NHỮNG NGƯỜI KHỐN KHỔ

IV. NGÀY CUỐI CÙNG CỦA TÊN GIẶC CƯỚP



Khi Mariuytx học xong trung học thì lão Gilơnoócmăng cũng không lui tới ở xã hội thượng lưu nữa. Lão rời bỏ khu ngoại thành Xanh Giecmanh và phòng khách của bà nam tước T. đến khu Mare, trong căn nhà phố Phidơ đuy Canve. Gia nhân của lão, ngoài người gác cổng, có mụ hầu buồng Nicôlét, vào thế chân cho mụ Manhông và lão Batscơ thở hổn hển, nặng nề đã nói đến trên kia.

Năm 1827, Mariuytx vừa mười bảy tuổi. Một buổi chiều về nhà, anh thấy lão

Gilơnoócmăng tay cầm một bức thư:

Mariuytx, ngày mai cháu đi Vécnông.

Có việc gì ạ?

Gặp cha cháu.

Mariuytx rùng mình. Anh có thể chờ đợi mọi việc nhưng có việc này anh không ngờ, là phải gặp cha anh. Không có gì đột ngột, bất ngờ và nói trắng ra khó chịu đến như việc ấy. Muốn xa mà phải gần. Không phải chỉ là một điều buồn bực, thật là một việc khổ dịch.

Ngoài mâu thuẫn về xu hướng chính trị, Mariuytx còn tin chắc rằng, cha anh, mà lão Gilơnoócmăng khi hiền dịu gọi là tay đao phủ, không yêu anh; chắc chắn như thế, vì nếu có chút tình cha con thì hắn đã chẳng bỏ con cho người khác như vậy. Thấy cha không yêu anh, anh cũng không yêu cha, anh nghĩ cũng chẳng có gì lạ.

Mariuytx kinh ngạc đến nỗi không hỏi gì được nữa. Lão Gilơnoócmăng nói thêm:

Hình như hắn ốm. Hắn muốn gặp cháu. Yên lặng một lát, lão tiếp:

Sáng mai đi sớm. Hình như ở Fôngten có xe khởi hành lúc sáu giờ sáng, chiều tới nơi. Đi ngay chuyến ấy. Hắn bảo là kíp lắm.

Rồi lão vò nát lá thư và nhét vào túi. Mariuytx có thể đi ngay tối hôm ấy và sáng sớm hôm sau có thể tới gặp cha. Một chiếc xe ngựa ở phố Bulô hồi ấy thường đi Ruăng ban đêm và qua Vécnông. Cả lão Gilơnoócmăng, cả Mariuytx không ai nghĩ đến, hỏi xem chuyến xe ấy.

Ngày hôm sau, sẩm tối, Mariuytx đến Vécnông. Đèn phố đã bắt đầu sáng. Mariuytx hỏi người qua đường đầu tiên mà anh gặp nhà ông Pôngmécxi. Trong tư tưởng, anh tán thành chính quyền phục hưng, không thừa nhận chức đại tá và tước nam của cha anh.

Người ta chỉ nhà cho anh. Anh giật chuông. Một người đàn bà cầm chiếc đèn con ra mở cửa.

Ông Pôngmécxi? Người đàn bà đứng im.
Có phải đây không? Người đàn bà gật đầu.
Tôi có thể nói chuyện với ông ấy không? Người đàn bà lắc đầu.

Nhưng mà tôi là con ông ấy. Ông ấy đợi tôi.

Ông ấy không đợi anh nữa.

Bây giờ anh mới thấy người đàn bà ấy khóc.

Người ấy chỉ tay vào một cái buồng thấp, anh bước vào. Căn phòng có cây nến soi

sáng, đặt trên bệ lò sưởi, có ba người đàn ông, một người đứng, một người quỳ và một người mặc sơ mi, nằm sóng sượt trên nền gạch.

Người nằm dưới đất là đại tá Pôngmécxi.

Hai người kia là thầy thuốc, một là cha xứ đang cầu nguyện.

Từ ba hôm trước, đại tá Pôngmécxi bị sốt vì đau óc. Lúc mới ốm ông đã e ngại có chuyện không hay, viết thư cho lão Gilơnoócmăng để gọi con đến. Bệnh càng trầm trọng. Buổi chiều ngày Mariuytx đến Vécnông đại tá bị cơn mê sảng, ông đang nằm trên giường bỗng đứng hẳn dậy, người ở gái ngăn cản không được. Ông thét:

– Con tôi không đến, tôi phải đi đón con tôi.

