NHỮNG NGƯỜI KHỐN KHỔ

III. NHỮNG SỰ NGẠC NHIÊN CỦA MARIUYTX



Qua vài ngày thôi, Mariuytx trở thành bạn thân của Cuốcphêrắc. Thanh niên là cái tuổi dễ thân và những vết thương mau hàn gắn. Ở với Cuốcphêrắc, Mariuytx thấy thoải mái, trước nay anh chưa hề thấy dễ chịu như vậy. Cuốcphêrắc không hỏi gì Mariuytx. Anh thấy không cần thiết hỏi gì. Đối với thanh niên cứ nhìn mặt nhau là hiểu cả. Không cần nói. Thậm chí có người bộc lộ tất cả trên vẻ mặt. Trông nhau là hiểu nhau rồi.

Tuy vậy, một buổi sáng Cuốcphêrắc đột ngột hỏi Mariuyt:

À! Chính kiến của anh thế nào? Mariuytx hầu như có lấy làm phật ý. Cuốcphêrắc hỏi lại:

Anh là gì?

Dân chủ Bônapác.

Cuốcphêrắc bảo:

– Thế ra là màu xam xám của con chuột vừa hết sợ.

Ngày hôm sau Cuốcphêrắc dẫn Mariuytx đến tiệm cà phê Muydanh và anh mỉm cười nói thầm với Mariuytx “Tôi phải giới thiệu anh với Cách mạng” và Cuốcphêrắc đưa Mariuytx vào gian buồng nhóm bạn của ABC. Anh giới thiệu Mariuytx với các đồng chí khác bằng một tiếng giản dị nói khe khẽ mà Mariuytx không hiểu: một học trò.

Mariuytx rơi vào một cái tổ ong trí tuệ. Tuy tính ít nói và trầm tĩnh, anh cũng không phải tay vừa.

Xưa nay sống cô đơn, Mariuytx đã có thói quen suy nghĩ một mình, chỉ thích mình nói riêng với mình, vì vậy anh cũng e ngại rụt rè trước đám thanh niên mau mồm mau miệng này. Những cái mới lạ khác ở họ lôi kéo anh và cũng làm anh day dứt. Tất cả những khối óc phóng khoáng và luôn luôn hoạt động ấy làm cho ý nghĩ của anh quay cuồng; nhiều khi trong rối loạn, nó bay khá xa anh, phải khó nhọc lắm mới tìm lại được mối; có khi anh không nhớ lại được mình nghĩ gì nữa. Họ bàn luận với nhau về triết lý, văn chương, nghệ thuật, lịch sử, tín ngưỡng một cách rất bất ngờ, anh thoáng thấy những khía cạnh lạ lùng, anh không sắp xếp những cái đó cho nên anh tưởng như còn hỗn loạn. Khi cắt đứt với ông và theo chính kiến cha, anh cho rằng tư tưởng của anh đã có một cơ sở vững chắc; bây giờ thì anh ngờ ngợ rằng anh chưa nắm được gì, anh lo lắng và không dám tự thú nhận như vậy. Góc độ anh đứng để nhìn sự vật lại bắt đầu di chuyển. Những chân trời tư tưởng của anh hình như nghiêng ngã, thật là một cuộc xáo trộn lạ lùng. Anh thấy trong lòng gần như đau khổ.

Đối với những người thanh niên ấy, hình như không có cái gì mà họ cho là “đã cố định”. Về bất cứ vấn đề nào anh cũng nghe thấy những câu nói lạ lùng anh chưa nghe quen nên lấy làm khó chịu.

Một tờ quảng cáo rạp hát rao một vở bi kịch cổ điển, Bahôren kêu lên:

Đả đảo thứ bi kịch cổ điển thích thú của bọn tư sản. Nhưng Mariuytx lại thấy Côngbơphe nói:

Anh lầm rồi! Bahôren ạ. Bọn tư sản thích kịch cổ điển thì mặc họ thích. Bi kịch cổ điển với những nhân vật mang tóc giả cũng có lý do tồn tại của nó, tôi không phải vì Etsin mà phủ nhận nó. Trong giới tự nhiên có những giống chưa hoàn thành, những mẫu hình bắt chước; một cái mỏ không ra cái mỏ, cánh không ra cánh, vây chẳng ra vây, chân chẳng ra chân, với tiếng kêu thảm thiết làm cho người ta phì cười, con vịt đấy. Bên cạnh chim có gà vịt, thì tại sao không có bi kịch cổ điển bên cạnh bi kịch cổ điển.

Cũng có hôm tình cờ, Mariuytx qua phố Giăng Giắc Rutxô cùng với Ănggiônrátx và

Cuốcphêrắc. Cuốcphêrắc nắm cánh tay Mariuytx bảo:

Chú ý, đây là phố Pơlatơrie, nay cải tên là phố Giăng Giắc Rutxô vì khoảng sáu mươi năm trước đây có một cái gia đình kỳ dị đã ở phố này. Cái gia đình Giăng Giắc và Têredơ. Thỉnh thoảng gia đình ấy sinh con: Têredơ thì cho ra đời, còn Giăng Giắc thì cho vào cô nhi viện.

Nhưng Ănggiônrátx cự Cuốcphêrắc:

Không được nói gì đến Giăng Giắc. Con người ấy đáng phục. Ông ta bỏ con mình, phải, nhưng ông đã nhận nhân dân làm con.

Không một ai trong nhóm thanh niên ấy nói tiếng hoàng đế. Chỉ có Giăng Pruve thỉnh thoảng gọi Napôlêông; mọi người khác đều gọi Bônapác. Ănggiônrátx gọi: Buônapac.

Mariuytx có phần ngạc nhiên. Bước đầu của sự hiểu biết.[191]


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.