NHỮNG NGƯỜI KHỐN KHỔ

II. CÁC VỤ CƯỚP CỦA GIẾT NGƯỜI ĐƯỢC THAI NGHÉN TRONG NHÀ TÙ NHƯ THẾ NÀO



Thắng lợi của Giave trong nhà nát Goócbô có vẻ như hoàn toàn, thật ra thì không.

Trước hết và đây là điều lo nghĩ chính của Giave: anh ta không bắt giữ được người bị bọn kẻ cướp bắt giữ. Người bị giết mà cũng trốn đi thì còn đáng nghi hơn kẻ giết người nữa; có phần chắc là cái nhân vật quý giá đối với bọn kẻ cướp ấy cũng là miếng mồi ngon không kém đối với người cầm quyền.

Rồi thì thằng Môngpácnát cũng trốn thoát. Phải chờ một cơ hội khác để tóm cổ thằng “công tử của quỷ vương” đó. Quả vậy thằng Môngpácnát gặp Êpônin đứng gác ở dưới hàng cây của đại lộ, đã dắt cô ả đi vì nó thích tình tự với cô gái hơn là hoạt động với ông bố. May cho nó biết bao. Nhờ vậy mà nó thoát lưới. Còn Êpônin thì lại bị Giave chộp. Sự bù đắp ấy chả thấm vào đâu! Êpônin theo Adema vào ngục.

Cuối cùng thì thằng Clacơxu mất tích trong lúc chúng bị giải đi từ nhà Goócbô đến trại giam La Phoócxơ. Không ai biết sự việc đã xảy ra như thế nào, đội viên cũng như đội trưởng đều nói “chẳng hiểu trời đất gì” trong ấy. Nó đã biến ra mây khói, nó luồn qua khóa tay mà đi, nó đã chảy qua các khe hở của chiếc xe nứt đáy và đã chạy mất.

trong vụ này, có tiên thuật hay là cảnh sát thuật gì đấy. Clacơxu đã tiêu tan trong bóng tối như tuyết tan trong nước chăng? Hay là có sự đồng lõa kín đáo của nhân viên cảnh sát? Hoặc nó là cái cẩm nang mật hai mặt của trị an lẫn rối loạn? Cái thằng ấy cũng có thể là tâm điểm chung của tội phạm và trấn áp. Hay là một con quái bí mật, hai chân trước đặt trong tội ác, hai chân sau đứng trong uy quyền. Giave thì không chấp nhận những thu xếp kiểu ấy. Nhưng đội tuần tra của anh ta gồm một số thanh niên khác, dù là thuộc quyền anh ta nhưng lại được truyền đạt những bí mật của cảnh sát. Còn Clacơxu thì là một tên vô lại cỡ lớn cho nên cũng có thể là một nhân viên mật thám hạng cừ. Lẩn lút trong đêm tối tài tình như thế thì làm ăn cướp cũng cừ khôi mà làm mật thám cũng tuyệt diệu. Có những tên vô lại hai chiều cũng như có những con dao hai lưỡi. Dù sao thì cái thằng Clacơxu lạc mất cũng không sao tìm lại Giave lấy

làm tức tối hơn là ngạc nhiên.

Còn về Mariuytx, cái “chú trạng sư ngốc nghếch đã hoảng sợ ấy” mà Giave quên mất tên, thì Giave chẳng thiết. Vả chăng anh trạng sư thế nào chẳng gặp lại. Thế nhưng chú ấy có phải chỉ là trạng sư thôi không?

Cuộc điều tra bắt đầu.

Viên dự thẩm nghĩ rằng miễn cho một tên trong bọn Patơrông Minét khỏi bị giam ngục tối, có lẽ có ích, vì có thể nhờ nó ba hoa mà dò ra manh mối. Tên đó là Bruygiông, cái thằng đầu tóc rậm rịt ở phố Pơti Băngkiê. Người ta tha cho nó ở sân Sáclơmanhơ và cho mật thám theo dõi.

