NHỮNG NGƯỜI KHỐN KHỔ

IV. THỬ AN ỦI BÀ HUYSƠLU



Bahôren say sưa với cái chiến lũy, kêu lên:

– Xem đường phố mặc áo cổ bé này! Xinh chưa?

Cuốcphêrắc vừa dỡ quán rượu, vừa tìm cách an ủi bà góa chủ quán:

Bà Huysơlu ơi! Chẳng phải hôm nọ bà đã phàn nàn rằng người ta làm biên bản mà phạt bà chỉ vì con Gibơlốt đã giũ nệm qua cửa sổ là gì?

Đúng thế, ông Cuốcphêrắc quý hóa ạ! Lạy Chúa! Ông cũng định vứt cái bàn ấy vào cái quỷ sứ của ông à? Cũng vì cái nệm ấy và cũng vì một chậu hoa trên cửa sổ rơi xuống đường phố mà nhà nước đã lấy của tôi một trăm phơrăng tiền phạt. Ông thấy có phải là một việc thậm vô lý không?

Bởi thế, chúng tôi báo thù cho bà đây, bà Huysơlu ạ.

Bà Huysơlu hình như không thấy lợi lộc gì trong cái kiểu báo thù ấy. Bà hài lòng cũng bằng như chị thiếu phụ A-rập nọ: chị ta bị chồng tát tai bèn về kiện với cha và đòi cha báo thù. Chị nói: Như thế là hắn đã xúc phạm cha, oán thì cha phải báo oán. Người cha hỏi: Hắn tát má bên nào? – Má trái. Người cha tát chị bên phải một cái nên thân và bảo: Thế là vừa lòng mày nhé! Mày về bảo hắn rằng hắn đã tát con gái tao thì tao tát vợ nó cho bõ ghét.

Lúc bấy giờ mưa đã tạnh, nhiều chiến sĩ mới gia nhập hàng ngũ cũng đến. Trước đấy anh em thợ đã giấu dưới áo bơ-lu và đem tới một thùng thuốc súng, một giỏ chai đựng cường toan, hai ba cây đuốc rước dạ hội và một cái sọt đầy những cây đèn trong đêm lễ sinh nhật nhà vua còn lại. Lễ ấy vừa mới cử hành hôm mồng một tháng Năm. Người ta bảo rằng những thứ đạn dược ấy do một người chủ hiệu tạp hóa tên là Pêpanh cung cấp. Phố Săngvrơri có độc một cây đèn trụ, họ cũng đập mất, họ đập luôn cây đèn đối diện ở phố Xanh Đơni, và tất cả đèn đóm ở các phố lân cận là phố

Môngđêtua, phố Xinhơ, phố Pơrêsơ, phố Tơruyăngđri.

Ănggiônrátx, Côngphơbe và Cuốcphêrắc điều khiển tất cả mọi việc. Bây giờ họ dựng hai chiến lũy cùng một lúc, đấu nhau theo hình thước thợ. Cả hai đều tựa vào quán rượu Côranh: chiến lũy lớn chắn ngang phố Săngvrơri, chiến lũy nhỏ chắn phố Môngđêtua, về phía phố Xinhơ. Chiến lũy thứ hai này hẹp lắm và dựng toàn bằng thùng rượu và đá lát đường, ở đấy cả thảy có năm chục người đương làm việc, trong đó có ba mươi người có súng: lúc kéo qua một cửa hiệu bán súng, họ đã mượn toàn bộ súng trong hiệu.

Không có gì kỳ khôi lắm vẻ cho bằng đoàn quân ấy. Anh này mặc áo lễ phục, cầm gươm kỳ binh với hai súng ngắn, thứ súng giắt yên ngựa, chàng kia mặc sơ mi, đầu đội mũ tròn, lưng đeo bầu thuốc súng, anh nọ ngực áo thẳng dựng bằng bảy tờ giấy xám, tay cầm dùi thợ da. Có một chàng thét lớn: Chúng ta phải tiêu diệt đến tên cuối cùng rồi chết trên mũi lê của chúng ta! Nhưng chàng ta lại không có lưỡi lê. Một người bên trong mặc áo choàng dài, ngoài đeo một tấm da trâu, lưng mang thứ bao đạn của quốc dân quân, vải bọc còn dính mấy chữ: “An ninh công cộng” rành rành bằng len đỏ. Nhiều súng khác số hiệu quân đội chính quy, không mấy ai đội mũ, cà vạt chẳng có chiếc nào, rất nhiều cánh tay trần, một vài cây giáo. Thêm vào đó, đủ lứa tuổi, đủ khuôn mặt, mặt của những chàng thanh niên trắng xanh, mặt của những anh công nhân bến tàu rậm đỏ. Ai nấy đều tất tả vội vàng. Vừa giúp đỡ nhau, họ vừa bàn tán về triển vọng chiến thắng: người thì nói đến khoảng ba giờ sáng sẽ có viện binh, kẻ nói có một trung đoàn chắc chắn đứng về phía cách mạng, có người nói cả thành Pari sẽ vùng dậy bạo động. Thật là những câu chuyện kinh khủng xen trong một không khí nô đùa thân mật. Trông họ, người ta tưởng là anh em một nhà, thế mà họ không biết tên nhau. Cảnh nguy biến lớn có chỗ đẹp là nó làm rạng tỏ tình hữu ái giữa những người chưa quen biết nhau.

