NHỮNG NGƯỜI KHỐN KHỔ

IV. CHAI MỰC CHỈ LÀM TRẮNG THÊM



Cũng ngày hôm ấy, hay nói cho đúng cũng chiều hôm ấy, Mariuytx vừa ăn xong, và vào phòng làm việc nghiên cứu một tập hồ sơ thì Bátxcơ mang vào cho chàng một bức thư và nói: “Người viết thư đợi ở chái ngoài”.

Côdét đã cắp tay ông ngoại đi dạo chơi một vòng ngoài vườn.

Một bức thư cũng có khi có vẻ khó coi như một người. Giấy xấu, phong bì thô, có những bức thư chỉ mới trông bề ngoài thôi cũng thấy khó ưa rồi. Bức thư Bátxcơ mang vào thuộc loại ấy.

Mariuytx cầm bức thư nồng nặc mùi thuốc lá. Chẳng cái gì thức tỉnh ký ức bằng mùi vị. Mariuytx nhận ra mùi thuốc lá ấy. Chàng nhìn dòng chữ ngoài bì:

Kính gửi ông, ông nam tước Pôngmécxi, tại dinh thự ông.

Nhớ lại mùi thuốc lá, Mariuytx nhớ lại cả dạng chữ viết. Sự ngạc nhiên có khi rọi sáng như tia chớp, Mariuytx như được tia chớp ấy soi sáng. Khứu giác hỗ trợ trí nhớ một cách huyền bí, vừa gợi lại trong đầu Mariuytx cả một thế giới. Đúng thứ giấy ấy, cách gấp bì ấy, màu mực nhợt ấy, đúng dạng chữ ấy, và nhất là đúng thứ thuốc lá ấy. Cả hai ổ quỷ Giôngđơrét hiện ra.

Thật là một sự tình cờ lạ kỳ! Một trong hai dấu vết lâu nay chàng bỏ bao nhiêu công phu tìm kiếm, gần đây chàng còn mất bao nhiêu công phu theo dõi, mà chàng tưởng là hoàn toàn mất tích rồi, tự nhiên lại tự xuất hiện ra trước mắt chàng.

Chàng vội vàng bóc lá thư và đọc:[451]

“Kính thưa ngài nam tước,

Nếu Đức Thượng đế ban cho tôi đủ tài năng, tôi cũng có thể là nam tước Tênác, viện

sĩ (viện khoa học) nhưng, tôi không phải là nam tước Tênác. Tôi chỉ trùng tên với ngài ấy thôi. Tôi rất mong cái chuyện nam tước Tênác ấy làm ngài chiếu cố đến tôi. Tôi sẽ đền ngài cái ơn ngài sắp ban cho tôi.

Tôi nắm được bí mật của một con người. Con người ấy có quan hệ với ngài. Tôi rất mong có thể giúp ích ngài được, điều bí mật ấy tôi sẵn lòng nói hầu ngài. Tôi sẽ giúp ngài cách đơn giản đuổi khỏi gia đình danh giá của ngài cái con người không có quyền được ở ấy! Nam tước phu nhân là dòng dõi cao quý kia. Đạo đức không thể ở chung với tội ác lâu hơn nữa, mà không thoái vị.

Tôi xin đợi lệnh của ngài nam tước ở chái ngoài.

Kính thư”.

Bức thư ký tên “Tênác”.

Chữ ký đó không phải chữ ký giả, nó chỉ bị cắt một đoạn nhỏ thôi.

Vả chăng lời thư lôi thôi và những lỗi chính tả càng xác nhận đầy đủ hơn nguồn gốc bức thư. Không còn có thể nghi ngờ gì nữa.

Mariuytx rất xúc động. Sau một lúc ngạc nhiên, chàng thấy vui sướng. Bây giờ chỉ cần tìm được người kia nữa, người đã cứu sống chàng. Thì là chẳng còn ước mong gì. Chàng rút một cái ô kéo tủ con của chàng, lấy mấy tờ giấy bạc, đút vào túi, đóng cửa tủ và bấm chuông.

Bátxcơ mở hé cửa, Mariuytx bảo:

Đưa người ta vào. Bátxcơ đưa vào và bảo:

– Ông Tênác.

Một người đàn ông bước vào.

Một điều ngạc nhiên khác cho Mariuytx: người mới vào, chàng không hề biết mặt bao giờ.

Con người ấy đã già rồi, mũi to, cằm ngập trong chiếc ca-vát, mang kính xanh có hai lần vải viền mỏng, tóc vuốt thẳng và bẹp xuống trán đến tận gần lông mày như bộ tóc giả của những người đánh xe ngựa ở cả nhà quý tộc Anh. Tóc đã hoa râm. Quần áo thì toàn một màu đen, từ đầu đến chân, bạc màu, nhưng trông vẫn sạch sẽ: một mớ dây đồng hồ ở trong túi có đồng hồ: tay cầm một cái mũ cũ. Dáng đi lom khom, khi hắn cúi rạp xuống chào, trông lại càng còng lưng hơn nữa. Điều đáng chú ý ngay lúc đầu là chiếc áo dài quá rộng, tay đã cài khuy cẩn thận, hình như không phải áo của hắn.

Đến đây cần phải nói ra ngoài đề một chút.

Pari hồi đó, trong một gian nhà nhỏ cũ kỹ, chỉ có độc một cái cửa ở phố Botơrâyi, gần xưởng đóng tàu, có một người Do Thái lanh lợi làm cái nghề biến một tên lưu manh thành một người lương thiện. Biến tạm thời, vì để lâu thì tên lưu manh chắc cũng lấy làm khó chịu. Biến đổi ngay trước mắt, trong một hai ngày, mỗi ngày giá ba

mươi xu, bằng một bộ quần áo giống cái vẻ lương thiện của mọi người. Người cho thuê quần áo ấy tên là Lơ Sănggiơ,[452] bọn lưu manh ở Pari đã đặt cho hắn cái tên ấy, và chỉ gọi hắn là thế thôi. Hắn có một lô quần áo khá đầy đủ. Có những loại riêng, những thứ riêng, mỗi một cái đanh trong cửa hàng hắn treo một địa vị xã hội đã cũ, đã nát: đây là cái áo thẩm phán, đây là cái áo mục sư, đây là cái áo ngân hàng, trong góc kia là cái áo nhà binh về hưu, đằng kia áo nhà văn, xa nữa cái áo chính khách. Chủ hiệu ấy là người phụ trách trang phục cho vở trò rộng lớn của bọn vô lại ở Pari. Cái buồng nát của hắn là hậu trường để cho bịp bợm lẩn vào và trộm cướp chui ra. Một tên vô lại rách rưới đến cái buồng mắc áo đó, bỏ ra ba mươi xu rồi chọn chiếc áo thích hợp để đóng vai trò nó định đóng hôm đó và khi đi xuống thang gác tên vô lại đã là ông kia ông nọ. Hôm sau quần áo được mang lại không sai sót. Và Lơ Sănggiơ

