NHỮNG NGƯỜI KHỐN KHỔ

III. NGƯỜI BỊ THEO DÕI



Nói cho đúng, thời ấy đội cảnh binh, ngay trong những hoàn cảnh nghiêm trọng nhất, bao giờ cũng nghiêm chỉnh làm đầy đủ nhiệm vụ kiểm soát giữ gìn đường sá, theo dõi gian phi, không hề nao núng. Một cuộc bạo động không phải là một cớ để người cảnh binh có thể thả lỏng cho bọn gian phi muốn làm gì thì làm, và để bỏ mặc xã hội muốn ra sao thì ra vì lý do là chính phủ đang lâm nguy. Công việc bình thường tiến hành song song với công việc đột biến, không hề sai lạc hay lúng túng. Giữa một cuộc biến động chính trị lớn lao vừa chớm nở, với sự đe dọa của một cuộc cách mạng, một viên cảnh sát vẫn “theo hút” một tên kẻ cắp, không hề bị cuộc cách mạng và chiến lũy ngăn trở.

Ấy, việc đó đã xảy ra chiều ngày 6 tháng sáu trên bờ sông Xen, phía bãi bên phải, qua cầu Anhvalít một chút.

Bây giờ thì ở đó không còn bãi nữa. Cảnh tượng nay đã thay đổi.

Trên bờ sông có hai người ở cách nhau một quãng, hình như đang rình nhau, người nọ muốn lẩn tránh người kia. Người đi trước cố tách đi cho xa, người đi sau lại gắng sức tiến đến sát gần.

Thật giống như một ván cờ chơi im lặng, đứng xa nhau mà tính nước. Không ai có vẻ vội vàng; cả hai người cùng đi chậm rãi, hình như mỗi người đều sợ mình đi nhanh sẽ làm cho đối thủ càng đi nhanh hơn.

Trông cảnh tượng ấy, người ta tưởng như nhìn một con thú đói đang đuổi mồi mà làm như không đuổi gì cả. Con mồi thì lại xảo trá, lúc nào cũng đề phòng.

Họ giữ khoảng cách giữa con chó săn và con chồn bị đuổi. Kẻ cố thoát bé người, dáng yếu; kẻ cố bắt cao lớn, dáng khỏe bạo, đụng chạm với nó một lần cũng mệt lắm.

Kẻ bị săn, biết mình yếu hơn, cố tránh kẻ đi săn; hắn tránh mà lòng đầy căm giận. Có

ai chú ý nhìn hắn, sẽ thấy trong mắt hắn hằn lên mối hận thù phải đi trốn và vẻ hăm dọa mặc dù sợ sệt.

Lúc ấy bờ sông vắng tanh; không một bóng người qua lại; ngay trên các xà lan đậu đó đây, cũng không có bóng thủy thủ hay phu bốc hàng.

Chỉ đứng trên bến tàu trước mặt mới nhìn được rõ hai người ấy. Đứng như thế mà nhìn, sẽ thấy người đi trước có vẻ bơ phờ, rách rưới và gian giảo; và người đi sau là một viên chức nhà nước chính cống, mặc một cái áo dài viên chức cài khuy đến tận cổ.

Nếu các bạn nhìn gần họ, có lẽ cũng nhận được là ai.

Người đi đằng sau muốn gì?

Hẳn là muốn cho anh chàng kia được mặc ấm hơn.

Khi một người bận quần áo nhà nước mà đuổi theo một người ăn mặc rách rưới, tất cũng chỉ vì muốn cho anh ta mặc bộ quần áo nhà nước. Nhưng cái quan trọng là bận quần áo màu nào. Bận đồ xanh thì vinh dự biết mấy, nhưng bận đồ đỏ[418] thì đến bực mình.

Có thứ màu đỏ của hạ tầng.

Chắc hẳn anh chàng kia đang muốn tránh thứ màu đỏ ấy và một việc bực mình gì đây.

Người đi sau cứ để cho anh ta cứ việc đi trước, chưa bắt vội, chắc là còn mong tóm anh ta ở một nơi hẹn hò nào đầy ý nghĩa, hay tóm được ngon ơ cả một bọn. Cái công việc tế nhị ấy gọi là “theo dõi”.

Điều ức đoán trên rất có thể đúng vì người mặc áo cài khuy thấy trên bến có một cái xe ngựa đi không, liền ra hiệu cho bác đánh xe. Bác này hiểu ngay; tất nhiên, bác biết người gọi xe kia là ai, nên bác quay xe lại cho ngựa đi bước một trên bến, theo hai

người. Việc này, người ăn mặc rách rưới, có vẻ ám muội kia không hề biết!

Cái xe đi dọc theo hàng cây đường Săng Êlidê. Nửa người bác đánh xe nhô lên trên bao lơn bờ sông, tay cầm cái roi.

Một chỉ thị mật của sở cảnh sát gởi cho nhân viên, có ghi khoản này: “Bao giờ cũng phải dự bị sẵn một cái xe phòng khi dùng đến”.

Hai người, mỗi người dùng một chiến lược riêng rất tài tình, để tiến đến gần cái dốc xây đá chạy thoai thoải từ trên xuống bờ sông; cái dốc này vẫn dùng cho các bác đánh xe từ Pátxi tới dắt ngựa xuống sông uống nước, sau này bị phá đi cho cân đối; ngày nay ngựa chết vì khát nhưng phong cảnh trông vừa mắt hơn.