Cái tên họ Bruygiông thì ký ức của nhà lao La Phoócxơ còn ghi nhớ. Trong cái sân ghê tởm của tòa Nhà Mới mà chính phủ gọi là sân Xanh Bécna, còn bọn trộm cướp thì gọi là chuồng sư tử, có một bức tường lớn gồ ghề loang lổ, ở bên trái, cao đến ngang mái nhà, gần cái cửa sắt gỉ dẫn đến điện thờ của tòa lầu công tước Đơ La Phoócxơ ngày nay làm nhà ngủ cho bọn kẻ cướp. Cách đây mười hai năm, người ta thấy trên bức tường ấy một công sự khắc thô vụng vào đá bằng đanh sắt, ở dưới có chữ ký:

BRUYGIÔNG, 1811

Tên Bruygiông năm 1811 này là bố của Bruygiông năm 1832.

Tên Bruygiông sau, mà chúng ta đã gặp trong vụ mai phục nhà Goócbô, là một thanh niên láu cá và nhanh nhẹn với dáng điệu bên ngoài đần độn và hay rên rỉ. Viên dự thẩm trông thấy hắn đần độn đã thả hắn, vì cho rằng hắn ở ngoài sân Sáclơmanh thì có ích hơn là ở trong buồng giam kín.

Bọn trộm cướp chẳng hề ngừng hoạt động khi ở trong nhà tù. Có gì đâu mà phải thay đổi. Vì một tội ác mà phải ngồi tù thì có cản trở người tù bắt đầu một tội ác khác đâu? Họ tựa như những nghệ sĩ đã có một bức tranh ở phòng triển lãm vẫn cặm cụi vẽ bức khác ở xưởng họa của mình.

Nhà lao hình như làm cho Bruygiông hóa dại. Có khi hàng giờ người ta thấy hắn đứng trong sân Sáclơmanh, bên cạnh cái cửa con của căngtin, nhìn đăm đăm cái bảng giá như một đứa đần độn. Cái biển thảm hại kia ghi giá từ: tỏi, 62 xăngtim, đến xì gà 5 xăngtim. Hoặc là hắn đứng run, răng va cồm cộp, nói mình bị sốt và hỏi thăm xem trong số hai mươi tám cái giường dành cho người sốt rét, có cái nào còn trống.

Đột nhiên vào quãng nửa sau tháng hai năm 1882, người ta biết thằng Bruygiông ngái ngủ ấy đã cậy những người chạy việc trong nhà lao làm ba việc khác nhau cho ba người đồng bọn của hắn. Hắn đã tiêu năm mươi xu về việc ấy cho nên viên cai ngục chú ý về khoản chi tiêu quá lớn.

Người ta tìm hiểu. Tra cứu bảng giá thù lao các công việc chạy thư, mua sắm vặt vãnh yết ở buồng khách của phạm nhân, người ta biết rằng số tiền năm mươi xu ấy đã dùng để trả cho một người đi điện Păngtêông hết mười xu, một đi nhà thờ Vanđơ – Graxơ mười lăm xu và một cổng đi Grơnen hai mươi lăm xu. Việc sau cùng này được ghi giá cao nhất. Thế mà ở điện Păngtêông, ở Vanđơ – Graxơ và ở cổng Grơnen có ba tay đầu trộm đuôi cướp rất gườm là Cơruyđơniê, tức Bidarô, Glôriơ, tù khổ sai mãn hạn và Barơcarốtxơ. Sự việc này khiến cảnh sát lại chú ý đến chúng. Người ta đoán những tên này thuộc toán Patơrông Minét mà hai thủ lĩnh Babe và Gơlơme đã bị tống ngục. Người ta ước đoán những vật Bruygiông gửi đi không phải để trao cho những người có nhà cửa, mà để trao cho những người đợi ở ngoài đường phố và trong các vật ấy, có giấy mách bảo về một tội ác đang thai nghén. Còn có những dấu hiệu khác. Người ta tóm ba tên lang thang và người ta tưởng đã phá tan được cái âm mưu gì đó của Bruygiông.

Độ một tuần sau, một đêm trong khi tuần tra phòng ngủ tầng dưới của tòa nhà mới, viên giám thị đi tuần nhìn qua cái cửa con trông thấy Bruygiông đang ngồi viết gì đó trên giường, dưới ánh sáng của cây nến. Đó là vào giờ người tuần tra bỏ hạt dẻ vào hộp. Người ta dùng cách ấy để kiểm soát xem những viên giám thị có làm đúng phận sự không, cứ mỗi tiếng đồng hồ, phải có một hạt dẻ rơi vào mỗi hộp đóng ở các phòng ngủ. Viên giám thị vào phòng, phạt Bruygiông một tháng xà lim, nhưng không

bắt được mẩu giấy hắn viết. Một vụ cũng không biết gì hơn.