chẳng hề mất gì mặc dù giao cả cho bọn trộm cắp. Những áo quần ấy cũng có một sự bất tiện là mặc không vừa: không phải đo may cho những người ấy, cho nên đối với kẻ này thì nó bó sát quá, đối với kẻ kia thì nó xùng xình quá, chẳng vừa vặn với một ai. Tên ăn cắp nào ở trên hoặc ở dưới tầm cao trung bình của con người đều thấy không thoải mái trong y phục của lão Lơ Sănggiơ. Không nên béo quá cũng như gầy quá. Lão Lơ Sănggiơ chỉ dự kiến cho những người bình thường. Hắn cho may đo trên người tên kiết xác đầu tiên nào tìm đến hắn, tên này không to béo, không khẳng khiu, không cao, không thấp. Do đó khách hàng của hắn gặp nhiều khó khăn trong việc mượn lốt và phải cố gắng xoay xở được chừng nào hay chừng ấy. Mặc những ngoại lệ! Chẳng hạn áo quần của chính khách, đen từ trên xuống dưới, nghĩa là đúng cách đấy, nhưng ví như Pít mặc thì quá rộng mà Caxtenxicala thì quá chật. Trong bản giới thiệu của Lơ Sănggiơ, y phục chính khách được nêu ra như sau, y nguyên văn: “Một áo dạ đen, một quần dạ len đen, một gi-lê lụa, ủng và áo quần lót”. Ngoài lề ghi: Cựu sứ thần. Có một đoạn bị chú mà chúng tôi cũng chép ra đây: “Trong một hộp riêng, có một bộ tóc giả phi dê đàng hoàng, một cặp mục kỉnh xanh, một bộ dây chuyền và hai ống lông chim dài ba phân, bọc bông vải”. Tất cả những thứ đó thuộc về vị chính khách sứ thần. Cả bộ quần áo này có thể nói là cũng mệt nhoài: các đường chỉ may đã bạc màu, ở khuỷu tay có một vệt hở; ngoài ra ở ngực áo mất một chiếc cúc; nhưng đó chỉ là một chi tiết không đáng kể: đã là chính khách thì bàn tay phải luồn vào ve áo mà đặt lên tim và có nhiệm vụ che giấu chỗ mất cúc.

Nếu Mariuytx quen thuộc chút ít với những cơ sở bí mật ấy ở Pari thì chàng đã nhận ngay ra được trên mình người khách mà Bátxcơ mới đưa vào, chiếc áo chính khách mượn ở cái mắc áo của Lơ Sănggiơ.

Khi thấy không phải là người mà mình đoán, Mariuytx không vừa ý, xoay ra bực mình với người mới đến. Chàng nhìn người ấy từ đầu đến chân, trong khi người lạ cúi chào sát đất. Chàng hỏi người ấy giọng cộc lốc:

– Ông muốn gì?

Người lạ trả lời với một nụ cười niềm nở, chẳng khác gì nụ cười mơn trớn của con cá

sấu, nếu cá sấu cười:

Tôi tin chắc rằng đã có lần hân hạnh được gặp ngài nam tước trong giới thượng lưu chúng ta. Tôi nhớ lắm, cách đây mấy năm, đã gặp ngài ở nhà bà lớn hoàng thân Bagơraxiông và ở phòng khách của ngài tử tước Đăngbơray, huân lão nước Pháp.

Đây vẫn là chiến thuật quen thuộc của bọn xỏ lá làm ra vẻ nhận ra một nhân vật mà kỳ thực là không tên tuổi.

Mariuytx để ý đến cách nói năng của người ấy, chàng chú ý nghe giọng nói, nhìn cử chỉ của hắn, nhưng chàng lại càng thêm thất vọng: một thứ giọng mũi, không giống cái giọng chua chua và cụt chàng tưởng. Chàng hoàn toàn lạc hướng. Chàng bảo:

Tôi không quen với bà Bagơraxiông mà cũng chẳng biết ông Đăngbơray, tôi chưa đặt chân vào nhà bà ấy hoặc ông kia bao giờ.

Câu trả lời thật cộc cằn. Nhưng người lạ vẫn niềm nở nói thêm:

Thế thì hẳn là tôi được gặp ngài ở nhà Satôbơriăng.[453] Tôi quen với Satôbơriăng lắm, ông ấy rất ân cần. Thường khi ông ấy bảo tôi: ông bạn Tênác tôi ơi! Ông có nhắp với tôi một cút rượu không?

Mặt Mariuytx mỗi lúc một thêm nghiêm nghị.

Tôi chưa bao giờ có hân hạnh được ông Satôbơriăng tiếp. Ta rút gọn thôi: ông cần gì?

Trước giọng nói gay gắt của Mariuytx, người lạ lại càng cúi rạp xuống:

Thưa ngài nam tước, xin ngài hạ cố nghe tôi. Bên Mỹ châu, trong một xứ về phía nước Panama, có một cái làng gọi là Giôiya, một làng mà chỉ có độc một nhà. Một cái nhà to, vuông, ba tầng, xây bằng gạch nung ngoài nắng, mỗi cạnh vuông dài trên hai trăm bước, mỗi tầng lui vào sáu bảy bước đối với tầng dưới để chừa ra một thứ sân

gác bao quanh nhà. Giữa nhà có một cái sân trong để lương thực và đạn dược; không có cái cửa sổ nào, chỉ những lỗ châu mai, không có cái cửa ra vào nào, chỉ ra vào bằng thang, thang lên tầng thứ nhất, thang lên tầng thứ hai, thang lên tầng thứ ba, thang để xuống sân trong: buồng nào cũng không có cửa, chỉ có cái nắp đậy, không có cầu thang chỉ có thang; buổi tối đậy nắp buồng, rút thang lên, chĩa súng ra lỗ châu mai, không có lối nào vào được, một cái nhà ở ban ngày, một cái pháo đài ban đêm, tám trăm con người, đấy cái làng như thế đấy. Sao phải phòng ngừa như vậy? Vì xứ ấy nguy hiểm, đầy giống ăn thịt người. Thế mà có người đến xứ ấy, vì là một xứ kỳ diệu: ở đấy có vàng.

Mariuytx lúc nãy mới thất vọng, bây giờ đâm sốt ruột; chàng ngắt lời người lạ:

Ông muốn đưa đến chuyện gì?

