NHỮNG NGƯỜI KHỐN KHỔ

III. BÓNG TỐI BẮT ĐẦU



Giăng Vangiăng nào có biết gì.

Bản tính Côdét có phần ít mơ mộng hơn Mariuytx. Nàng vui vẻ và chỉ thế cũng đủ làm Giăng Vangiăng sung sướng.

Mặc đầu óc Côdét còn bận nghĩ về âu yếm và hình ảnh Mariuytx vẫn tràn ngập tâm hồn, mặt nàng vẫn cứ thơ ngây, hớn hở. Nàng ở vào cái tuổi mà tình yêu trong lòng người trinh nữ cũng tự nhiên như đóa hoa huệ trong tay thiên thần nên Giăng Vangiăng vẫn không ngờ vực gì hết. Vả chăng khi đôi lứa yêu nhau thì họ ranh lắm; Nếu có kẻ thứ ba nào có thể quấy rối tình yêu của họ, người đó sẽ bị họ bưng tai bít mắt rất khéo bằng mấy cách đề phòng muôn thủa của giống si tình.

Chẳng hạn, chẳng bao giờ nàng làm trái ý Giăng Vangiăng.

Bố muốn đi dạo ư? Vâng, bố yêu quý ạ. Bố muốn ở nhà? Cũng hay. Bố muốn ngồi nói chuyện buổi tối với con ư? Con thích lắm. Bao giờ đến mười giờ đêm Giăng Vangiăng cũng về phòng ngủ. Mariuytx chờ cho qua mười giờ, nghe tiếng nàng mở cửa chàng mới lách vào. Cố nhiên ban ngày không ai bắt gặp Mariuytx ở đấy. Giăng Vangiăng không hề ngờ có một chàng Mariuytx. Duy có một lần, ông bỗng nói với Côdét:

Kìa! Tại sao sau lưng áo con lại trắng như thế? Số là tối qua Mariuytx trong một phút bồng bột đã ép nàng vào sát tường.

Mụ Tútxanh tính hay ngủ sớm. Hễ công việc xong là chỉ lo lên giường, cho nên mụ cũng mù tịt như Giăng Vangiăng. Không bao giờ Mariuytx bước vào nhà nàng. Khi có Côdét, cả hai nấp vào một xó khuất gần thềm để ngoài đường nhìn vào không nghe, không thấy được gì. Họ ngồi yên lặng, nhiều khi chẳng chuyện trò gì cả, chỉ nắm chặt tay nhau mỗi phút và mười lần và nhìn lên các cành cây. Trong những lúc ấy giá rét có

đánh cảnh họ mấy mươi bước họ cũng chẳng để ý. Hình như bấy giờ tâm hồn gặp nhau và hòa lẫn với nhau trong giấc mơ vậy.

Những phút gặp gỡ ấy thật là trong sáng, thật là thanh khiết và bao giờ cũng giống như bao giờ. Đó là một thứ tình yêu trong trắng, chẳng khác gì một thứ cành hoa huệ với lòng trắng chim bồ câu.

Từ chỗ hai người ngồi ra đến đường cái còn cả một cái vườn. Mỗi lần ra vào Mariuytx đều lắp chấn song lại cẩn thận để không ai thấy suy suyển gì.

Đến nửa đêm Mariuyt đi ra, về nhà Cuốcphêrắc.

Cuốcphêrắc bảo Bahôren:

Cậu có tưởng tượng được không? Độ này Mariuytx cứ một giờ sáng mới mò về.

Lạ gì! Bahôren đáp. Anh học trò nhà dòng nào lại không lận hỏa pháo trong người. Có lúc Cuốcphêrắc khoanh tay làm ra vẻ nghiêm trang nói với Mariuytx:

Độ rầy cậu chịu khó đi lắm, anh bạn trẻ ạ!

Bản tính thiết thực, Cuốcphêrắc không quan tâm đến cái cảnh bồng lai vô hình phản ánh trên nét mặt Mariuytx. Vốn không quen những lối say mê mới lạ, chàng bực mình và thường nhắc bạn phải quay về thực tế.

Một buổi sáng, chàng nói với Mariuytx:

Này cậu, mình xem cậu độ rày như đang sống ở đâu trên nguyệt cầu, vương quốc chiêm bao, tỉnh mộng tưởng, thủ đô Bong-bóng-xà-phòng gì ấy. Nào, ngoan ta bảo nào. Cô ta tên là gì?

