NHỮNG NGƯỜI KHỐN KHỔ

IV. ÔNG MABỚP



Cái ngày ông Mabớp bảo Mariuyt: “Chắc chắn là tôi tán thành những xu hướng chính trị” ông đã nói thật cái tâm trạng ấy của ông. Ông bàng quan với tất cả xu hướng chính trị, ông tán thành tất cả, không phân biệt gì, quý hồ là ông được yên tĩnh, cũng như những người Hy Lạp xưa gọi các vị nữ thần Phẫn nộ là những thần Ơmêniđơ, nghĩa là những “nữ thần đẹp tốt và xinh”. Còn xu hướng chính trị của ông Mabớp là yêu say mê cây cối và nhất là yêu sách. Ông cũng có cái hậu tố Ixtơ, không có nó thì không ai có thể sống được trong cái thời đại của ông, nhưng ông không phải là royalixia (bảo hoàng) không phải là bônapáctixtơ (phía Bônapáctơ theo Napôlêông) không phải là sactixtơ (phái hiến chương), cũng không phải là oóctêanixtơ (phái bảo hoàng theo dòng họ Oóclêăng); ông là bukinxtơ.[197]

Ông không hiểu được vì sao con người ta có thể căm thù nhau vì những chuyện viển vông như là hiến chương dân chủ, chính thống, quân chủ, cộng hòa… trong khi trên đời có bao nhiêu loài rêu, loài cỏ, loài cây để cho người ta ngắm nghía và bao nhiêu sách in gấp 2 đến gấp 32, mà người ta có thể giở. Nhưng ông luôn muốn làm được việc có ích: giữ sách nhưng mà cũng đọc sách, là nhà thực vật học, nhưng vẫn làm vườn khi quen ông Pôngmécxi, giữa ông và ông đại tá, có một mối đồng cảm vì ông Pôngmécxi chăm các cây hoa, còn ông thì chăm các cây quả. Ông Mabớp đã trồng được những cây lê giồng hạt mà quả ngon như lê Xanh Giécmanh; nhờ ông phối hợp cây mà đã tạo được giống mận mùa hè. Ông đi lễ Chúa vì ưa thích sự êm dịu hơn là vì mộ đạo, cũng bởi vì yêu nét mặt con người, nhưng ghét tiếng ồn ào của họ, chỉ có ở nhà thờ ông mới thấy người tập họp đông mà im lặng.

Hiểu rằng phải có chức vụ gì của Nhà nước, ông đã chọn cái chức vụ quản lý nhà thờ. Và ông cũng không bao giờ yêu được một người đàn bà bằng một củ tuylipơ, hay một người đàn ông bằng một cây endêvia. Ông đã quá sáu mươi tuổi từ lâu, khi có người hỏi ông: – Ông đã lấy vợ bao giờ chưa? – Tôi quên mất rồi – ông đáp. Cũng có đôi khi – ai chẳng có lúc ước mơ như vậy – ông ước: – Giá ta giàu có! Ấy không phải là lúc