Đến thế này ạ, thưa ngài nam tước. Tôi nguyên là một nhà ngoại giao hoạt động đã nhiều, nay mệt mỏi. Cái nền văn minh cổ kính này tôi đã chán lắm, tôi muốn thử chơi với cái bọn dã man kia.

Thế rồi sao nữa?

Thưa ngài nam tước, ích kỷ là quy luật của thế giới, mụ nông dân vô sản làm công nhật khi thấy một cái xe chở khách đi qua thì quay lại nhìn, mụ nông dân chủ đất, làm lụng ở ngay ruộng của mụ thì không ngoảnh lại. Con chó nhà nghèo thì sủa anh giàu, con chó nhà giàu thì sủa thằng nghèo. Ai cũng chỉ biết mình. Lợi lộc là mục đích của mọi người. Vàng là nam châm.

Sao nữa? Kết luận đi chứ.

Tôi muốn đến lập nghiệp ở Giôiya. Gia đình tôi có ba người, tôi, nhà tôi và con bé cháu; đứa con gái tôi đẹp lắm. Hành trình thì xa, lộ phí nhiều. Tôi cần một ít tiền.

Mariuytx hỏi:

– Thế thì can gì đến tôi?

Người lạ nhô cái cổ ra ngoài chiếc ca-vát như con kên kên thường làm và đáp lại, tươi cười hơn:

– Thế thưa ngài nam tước, ngài không đọc cái thư của tôi ư?

Cũng gần đúng như vậy thật. Nội dung bức thư chẳng đi vào trí Mariuytx, và chàng chỉ nhìn dáng chữ chứ không đọc hẳn bức thư. Chàng chẳng nhớ gì mấy. Vừa rồi đây chàng để ý thấy một điểm: “nhà tôi và con bé cháu”. Chàng nhìn chòng chọc vào mặt người lạ. Một ông biện lý cũng chẳng nhìn xoi mói hơn thế. Hình như chàng rình chộp hắn. Chàng trả lời gọn lỏn:

– Ông nói rõ đi.

Người lạ thọc hai bàn tay vào hai cái túi con, ngẩng đầu lên nhưng vẫn đứng khom lưng, hắn cũng nhìn chòng chọc Mariuytx qua đôi kính xanh của hắn:

Được rồi, thưa ngài nam tước, tôi xin nói rõ. Tôi có một điều bí mật muốn bán lại cho ngài.

Một điều bí mật?

Vâng, một điều bí mật.

Có liên quan đến tôi?

Cũng ít nhiều.

Bí mật gì?

Mariuytx vừa nghe vừa quan sát người lạ kỹ hơn.

– Xin biếu không ngài khúc đầu, hắn nói. Ngài sẽ thấy câu chuyện của tôi rất lý thú.

Ông nói đi.

Thưa ngài nam tước, trong nhà ngài có một thằng ăn cắp, một thằng sát nhân. Mariuytx giật mình, chàng bảo:

Trong nhà tôi? Không.

Người lạ vẫn thản nhiên như không, lấy khuỷu tay áo chùi cái mũ rồi nói tiếp:

Sát nhân và ăn cắp. Thưa ngài nam tước, xin ngài chú ý cho, tôi không nói đến sự việc cũ, lạc hậu rồi, cũ kỹ rồi, đã được xóa đi, và đủ thời gian miễn tố[454] trước pháp luật, vì người phạm tội đã hối hận trước Chúa trời. Tôi nói đến sự việc mới mẻ, đến sự việc hiện tại, sự việc mà công lý đến giờ này còn chưa hay. Tôi xin nói tiếp. Người ấy đã len lỏi đoạt sự tín nhiệm của ngài, len lỏi hẳn vào trong gia đình ngài, đội một tên giả. Tôi sẽ nói thật tên của hắn để ngài biết, mà vẫn không lấy ngài đồng tiền nào.

Tôi nghe đây.

Tên hắn là Giăng Vangiăng.

Tôi biết rồi.

Tôi sẽ nói với ngài hắn là ai mà cũng không lấy của ngài đồng nào.

Nói đi.

Hắn nguyên là một tên tù khổ sai.

Tôi biết rồi.

Ngài biết từ khi tôi hân hạnh nói điều ấy với ngài.

– Không, tôi biết từ trước.

Giọng nói lạnh lùng của Mariuytx, câu tôi biết rồi nhắc lại hai lần, lối trả lời cộc lốc như không muốn tiếp chuyện, gợi trong lòng người lạ mặt một mối căm giận âm ỉ. Hắn liếc trộm Mariuytx với con mắt nảy lửa, nhưng lại dập tắt ngay. Tuy hắn chỉ nhìn trộm một giây thôi nhưng cái cách nhìn ấy, ai đã trông thấy một lần cũng nhận ra được ngay. Nó không lọt qua mắt Mariuytx. Cái lối nhìn nảy lửa như vậy chỉ có thể là của những con người thế nào đấy. Con ngươi, cửa sổ của tâm hồn, cũng long lên cùng với tâm hồn, cặp mắt kính chẳng che được gì, khác đâu lấy tấm kính mà che địa ngục.

Người lạ mỉm cười nói tiếp:

Tôi không dám cải chính ngài nam tước, nhưng dù sao ngài cũng phải nhận là tôi biết rạch ròi. Bây giờ điều tôi sắp nói với ngài, chỉ có mình tôi biết thôi. Đây là về cái gia tài của nam tước phu nhân. Một điều bí mật lạ kỳ. Bí mật này đáng tiền lắm. Tôi xin dành ngài ưu tiên. Rẻ thôi, hai mươi nghìn phơrăng.

Mariuytx nói:

Bí mật này tôi cũng biết, như các bí mật khác. Người lạ thấy còn phải hạ giá xuống ít nhiều.
Thưa ngài nam tước, thôi thì mười nghìn phơrăng vậy! Tôi nói đây.

Tôi nhắc lại ông là ông sẽ không cho tôi biết được cái gì cả. Ông định nói điều gì tôi đều biết cả rồi.

Mắt người lạ lại thoáng một tia chớp nữa. Hắn kêu lên:

Nhưng hôm nay tôi cũng cần phải ăn tối. Một điều bí mật lạ lùng lắm, tôi cam đoan với ngài thế. Thưa ngài nam tước, tôi xin nói. Tôi nói đây. Chỉ xin ngài hai mươi phơrăng thôi.

Mariuytx nhìn chòng chọc vào mặt hắn:

Tôi biết cái bí mật lạ lùng của ông, cũng như tôi đã biết tên họ của Giăng Vangiăng, cũng như tôi biết tên ông.

Tên tôi?

Phải.

Làm gì mà chẳng biết thưa ngài nam tước, tôi đã có hân hạnh tự giới thiệu trong bức thư trình ngài: Tênác.

Điê.

Hử?

Tênácđiê.

