NHỮNG NGƯỜI KHỐN KHỔ
VII. NGUỒN GỐC THÀNH NGỮ: KHÔNG ĐỂ MẤT THỂ
Đây là việc xảy ra bên trên chiếc quan tài của Giăng Vangiăng.
Lúc xe tang đã đi xa và thầy trò ông linh mục cũng đã lên xe đi rồi, Phôsơlơvăng vẫn không rời mắt nhìn anh chàng Gơribiê. Ông thấy hắn cúi xuống, nắm lấy cán xẻng, lưỡi xẻng đã cắm phập vào ụ đất.
Thế là Phôsơlơvăng có một quyết định tối hậu. Ông đứng chắn giữa hắn ta và lỗ huyệt, tay khoanh lại và nói:
– Tôi trả tiền mà!
Anh chàng kia ngạc nhiên nhìn ông trả lời:
Cái gì cơ? Phôsơlơvăng nhắc lại:
Tôi trả tiền mà!
Tiền gì?
Tiền rượu.
Rượu nào?
Rượu Acgiăngtơi.
Rượu Acgiăngtơi ở đâu?
Ở quán Bông-quăng.
Thôi xê ra.
Hắn hắt một xẻng đất xuống quan tài.
Một tiếng đùng đục ở dưới quan tài vọng lên. Phôsơlơvăng lảo đảo, suýt ngã chúi xuống huyệt. Ông thét lên, tiếng khò khè như tắc thở:
– Bác ơi, quán Bông-quăng sắp đóng cửa rồi.
Anh chàng kia lại xúc đất vào xẻng. Phôsơlơvăng nói tiếp:
– Tôi trả tiền.
Rồi nắm lấy tay hắn ta:
Bác ơi, bác nghe tôi. Tôi là người đào huyệt ở nhà tu. Tôi đến giúp bác một tay. Lấp cái huyệt này, để đến tối. (Không biết uống vào hắn có say không chứ?)
Anh chàng kia bảo:
Cái bác này, nếu nhất định bắt uống thì uống, được. Nhưng chốc hẵng hay. Làm xong việc đã. Chưa xong thì chưa uống.
Thế rồi hắn vung xẻng đất. Phôsơlơvăng giữ tay hắn lại:
Acgiăngtơi thượng hảo hạng.
Úi chà! Cái bác này chỉ có mỗi nghề kéo chuông. Boong binh boong, bác chỉ biết từng ấy tiếng, bác đến rầy rà.
Rồi hắn hất xẻng đất thứ hai.
Phôsơlơvăng lâm vào tình trạng mình không còn biết mình nói gì nữa.
– Cứ đi đi, đã bảo tôi trả tiền mà lị.
– Phải cho trẻ ngủ đã.
Hắn hắt xẻng thứ ba.
Rồi hắn lại cắm xẻng xuống đất, nói thêm:
Bác xem, đêm nay trời rét lắm; mình mà cứ bỏ mặc bà ấy ở đây không đắp cho bà ấy, rồi bà ấy oán chết.
Lúc ấy hắn cúi xuống xúc đất, túi áo hắn mở toang hoác.
Mắt Phôsơlơvăng đang lơ láo bỗng dán chằm chằm vào cái túi áo anh chàng Gơribiê.
Mặt trời chưa khuất hẳn! Hãy còn chút ánh sáng có thể nhận được vật gì trăng trắng trong cái túi đang há hốc miệng.
Con mắt Phôsơlơvăng ngời hẳn lên, như tất cả cái tinh anh của ông lão nông dân vùng Picacđi đều tập trung vào đấy. Một ý nghĩ vừa thoáng qua.
Ông thò tay vào túi hắn móc cái vật trăng trắng ở tận tít dưới đáy; hắn mải mê với xẻng đất không hay biết gì hết!
Anh chàng trút xẻng đất thứ tư xuống hố.
Lúc hắn quay lại để xúc xẻng thứ năm thì Phôsơlơvăng điềm tĩnh nhìn hắn và bảo:
Này bác tân binh kia, có mang thẻ không đấy?
Thẻ gì.
Mặt trời sắp lặn rồi.
Lặn thì lặn, mặt trời cứ việc trùm chăn mà đi ngủ đi.
Cổng nghĩa trang sắp đóng rồi đấy.
– Thế thì sao?
Bác có mang thẻ không?
À, cái thẻ ấy à?
Hắn lục túi áo.
Lục một túi, rồi lục hai túi. Cả túi gi-lê nữa; cái thì xem xét kỹ lưỡng, cái thì lộn hẳn ra. Hắn nói:
Không, không mang. Quên rồi chắc.
