NHỮNG NGƯỜI KHỐN KHỔ

II. LÀM GÌ DƯỚI VỰC NẾU KHÔNG KHÁO CHUYỆN



Mười sáu năm đáng kể trong sự giáo dục ngầm của bạo động, tháng sáu 1848 đã khôn hơn tháng sáu 1832 nhiều lắm. Bởi vậy chiến lũy phố Săngvrơri chẳng qua là một bản phác, một bào thai so sánh với hai chiến lũy khổng lồ mà chúng tôi vừa lược tả, nhưng hồi bấy giờ, nó đã ghê gớm lắm.

Dưới sự trông nom của Ănggiônrátx – bởi vì Mariuytx chẳng còn nhìn tới gì nữa, – nghĩa quân đã lợi dụng đêm tối không những để sửa chữa lại chiến lũy mà còn bồi đắp thêm. Chiến lũy được xây cao lên thêm sáu tấc. Nhiều thanh sắt cắm vào đá xây chiến lũy tua tủa như những ngọn giáo chĩa mũi ra đằng sau. Từ khắp nơi, mọi vật phá hoại đều được mang về, chồng thêm vào, làm cho cảnh chằng chịt bên ngoài càng thêm rối rắm. Sau khi được chữa lại một cách tài tình thì cái pháo đài bên trong giống như bức thành, bên ngoài như bụi rậm.

Người ta đã xếp lại các bậc đá để có thể trèo lên đỉnh chiến lũy như trèo lên một bức thành.

Chiến lũy đã được thu dọn lại. Người ta xếp bớt đồ đạc cho gian phòng thấp đỡ chật chội. Nhà bếp được đem làm phòng quân y. Người bị thương đều được băng bó xong. Thuốc súng vương vãi trên mặt đất, trên bàn đều được nhặt nhạnh lại. Ngươi ta còn đúc đạn, làm vỏ đạn, xé giẻ làm băng, phân chia các vũ khí rơi rớt, dọn dẹp bên trong pháo đài, thu nhặt các mẩu đồ hư hỏng. Xác chết cũng được mang đi, chất thành đống

ngõ Môngđêtua, vẫn còn thuộc về nghĩa quân. Mặt đường chỗ ấy một thời gian rất lâu về sau vẫn còn đỏ lòm dấu máu. Trong số người chết có bốn quốc dân quân ngoại ô. Ănggiônrátx bảo lột quân phục của chúng để riêng ra một nơi.

Ănggiônrátx khuyên mọi người ngủ hai tiếng đồng hồ. Lời khuyên của anh là một mệnh lệnh. Tuy vậy, chỉ ba bốn người chợp mắt một chốc thôi. Phơidi dùng hai giờ ấy để khắc vào bức tường trước mặt quán rượu mấy chữ:

Các dân tộc muôn năm!

Chữ đục bằng đanh vào đá tảng, mãi đến năm 1848 còn đọc rõ.

Ba người đàn bà nhân lúc ban đêm im tiếng súng đã lánh đi hẳn, nghĩa quân vì thế cũng được dễ thở hơn.

Họ đã tìm cách trốn vào một nhà nào bên cạnh.

Phần đông những người bị thương đều còn sức và đều muốn tiếp tục chiến đấu. Trên một ổ rơm rải đệm trong nhà bếp biên thành phòng quân y, có năm người bị thương nặng, trong số có hai người cảnh vệ thành phố. Hai tên này được băng bó trước tiên.

Trong gian phòng thấp chỉ còn thi hài cụ Mabớp phủ tấm vải liệm đen và Giave trói vào cây cột. Ănggiônrátx nói:

– Đây là phòng của người chết.

Bên trong gian phòng, ở tận đằng sau, dưới ánh sáng lờ mờ của cây nến, cái bàn tử thi đặt sau cây cột thành một thanh ngang. Giave đứng và ông cụ Mabớp nằm, cả hai hợp lại thành một cái gì đó phảng phất như một cây thánh giá to tướng.

