chỉ là con chuột nhắt, nhưng với mèo thì đến chuột còm nó cũng thích.

Vợ chồng Tênácđiê là hạng người gì?

Hãy giới thiệu chung ngay bằng vài nét, sau này sẽ bổ khuyết dần.

Những ngữ ấy thuộc về cái tầng lớp vô thừa nhận gồm có những người thô lỗ giàu xổi lên và những người khôn ngoan sa đọa. Tầng lớp này nằm giữa tầng lớp gọi là trung gian và tầng lớp dưới. Nó hòa lẫn một vài thói hư của lớp dưới với hầu hết những tật xấu của tầng lớp trung gian. Vì thế chúng không có nhiệt tình hào hiệp của người thợ mà cũng vẫn thiếu cái tính ngăn nắp lương thiện của anh tư sản thị dân.

Đó là một hạng người lùn không vươn lên được. Khi bị một dục vọng nào hun đốt thì họ dễ thành yêu quái. Con vợ bản chất thô bạo phũ phàng, còn thằng chồng thì là một thằng khốn kiếp. Cả hai đứa đều có triển vọng tiến khôn cùng trong tội ác. Trên đời có những con người giống như loài tôm tép chỉ muốn giật lùi và đi sâu mãi vào trong bóng tối chứ không muốn tiến lên chút nào. Chúng càng có kinh nghiệm càng thêm xấu xa, chúng tiến sâu vào con đường lầm lỗi, chúng đẫm mình vào chỗ bùn đen ngày một dày đặc. Hai vợ chồng nhà ấy chính ở vào loại này.

Nhất là vẻ mặt lão Tênácđiê thì phải làm cho thầy tướng băn khoăn. Có những người, ta mới trông là phải ngờ vực, đoán thấy đời họ có một cái gì mờ ám. Chúng thậm thọt lo sợ về phía sau lưng chúng và gầm ghè, dọa nạt đằng trước mặt. Chúng có cái gì bí mật. Không ai có thể tin những hành động đã qua và bảo đảm những hành động sắp tới của chúng. Cái nhìn của chúng có một cái gì đen tối có thể tố cáo chúng. Nghe chúng nói một câu, thấy chúng làm một điệu bộ, người ta cũng phảng phát thấy thân thế của chúng có nhiều điều bí ẩn cũng như tương lai còn nhiều chuyện tối tăm.

Tên Tênácđiê này theo lời hắn khoe, đã có lúc ở lính, đóng lon đội. Hắn có tham gia các trận đánh năm 1815 và hình như cũng tỏ ra gan dạ. Để sau này rồi ta sẽ thấy gan dạ thế nào. Cái biển treo trước cửa quán cơm có ý khoe một chiến công của hắn. Hắn tự vẽ lấy, vì nghề gì hắn cũng biết qua một tí, có điều là rất tồi.

Lúc ấy thời kỳ những tiểu thuyết cổ điển tuy vẫn tả những nhân vật quý phái nhưng đã biến thành thứ văn chương dung tục, nung nấu tâm hồn đa tình của các chị gác cổng Pari và một phần nào của các chị ngoại ô. Mụ Tênácđiê vừa đủ trí thông minh để đọc những sách đó. Những tiểu thuyết ấy đã thành món ăn của mụ. Tim óc mụ chìm ngập trong ấy. Vì thế, lúc còn xuân xanh, cả đến khi đứng tuổi, lúc nào mụ cũng có cái dáng điệu trầm ngâm mơ mộng bên cạnh chồng. Thằng chồng thì xỏ lá mà khá thông minh, hay chữ ở ngoài mép, thô lỗ nhưng lại tinh vi trong tình ái, đối với phụ nữ thì có thái độ một tên quých lễ độ và lịch sự. Con vợ kém thằng chồng chừng mười hai, mười lăm tuổi. Đến khi cái mái tóc rũ như lệ liễu trong tiểu thuyết kia đã ngả màu hoa râm, khi người thiếu phụ đú đởn đã trở thành một người đàn bà tai nghiệt, một con nặc nô rồi, thì mụ chỉ là một con mụ béo xị, nanh ác với mớ tiểu thuyết nhảm trong đầu. Đừng tưởng đọc những sách nhảm không hại! Vì sách nhảm, con gái đầu của mụ mang tên Êpônin. Mụ toan gọi con em là Guynna cho trọn bộ tiểu thuyết, may sao mụ lại nghĩ ngay đến một quyển khác nên đặt tên nó là Adenma.

Cái thời ấy kể cũng lạ, như là có một sự đảo ngược trong cách đặt tên. Thật ra, không hẳn tất cả đều buồn cười và nông nổi. Như trên đây đã vạch ra, trong đó có màu sắc tiểu thuyết, nhưng bên cạnh còn thấy dấu hiệu xã hội. Ngày nay, không hiếm những anh dân cày có tên là Actơ, Anphơrê, Anphôngrơ, mà cũng có những bậc danh gia tử đệ – nếu còn có những bậc danh gia tử đệ – lại lấy tên là Tômat, Pie hay Giăccơ. Bình dân mà đặt tên văn hoa, còn quý tộc lại lấy tên quê mùa, cục mịch, sự xáo trộn ấy chẳng có gì khác là một dư ba của phong trào bình đẳng. Ở đây cũng như mọi chỗ khác, ảnh hưởng của luồng gió mới không gì ngăn cản nổi. Bên dưới cái lộn xộn mặt ngoài ấy, là một sự kiện sâu xa, vĩ đại: cuộc cách mạng Pháp.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.