ông đang nhòm một cô gái xinh, như lão Gilơnoócmăng, nhưng là đang ngắm một cuốn sách quý giá. Ông sống một mình, có một người ở gái già. Ông mắc bệnh thống phong tuy nhẹ. Khi ông ngủ những ngón tay già tê thấp của ông còng khoằm dưới tấm chăn ông đắp. Ông đã soạn và in được một bộ “Thực vật vùng Côtơrê”, với những tranh phụ bản in màu khá được người đọc ưa thích, bản khắc đồng ông giữ và sách tự ông bán lấy. Một ngày hai ba lần có người đến kéo chuông nhà ông ở phố Mêdiê để mua sách. Mỗi năm ông thu được hai ngàn phơrăng cũng là gần tất cả gia tài của ông. Tuy nghèo, nhưng với thời gian, với sự kiên trì, thắt lưng buộc bụng, ông đã tập hợp được một tủ sách quý đủ loại. Ông ra phố bao giờ cũng cắp trong tay một quyển sách và khi về thường cắp hai. Chỗ ở của ông gồm bốn gian buồng ở tầng nền với một mảnh vườn. Vật trang trí chỉ có những tranh bách thảo lồng khung và những bức danh họa cổ. Nhìn thấy một thanh gươm, một khẩu súng làm ông đủ lạnh toát người. Suốt đời ông không đến cạnh một cỗ đại bác, dù là đại bác trưng bày ở điện Anhvalit. Ông có một bộ máy tiêu hóa bình thường, một người anh là cha xứ. Tóc ông đã bạc, không còn răng trong mồm và trong trí tuệ, người lúc nào cũng run run, giọng nói xứ Pica, một nụ cười của trẻ con, ông dễ sợ hãi và hiền như một con cừu già. Ngoài ra ông không có bạn bè không có chỗ quen nào khác trong xã hội người sống, trừ một ông lão bán sách tên là Roayônở cửa ô Xanh Giắc. Ông mơ ước du nhập giống cây chàm vào nước Pháp. Người ở gái già của ông cũng là một loại người ngây thơ nữa. Bà già ấy vẫn là cô gái đồng trinh. Con mèo của bà, bà gọi là Xuyntăng, nó có thể meo meo bản “Xin thương” của Alêgi ở nhà nguyện Xichxtin, đủ chiếm tất cả trái tim bà và thỏa mãn tất cả yêu cầu tình cảm của bà. Tất cả những ước mơ của bà chưa bao giờ bà vượt quá con mèo của bà. Bà cũng có râu như con mèo đó. Tất cả tự hào của bà là ở cái mớ mũ chụp của bà, lúc nào cũng trắng tinh. Ngày chủ nhật đi lễ về, bà kiểm điểm lại quần áo dài bà mua, những cái áo đã cắt nhưng chưa bao giờ đưa may. Bà biết đọc. Ông Mabớp đã đặt tên cho bà là mụ Pluytác.[198]

Ông Mabớp ưa Mariuytx vì Mariuytx trẻ và hiền, làm cho tuổi già của ông thêm ấm áp và cái tính nhút nhát của ông không bị kinh động. Tuổi trẻ và tính hiền dịu đối với ông già như ánh nắng mà không gió. Khi Mariuytx đã ngợp cả lòng về chiến công,

vinh quang, thuốc súng, hành quân tới lui và tất cả những trận đánh kỳ diệu mà cha anh đã giáng và bị trả những nhát kiếm ghê gớm thì anh đến thăm ông Mabớp và ông Mabớp kể chuyện người anh hùng trong việc trồng hoa.

Người anh ông, linh mục Mabớp chết hồi 1830, tức thì như khi đêm đến, cả chân trời tối sầm lại trước mắt ông. Viên chưởng khế của ông vỡ nợ, thế là ông mất hết cả món tiền mười nghìn phơrăng gia tài của anh ông và của ông góp lại. Cách mạng tháng bảy đưa ngành sách vào một cuộc khủng hoảng. Trong thời kỳ eo hẹp kinh tế, sách Thực vật là loại hàng người ta ít mua nhất. Tập Thực vật vùng Côtơrê ế hẳn. Hàng tuần không có một khách hàng mua. Đôi khi ông Mabớp rùng mình sung sướng nghe thấy tiếng chuông. Mụ Pluytác buồn bã bảo: “Thưa ông người gánh nước đấy ạ”. Rốt cuộc, một hôm ông Mabớp rời cái phố Mêdie, từ chức quản lý nhà thờ, bỏ Xanh Xuynpixơ, bán một phần, không phải sách mà những bức họa của ông – cái mà ông thiết tha ít hơn – và đến ở một cái nhà ở đại lộ Môngpácnaxơ. Ông cũng chỉ ở đấy có ba tháng vì hai lý do: một là cái tầng dưới và cái vườn một tháng phải trả ba trăm phơrăng, mà ông thì không dám chi quá hai trăm vào khoản tiền thuê nhà; hai là nhà ở gần trường bắn Phatu, cả ngày nghe tiếng súng ông không chịu nổi.