Cái càng xe chở khách, mặc dù bị bắn gãy cụt, vẫn còn đứng được để có thể treo cờ.

Ănggiônrátx có đức tính của người chỉ huy, hễ nói là làm. Anh ta đem mắc vào cái cán cờ ấy cái áo thủng dính máu của cụ già đã hy sinh.

Không còn nói chuyện cơm nước gì được nữa. Bánh cũng không mà thịt cũng không. Năm mươi chiến sĩ, trong thời gian gần một ngày một đêm có mặt ở đây đã không mấy chốc mà vét cạn tủ thực phẩm ít ỏi của quán rượu. Đến một lúc nhất định, bất kỳ chiến lũy nào còn chống chọi được đều lâm vào cảnh bè trôi mặt biển, không cách nào tránh khỏi. Đành phải bấm bụng chịu đói vậy. Bấy giờ đang vào quãng một, hai giờ sáng ngày mồng sáu tháng sáu oanh liệt. Chính hôm ấy, ở chiến lũy Xanh Meri, khi nghĩa quân bao quanh Gian để hỏi bánh mì thì Gian đã trả lời cho đám chiến sĩ

đang kêu đói: “Để làm gì? Bây giờ là ba giờ. Bốn giờ chúng ta chết rồi mà!”

Không có cái ăn nên Ănggiônrátx cấm uống. Anh cấm hẳn rượu vang, còn rượu mạnh thì phát khẩu phần.

Người ta tìm được trong hầm rượu mười lăm chai đầy, gắn xi kín mít. Ănggiônrátx và Côngbơphe xem xét rất kỹ. Vừa leo khỏi hầm, Côngbơphe vừa nói: – Đây là cái vốn xưa nhất của bác Huysơlu, hồi đầu bác ấy bán tạp hóa mà. Bốtxuyê góp thêm: – Chắc phải là thứ rượu vang chính cống. May mà Gơrăngte đang ngủ. Hắn mà thức thì không dễ gì cứu thoát mấy chai này. Mặc những tiếng xì xào Ănggiônrátx vẫn cứ ra lệnh không được đụng đến mười lăm chai ấy. Và để mọi người khỏi sờ đến, để các chai rượu thành thiêng liêng, chàng bảo mang xếp dưới bàn đặt thi hài cụ Mabớp.

Hai giờ sáng, điểm số còn ba mươi bảy người.

Trời bắt đầu sáng dần. Người ta vừa tắt cây đuốc trước đây đã được dựng ở hốc đá. Bên trong chiến lũy, mảnh đường phố nhỏ như cái sân con đang chìm trong bóng tối, qua ánh sáng bình minh nhờ nhờ, ảm đạm, trông nó có vẻ như một cái boong tàu vừa qua cơn giông tố. Các chiến sĩ đi lại, cử động như những bóng đen. Bên trên cái tổ bóng tối dễ sợ ấy, các tầng gác lặng câm hiện ra dần nhợt nhạt. Trên cao tít, các ống khói nhuốm màu tím tím. Nền trời lơ lửng một cách đáng ưa giữa màu trắng và màu xanh. Chim chóc bay lượn reo mừng. Ngôi nhà đằng sau lưng chiến lũy quay mặt về hướng đông, trên mái đã rợn hồng. Ở cửa mái gác ba, gió sớm thổi phơ phất mớ tóc hoa râm trên đầu cái thây người chết.

Cuốcphêrắc bảo Phơidi:

Người ta tắt ngọn đuốc làm tớ thích quá. Trông nó có vẻ hớt hơ hớt hải trước gió, tớ chán lắm. Nó có vẻ sợ. Ánh sáng đuốc chẳng khác gì cái khôn ngoan của lũ hèn nhát, nó chả soi sáng cái gì vì nó run rẩy.

Bình miinh đánh thức trí óc cũng như đánh thức loài chim. Ai nấy đều chuyện trò.