Mười lăm phơrăng phạt thôi.
Anh chàng xanh mặt lại. Những người nước da tái nhợt, khi họ tái mặt thì màu da hóa xanh lục.
Hắn kêu lên:
Trời Ngọc hoàng thượng đế, nhật nguyệt hai vầng ơi! Mất toi mười lăm phơrăng phạt rồi còn gì!
Ba đồng một trăm xu! – Phôsơlơvăng nói.
Anh chàng buông rơi cái xẻng.
Bây giờ mới đến lượt Phôsơlơvăng lên nước. Ông nói:
Này chú lính mới, chớ có thất vọng. Chả nên tự tử chú ạ. Chả nên lợi dụng cái hố này. Mười lăm phơrăng chỉ là mười lăm phơrăng. Vả cũng còn có cách khỏi phải nộp phạt. Tôi thì đã già, bác thì mới vào làm. Tôi biết đủ các cái mánh, cái khóe, cái xoay, cái xở. Để tôi bảo giúp bác. Điều chắc là bây giờ mặt trời sắp lặn, mặt trời đã xuống đến mái điện Anhvalit, chỉ năm phút nữa là nghĩa trang đóng cổng.
– Đúng thế.
Năm phút thì lấp thế đếch nào được, sâu bỏ mẹ ra ấy. Lại còn phải chạy từ đây ra cổng cho kịp.
Đúng thế.
Thế là cứ việc nộp phạt mười lăm phơrăng.
Mười lăm phơrăng.
Nhưng vẫn còn thì giờ… Bác ở đâu nhỉ?
Cách cửa ô hai bước. Đi mất mười lăm phút. Phố Vôgira, số nhà 87.
Đủ thì giờ để vắt chân lên cổ mà chạy thì kịp ra cổng.
Phải rồi.
Ra khỏi cổng, bác phóng về nhà, lấy tấm thẻ rồi trở vào đây, lão gác sẽ mở cổng. Có thẻ thì chả phải nộp gì hết. Thế là bác tha hồ mà đắp đất cho người chết. Còn tôi, tôi canh xác chết hộ bác, nhỡ nó chạy trốn thì phiền.
Thật bác cứu sống tôi.
Thôi cút cho nhanh.
Anh chàng vô cùng biết ơn, rung rung bàn tay ông Phôsơlơvăng rồi chạy biến.
Bóng hắn khuất sau bụi rậm. Ông Phôsơlơvăng đợi đến lúc không còn nghe tiếng bước chân nữa, mới cúi xuống huyệt khe khẽ gọi:
Bác Mađơlen ơi! Không có tiếng trả lời.
Phôsơlơvăng rùng mình. Lão tụt vội xuống hố, nhảy lên phía đầu cái quan tài và hét
lên:
Bác có đấy không? Trong quan tài, im lặng.
Phôsơlơvăng run bắn lên đến không thở được nữa. Ông lấy cái đục và cái búa nậy tung nắp ván thiên lên. Khuôn mặt Giăng Vangiăng mờ mờ trong bóng chiều tà, xanh nhợt, mắt nhắm nghiền.
Tóc ông Phôsơlơvăng dựng đứng cả dậy. Ông đứng lên rồi khuỵu xuống, lưng tựa vào thành hố, suýt gục xuống chiếc quan tài. Ông nhìn Giăng Vangiăng.
Giăng Vangiăng nằm sóng sượt, im lìm, da tím lại.
Phôsơlơvăng nói thầm, khe khẽ như một hơi thở:
– Thế là bác ấy chết rồi.
Ông đứng dậy, khoanh riệt hai tay lại đến nỗi nắm tay cụng vào vai rồi kêu lên:
– Đây tôi cứu bác ấy như thế này đây.
Rồi ông già chất phác nức nở. Ông nói một mình – nói một mình là một việc rất tự nhiên, ai cho độc thoại là giả tạo, chính là nói bậy, những cơn xúc động mãnh liệt thường tự thốt lên thành lời thành tiếng:
Chỉ tại lão Métchiên thôi. Tại sao lão ta lại chết đi, cái lão ngốc ấy? Chưa chi đã vội toi xác, ai khiến? Bác nằm trong quan tài rồi. Người ta đã khiêng bác ra đây, đủ lễ rồi. Thế là hết. Đấy, đời là thế, còn có nghĩa lý gì. Trời ơi, bác Mađơlen chết rồi. Thế còn con bé biết làm thế nào? Nói làm sao với bà hàng quả ấy bây giờ? Một người như thế lại chết như thế, có thể thế được không hả trời? Cứ nghĩ đến việc bác ấy chui xuống gầm cỗ xe ngựa! Bác Mađơlen ới, bác Mađơlen ơi, tôi đã bảo là ngạt mất mà, bác có nghe tôi đâu, cái trò ác đã hoàn thành đẹp đẽ thật. Bác ấy chết rồi. Không ai tốt bụng
tốt dạ như bác ấy trong số người nhân hậu của Chúa nhân từ. Còn đứa con bác. Thôi mình không về nhà đâu, mình cứ ở đây. Mình đã làm một việc tai hại như thế! Thật là đứa già mà dại. Nhưng làm sao mà bác ấy vào được nhà tu chứ? Bắt đầu từ ấy đấy. Ai lại làm thế bao giờ! Bác Mađơlen ơi, bác Mađơlen ơi, ông Mađơlen ơi, ông thị trưởng ơi. Ông ấy có nghe thấy gì đâu. Làm thế nào đây trời!