Ai thế?

Gặp nguy hiểm con nhím xù lông lên, con cánh cam giả chết, đội cận vệ quân xếp thành hình vuông;[455] người này thì cười. Rồi hắn lấy ngón tay búng hạt bụi trên tay áo.

Mariuytx nói tiếp:

Ông cũng như người thợ Giôngđơrét, là diễn viên Phabăngtu, là thi sĩ Giăngphơlô, là nhà quý tộc Tây Ban Nha Đông Anvarét và cả mụ Balida.

Mụ gì?

Và ông từng có cái quán ăn ở Môngphécmây.

Quán ư? Không bao giờ.

– Và tôi nhất định ông là Tênácđiê.

Tôi không nhận.

Và ông là một thằng khố dây. Đây.

Mariuytx móc trong túi ra một tờ giấy bạc; ném vào mặt hắn.

Cảm ơn ngài, xin lỗi ngài, ồ, năm trăm phơrăng, thưa ngài nam tước, – Người lạ hốt hoảng cuống cuồng, chào lấy chào để, cầm tờ giấy bạc ngắm nghía kinh ngạc và nhắc lại:

Năm trăm phơrăng!

Hắn lắp bắp khẽ khẽ:

Một món ra trò chứ lị! Rồi đột nhiên hắn kêu:
Thế cũng được, bây giờ chúng ta nói chuyện thoải mái. Rồi nhanh nhẹn như một con khỉ, hắn lật tóc ra đằng sau, giật kính, rút ở mũi ra hai cái ống lông chim đã nói trước đây và chúng ta cũng đã thấy ở một chỗ khác trong truyện này và cất đi; hắn bỏ cái mặt hắn ra, cũng như người ta bỏ mũ. Mắt hắn sáng lên, cái trán lộ ra, cái trán mấp mô, lồi lõm dăn deo một cách ghê tởm ở phía trên, cái mũi trở lại nhọn hoắt như cái mỏ chim, nét mặt hung dữ, khôn ranh của một hung thủ hiện ra.

Thưa ngài nam tước, ngài quả là người không lầm lạc bao giờ, tôi là Tênácđiê. Hắn nói rõ ràng, không còn tí giọng mũi nào. Và hắn đứng thẳng lưng lên.

Tênácđiê, vì hắn chính là Tênácđiê, hết sức ngạc nhiên. Hắn không còn biết hoảng hốt là gì, nếu không thì cũng đã hoảng hốt. Hắn định làm cho người ta kinh dị, thì chính hắn lại kinh dị. Cái nhục ấy được đền bù bằng năm trăm phơrăng cũng xứng đáng, hắn nhận vậy; nhưng dù sao hắn cũng vẫn choáng váng.

Lần đầu tiên gặp ông nam tước Pôngmécxi ấy và mặc dầu hắn trá hình như vậy, nam

tước Pôngmécxi vẫn nhận ngay ra hắn, nhận ra cả tông tích hắn; không những ông nam tước ấy biết chuyện Tênácđiê mà hình như biết cả chuyện Giăng Vangiăng. Cái anh chàng thanh niên mặt mày còn nhẵn nhụi ấy, lạnh lùng thế mà lại hào phóng thế, biết hết tên mọi người, rắc tiền cho mọi người như thế, bạc đãi bọn ăn cắp như một vị quan tòa, mà lại thả tiền cho chúng như một thằng chịu bịp, cái người ấy là thế nào?

Ta còn nhớ, Tênácđiê tuy trước là láng giềng của Mariuytx nhưng chưa gặp chàng bao giờ, ở Pari thường như thế. Ngày trước hắn có nghe thấy hai con gái hắn nhắc mơ hồ đến một chàng thanh niên rất nghèo tên là Mariuytx ở cùng một nhà với hắn. Hắn đã vứt cho Mariuytx cái thư mà chúng ta đã biết. Trong trí óc hắn không thể có liên quan giữa chàng Mariuytx ấy và nam tước Pôngmécxi này.

Còn cái tên Pôngmécxi thì ta cũng nhớ trên chiến trường Oatéclô hắn chỉ nghe thấy có hai âm cuối, hai âm đó hắn buông trôi một cách tự nhiên, như người ta thường không thèm để ý đến một lời cảm ơn suông.[456]

Vả chăng nhờ con Adenma, con gái hắn mà hắn đã sai đi theo dõi cô dâu và chú rể hôm đám cưới ngày 16 tháng hai, và nhờ những dò xét tìm tòi riêng của hắn, hắn đã khám phá ra được nhiều điều, hắn đã nắm được đầu mối nhiều sợi dây bí mật từ trong cái hang tối của hắn. Sau bao nhiêu mánh khóe, hắn khám phá ra, hay ít nhất sau bao nhiêu suy luận, hắn phỏng đoán được cái người mà hắn đã gặp một hôm trong cống chính Pari. Biết người, dần dà hắn biết được tên. Hắn biết nam tước phu nhân là Côdét. Nhưng về Côdét thì hắn không muốn tiết lộ gì. Chính Côdét là ai, hắn cũng không biết rõ nữa. Hắn đoán là một thứ con hoang nào đó, chuyện Phăngtin trước kia cũng có phần ám muội, hắn biết, nhưng tiết lộ ra làm gì? Hay là đòi tiền để không tiết lộ? Hắn cho rằng, hoặc ít nhất cũng tưởng rằng có cái khác bán được tiền hơn. Vả lại khi không có chứng cớ gì cụ thể, mà đến bảo với nam tước Pôngmécxi: vợ ngài là một đứa con hoang, thì chỉ mua được cái mũi giầy của ông chồng tống thẳng vào cật của anh chàng mách lẻo.

Trong ý nghĩ, Tênácđiê cho rằng câu chuyện với Mariuytx chưa thật bắt đầu. Hắn đã

phải lùi một bước, thay đổi chiến lược, rút bỏ một cứ điểm, chuyển sang chiến tuyến khác, tuy nhiên vị trí căn bản vẫn chưa suy chuyển, mà hắn đã có năm trăm phơrăng trong túi rồi. Vả lại điều hắn nói sẽ là một điều quyết định, tuy ông nam tước Pôngmécxi này am tường mọi chuyện, rất sẵn sàng đối phó, hắn cũng thấy là hắn chiếm ưu thế. Đối với những con người vào hạng Tênácđiê, một cuộc đối thoại là một cuộc chiến đấu. Trong cuộc đọ gươm sắp diễn ra, hoàn cảnh của hắn như thế nào? Người nói chuyện với hắn, hắn không biết rõ là ai, nhưng chuyện hắn sắp nói thì hắn nắm vững lắm.

