NHỮNG NGƯỜI KHỐN KHỔ
III. CỤ MABỚP
Túi bạc của Giăng Vangiăng không giúp được gì cho cụ Mabớp hết. Bản tính liêm chính khắc khổ một cách trẻ con, cụ không chịu nhận thứ của trời cho đó. Cụ không chấp nhận một ngôi sao từ trên trời rơi xuống lại có thể biến thành những đồng tiền vàng như thế. Cụ không đoán được rằng cái vật trên trời rơi xuống này là do bàn tay của chú Gavrốt. Cụ đã đem túi bạc lên sở cảnh sát khu phố ký thác nói là mình bắt được, để ai mất của thì đến mà lấy. Rồi túi bạc bị mất thật. Chả cần phải nói, chẳng có ma nào xin về, túi bạc chẳng cứu giúp cụ được gì.
Thế rồi cụ cứ xuống dốc tiếp.
Việc trồng chàm thí nghiệm ở vườn bách thảo cũng chẳng hơn gì trong vườn của cụ ở xóm Auxtéclít. Năm trước, cụ thiếu công mụ ở. Năm nay, chúng ta đã thấy, cụ mắc nợ tiền thuê nhà. Quá hạn mười ba tháng, hiệu cầm đồ đem bán những bản khắc đồng của bộ sách Hoa quả xứ Côtơrê của cụ. Mấy hàng sanh chảo đã đem nó đúc xoong rồi. Những bản đồ khắc đồng mất đi, không còn cách gì bổ sung bộ sách Hoa quả xứ Côtơrê bị thiếu trang, cụ cũng đem bán tống cả tranh lẫn sách cho một hàng sách cũ, coi như bản tin thừa. Tất cả sự nghiệp một đời của cụ nay không còn lại gì nữa. Cụ ăn vào món tiền bán những bản sách đó. Khi số tiền mọn kia đã hết, cụ không trồng trọt nữa và bỏ vườn hoang. Từ lâu cụ đã bỏ cái lệ ăn mỗi ngày hai quả trứng và thỉnh thoảng một miếng thịt bò. Cụ chỉ ăn bánh mì với khoai tây. Cụ đã bán hết những đồ gỗ cuối cùng, rồi đến tất cả những đồ dùng mà cụ có hai cái, bất cứ giường chõng, chăn màn, quần áo. Sau đó cụ bán các tập cây cỏ ép, các bức tranh khắc. Nhưng cụ vẫn còn giữ những bộ sách quý nhất, trong đó có những bộ hết sức hiếm, chẳng hạn bộ Những bài thơ tứ tuyệt vịnh sử trong Thánh kinh, xuất bản năm 1560, bộ Các sách Thánh kinh đối chiếu của Pie đờ Bexơ, Những hoa Mácgơrít của Mácgơrít của Giăng đơla Hay có lời đề tặng hoàng hậu xứ Nava, cuốn sách Chức vụ và quyền uy của người sứ thần của Vilie Hôtmăng, một cuốn Thi tuyển Do thái xuất bản năm 1644, một bản Tibyyn 1567 với câu mào đầu rực rỡ: Venetiis, in aedibus Manutianis. Cuối cùng
là một bản sách của Điôgien Laecxơ in ở Lyông năm 1644 trong đó có những ghi chú khảo dị nổi tiếng rút từ bản chép tay 411, thế kỷ XIII, của tòa thánh Vaticăng, và những khảo dị lấy ở hai bản chép tay của thành Vơnidơ, bản 393 và bản 394, các bản này đã được Hăngri Êchiên tham cứu có kết quả lớn, trong cuốn Laecxơ nói trên còn có những đoạn bằng thổ ngữ xứ Đoridơ chỉ ghi trong bản chép tay thế kỷ XII lừng danh của thư viện thành phố Napơlơ.
Cụ Mabớp không bao giờ đốt lửa trong phòng ngủ. Cứ đến tối là cụ đi ngủ ngay để đỡ tốn tiền mua nến. Hình như cụ chẳng còn người láng giềng nào. Khi cụ ra khỏi nhà thì họ lánh mặt, và bản thân cụ cũng biết thế. Trẻ con nghèo khổ được các bà mẹ chú ý, chàng thanh niên nghèo khổ còn có các cô thiếu nữ thương hại, chứ ông già mà đói khổ thì chẳng có ai đoái hoài. Trong mọi cảnh quẫn bách, đây là cảnh quẫn bách lạnh lẽo nhất. Tuy vậy, cụ Mabớp vẫn chưa hoàn toàn mất hẳn bản tính hồn nhiên trong sáng trẻ con của mình. Nhìn vào những quyển sách của mình, mặt cụ còn đôi chút sinh khí, và cụ mỉm cười mỗi khi ngắm cuốn Điôgien Laecxơ là quyển chỉ mình cụ có. Ngoài những đồ dùng hết sức cần thiết, cụ chỉ còn giữ mỗi cái tủ kính.
Một hôm bà Pơkuytác nói:
– Tôi không có tiền mua sắm bữa tối.
Bữa ăn tối bà ta nói là một cái bánh mì với bốn năm củ khoai tây.
Thì mua chịu vậy, cụ Mabớp buông gọn.
Cụ cũng biết! Ai còn dám bán chịu cho tôi nữa!
Cụ bèn mở tủ sách ra nhìn khắp một lượt hết quyển này đến quyển kia, tần ngần dai dẳng chẳng khác gì một người cha vì bắt buộc phải hy sinh một đứa con của mình nên nhìn các con trước khi chọn. Hai giờ sau, cụ trở về dưới nách không cắp sách nữa. Cụ đặt ba mươi xu lên bàn và nói:
– Đem đi mua đồ ăn.