Ông Phôsơlơvăng bứt đầu bứt tóc.
Phía xa xa, trong lùm cây, có tiếng rít ken két. Cổng nghĩa trang đã đóng. Ông Phôsơlơvăng cúi xuống nhìn Giăng Vangiăng, bỗng nảy người lên, lùi mãi về phía sau, đến tận cuối huyệt. Hai con mắt Giăng Vangiăng mở trừng trừng nhìn ông.
Trông thấy cái chết sợ thế nào thì trông thấy người sống lại cũng gần sợ như thế. Phôsơlơvăng toàn thân cứng như đá, da tái xanh lại, mắt lấm la lấm lét nhìn. Những xúc cảm mãnh liệt làm ông rối loạn cả tâm thần, ông không biết là ông đang đứng trước người sống hay người chết. Ông nhìn Giăng Vangiăng đang nhìn ông.
– Tôi vừa thiếp đi.
Giăng Vangiăng nói, rồi ngồi nhỏm dậy.
Phôsơlơvăng ngã quị xuống:
Lạy đức mẹ đồng trinh! Bác làm tôi sợ quá. Rồi ông đứng dậy:
Cảm ơn bác, bác Mađơlen!
Giăng Vangiăng chỉ ngất đi thôi. Ra ngoài không khí ông hồi tỉnh dậy.
Sau cơn khủng khiếp là nỗi vui tràn ngập. Cũng như Giăng Vangiăng, Phôsơlơvăng phải một lúc mới hoàn hồn:
Thế là bác chưa chết. Bác tinh khôn thật. Gọi bác ghê lắm bác mới tỉnh lại đó. Lúc ấy mắt bác nhắm nghiền, tôi bảo: bác bị chết ngạt rồi. Bác mà chết thật thì dễ tôi phát điên cuống điên cuồng lên, điên vào loại phải cùm kia đấy. Tưởng đến phải vào nhà thương điên thực sự. Bác mà chết thì không biết tôi sẽ ra sao. Còn con bé cháu nữa. Nhà bà hàng hoa quả rồi chẳng hiểu xơ múi thế nào nữa. Vứt con bé vào tay người ta, rồi bảo ông nó chết rồi. Rõ chuyện! Trời đất thiên địa ơi, rõ chuyện! Bây giờ bác lại sống rồi, tuyệt quá!
Giăng Vangiăng bảo:
– Tôi thấy rét quá!
Câu nói của Giăng Vangiăng làm Phôsơlơvăng trở về thực tế, thực tế khẩn cấp lúc ấy! Hai người tuy đã hoàn hồn tỉnh lại, nhưng tâm thần vẫn còn rối loạn.
Phôsơlơvăng nói to: – Ra ngay, mau lên.
Ông già lục túi, lấy ra một cái bình:
– Làm một tợp rượu đã.
Lúc nãy, không khí làm cho Giăng Vangiăng hồi sinh, bây giờ thì men rượu làm cho ông tỉnh táo ra. Ông uống một ngụm rượu mạnh, sức khỏe trở lại bình thường.
Ông chui ra khỏi quan tài rồi cùng với Phôsơlơvăng đóng ván thiên lại.
Ba phút sau hai người lên khỏi huyệt.
Phôsơlơvăng vẫn điềm tĩnh, dáng điệu thong thả. Cổng nghĩa trang đã đóng. Không sợ anh chàng Gơribiê trở lại nữa, cái “chú lính mới” ấy đang ở nhà, tha hồ mà tìm thẻ, tìm làm sao được, nó đã nằm gọn lỏn trong túi áo Phôsơlơvăng. Không có thẻ, đừng có hòng vào được nghĩa trang.
Phôsơlơvăng cầm cái xẻng, còn Giăng Vangiăng cầm cuốc, hai người đắp mộ cho cái
quan tài rỗng.