Hắn thầm kiểm điểm nhanh chóng lực lượng của hắn, và khi đã nói dứt khoát: tôi là Tênácđiê, hắn bình tĩnh chờ, Mariuytx thì tư lự. Chàng đã nắm được Tênácđiê. Cái người mà chàng khao khát tìm cho ra lâu nay, bây giờ đứng trước mặt chàng. Thế là chàng có thể thực hiện được lời kí thác của đại tá Pôngmécxi. Chàng nghĩ rằng nếu người anh hùng ấy phải mang nợ tên kẻ cướp kia thì thật là nhục cho chàng, thật là nhục nếu cái hối phiếu cha chàng đã kí từ dưới đáy mồ để cho chàng trả đến nay vẫn còn phải tranh biện. Một mặt khác, trong cái tâm trạng phức tạp của chàng đối với Tênácđiê, chàng thấy cần phải trả thù cho vong hồn đại tá Pôngmécxi, chẳng may đã bị tên đểu cáng ấy cứu sống. Dù sao, chàng cũng thấy thỏa mãn. Chàng sắp sửa được giải phóng vong hồn đại tá khỏi tay chủ nợ đáng khinh kia. Hình như chàng thấy chàng sắp sửa đưa danh dự của chàng ra khỏi cái nhà tù giam những người thiếu nợ. Bên cạnh nhiệm vụ ấy, chàng còn có một nhiệm vụ khác là tìm ra, nếu có thể được nguồn gốc gia tài của Côdét. Cơ hội tốt hình như đã đến. Tênácđiê có lẽ cũng biết được ít nhiều. Tìm hiểu sâu con người này chắc là có ích. Chàng bắt đầu ở đây.

Tênácđiê đã nhét sâu trong túi cái món “ra trò” kia, hắn nhìn Mariuytx với một con mắt dịu dàng gần như âu yếm.

Mariuytx nói trước:

Tênácđiê, tôi đã vạch rõ tên anh. Bây giờ còn điều bí mật của anh, điều anh định đến mách cho tôi, anh có muốn tôi nói trắng ra với anh không? Tôi cũng có những nguồn tin của tôi, anh nghe chưa? Anh sẽ thấy là tôi biết nhiều hơn anh. Như anh đã bảo,

Giăng Vangiăng là một kẻ giết người, một tên ăn trộm. Ăn trộm vì hắn đã đánh cắp của một nhà công nghiệp giàu có: ông Mađơlen vì hắn mà sạt nghiệp bởi hắn đã giết viên cảnh sát Giave.

Tênácđiê đáp:

Thưa ngài nam tước, tôi không hiểu gì cả.

Tôi sẽ giải thích anh rõ. Anh hãy nghe đây. Trong một tỉnh thuộc quận Padơ Cale vào khoảng năm 1822 có một người trước kia có chuyện lôi thôi với pháp luật, người ấy đã đổi tên là Mađơlen và lấy lại được danh dự và tín nhiệm. Người ấy đã trở nên một chính nhân quân tử, với tất cả ý nghĩa của tiếng ấy. Nhờ kinh doanh công nghệ sản xuất thủy tinh đen, ông ấy đã làm giàu cho cả một thành phố. Ông ấy cũng có làm giàu riêng cho mình, nhưng chỉ là mục đích phụ thôi, thỉnh thoảng mới làm. Ông là người cha nuôi của dân nghèo. Ông ta mở nhà thương, xây trường học, thăm hỏi người ốm, tặng của hồi môn cho những gái nghèo, giúp đỡ những quả phụ, nuôi nấng trẻ mồ côi, ông ta chẳng khác gì cha đỡ đầu của vùng ấy. Ông đã từ chối nhận huân chương bắc đẩu bội tinh, và chính phủ đã cử ông làm thị trưởng.

Một tên tù khổ sai mãn hạn biết ông ngày trước có phạm một tội bị kết án, bèn tố cáo ông và làm cho ông bị bắt; tên tù khổ sai ấy thừa cơ ông bị bắt đến Pari và giả chữ kí, hắn rút ở ngân hàng Laphít một số tiền hơn nửa triệu của ông Mađơlen. Chuyện này chính người thủ quỹ của ngân hàng kể lại cho tôi. Tên tù khổ sai đã đoạt số tiền của ông Mađơlen là Giăng Vangiăng. Còn chuyện kia anh cũng chẳng có gì đáng mách tôi cả. Giăng Vangiăng đã giết tên cảnh sát Giave bằng một phát súng ngắn. Tôi, chính tôi đây đã chứng kiến việc ấy.

Tênácđiê nhìn Mariuytx với con mắt ngạo nghễ của một người đã bị thua mà lại nắm được lại thắng lợi, và giành lại trong một phút tất cả trận địa đã mất. Nhưng hắn lại niềm nở cười ngay; cái thắng lợi của kẻ dưới đối với người trên cũng phải mơn trớn. Tênácđiê chỉ nói với Mariuytx:

– Thưa ngài nam tước chúng ta đi lạc đường rồi.

Và hắn nhấn mạnh vào câu nói ấy bằng cách vung cái chùm dây đồng hồ của hắn.

Mariuytx trả lời:

Thế nào, anh không thỏa thuận những việc ấy sao? Đó là những sự kiện rành rành.

Đó là những ảo tưởng. Vì ngài nam tước đã hạ cố tín nhiệm tôi, tôi thấy có bổn phận phải nói với ngài điều ấy. Trước hết công bình và ngay thẳng. Tôi không ưa tố cáo người ta một cách bất công. Thưa ngài nam tước, Giăng Vangiăng không cướp tiền của ông Mađơlen và Giăng Vangiăng không giết Giave.

Cái đó mới lạ đó! Sao lại thế được?

Vì hai lẽ.

Lẽ gì? Nói đi.

Đây là lẽ thứ nhất: Giăng Vangiăng không cướp tiền của ông Mađơlen bởi vì lẽ giản dị nhất là chính Giăng Vangiăng là ông Mađơlen.

Ông muốn làm trò gì thế?

Và lẽ thứ hai: hắn không giết Giave vì lẽ giản dị là người giết Giave là Giave?

Ông muốn nói gì thế?

Nói là Giave đã tự sát.

Mariuytx không còn tự chủ nữa, chàng kêu lên:

– Bằng chứng đâu? Bằng chứng đâu?

Tênácđiê nói tiếp, nhấn từng tiếng một như đọc một câu thơ cổ.

Người-ta-đã-tìm-thấy-Gia-ve-chết-đuối-dưới-một-chiếc-thuyền-ở-cầu-Xăng-Giơ.

Nhưng chứng cứ đâu?