Từ hôm ấy trở đi, bà Pơluytác thấy một tấm màn u ám phủ lên vẻ mặt hồn nhiên của ông già, và không bao giờ kéo lên nữa.
Hôm sau, hôm sau nữa, rồi hôm nào cũng thế, lại cứ phải diễn lại cái trò ấy: Ông cụ ra đi với một quyển sách và trở về với ít tiền. Bọn buôn sách cũ thấy cụ túng bấn phải bán, nên chỉ trả hai mươi xu quyển sách cụ mua những hai chục phơrăng. Đôi khi người mua lại chính là người đã bán. Và cứ từng quyển một như vậy, lần lượt tất cả tủ sách biến đi. Đôi khi cụ nói: ta đã tám mươi tuổi rồi. Hình như trong thâm tâm cụ thầm ước được sống hết ngày trời trước khi bán hết sách trong tủ. Nỗi buồn ngày càng tăng. Chỉ có một lần cụ vui.
Hôm ấy cụ ra đường với quyển sách của Sôbe Êchiên, bán được ba mươi lăm xu ở bờ sông Maiake, và cụ trở về với một quyển sách của Andơ giá bốn mươi xu cụ vừa mua
đường Gơre. Cụ hớn hở khoe với bà Pơluytác: – Hôm nay tôi nợ năm xu.
Hôm ấy cụ nhịn đói.
Cụ vốn có chân trong Hội trồng cây. Trong hội, người ta biết cụ túng thiếu. Chủ tịch của hội đến thăm cụ, hứa sẽ trình bày với bộ trưởng bộ Nông thương nghiệp, và đã trình bày thật. Ông bộ trưởng kêu: “Lẽ nào lại để như vậy! Tôi biết chứ. Một nhà bác học lão thành, một nhà thực vật học, một ông già hiền lành. Ta phải giúp ông ta mới được!” Hôm sau, cụ nhận được thiếp mời dự tiệc tại nhà bộ trưởng. Cụ mừng quá, vừa khoe tờ thiếp với bà Pơluytác, vừa run:
– Chúng ta thoát nạn rồi!
Đến ngày hẹn, cụ tới dinh bộ trưởng. Cụ nhận thấy cái cà vạt nhàu nát, bộ quần áo cũ kỹ và đôi giầy đánh bóng bằng lòng trắng trứng của mình làm bọn lính hầu ngạc nhiên.
Không ai hỏi cụ, kể cả bộ trưởng. Đến khoảng mười giờ tối, trong khi vẫn chờ đợi
một lời hỏi thăm, cụ nghe tiếng bà bộ trưởng, một người đàn bà xinh đẹp mặc áo hở cổ mà cụ không dám đến gần. Bà ta nói:
– Cụ già kia là ai vậy?
Nửa đêm, cụ đi bộ về nhà dưới trời mưa tầm tã. Lúc đi dự tiệc, cụ phải bán một cuốn Endêvia để trả tiền xe ngựa.
Đêm nào, trước khi đi ngủ, cụ cũng quen đọc vài trang cuốn Điôgien Laecxơ của cụ. Cụ khá sành tiếng Hy Lạp, đủ để thưởng thức những điểm đặc biệt trong văn bản sách đó. Cụ không còn thú vui nào khác. Mấy tuần trôi qua. Đột nhiên bà Pơluytác lăn ra ốm. Không có tiền mua bánh mì đã buồn lắm rồi, không có tiền mua thuốc lại càng buồn hơn. Một tối, thầy thuốc kê một thứ thuốc đắt tiền quá. Rồi thì bệnh tình trở nặng cần phải có người săn sóc. Cụ Mabớp mở tủ sách. Không còn gì nữa. Quyển sách cuối cùng đã bán rồi, chỉ còn độc quyển Điôgien Laecxơ.
Cụ cắp cuốn sách độc bản đi ra. Đó là hôm mồng 4 tháng Sáu năm 1832. Cụ đến cửa Xanh Giắc, vào hàng sách Rôion, nay người khác kế nghiệp và trở về với một trăm phơrăng. Cụ đặt cọc bạc gồm hai mươi đồng năm phơrăng lên cái bàn ở đầu giường bà ở già rồi về phòng riêng, không nói một lời. Sáng hôm sau, từ rạng đông cụ đã ra vườn ngồi trên cái trụ đổ. Đứng ngoài đường, nhìn qua hàng rào, người ta có thể thấy cụ ngồi cúi mặt suốt cả buổi sáng, đôi mắt thẫn thờ nhìn những luống hoa khô héo. Chốc chốc trời đổ mưa, nhưng hình như cụ không biết. Đến xế, nghe có những tiếng kỳ lạ vang dội trong thành Pari. Hình như có tiếng súng và có đông người hét. Cụ ngẩng đầu lên thấy một người làm vườn đi qua bèn hỏi:
– Cái gì thế?
Người làm vườn vai vác mai trả lời điềm nhiên.
– Khởi nghĩa.
– Thế nào? Khởi nghĩa à?
Phải. Người ta đánh nhau.
Tại sao người ta đánh nhau?
Chao! Nào ai biết!
Ở đâu thế?
Phía xưởng quân khí.
Cụ Mabớp vào nhà cầm mũ. Quen như mọi hôm, cụ cũng tìm một quyển sách để cắp đi, nhưng không còn quyển nào nữa. Cụ nói: Ừ nhỉ? Rồi vẻ nhớn nhơ nhớn nhác, cụ ra đường.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.