Xong đâu đấy, Phôsơlơvăng bảo Giăng Vangiăng:
Thôi, ta đi thôi. Tôi cầm cái xẻng, bác giữ lấy cái cuốc. Trời tối hẳn.
Giăng Vangiăng cử động và bước đi thấy vướng ngượng. Nằm trong quan tài, ông hóa cứng cả người và gần trở thành xác chết; ở giữa bốn tấm ván, các khớp xương dần dần cứng lại như người chết thật. Phải làm tan băng giá nơi mộ địa.
Phôsơlơvăng nói:
Bác bị cóng rồi… Tiếc rằng tôi thọt. Nếu không chúng ta lê gót đi đều.
Úi chà, đi mấy bước là dẻo chân ngay đấy mà!
Hai người lại đi những con đường xe tang đi lúc nãy.
Đến cổng sắt và cái chòi bác gác, Phôsơlơvăng tay cầm sẵn tấm thẻ của anh chàng kia, liền bỏ thẻ vào hòm, bác gác chéo sợi dây và cổng mở. Hai người ra ngoài, Phôsơlơvăng bảo:
– Thế là tốt đẹp cả; mưu bác tài tình quá, bác Mađơlen ạ!
Họ vượt qua cửa Vôgira thản nhiên, giản dị như ngàn người khác. Quanh nơi nghĩa trang, còn giấy thông hành nào hơn là cái xẻng và cái cuốc.
Phố Vôgira vắng tanh vắng ngắt.
Ông Phôsơlơvăng vừa đi vừa ngước mắt nhìn dãy nhà bên phố. Ông nói:
– Bác Mađơlen ạ, bác tinh mắt, bác chỉ cho tôi nhà số 87.
Đây, vừa đúng nhà này.
Phố chẳng có ai. Bác đưa tôi cái cuốc; đợi tôi vài phút nhé!
Phôsơlơvăng vào căn nhà số 87, đi thẳng lên gác, ông cứ đi thẳng lên tận gác trên cùng; bản năng bao giờ cũng chỉ cho người nghèo lên thẳng gác xép mái nhà. Trong bóng tối mò mò, ông gõ vào cánh cửa một căn gác hẹp. Có tiếng trả lời:
– Cứ vào.
Tiếng ấy là tiếng Gơribiê.
Phôsơlơvăng đẩy cánh cửa. Cái gian gác xép này cũng giống như tất cả những gian buồng tồi tàn khác, không có lấy một đồ đạc nào mà vẫn bề bộn. Một cái hòm đóng hàng, hay là một cái áo quan – dùng làm tủ; một cái hũ đựng bơ dùng để chứa nước; một cái ổ rơm làm giường; sàn gạch dùng thay bàn ghế. Trong một góc buồng, có một người đàn bà gầy gò và trẻ con nhung nhúc một đống, ngồi yên trên một manh tải rách, nguyên là mảnh thảm cũ. Tất cả căn buồng tồi tàn ấy còn giữ dấu vết một cuộc xáo trộn bữa bãi. Tưởng như riêng nơi đây vừa trải qua một cơn động đất. Nắp với vung bừa bãi; giẻ rách vứt tứ tung; bình xách nước thì vỡ, người đàn bà vừa mới khóc, trẻ hình như mới phải một trận đòn. Đấy là những dấu vết của một vụ soát xét kịch liệt, gắt gao. Rõ ràng là anh chàng đào huyệt đã ra công sức tìm cái thẻ và đổ tội cho tất cả, từ cái bình nước đến người vợ. Hắn có vẻ tuyệt vọng rồi.
Nhưng Phôsơlơvăng còn mải nghĩ đến kết quả tốt đẹp của công việc, nên chẳng để ý gì đến cái mặt không vui này của nó.
Ông bước vào và nói:
Tôi mang trả bác cái cuốc với cái xẻng. Gơribiê sững sờ nhìn lão.
– Lão đấy à?
Sáng mai, bác đến ông gác ở nghĩa trang mà nhận thẻ. Rồi ông đặt xẻng cuốc xuống sàn.
Gơribiê hỏi:
Thế là thế nào?
Nghĩa là bác đánh rơi thẻ, lúc bác về tôi nhặt được ở dưới đất; tôi đã chôn xong người ta. Đắp đất tử tế rồi. Tôi làm giùm bác, ngày mai bác ra ông gác mà lấy thẻ, chả phải nộp phạt mười lăm phơrăng đâu. Chỉ có thế thôi, chú tân binh ạ.
Gơribiê sung sướng quá reo lên:
– Cám ơn bác quá. Lần sau để tôi trả tiền rượu.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.