NHỮNG NGƯỜI KHỐN KHỔ

IX. NGƯỜI ĐEO NHẠC



Giăng Vangiăng đi xăm xăm lại chỗ có người lạ. Ông rút cuộn giấy bạc trong túi gi-lê ra, cầm lăm lăm trong tay.

Người kia đương cúi, không trông thấy ông lại gần. Ông sải mấy bước đã đến bên hắn ta. Ông hét:

– Một trăm phơrăng.

Người kia giật mình đánh thót một cái, ngẩng nhìn lên.

Vangiăng tiếp:

Cho tôi trọ đêm nay, tôi biếu một trăm quan. Trăng soi ngời ngời vẻ mặt hoảng hốt của Vangiăng.
Ô kìa! Bác Mađơlen!

Con người xa lạ trong đêm tối ở cái nơi không quen thuộc này, sao lại gọi cái tên ấy? Vangiăng lùi lại.

Ông đã dự kiến hết, nhưng việc này thật quá bất ngờ!

Người kia là một ông già còm và thọt, ăn mặc từa tựa như nông dân. Ở đầu gối trái của lão, có một tấm da bọc gối, trên ấy treo lủng lẳng một chiếc nhạc. Mặt lão khuất bóng đêm, trông không rõ.

Lão cất mũ run rẩy kêu:

Trời đất ơi! Làm sao bác lại ở đây, hở bác Mađơlen? Lạy Chúa! Bác vào bằng cái ngõ nào thế? Bác từ trên trời rơi xuống đấy ư? Cái đó cũng không lạ, bác mà rơi thì tất là

phải từ trên trời rơi xuống. Ôi chao ơi! Sao bác ra cơ sự thế kia? Bác không có cà vạt, không có mũ, không có áo ngoài. Bác có biết là tướng bác trông dễ sợ lắm không, ai không quen bác mà gặp bác hôm nay tất phải chết khiếp. Chúa cao cả ôi! Phải chăng là những bậc thánh ngày nay đều hóa điên cả? Thế nhưng bác làm thế nào mà lọt vào chỗ này mới được chứ?

Lời tiếp lời không ngớt, ông già ba hoa như một người nông dân nhưng không lộ ý gì đáng ngại. Trong giọng nói của ông có sự kinh ngạc lẫn vẻ niềm nở thật thà. Vangiăng hỏi:

Ông là ai? Nhà này là nhà gì?

Ôi chao ôi! Cái này mới thật là kỳ quặc! Tôi là người bác đưa vào làm ở đây và nhà này là nhà bác đưa tôi vào làm, chứ còn người nào, nhà nào nữa! Mà thật vậy ư? Bác không nhận ra tôi thật ư?

Không. Còn ông thì tại sao mà ông biết tôi?

Bác đã cứu sống tôi.

Ông già ngoái đầu, ánh trăng soi rõ sống mặt. Vangiăng nhận ra ông già Phôsơlơvăng.

Ô hay! Bác đấy ư? Ờ phải, tôi nhận ra bác rồi.

Quý hóa chưa! – Ông già nói có vẻ trách móc.

Thế bác làm gì ở đây?

Thì đấy! Tôi che dưa bở.

Quả vậy, ông Phôsơlơvăng đương lấy tranh rạ đậy lên mấy luống dưa. Từ lúc ra vườn dưa đến giờ, ông đã trải được một số tranh rồi. Những cử động lạ lùng Vangiăng đã trông thấy, chính là công việc che dưa.

Ông Phôsơlơvăng nói tiếp:

Tôi tự bảo: trăng sáng thế này chắc là sắp rét giá, dưa sẽ bị lạnh, dễ ta phải mang áo ra cho chúng.

Ông Phôsơlơvăng vừa nhìn Vangiăng vừa cười hà hà nói tiếp:

– Gặp phải bác, chắc bác cũng làm thế thôi! Nhưng bác làm thế nào mà vào được đây?

Thấy ông già Phôsơlơvăng biết mình, dù là chỉ biết với cái tên Mađơlen, Giăng Vangiăng cũng trở nên dè dặt thận trọng. Ông hỏi han ông già dồn dập. Vai trò thay đổi, chính người khách lạ lại chất vấn chủ nhân:

Bác đeo cái nhạc gì ở đầu gối thế?

Nhạc này ư? Ấy, để cho họ biết mà tránh tôi.

Thế nào? Để cho họ tránh bác?