Hình như người mặc áo bờ lu sắp sửa trèo lên dốc để chạy trốn vào quảng trường Săng Êlidê; nơi này nhiều cây thật, những cũng rất sẵn cảnh binh, người đuổi theo sẽ được trợ lực dễ dàng.

Nơi này ở bờ sông gần bên ngôi nhà mà đại tá Brắc đem từ More về Pari năm 1824, gọi là nhà vua Francois đệ nhất. Một bốt gác nằm cạnh đó.

Người bị đuổi không trèo lên dốc, người kia hết sức sửng sốt; hắn ta cứ dọc theo bến mà đi dưới bờ sông.

Tình trạng hắn ta nguy ngập trông thấy.

Nếu không nhảy xuống sông Xen, hắn còn có cách nào khác?

Không còn cách nào lên bến được; lan can không, bậc cũng không, chỉ còn một thôi nữa là đến sông Xen ngoặt rẽ về phía cầu Iêna, tức là nơi bãi sông càng thu hẹp lại, rồi chỉ còn là một dải đất mong manh, rồi lẩn xuống mặt nước. Đến đó, hắn ta sẽ bị bao vây giữa một bức tường dựng đứng ở bên phải, trước mặt và bên trái là con sông, đại diện nhà nước ở ngay sau gót.

Thật ra còn lù lù một đống vôi gạch vụn che khuất nơi cuối bãi, cao độ hơn vài mét,

không biết từ sự phá hoại nào mà ra. Có lẽ hắn ta mong còn cách lẩn sau đống gạch vụn cỏn con ấy chăng? Cái kế cùng ấy khờ khạo quá. Tất hắn không nghĩ thế. Bọn kẻ cắp đời nào lại ngây thơ đến nước ấy.

Đống gạch làm thành một cái ụ thoai thoải xuôi xuống đến bức tường như một cái mỏm nhọn.

Người bị đuổi đến nơi ấy liền đi vòng cái mỏm kia thành thử người đuổi không nhìn thấy hắn nữa.

Người đuổi sau không thấy người đằng trước, nên người đằng trước cũng chẳng thấy được anh ta. Anh ta liền thừa cơ rảo cẳng bước vội lên, không cần giấu giếm gì nữa. Chỉ một chốc là anh đến ụ gạch, vội vòng ụ tiến lên. Anh bỗng dừng lại, sững sờ cả người. Người kia không còn đấy nữa. Người mặc áo bờ lu đã biến đâu mất hút.

Kể từ đống gạch, bãi chỉ còn chưa đầy ba mươi bước thì chìm dưới làn nước, sông đập thẳng vào chân tường bờ.

Hắn không thể nhảy xuống sông Xen hay leo lên dốc mà anh chàng đuổi sau lại không trông thấy! Hắn đi đằng nào?

Người mặc áo dài cài khuy đi đến tận cuối bãi, và đứng đờ ra suy nghĩ, tay nắm chặt run run, mắt xoi mói nhìn khắp chỗ. Bỗng anh ta vỗ trán. Anh vừa thấy ở nơi tiếp giáp mỏm đất với mặt nước, một cái cửa song sắt khá rộng và thấp, hình bán nguyệt, có một cái khóa dày dặn và ba cái bản lề to tướng. Cái cửa ấy là một thứ cửa đục ở dưới bục con đường dọc sông, mở thông ra sông và thông ra bãi. Một dòng nước ngầu đen chảy phía dưới cửa đổ vào sông Xen.

Phía bên kia những chấn song sắt nặng nề đã rỉ, là một con đường hầm vòm cuốn, tối om om.

Anh ta khoanh tay và nhìn tấm cửa, có vẻ trách móc.

Nhìn không đủ, anh lấy tay đẩy thử, anh lay lay. Cửa rất vững. Hắn là người vừa mở cửa; kể cũng lạ, cửa rỉ thế mà không nghe thấy một tiếng động. Nhưng có điều chắc chắn là cửa vừa khóa lại. Rõ ràng là người vừa qua cửa này không dùng một cái móc, mà có một cái chìa khóa.

Anh bừng thấy sự thật hiển nhiên ấy khi anh ra sức đẩy cái cửa sắt. Anh ta thốt một lời kết luận chua chát bất bình:

– Hừ, gớm thật! Có cả chìa khóa của nhà nước!

Rồi anh ta chợt dịu đi và diễn tả cả một thế giới tư tưởng bằng một hồi những tiếng gióng một, nói có vẻ mỉa mai:

– Chà! Chà! Chà! Chà!

Nói xong, không biết anh ta mong đợi cái gì – chắc là đợi người kia trở ra hay đợi có bọn khác chui vào – mà anh ta đứng rình ở đằng sau ụ gạch, như một con chó săn hung dữ, kiên nhẫn.

Còn cái xe ngựa tiến thoái theo anh ta thì đã đỗ ở trên bến bên cạnh bao lơn. Bác đánh xe đoán là phải đợi lâu, nên dúi mõm ngựa vào túi đựng thóc treo bên dưới xe, thứ túi mà người Pari thường trông thấy, và đôi lúc chính phủ cũng dúi họ vào. Một vài người trên cầu Iêna trước khi đi còn ngoái lại nhìn hai chi tiết cảnh ấy, một người đứng trên bãi sông và cái xe trên bến.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.