NHỮNG NGƯỜI KHỐN KHỔ

III. BRUYNƠDÔ



Cống ngầm Pari thời trung cổ đã thành truyền kỳ. Hồi thế kỉ XVI, vua Hăngri II có tổ chức thử một cuộc thăm dò, nhưng không thành. Theo lời chứng của Mécxiê, cách đây chưa đầy trăm năm, người ta bỏ mặc cho vũng bùn lầy đó tự nó ra sao thì ra.

Pari cổ là như thế, bị bỏ mặc cho tranh chấp, do dự và mò mẫm. Nó đần độn một thời gian khá lâu. Về sau, Cách mạng 89 đã cho thấy các thành phố trở nên thông minh như thế nào. Còn cái thời xa xưa tốt lành thì đầu óc thủ đô không được vững: nó không biết tiến hành công việc của nó, về phương diện tinh thần cũng như vật chất, cũng không biết quét rác rưởi và tệ nạn. Ở đâu nó cũng thấy có trở ngại, có vấn đề. Chẳng hạn không làm sao đi lại trong cống ngầm: Không thể thỏa thuận vói nhau trong thành phố. Ở trên là vô tri, ở dưới là vô lộ. Ngôn ngữ rối rắm ở trên, đường hầm rắc rối ở dưới. Ngục Đêđanlơ[407] cộng với tháp Baben.[408]

Có lúc cống ngầm Pari cũng giở chứng, dâng lên tràn bờ tuồng như con sông Nin không ai biết tới ấy đột nhiên nổi giận. Có những trận lụt cống rãnh mới nhục nhã chứ! Có những khi, cái dạ dày của văn minh ấy tiêu hóa kém, bùn lầy ựa lên cổ họng thành phố và Pari có mùi vị bùn phân. Cống ngầm giống hối hận, như thế cũng có phần tốt; đó là những cảnh cáo, nhưng bị coi nhẹ. Thành phố bực tức sao thứ bùn lại to gan đến thế, và không chấp nhận cho rác rưởi trở về. Phải quét tốt hơn kia.

Cơn lụt năm 1802 hãy còn hiện lại trong ký ức những người Pari tám mươi tuổi. Bùn tràn ra thành chữ thập ở quảng trường Chiến thắng, nơi có tượng Luy XIV; bùn chảy vào phố Xanh Hônôrê, do hai miệng cống ở quảng trường Săng Êlidê, vào phố Xanh Flôrăngtanh do cống ở phố đó, vào phố Pie a Poát Xông do cống Xonnơri, vào phố Pôpanhcua do cống Sơmanhve, vào phố Rêkét do cống phố Lapơ; ở ống máng phố Săng Êlidê, lụt bùn dâng cao đến ba mươi lăm phân. Phía nam, bằng lối thoát ra sông Xen nhưng đi ngược chiều, bùn tràn vào phố Madarin, phố Êsôđê và phố Mare. Ở đây, nó dừng lại cách nhà Raxin mấy bước, kính nể nhà thơ hơn nhà vua, cả hai đều

sống ở thế kỷ XVII. Nó đạt độ sâu nhất ở phố Xanh Pie, dâng cao đến một mét trên mặt đá ở miệng ống máng và độ rộng nhất ở phố Xanh Xabanh, ở đây nó trải ra trên chiều dài hai trăm ba mươi tám mét.