Tênácđiê rút ở túi áo bên ra một cái phong bì lớn màu xám, ở trong phong bì hình như có nhiều tờ giấy to nhỏ gấp lại. Hắn thản nhiên nói:

Tôi cũng có hồ sơ của tôi. Rồi hắn nói tiếp:

Thưa ngài nam tước, vì quyền lợi của ngài nên tôi muốn hiểu rõ tông tích của Giăng Vangiăng. Tôi bảo Giăng Vangiăng và Mađơlen chỉ là một người, tôi bảo kẻ giết Giave chỉ là Giave, và khi tôi nói như thế là nói có sách, mách có chứng, không phải chỉ những bằng chứng viết tay, chữ viết tay không thể tin được, chữ viết tay nể nang. Đây là những chứng cứ bằng chữ in.

Vừa nói Tênácđiê vừa rút trong phong bì ra hai tờ nhật báo cũ, giấy đã ngả màu vàng, nhàu nát, sặc sụa mùi thuốc lá, một tờ các nếp gấp đã rách cả, rời ra từng mảnh vuông, có vẻ cũ kĩ hơn tờ kia nhiều.

Tênácđiê nói:

– Hai sự việc, hai chứng cứ.

Hắn giơ hai tờ báo, mở rộng cho Mariuytx xem.

Hai tờ báo ấy độc giả đã biết rồi. Tờ cũ nhất là tờ Lá cờ trắng số ra ngày 25 tháng bảy năm 1823[457] mà độc giả đã thấy văn bản ở trang 148 tập 3 quyển truyện này,[458] bài báo xác định ông Mađơlen và Giăng Vangiăng là một người. Tờ thứ hai là tờ Mônitơ số ra ngày 15 tháng sáu năm 1832 nêu việc Giave tự tử; tờ báo ấy nói thêm rằng, căn cứ vào báo cáo miệng của Giave với thị trưởng cảnh sát thì Giave bị bắt làm tù binh ở

chiến lũy Săngvrơri, và hắn đã được giải thoát nhờ lòng quảng đại của một người phiến loạn đã không bắn vào đầu hắn mà lại bắn chỉ thiên.

Mariuytx đọc báo. Thật là điềm nhiên, ngày tháng chắc chắn, bằng cứ không thể chối cãi; Hai tờ báo ấy không phải in ra nhằm để chứng minh lời nói của Tênácđiê. Cái thông tin in trong tờ báo Mônitơ là do sở cảnh sát chuyển cho tòa báo theo con đường hành chính. Mariuytx không thể nghi ngờ được. Tin người giữ két nhà ngân hàng cung cấp là sai, mà chính Mariuytx cũng đoán nhầm. Hình ảnh Giăng Vangiăng đột nhiên xé toang đám mù, bước ra vĩ đại. Mariuytx buột miệng reo lên một tiếng vui mừng:

Thế à, thế thì cái kẻ khốn nạn ấy lại là một con người vô cùng đáng khâm phục! Tất cả cái gia tài ấy là của ông ta. Chính ông là Mađơlen, cứu tinh của một vùng. Chính ông là Giăng Vangiăng người đã cứu sống Giave. Một vị anh hùng! Một bậc thánh.

Không phải anh hùng, không phải thánh, Tênácđiê nói, vẫn là một tên sát nhân, tên ăn trộm.

Và hắn nói thêm, với cái giọng của một người bắt đầu thấy mình có uy tín.

– Ta hãy bình tĩnh.

Ăn trộm, sát nhân, những danh từ mà Mariuytx tưởng là tiêu tan rồi nay lại dội xuống đầu chàng như một gáo nước lạnh. Chàng nói:

Ông còn nói thế à?

Lúc nào tôi cũng nói như thế. Giăng Vangiăng không cướp của ông Mađơlen nhưng vẫn là thằng ăn cướp. Hắn không giết Giave nhưng vẫn là kẻ sát nhân.

Mariuytx hỏi vặn lại:

Ông lại muốn nói đến vụ ăn cắp nhỏ mọn cách đây bốn mươi năm mà người ta đã chuộc lại, như chính những tờ báo của ông nói ra, bằng cả một cuộc đời ăn năn, quên mình và đức hạnh?

Thưa ngài nam tước, tôi nói rõ là giết người và cướp của, và tôi xin nhắc lại là sự việc hiện tại. Sự việc mà tôi phát giác với ngài hoàn toàn chưa ai biết, thật là mới toanh, và có lẽ nhờ đó ngài sẽ tìm ra được nguồn gốc cái gia tài mà Giăng Vangiăng đã khôn khéo tặng nam tước phu nhân. Tôi bảo là khôn khéo, bởi vì tặng một gia tài như vậy để len lỏi vào một gia đình cao sang, chung hưởng cuộc đời dư dật, đồng thời giấu được tội ác của mình, giấu được cái tên của mình, tự tạo một gia đình, quả thật không vụng dại chút nào.

Tôi cũng có thể có ý kiến ở đây, Mariuytx bảo, nhưng thôi, ông cứ nói.

Thưa ngài nam tước, tôi sẽ nói hết cho ngài hiểu, còn phần thưởng thì xin tùy liệu ngài. Cái bí mật ấy đáng giá vàng ròng. Ngài có thể hỏi tôi: sao anh không nói thẳng với Giăng Vangiăng? Cũng bởi một lý do đơn giản thôi, tôi biết là hắn đã nhường lại số tiền, và nhường lại cho ngài, quả thật khôn khéo; hắn không còn đồng xu dính túi, nói với hắn, hắn sẽ giơ hai bàn tay trắng ra, mà tôi thì cần một số tiền để đi Giôiya, tôi thấy nói với ngài thì tốt hơn, ngài có tất cả, còn hắn thì chẳng có gì. Tôi thấy hơi mệt, xin phép ngài cho tôi ngồi.

Mariuytx ngồi xuống ghế rồi cũng ra hiệu cho hắn ngồi.

Tênácđiê ngồi xuống chiếc ghế đệm, lấy lại hai tờ báo, đút vào phong bì, rồi hắn vừa lấy ngón tay mổ mổ tờ Lá cờ trắng vừa lẩm nhẩm nói: kiếm cho ra tờ báo này thật là vất vả. Thế rồi hắn khoanh hai chân, nằm ngả lưng xuống ghế, với dáng điệu của một con người tin tưởng lời mình nói, xong hắn vào chuyện một cách nghiêm trọng, dằn từng tiếng:

Thưa ngài nam tước, ngày mồng 6 tháng sáu năm 1832 cách đây chừng mười một tháng, vào ngày bạo khởi, có một người ở trong cống chính thành phố Pari, gần chỗ cống đổ ra sông Xen, giữa khoảng cầu Anhvalít và cầu Iêna.