Ông Phôsơlơvăng nheo mắt một cách khó tả:

Ấy! Ở trong nhà này chỉ có đàn bà, phần nhiều là thiếu nữ. Hình như họ cho là gặp tôi là nguy hiểm thế nào ấy. Cho nên tôi phải đeo cái nhạc này để báo hiệu cho họ biết: nghe tôi đến thì họ lẩn tránh đi.

Nhà này là nhà gì?

Ô hay! Bác biết lắm chứ.

Không, tôi không biết.

Bác giới thiệu cho tôi đến đây coi vườn mà lị!

– Bác cứ coi như là tôi chưa biết gì hết và trả lời cho tôi.

– Thế thì đây là nhà tu kín Pơti Pichpuýt.

Vangiăng lần hồi nhớ lại việc cũ. Sự tình cờ, nghĩa là bàn tay Chúa đã ném ông vào chính cái tu viện mà hai năm trước, ông đã giới thiệu lão Phôsơlơvăng vào làm, sau khi lão này trở nên tàn tật vì xe kẹp. Ông lẩm nhẩm như nói một mình:

Tu viện Pơti Pichpuýt!

Mà này, bác Mađơlen, bác làm thế quái nào mà vào được tu viện này? Bác thì là bậc thánh đấy, nhưng bác vẫn là đàn ông, mà đàn ông thì không được vào đây.

Chứ còn bác thì sao?

Chỉ có mình tôi đặc cách.

Thế mà tôi cứ phải ở lại trong này đấy!

Ôi trời! – Phôsơlơvăng kêu.

Giăng Vangiăng nhích lại một bên ông già, nghiêm trang bảo:

Ông Phôsơlơvăng, tôi đã cứu ông.

Ấy tôi nhớ ra chuyện ấy trước bác kia.

Ngày nay ông có thể cứu tôi cũng như tôi đã cứu ông ngày trước.

Ông Phôsơlơvăng đưa hai bàn tay nhăn nheo nắm lấy bàn tay rắn chắc của Vangiăng, nghẹn ngào không nói. Mãi sau, ông mới kêu:

Ôi! Tôi mà báo bổ được phần nào thì quả thật là ơn Chúa. Tôi cứu được ông ư, ông thị trưởng? Nếu thế thì ông cứ sai bảo lão già này đi. – Nét mặt ông Phôsơlơvăng trở nên rạng rỡ lạ thường. Ông hỏi:

– Bác định khiến tôi làm gì đây?

Tôi sẽ nói kỹ. Hiện giờ thì tôi muốn biết bác có một căn buồng không?

Tôi có một cái nhà nhỏ trơ trọi ở đầu kia, trong hốc khuất đằng sau cái nhà đổ nát ấy. Nhà có ba buồng.

Thật vậy, cái nhà nhỏ này khuất sau cái nhà cũ kỹ kia, không ai trông thấy. Vì thế Vangiăng không biết có nó.

Tốt lắm. Bây giờ tôi nhờ bác hai việc.

Việc gì, ông thị trưởng?

Thứ nhất, bác không nói gì với ai hết về tung tích của tôi. Thứ hai là bác cũng đừng tìm hiểu gì thêm về tôi.

Được rồi. Tôi tin bác làm việc gì cũng là việc lương thiện cả. Bao giờ bác cũng là người con của Chúa nhân hậu. Với lại chính bác đã đưa tôi vào làm ở đây. Đây là việc của bác. Bác cứ sai khiến.

Được rồi. Bây giờ thì bác đi với tôi, đến tìm đứa bé.

Ơ! Có một đứa bé!

Ông không nói thêm gì nữa, lủi thủi bước theo Giăng Vangiăng như chó theo chủ.

Côdét được sưởi lửa, đôi má lại hồng hào và nửa giờ sau, em ngủ yên trên giường ông lão. Giăng Vangiăng thì đã buộc lại cà vạt và mặc áo khoác. Chiếc mũ cũng đã tìm thấy. Phôsơlơvăng cởi cái nịt gối đeo nhạc, mắc bên cạnh một cái giỏ treo, như một vật trang trí trên tường. Hai người chống tay trên bàn ngồi sưởi lửa. Phôsơlơvăng đem ra một ít bánh khô, một miếng bánh sữa, một chai rượu với hai cái cốc. Ông để tay lên đùi Giăng Vangiăng, nói:

Bác Mađơlen ơi! Mãi bác mới nhìn ra tôi! Bác cứu sống người ta, rồi bác quên người ta đi. Bậy thật! Người ta thì vẫn nhớ bác. Bác là một người bội bạc!


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.