Họ đốt lò lửa trong nhà bếp để thổi chảy tất cả những thứ thìa, nĩa, cốc bằng thiếc mạ bạc trong quán rượu rồi đổ vào khuôn đạn. Họ vừa làm vừa uống rượu. Trên bàn la liệt những hạt kíp, những đạn lớn, đạn con cùng với cốc rượu vang. Trong buồng bi-a,

ba thầy trò bà Huysơlu xé khăn lau cũ để làm băng rịt thuốc. Sợ hãi làm cho mọi người thay đổi một cách khác nhau: bà Huysơlu hóa ra đờ đẫn, con Matơlôt ì ạch thở phò phò, còn con Gibơlốt lại tỉnh táo nhanh nhẹn hơn trước. Có ba nghĩa quân giúp đỡ họ, ba chàng rậm rịt những tóc những râu cằm, râu mép làm cho họ run sợ, thế mà tay những người thợ ấy xé vải, làm băng nhanh nhẹn khéo léo như tay các chị thợ khâu.

Cuốcphêrắc, Côngphơbe và Ănggiônrátx có để ý đến một người hình vóc cao lớn lúc hắn nhập bọn. Người ấy bây giờ góp sức dựng cái chiến lũy nhỏ, trông chừng cũng được việc. Gavrốt làm việc ở chiến lũy lớn. Còn chú thanh niên đã đến tìm Mariuytx ở nhà Cuốcphêrắc thì chú đã biến đi đâu mất từ lúc người ta lật đổ chiếc xe hàng.

Gavrốt nhẹ nhàng hào hứng tự nhận nhiệm vụ thúc đẩy công việc. Chú đi, chú lại, chú chạy lên, chú chạy xuống, chú xoa xuýt, chú tươi cười. Hình như chú đến đấy để khuyến khích mọi người. Chú có kim chích chăng? Có đấy, đó là cảnh nghèo đói của chú. Chú có cánh chăng? Cũng có, đó là sự hân hoan của chú. Chú là sự quay cuồng. Người ta luôn luôn nom thấy chú, luôn luôn nghe tiếng chú. Chú đứng chật cả không gian vì ở đâu cũng có chú. Chú là cái ám ảnh gần như khó chịu vì không thể nào dừng lại một phút với chú. Cái chiến lũy to tướng cảm thấy có chú cưỡi trên lưng. Chú làm cho những anh lêu têu phải ngượng, chú kích thích người lười, chú hồi sức cho người mệt, chú chọc tức những anh mơ mộng. Vì chú, kẻ này vui lên, kẻ kia thêm hăng hái, kẻ nọ nổi nóng, có điều ai ai cũng hoạt động hơn lên. Chú châm anh sinh viên này, đốt anh thợ kia, đáp xuống, dừng lại, bay đi, lượn trên cảnh huyên náo, nhảy từ người này qua người nọ, vo ve, vù vù, hành tội đoàn ngựa kéo. Gavrốt là con ruồi của cỗ xe cách mạng vĩ đại.

Đôi cánh tay nhỏ của chú là sự chuyển động thường trực, hai lá phổi tí hon của chú chứa đựng huyên náo không dừng.

Giỏi lắm. Chất thêm gạch đá lên! Thêm thùng rượu nữa! Nữa, thêm cái gì nữa chú! Ở đâu có những thứ này nhỉ? Nào, cho tôi một giỏ vôi gạch vụn để nhét cái lỗ hổng này. Ồ, cái chiến lũy của các ông chả ra làm sao. Tệ lắm! Phải cho nó cao lên nữa đi.

Có cái gì đem xếp cả đây, vứt cả đây, ném mẹ nó cả đây. Đập nhà ra mà bỏ vào. Một chiến lũy mà lị, một chiến lũy cũng như một bữa tiệc trà ở nhà mụ Gibu. Đây này, có một cánh cửa kính đây.

Mọi người la ó:

Cửa kính à? Cửa kính để làm đếch gì, hỡi chú bé hạt mít kia? Gavrốt cãi lại:

Các anh bị thịt thì có! Dựng chiến lũy mà có cửa kính thì tuyệt. Cửa kính không ngăn được tấn công nhưng lấy cho được thì cũng còn khổ với nó. Thế các anh chưa bao giờ trèo tường có cắm mảnh chai để trẩy táo trộm à? Cửa kính, ừ cửa kính sẽ cắt mẹ chân của lũ quốc dân nếu chúng leo lên chiến lũy. Lạ gì, cái thứ thủy tinh là chúa phản phúc! À ra anh em chẳng có chút trí tưởng tượng nào, các anh em ạ.

Gavrốt lại còn tức điên ruột vì khẩu súng ngắn không cò của mình nữa. Nó chạy hết người này đến người khác, luôn mồm đòi hỏi:

Súng đâu? Tôi cần một khẩu súng! Tại sao không phát cho tôi một khẩu súng?

Phát súng cho mày à? Côngbơphe nói.

Ơ kìa! Sao lại không? Năm 1830, khi gây nhau với Sáclơ X, thì tôi vẫn được phát một cây súng mà.

Ănggiônrátx nhún vai:

Khi nào người lớn có đủ súng thì sẽ phát cho trẻ con. Gavrốt kiêu hãnh quay lại, bảo:

Hễ đằng ấy chết trước thì tớ lột súng tớ lấy.

– Nhãi con! Ănggiônrátx buột miệng.

– Bạch diện! Gavrốt đáp.

Vừa lúc ấy, một chàng công tử bột đi thơ thẩn lạc đến đấy, làm cho họ quên phắt chuyện cãi cọ. Gavrốt gọi hắn:

Thanh niên kia! Lại đây với chúng tớ! Nào, cũng phải làm một cái gì đó cho bác Tổ quốc già này với chứ?

Chàng công tử bỏ chạy mất.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.