Mariuytx bỗng xích ghế lại gần ghế của Tênácđiê. Tênácđiê để ý đến cử chỉ đó, hắn nói tiếp chậm rãi như một diễn giả đã nắm được người đối thoại, và thấy hắn hồi hộp

dưới lời nói của mình.

Người ấy phải trốn tránh, vì những lý do không liên quan gì đến chính trị, đã lấy cống ấy làm chỗ ở và giữ một chìa khóa cửa cống. Tôi xin nhắc lại, đó là hôm mồng 6, lúc bấy giờ có thể vào khoảng tám giờ tối. Người ấy nghe trong cống có tiếng động, ngạc nhiên, hắn nép mình đứng rình. Tiếng động là tiếng người đi trong tối, tiến về phía hắn. Chuyện kỳ dị, trong cống ngoài hắn ra lại có một người khác! Cửa sắt chắn cống không xa, nhờ một chút ánh sáng chiếu vào từ ngoài cửa cống, hắn nhận ra được người đang đến, và thấy người này vác một vật gì trên lưng. Hắn ta đi lom khom. Cái người đi lom khom ấy là một tên tù khổ sai cũ, vật hắn vác trên vai là một xác chết. Giết người quả tang đúng vậy. Còn cướp của thì là tất nhiên thôi: ai giết người để chơi làm gì? Tên tù khổ sai ấy đi vứt cái xác chết xuống sông. Một việc đáng ghi, trước khi ra tới cổng tên tù khổ sai đã đi nhiều đường đất trong cống, và phải lội qua một cái hố sâu đầy bùn, một cái hố ghê gớm! Hắn có thể vứt cái xác xuống đấy nhưng ngày hôm sau phu dọn cống sẽ trông thấy người bị ám sát, đó là điều mà hắn không muốn. Hắn tính vượt qua hố lầy vẫn là hơn, và vượt với cái khối nặng trên vai, chắc hắn đã phải cố gắng phi thường. Không có trường hợp nào người ta lại liều mạng hơn, tôi không hiểu làm sao mà hắn lại có thể thoát được mà không chết ngập ở đấy.

Mariuytx xích ghế lại gần hơn. Tênácđiê thừa dịp đó thở một hơi dài và nói tiếp:

Thưa ngài nam tước, cái cống không phải như quảng trường Săngdơmác. Ở đó, cái gì cũng thiếu, thiếu cả chỗ đứng. Khi có hai người trong cống tất nhiên họ phải gặp nhau. Họ đã gặp nhau. Chủ nhà và khách qua đường thế tất phải chào nhau, cả hai đều miễn cưỡng. Người qua đường bảo chủ nhà: anh đã thấy tôi mang cái gì trên lưng rồi, tôi phải ra khỏi đây, anh có sẵn chìa khóa đưa tôi. Tên tù khổ sai ấy vốn khỏe ghê gớm. Đừng có hòng mà từ chối hắn. Tuy vậy người kia có chìa khóa cũng vờ thương thuyết, để có thì giờ quan sát người chết: nhưng anh ta không trông thấy gì lắm, chỉ biết là người chết còn trẻ lắm, ăn mặc chỉnh tề, ra vẻ người giàu sang, mặt mày bê bết máu, không nhận ra được. Vừa nói chuyện, hắn vừa tìm cách lén lút nép phía sau mà xé rứt đi một mảnh áo của người bị giết, mà tên sát nhân không hay. Tang vật, ngài

hiểu chứ, tang vật để phục hồi dấu vết và vạch tội cho tên sát nhân hết chối. Hắn nhét tang vật vào túi, mở cống cho người kia ra với cái nợ trên lưng, đóng cổng lại rồi tẩu, không muốn liên can đến chuyện sau, và nhất là không muốn có mặt ở đấy khi kẻ sát nhân vứt người chết xuống sông. Ngài hiểu rồi chứ! Người mang xác chết là Giăng Vangiăng, người có chìa khóa được mang vinh dự hầu chuyện ngài đây, còn mảnh áo…

Tênácđiê kết thúc câu nói bằng cách rút ra trong túi một miếng dạ đen rách xơ, đầy những vết sẫm, hai tay giơ lên ngang mặt miếng dạ, cầm rón nhẹ giữa hai ngón tay cái và hai ngón tay trỏ.

Mariuytx bỗng đứng lên, mặt xanh nhợt, hơi thở yếu ớt, mắt đăm đăm nhìn mảnh dạ đen, không nói một lời, mắt không rời mụn vải, chàng lùi về phía tường, giơ hai tay ra đằng sau, sờ cái tường tìm chiếc chìa khóa của cái tủ bên lò sưởi; tìm được chìa khóa, chàng mở tủ, thọc cánh tay vào ngăn tủ không nhìn, mắt ngơ ngác vẫn không rời mụn vải mà Tênácđiê giơ trong tay.

Trong khi đó, Tênácđiê vẫn nói tiếp:

Thưa ngài nam tước, tôi có lý do vững chắc để cho rằng người trai trẻ bị ám sát là một người ngoại quốc triệu phú bị Giăng Vangiăng gạt vào bẫy, người đó chắc phải mang một số tiền lớn!

Người trai trẻ là tôi, Mariuytx thét, và đây là cái áo!

Nói rồi chàng ném xuống đất một chiếc áo đen cũ kỹ và đầy vết máu.

Sau đó chàng giật mụn dạ ở tay Tênácđiê, quỳ trên áo và gí mụn dạ rách ấy vào chỗ vạt áo bị xé. Mụn dạ rách khớp đúng với miếng áo bị xé, chiếc áo lại như nguyên vẹn.

Tênácđiê đứng trơ như phỗng đá. Hắn nghĩ thầm: hoảng thật.

Mariuytx đứng lên, người rung động, vừa thất vọng, vừa nở mày nở mặt vui mừng.

Chàng lật túi áo và giận dữ tiến về phía Tênácđiê, giơ vào tận mặt hắn, dí vào mặt hắn một nắm tay đầy những giấy bạc năm trăm và một nghìn.

Anh là một tên khốn kiếp! Anh là một kẻ nói dối, một đứa vu khống, một thằng đểu cáng. Anh đến buộc tội cho người ta, lại hóa ra thanh minh cho người ta, lại hóa ra làm cho người ta vinh quang. Chính anh là kẻ cắp, chính anh là đứa sát nhân, chính mắt tôi đã trông thấy anh, Tênácđiê Giôngđơrét, trong cái tổ quỷ ở đại lộ Ôpitan. Tôi biết khá đủ về anh để tống anh vào nhà lao khổ sai, hoặc đi xa hơn nữa cũng được, nếu tôi muốn. Đây, một nghìn phơrăng, đồ vô lại.

Rồi chàng ném tờ một nghìn cho Tênácđiê.