Nhưng đố có cái gì làm cho Mariuytx “mở miệng”! Có thể lấy kim vặn hết mười ngón tay chứ không có cách gì làm chàng thốt ra một trong hai âm tiết thiêng liêng làm

thành cái tên Côdét quý báu. Ái tình chân chính sáng ngời như bình minh và im lặng như nấm mộ. Tuy nhiên Cuốcphêrắc cũng để ý thấy Mariuytx có thay đổi, chàng có một vẻ trầm lặng hân hoan.

Trong tháng Năm êm ả đó, Mariuytx và Côdét đã sống những phút sung sướng không bờ bến:

Đó là cãi nhau, gọi nhau là ông là bà để sau đó gọi nhau là anh là em một cách âu yếm hơn.

Đó là kể thật lâu, thật tỉ mỉ về những người họ không chú ý gì cả, điều này càng chứng tỏ ái tình là một bản nhạc kịch, trong đó cốt là âm nhạc còn lời kịch thì chẳng nghĩa lý gì; Đó là nghe Côdét nói chuyện vá may, còn về phần Côdét, là ngồi nghe Mariuytx nói chuyện chính trị,

Cùng ngồi, gối kề gối, nghe xe chạy trên đường Babilon cùng ngắm một vì sao trên trời hay một con đom đóm dưới cỏ;

Cùng im lặng; cái này còn êm ái hơn nói chuyện nữa;

Vân vân…

Tuy nhiên, có lắm nỗi trắc trở lôi thôi đang đến.

Một buổi tối, Mariuytx đi đến nơi hò hẹn theo đại lộ Anhvalít. Chàng đang cúi đầu bước và sắp sửa rẽ sang phố Pơluymê thì có ai gọi bên cạnh.

– Chào ông Mariuytx.

Chàng ngẩng đầu và nhận ra Êpônin.

Việc gặp gỡ này đối với chàng có tác dụng là lạ. Từ hôm Êpônin đưa chàng tới phố Pơluymê đến nay, chưa lần nào chàng nghĩ đến nó, và cũng chưa bao giờ chàng gặp mặt nó, nên chàng quên khuấy đi. Kể ra Mariuytx phải mang ơn nó nhiều vì nhờ nó

chàng mới có hạnh phúc ngày nay. Thế mà gặp nó chàng cảm thấy khó chịu.

Đừng tưởng rằng khi người ta toại nguyện và trong sạch trong tình yêu thì người ta trở nên toàn thiện. Thực thì người ta chỉ đâm ra quên tất cả, như chúng tôi đã nói. Bây giờ người ta quên nghĩ đến việc ác, nhưng cũng đồng thời quên nghĩ đến việc thiện. Người ta không còn tâm trí đâu mà nghĩ đến ân nghĩa, đến bổn phận, đến những kỷ niệm lớn vẫn làm người ta bận lòng. Gặp lúc khác thì Mariuytx đã đối xử với Êpônin một cách khác hẳn. Lòng chàng nay chỉ biết có Côdét, nên chàng cũng không còn nhớ rõ ràng nó chính tên là Êpônin Tênácđiê, cái tên đã ghi trong tờ di chúc cha chàng để lại. Cách mấy tháng trước, giá gặp cái người đội tên ấy chắc chàng đã hết lòng hết dạ vì họ. Ta cứ tả Mariuytx đúng như trong thực tế. Trong thực tế thì tình yêu rực rỡ của chàng đã khiến cho ngay đến cả hình ảnh cha chàng cũng mờ nhạt đi một phần. Cho nên chàng trả lời lúng túng.

A! Cô Êpônin đây à?

Tại sao ông lại gọi em bằng cô? Em có làm gì tệ với ông không?

Không.

Đành rằng chàng chẳng có gì phiền nó. Trái lại. Nhưng chàng cảm thấy không sao làm khác được. Chàng đã gọi Côdét là em, chàng đành phải gọi Êpônin là cô.

Thấy chàng câm bặt, nó kêu lên:

– Này ông…

Nhưng rồi nó dừng lại. Trước kia nó táo tợn và vô tư là thế mà bây giờ nó không còn biết nói năng ra sao nữa. Nó gượng cười nhưng không cười được. Nó nói tiếp:

– Thế nào?…

Rồi lại im bặt lần nữa và cúi mặt. Đột nhiên nó nói: – “Chào ông Mariuytx”. Rồi bỏ đi.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.