Đầu thế kỷ này, cống ngầm Pari còn là một nơi bí ẩn. Bùn lầy thì chẳng bao giờ được tiếng tốt, đành thế nhưng ở đây cái tiếng xấu lên đến mức khiến người ta phát khiếp. Pari lờ mờ biết rằng dưới chân mình có một cái hầm kinh khủng. Người ta nói đến nó như nói đến cái vũng đọng thành Tebơ ngày xưa, nhung nhúc những con rết dài năm mét, cái vũng có thể làm vũng đầm cho con quái Bêhêmốt khổng lồ. Những đôi ủng của thợ cống không bao giờ bước quá những điểm quen biết. Người ta hãy còn rất gần cái thời mà xe bùn của những người thợ vét – từ trên đó Xanhtơ-Phoa tỏ tình hữu ái với hầu tước Crêki – trút phăng cái chứa của mình xuống cống. Đến như việc nạo cống thì người ta trông cậy ở các trận mưa rào; nói cho đúng, mưa không quét nạo mấy mà đùn thêm nhiều hơn. La Mã còn để chút thơ mộng cho hố rác và gọi nó là Hố phơi bày; Pari thóa mạ nó và gọi nó là Lỗ thối. Khoa học và mê tín đồng tình ghê tởm. Khoa vệ sinh và truyền thuyết đều gớm cái Lỗ thối ngang nhau. Lão tu sĩ Quạu quọ sinh ra ở dưới cái vòm cuốn hôi thối của cống Muphơta; xác của Mácmudê bị vứt xuống cống Baridơri; Phagông cho là trận dịch sốt ác tính dữ dội năm 1685 là do cái lỗ thủng lớn ở cống Mare, lỗ này vẫn toang toác ở phố Xanh Luy cho đến năm 1833, ở xế bảng hiệu “Người đưa tin lịch sử”. Miệng cống phố Móctenlơri nổi tiếng vì những trận dịch hạch từ đó phát ra. Với cánh cửa song sắt nhọn tựa một hàng răng, nó nằm ở cái phố tai hại ấy như một họng rồng thổi âm khí lên loài người. Trí tưởng tượng dân gian đã pha một khái niệm vô tận vào cái chậu rửa của thành phố đó. Cống ngầm không có đáy. Cống ngầm là cái barathơrôm.[409] Cảnh sát không hề nghĩ tới việc thám hiểm những khu vực phong hủi ấy. Thử tìm hiểu cái xa lạ ấy, thăm dò trong bóng tối ấy, đi khám phá cái gì trong vực thẳm ấy, ai đâu dám? Kinh khiếp lắm. Thế mà cũng có người xin làm. Vũng bùn vẫn có Crixtôphơ Côlông của mình.

Năm 1805, trong dịp hiếm hoi hoàng đế xuất hiện ở Pari, một hôm quan thượng thư bộ nội vụ, tên là Đơkre hay Crête gì đó, đến bệ kiến vào lúc người thức giấc. Lúc đó người ta nghe ở quảng trường Quần Ngựa tiếng khua gươm của tất cả những binh lính

lạ kỳ thời cộng hòa vĩ đại và đế quốc vĩ đại; anh hùng đụng đầu nhau ở cửa cung Napôlêông: những người của sông Ranh, sông Excô, sông Ađigiơ và sông Nin; chiến hữu của Giube, Đơdex, Mácxô, Hôsơ, Klêbe; lính khí cầu ở Flơruytx, lính pháo thủ ở Maiăngxơ, công binh cầu đường ở Giênơ, kỵ binh mà các Kim tự tháp đã quan chiêm, pháo binh bị đại bác của Giuynô làm lấm áo, lính giáp kỵ đã từng xung phong chiếm hạm đội địch bỏ neo ở vịnh Duyđécdê. Người thì đã vượt qua cầu Lôđi với Bônapác, người thì theo gót Muyra vào hầm Măngtu, người khác nữa đã chạy trước Lannơ trên con đường trũng Môngtơbenlô. Toàn thể quân đội thời bấy giờ có mặt ở đó, ở trong sân điện Tuylơri, do một toán hoặc một tiểu đội đại diện. Họ bảo vệ Napôlêông đang yên giấc. Đây là một thời huy hoàng mà đội quân vĩ đại có chiến thắng Marănggô đằng sau lưng là Auxtéclítx[410] trước mặt. Quan thượng thư nội vụ tâu:

Muôn tâu bệ hạ, hôm qua tôi gặp con người dũng cảm nhất trong giang sơn bệ hạ.

Người đó là ai vậy? Hoàng đế vội vàng hỏi. Y đã làm gì?

Tâu bệ hạ, y muốn làm một việc.

Việc gì?

Thăm dò những cống ngầm Pari.

Người đó có thật, tên là Bruynơdô.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.