À! Giôngđơrét Tênácđiê! Đồ lưu manh ti tiện. Anh phải nhớ lấy bài học này, quân chuyên buôn bán chuyện kín, quân đầu cơ bí mật, quân sục sạo bóng tối, đồ khốn nạn. Cầm lấy năm trăm phơrăng này rồi biến đi. Oatéclô che chở cho ngươi.

Tênácđiê làu bàu:

– Oatéclô!

Rồi hắn đút tờ giấy năm trăm và tờ giấy nghìn vào túi.

Phải rồi, đồ sát nhân. Ở Oatéclô ngươi đã cứu sống một vị đại tá.

Một vị tướng.

Tênácđiê vừa nói vừa ngẩng đầu lên.

Đại tá thôi. Mariuytx trả lời giận dữ, nói tướng thì một trinh ta cũng không bỏ ra. Thế mà ngươi đến đây làm những việc ô nhục! Ta bảo cho nhà ngươi biết là ngươi phạm đủ tất cả những tội ác trên đời. Bước đi, bước khuất mắt ta đi. Cố mà sung sướng, ta chỉ muốn thế thôi. Ồ quái vật! Đây là ba nghìn phơrăng nữa. Cầm lấy. Ngày mai xéo ngay sang châu Mỹ với con gái ngươi, còn vợ ngươi thì chết từ bao giờ rồi quân nói dối gớm ghiếc. Ta sẽ lo liệu cho nhà ngươi lên đường, quân ăn cướp, ta sẽ

cấp thêm cho hai mươi nghìn phơrăng lúc ngươi đi. Đi đi, đi tìm giá treo cổ ở chỗ khác đi thôi.

Thưa ngài nam tước, xin cám ơn ngài muôn đời. Tênácđiê vừa nói vừa cúi rạp xuống đất.

Rồi hắn ra đi, chẳng còn hiểu gì nữa, ngạc nhiên và sung sướng bởi vì bị đè bẹp dưới những túi vàng vì có những tiếng sét nổ trên đầu, mà lại nổ tung ra giấy bạc. Như sét đánh, đúng, nhưng cũng thỏa mãn hết sức. Giá mà lại có một cái trụ thu lôi chống thứ sét ấy, thì lại không may biết bao!

Thôi ta cũng nên kết thúc ngay chuyện cái con người ấy.

Hai ngày sau những việc mà chúng tôi kể lại lúc này, nhờ sự thu xếp của Mariuytx, hắn cùng với đứa con gái là Adenma đi sang châu Mỹ, mang một cái tên giả và một cái hối phiếu hai mươi nghìn phơrăng lĩnh từ Nữu Ước. Sự sa đọa về tâm hồn của Tênácđiê, con người tư sản không thành ấy, quả không có gì cứu vãn nổi. Sang châu Mỹ cũng như ở châu Âu, hắn vẫn là hắn. Một hành vi tốt đụng phải một con người xấu đôi khi cũng trở thành thối tha và làm nảy ra điều xấu: với số tiền Mariuytx cho, Tênácđiê làm nghề buôn người da đen.

Tênácđiê vừa bước ra thì Mariuytx chạy ngay ra vườn, Côdét lúc ấy còn đi dạo ngoài đó. Chàng thét:

Côdét, Côdét mau mau lên! Chúng ta đi đi, Bátxcơ ơi! Gọi một chiếc xe, Côdét mau lên! Trời ơi! Chính người ấy đã cứu sống anh! Đi mau, đừng trì hoãn giây phút nào! Mình ơi! Quàng khăn vào.

Côdét tưởng chàng điên. Nàng ngoan ngoãn vâng theo. Mariuytx nghẹn ngào không thở được nữa. Chàng để tay lên ngực để tránh những tiếng đập quá mạnh. Chàng đi đi, lại lại, bước những bước dài. Chàng ôm Côdét:

– Em ơi! Côdét ơi! Anh thật là một đứa khốn nạn.

Mariuytx choáng váng say sưa. Chàng thấy ở Giăng Vangiăng một con người cao quý mà âm thầm. Chàng thấy trước mặt chàng là một đạo đức phi thường, cao cả mà hiền từ, mênh mông mà khiêm tốn. Người tù khổ sai đã hóa hình thành Chúa cứu thế. Cái ánh sáng của sự việc phi thường ấy làm cho Mariuytx lóa mắt, chàng không hiểu rõ cái gì trước mắt chàng, nhưng chắc chắn là một cái gì vĩ đại.

Một lát xe đã chờ trước cửa.

Mariuytx đỡ Côdét lên rồi nhảy bổ vào xe. Chàng bảo người đánh xe:

Bác đánh xe, phố Lomácmê số 7. Chiếc xe chuyển bánh.

Côdét nói:

Ồ sướng nhỉ, đến phố Lomácmê à! Em chả dám nhắc chuyện đó với mình. Chúng ta đến thăm ông Giăng đây.

Đến thăm cha em, Côdét ạ, thật là cha của em, Côdét ạ! Anh đoán ra rồi. Em bảo là em không thể nhận được cái thư anh sai Gavrốt đưa cho em. Cha em đã nhận được thư ấy. Cha đã tìm đến chiến lũy để cứu anh. Vì bản tính của cha là thiên thần, cho nên gặp ai cha cũng cứu; Cha đã cứu sống Giave. Cha đã cứu anh ra khỏi cái vực thẳm ghê gớm ấy, và đem anh về cho em. Cha đã cõng anh trên vai, chui qua cái cống kinh khủng kia. Trời ơi! Anh thật là thằng vong ân bội nghĩa ghê tởm. Cha là người cứu tinh của em, rồi cha lại là cứu tinh của anh. Em thử tưởng tượng một cái hố sâu đầy bùn khủng khiếp, chỉ có chết đuối thôi, không có cách nào sống được, chết đuối trong bùn lầy, Côdét ạ, cha đã mang anh qua cái hố ấy, anh bấy giờ đã chết ngất rồi, bấy giờ không trông thấy gì, không nghe thấy gì, mù mịt không biết một tí gì về cái chuyện phiêu lưu kinh hãi của anh. Chúng ta sẽ mời cha về, sẽ giữ cha ở lại với chúng ta, mặc dù cha bằng lòng hay không, chúng ta không để cha rời đi một bước nữa. Quý hồ là

cha có ở nhà. Quý hồ là chúng ta sẽ gặp cha. Anh sẽ trọn đời cúc cung tận tụy phục vụ thờ phụng cha. Phải không em? Côdét, phải như thế mới được. Gavrốt đã đưa bức thư cho cha. Bây giờ thì rõ quá, em hiểu rồi chứ?

Côdét chẳng hiểu tí gì. Nàng bảo:

Ừ, mình nói phải đấy. Chiếc xe vẫn chạy bon bon.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.