Điều biết chắc là sáng hôm sau, có một “giọt nước bọt” ném từ sân Sáclơmanhơ sang chuồng sư tử, vòng cung qua mái nhà năm tầng nằm ngăn cách hai sân.

Tù nhân gọi “giọt nước bọt” là cái viên ruột bánh mì nắm rất kỹ thuật mà chúng gởi “qua Airơlan” nghĩa là vượt qua mái một nhà lao để đi từ dân này qua sân nọ. Từ ngữ tầm nguyên: qua Airơlan nghĩa là vượt qua Anh Cát Lợi, từ đất này sang đất nọ. Viên bánh rơi trong sân, người nhặt được bẻ ra và tìm được một mảnh giấy viết cho một người tù ở trong sân. Nếu người bắt được là một người tù thì hắn sẽ trao thư đúng địa chỉ; nếu là một tên lính gác hoặc là một trong những tên tù bị mua chuộc làm ở các tù thường gọi là cừu, ở các nhà lao khổ sai gọi là cáo, thì mảnh giấy bị mang đến phòng lục sự hoặc giao cho cảnh sát.

Lần này, “giọt nước bọt” đến đúng địa chỉ, mặc dù người được thư đã bị giam giữ cách ly. Cái người nhận thư ấy chính là Babe, một trong bốn tay đầu sỏ của nhóm Patơrông Minét.

“Giọt nước bọt” đựng một mẩu giấy cuốn trong chỉ mang hai dòng chữ:

“Babe. Có một vụ đang làm ở phố Pơluymê. Chấn song nhìn ra vườn.”

Đó là cái mà Bruygiông viết trong đêm.

Bất chấp những ông và những bà soát xét. Babe vẫn tìm được cách gửi mảnh giấy từ nhà lao La Phoócxơ sang nhà lao Xanpêtơrie cho một “bà bạn tốt” của hắn bị giam ở đấy. Bà bạn này chuyển mảnh giấy đến cho một bà quen biết tên là Manhông, rất được cảnh sát chú ý nhưng chưa bị tóm. Cái mụ Manhông mà bạn đọc đã từng thấy tên, cái mụ ấy có những quan hệ với vợ chồng Tênácđiê, sau này sẽ được soi sáng. Mụ có thể đi gặp Êtôpin và như vậy là mụ bắc cầu giã nhà lao Xanpêtơrie và nhà lao Mađơlônnét.

Chính lúc ấy là lúc Êpônin và Adenma được phóng thích vì trong lúc xét hỏi Tênácđiê

về con gái hắn, quan tòa không tìm thấy đủ bằng chứng để buộc tội chúng nó.

Mụ Manhông đứng rình ở cửa ngục Mađơlônnét, trao mảnh giấy cho Êpônin khi cô ả đi ra và cô ả làm sáng tỏ vấn đề.

Êpônin đi đến phố Pơluymê, trinh sát hàng song sắt và khu vườn, quan sát ngôi nhà, rình mò, xem kỹ, mấy hôm sau thì nó đến phố Clôsơpéc, nơi trú ngụ của mụ Manhông và đưa cho mụ ấy một chiếc bánh quy. Mụ Manhông mang chiếc bánh đến cho mụ nhân tình của Babe ở phố Xanpêtơrie. Một chiếc bánh quy, trong ngôn ngữ tượng trưng đen tối của các nhà tù có nghĩa là: Không có gì đáng làm.

Vì thế, không đầy một tuần sau, khi Babe và Bruygiông gặp nhau, Bruygiông hỏi: Thế nào đấy, phố P? – Bánh quy, Babe đáp. Đó là lúc hai đứa gặp nhau trên con đường đi tuần của nhà lao La Phoócxơ, một thằng đến phòng dự thẩm để cung khai, một thằng từ đó đi trở về ngục.

Cái bào thai tội ác mà Bruygiông có chửa trong nhà ngục La Phoócxơ đã bị đẻ non như thế đó.

Cái vụ đẻ non này mang những hậu quả nằm ngoài chương trình Bruygiông. Chúng ta chờ xem.

Nhiều khi tưởng rằng thắt nút một sợi chỉ, lại hóa ra thắt nút một sợi chỉ khác.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.