NHỮNG NGƯỜI KHỐN KHỔ

III. XEM BẢN ĐỒ PARI NĂM 1727



Đi độ ba trăm bước, Giăng Vangiăng đến một chỗ rẽ. Đường phố chia làm hai, một chệch về bên trái, một chệch về bên phải như hai nhánh của một chữ Y. Chọn đường nào?

Ông không do dự, rẽ về bên phải.

Tại sao vậy?

Là vì nhánh trái đi về ngả ngoại ô, tức là khu vực có người, còn nhánh phải đưa về cánh đồng vắng.

Vangiăng và Côdét không đi nhanh được nữa. Bước đi của Côdét làm chậm chân Vangiăng. Ông lại ẵm nó. Nó gục đầu vào vai ông không nói một tiếng.

Chốc chốc ông ngoái cổ nhìn lại: ông vẫn chú ý đi về mé bóng tối. Đằng sau ông, con đường phố thẳng tuột, mấy lần nhìn lại, ông vẫn không thấy bóng dáng ai. Vẫn yên tĩnh hoàn toàn, ông cũng có phần yên dạ. Nhưng khi ngoảnh lại lần sau cùng, thình lình ông thấy như có vật gì động đậy ở đằng xa trong bóng tối. Ông không đi nữa, ông lao mình lên phía trước. Ông hy vọng tìm thấy một lối ngang để lẩn vào và làm cho săn người phải lạc hướng một lần nữa.

Cuối phố, ông gặp một bức tường.

Nhưng bức tường không chắn lối đi lên của ông. Bức tường ấy nằm dọc theo một ngõ phố ngang ở cuối con đường phố ông vừa đi qua.

Đến đây cũng phải dứt khoát chọn đường một lần nữa: đi bên phải hay bên trái?

Ông nhìn về bên phải. Ngõ phố chạy dài một đoạn giữa những nhà xe và vựa một lúc rồi hết lối. Ông nhìn thấy rõ ràng bức tường trắng nằm cuối ngõ.

Ông nhìn sang bên trái. Ngõ phố bên ấy thông. Cách chỗ ông đứng chừng vài trăm bước, nó đổ ra một phố to như một chi lưu đổ về sông cái. Lối thoát là ở phía ấy.

Vangiăng vừa định rẽ sang bên trái để cố đi đến con đường phố lớn lờ mờ đầu kia thì cũng vừa thấy ở góc phố ấy một vật gì lù lù như một pho tượng đen không nhúc nhích.

Đó hẳn là một người nào người ta vừa cắt ra gác ở đấy. Người ấy đón lối đi và chờ Giăng Vangiăng tới.

Giăng Vangiăng lùi lại. Cái nơi mà Giăng Vangiăng đang đứng, giữa ô Xanh Ăngtoan và khu La Rapê là một khu vực Pari bị đảo lộn hoàn toàn trong những cuộc xây dựng mới, người thì cho là xấu đi, người thì cho là đẹp hẳn lên.

Đất trồng trọt, xưởng gỗ đá, những ngôi nhà cũ đã biến hết. Bây giờ là những phố lớn mới, những rạp hát ngoài trời, rạp xiếc, trường đua ngựa, những ga xe lửa, một cái nhà tù Mada. Bộ mặt của tiến bộ như ta thấy đấy, cùng với món vạ của nó.

Cách đây nửa thế kỷ, trong ngôn ngữ bình dân thông dụng, người ta cứ nhất định gọi Viện khoa học là “Nhà tứ lộc”, Nhạc hí viện là Viện Phâyđô, thì cái nơi mà Giăng Vangiăng vừa tới thì được gọi là Pơti Pichpuýt. Cổng Xanh Liacơ, cổng Pari, cửa ô Xecgiăng, Lê Poócsơrông, La Galiôtơ, Lơ Xêlextanh, Lê Capuyxanh, Lơ Mêla, La Buốcbơ, Lácbơtơ đơ Cơracôvi, La Pơtitơ Pôlônhơ, Lơ Pơti Pichpuýt. Đó là những tên của Pari cổ, nổi lềnh bềnh trên Pari mới. Ký ức của nhân dân còn bám vào những tàn tích của thời xưa.