Thế rồi ông đi ra phòng và ngã vật trên nền gạch hành lang. Khi Mariuytx đến, ông vừa tắt thở.

Người ta đi gọi thầy thuốc và cha xứ. Thầy thuốc đến chậm quá, cha xứ đến chậm quá, con ông cũng đến chậm quá.

Dưới ánh nến lờ mờ, ông nằm sóng sượt, người ta nhìn thấy trên má nhợt nhạt của ông một giọt nước mắt lớn chảy từ con mắt đã chết. Mắt đã đục tròng, nhưng giọt nước mắt chưa khô. Giọt nước mắt đã chảy vì con ông đến chậm.

Mariuytx nhìn người anh gặp lần đầu tiên mà cũng là lần cuối cùng, cái diện mạo đáng kính, cương nghị, hai con mắt mở mà không nhìn gì nữa, mớ tóc bạc, hai cánh tay cứng cỏi chằng chịt những vết xám là những vết gươm chém và những chấm đỏ như ngôi sao là những vết đạn. Anh nhìn cái vết gươm ghê gớm chém ngang mặt, làm cho cái diện mạo trời sinh hiền từ ấy có một vẻ anh dũng lạ thường. Anh nghĩ rằng người ấy là cha anh và người ấy đã chết, nhưng anh vẫn lạnh lùng.

Anh cũng thấy buồn, nhưng cái buồn khi đứng trước bất cứ một người chết nào.

Một vẻ tang tóc xót xa bàng bạc cả gian phòng. Người ở gái rên rỉ ở một góc, cha xứ

cầu nguyện, người ta nghe thấy tiếng ông thổn thức, thầy thuốc lau mắt. Cả cái xác chết cũng khóc.

Ông thầy thuốc, vị linh mục và người ở gái nhìn Mariuytx qua mối buồn của họ và không nói lời nào. Anh ta mới là người lạ. Mariuytx thẹn thùng, lúng túng vì thấy mình lạnh nhạt. Tay anh cầm mũ, anh để cho chiếc mũ rơi xuống đất, làm như anh cảm động không cầm được nữa.

Lúc ấy anh thấy hối hận và tự thấy mình đáng khinh. Nhưng có phải lỗi tại anh đâu.

Anh không yêu cha anh thì biết làm thế nào.

Đại tá Pôngmécxi không để lại cái gì. Đồ đạc trong nhà bán đi chỉ vừa đủ chi tiêu vào đám tang. Người ở gái tìm thấy một mảnh giấy đem giao cho Mariuytx.

Chính tay đại tá Pôngmécxi đã viết:

“Gửi cho con tôi – Hoàng đế đã phong tước nam cho ta trên chiến trường Oatéclô. Vì chính quyền phục hưng không nhận cái tước vị mà ta đã trả bằng máu của ta, con ta sẽ thừa hưởng và mang cái chức tước ấy. Chắc hẳn là con ta sẽ xứng đáng…”

Mặt sau, đại tá ghi thêm:

“Cũng ở trận Oatéclô này một viên đội đã cứu sống ta. Viên đội ấy tên là Tênácđiê. Gần đây hình như ông ta mở một quán ăn nhỏ trong một xóm gần Pari, ở Senlơ hay ở Môngphécmây. Nếu con ta gặp ông ấy thì sẽ hết sức giúp đỡ ông ta”.

Không phải vì kính trọng cha, nhưng vì sự kính cẩn trước cái chết, rất tự nhiên và mạnh mẽ trong lòng người, Mariuytx cầm mảnh giấy và cất đi.

Chẳng còn dấu vết gì của đại tá Pôngmécxi. Lão Gilơnoócmăng bán cho hàng đồ cũ thanh gươm và bộ nhung phục của ông. Về mảnh vườn thì những người hàng xóm nhổ hết cây, bẻ hết hoa quý, chẳng bao lâu mảnh vườn của ông mọc đầy gai góc.

Mariuytx chỉ ở lại Vécnông có bốn mươi tám giờ. Sau tang lễ, anh trở về Pari và lại

tiếp tục học luật và cũng quên cả cha anh, như là không có cha anh vậy. Hai ngày thì chôn cất xong, ba ngày thì người ta quên.

Mariuytx có một miếng nhiễu đen trên mũ, thế thôi.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.