Ông dọn quyển thực vật, các bản khắc đồng, các tập bách thảo sưu tầm, các tập tài liệu và sách và đến ở gần khu Xanpêtrie, trong một cái nhà tranh ở làng Auxtéclít, tiền nhà năm mươi êquy một năm. Nhà có ba buồng, một cái vườn, một hàng rào, có giếng nước. Nhân dịp dọn nhà này, ông bán hết cả đồ đạc của ông. Hôm dọn đến chỗ ở mới này, ông rất vui và chính tay ông đóng lên tường những chiếc đanh treo các bản khắc và các tập bách thảo. Hôm đó còn thì giờ, ông cuốc vườn và buổi chiều thấy mụ Pluytác ủ rũ và nghĩ ngợi, ông vỗ vai, mỉm cười bảo: “Ái chà! Chúng ta có cây chàm kia mà!”.

Chỉ có hai người khách, ông lão bán sách ở cổng Xanh Giắc và Mariuytx, được tiếp ở túp lều làng Auxtéclít,[199] cái tên quá huyên náo làm ông khó chịu.

Vả lại, như chúng tôi vừa mới chỉ ra, những khối óc quá đam mê một đạo đức hay

một cuồng vọng, hoặc cũng thường cả hai, thì rất khó thấm những chuyện thực tế ở đời. Cả số phận của họ, họ cũng không để ý tới. Những sự chuyên chú ấy, đẻ ra một thái độ tiêu cực rất giống như là một triết lý sống nếu là có ý thức. Bóng xế dần, xuống dần như nước trôi đi, rồi người ta sụp đổ mà không biết. Cuối cùng thì người ta cũng thức tỉnh, nhưng muộn màng. Trong khi chờ đợi, người ta hình như giữ thái độ trung lập trong cuộc thách thức giữa hạnh phúc của họ và tai họa của họ. Chính bản thân họ là món đặt cược, thế mà họ lại thờ ơ.

Chính vì thế mà trong khi tất cả hy vọng tắt dần trong cái bóng tối bao phủ xung quanh ông, ông Mabớp vẫn bình thản, cái bình thản có vẻ ngây ngô nhưng rất sâu sắc. Nếp sống tinh thần của ông đều đặn như cái quả lắc đồng hồ đung đưa; khi một ảo tưởng đã lên giây cái đồng hồ thì quả lắc cứ chạy rất lâu, cả khi ảo tưởng đã mất. Đồng hồ không đứng lại tức khắc khi người ta đánh mất cái chìa khóa.

Ông Mabớp có những sự giải trí ngây thơ, những giải trí rẻ tiền và bất ngờ, do những chuyện tình cờ mang đến. Một hôm mụ Pluytác đọc một quyển truyện trong một góc buồng. Mụ đọc to, y như đọc to thì hiểu hơn ấy. Đọc to tức là khẳng định cho mình là mình đọc đây. Có những người đọc rất to như cam đoan với mình những điều mình đang đọc.

Mụ Pluytác đang đọc với tất cả cái năng lực ấy cuốn truyện mụ cầm trên tay. Ông Mabớp nghe lơ đãng.

Đây là chuyện một sĩ quan khinh kỵ binh với một cô gái. Mụ Pluytác đọc đến câu này: “…người yêu phật ý và sĩ quan đầu rồng”…[200] Rồi mụ ngừng đọc để lau kính.

Ông Mabớp nhắc lại nho nhỏ:

Phật và rồng, đúng rồi, ngày xưa có một con rồng, từ đáy hang của nó phun lửa ra đốt cháy cả trời. Nhiều ngôi sao đã bị thiêu cháy. Con quái vật này lại có vuốt như vuốt hổ. Phật đã vào trong hang con rồng và đã giác ngộ được con quái vật. Mụ đang đọc một quyển sách hay đấy, mụ Pluytác ạ. Chẳng có chuyện thần thoại nào hay hơn.

Thế rồi ông để trí ông chìm đắm trong một giấc mơ êm ái.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.