Khu phố Pơti Pichpuýt thực ra cũng chưa bao giờ thành hình hẳn hoi. Nó có cái vẻ mặt tu viện của một thành phố Tây Ban Nha. Đường ít lát đá, phố xá lơ thơ. Ngoài hai ba phố mà chúng tôi sẽ nói đến, toàn là tường cao và bãi vắng. Không có cửa hàng, không có xe cộ, lác đác một ngọn đèn trong khung cửa sổ. Đèn lửa tắt hết từ mười giờ đêm. Vườn tược, tu viện, xưởng gỗ đá, đầm, đìa, một vài cái nhà thấp, rất hiếm và những bức tường lớn cao bằng nhà.

Đó là bộ mặt của khu phố ấy một thế kỷ trước. Cách mạng đã bạc đãi nó, viên chức cộng hòa của thành phố đã phá hủy, chọc chỗ này, đục chỗ kia. Gạch ngói, vôi vữa phá hủy dồn đống đây đó.

Cách đây nửa thế kỷ, khu phố cũ không còn gì mấy dưới những đường vạch ngang dọc của nhà cửa mới. Ngày nay thì nó đã được xóa hẳn. Những bản đồ mới bây giờ không còn ghi dấu vết của khu Pơti Pichpuýt, nhưng bản đồ năm 1727 của nhà xuất bản Đơni Chiery ở Pari, phố Xanh Liacơ, đối diện với phố Đuy Pơlatơrơ và bản đồ của nhà xuất bản Giăng Giranh ở Lyông, phố Mecxierơ, ở La Pơruyđăngxơ, vẫn còn ghi rõ rệt khu phố này. Khu Pơti Pichpuýt như chúng tôi đã nói có một phố chữ Y, gồm phố Sơmanh và Xanh Ăngtoanơ, tách ra thành hai nhánh, nhánh trái tên là phố nhỏ Pichpuýt, nhánh phải là phố Pôlôngxô. Hai cái nhánh chữ Y ấy nối với nhau trên ngọn bằng một cái gạch ngang, ấy là phố Đơroamuyrơ. Phố Pôlôngxô đến đây thì hết, còn phố nhỏ Pichpuýt thì đi xa hơn nữa, ngược lên chợ Lơnoa. Người đi từ bờ sông Xenơ tới đầu phố Pôlôngxô sẽ thấy phố Đơroamuyrơ ở bên tay trái; và đi ngoặt thước thợ sẽ thấy bức tường dài của phố ấy trước mặt và bên phải thêm một khúc cụt của phố Đơroamuyrơ, không có lối thoát, gọi là ngõ cụt Giăngrô.

Giăng Vangiăng đang ở chỗ ấy.

Như chúng tôi vừa nói ở trên, khi nhìn thấy cái bóng đứng gác ở góc phố Đơroamuyrơ và phố nhỏ Pichpuýt. Giăng Vangiăng lùi lại. Chắc chắn là cái bóng đen ấy đang rình ông.

Làm thế nào bây giờ?

Quay trở lại thì không kịp nữa. Cái vật động đậy trong bóng tối ở đằng sau ông mấy phút trước đây, bây giờ ông đoán ra là Giave và đồng đội. Khi Vangiăng đến đầu này đường phố, có lẽ Giave đã vào đầu kia. Cứ như thế thì chắc Giave rất thuộc cái khu phố mắc cửi này và hắn đã cắt người chắn lối thoát rồi. Những điều ước đoán chắc nịch ấy quay cuồng trong đầu óc khổ sở của Vangiăng, như một nắm bụi tung trong gió lốc. Ông nhìn kỹ ngách Giăngrô; ngách bị nghẽn thật sự. Bóng sẫm của người

canh nằm sóng sượt trên mặt đường giãi ánh trăng. Đi lên tức là sa vào người ấy. Quay trở lại sẽ rơi vào tay Giave. Giăng Vangiăng thấy mình như sa vào một cái lưới đương từ từ thắt lại.

Thất vọng, ông ngẩng lên nhìn trời.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.