Thấy con mèo lò dò trên ống máng, Giôli rút ra ngay một triết lý. Chàng nói:

Con mèo là cái gì? – Là một sự sửa chữa. Thượng đế làm xong con chuột, nói rằng: a, ta làm bậy rồi. Và thượng đế làm con mèo. Con mèo là cái đính chính cho con chuột. Con mèo cộng với con chuột, đó là cái bản in thử đã được tạo vật xem lại và sửa chữa.

Côngbơphe ngồi giữa một số thợ thuyền và sinh viên nói về chuyện mấy người chết, về Giăng Pruve, Bahôren, ông cụ Mabớp, cả tên Lơ Cabuýc, và về sự buồn rầu nghiêm khắc của Ănggiônrátx. Chàng nói:

Hácmôđiuyt và Arixtôgitông, Sêrêát, Xtêphanuýt, Bruytuýt, Cơromuen, Sáclốt Coócđây,[347] Xăng, tất cả sau khi hành động, đều có những phút hoang mang. Con tim nó dễ rung động lắm, tính mệnh con người cũng là một cái gì thật là huyền bí. Cho nên cả những khi giết người vì mục đích chính trị hay giết người với một mục đích giải phóng đi nữa, nếu có một thứ giết người như thế thật thì trong lòng, sự hối hận vì hạ sát một mạng người vẫn mạnh hơn niềm vui đã phục vụ nhân loại.

Chuyện nọ bắt sang chuyện kia, quanh đi quẩn lại. Một phút sau, nhân mấy câu thơ của Giăng Pruve, Côngbơphe chuyển sang so sánh những người dịch sách Gieorgic[348] Rô với Cuốcnô, Cuốcnô với Đơlilơ, vạch ra mấy đoạn do Manphilát dịch, đặc biệt là đoạn nói về cái chết phi thường của Xêda.[349] Rồi nhân cái tên Xêda, câu chuyện lại trở về Bruytuýt.

Côngbơphe nói:

Xêda bị giết là đúng. Đối với Xêda, Xixêrông nghiêm khắc, và như thế là phải. Nghiêm khắc nhưng không đả kích. Zôilơ chửi Hôme, Mêviuýt chửi Viếcgin, Vidê chửi Môlie, Pốppơ chửi Sếchxpia, Phrêrông chửi Vônte, chuyện ganh ghét, hằn thù là chuyện “muôn năm cũ” thôi. Những kẻ tài ba lỗi lạc khiến cho người ta nguyền rủa, những bậc vĩ nhân ít nhiều cũng đều bị người đời xỉa xói.

Nhưng Zôilơ và Xixêrông là hai người. Xixêrông thực hiện công lý bằng tư tưởng cũng như Bruytuýt thực hiện công lý bằng lưỡi gươm. Riêng tôi thì tôi phê phán cái kiểu

thực hiện công lý thứ hai này, cái kiểu dùng gươm, nhưng thời cổ đại chấp nhận. Xêda đã xâm phạm sông Ruybicông, đã ban chức tước như chính chức tước là của mình trong khi nó là của nhân dân, đã không đứng dậy khi thượng viện bước vào phòng họp, thì Xêda đã có những hành động của một vị vua, và hầu như của một bạo chúa, như Ơtrôpơ đã nói, regia ac pene tyrannica. Đó là một vĩ nhân. Mặc kệ hoặc càng hay cũng đều được: bài học càng có giá trị. Hai mươi ba vết thương của ông ta không làm cho tôi cảm động bằng bãi nước bọt của Chúa Giêsu bị những kẻ đi ở tát. Càng nhục, càng rõ là thần thánh.

Bốtxuyê đứng cao hơn những người khác, trên một đống đá, tay cầm súng, thét:

Hỡi Xiđatênom, hỡi Mirinuýt, hỡi Prôbalanhtơ, hỡi những duyên dáng mỹ miều của Ăngtiđơ! Chao ôi! Ước gì ta đọc được thơ của Hôme như một người Hy lạp xứ Lôriom hay xứ Êđantêông!


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.