NHỮNG NGƯỜI KHỐN KHỔ
QUYỂN II: ÊPÔNIN: I. CÁNH ĐỒNG SƠN CA
Mariuytx đã chứng kiến cảnh kết thúc bất ngờ của cuộc mai phục mà chàng báo cho Giave theo dõi từ trước. Nhưng Giave vừa rời khỏi căn nhà nát, mang theo bọn người bị bắt dồn trong ba chiếc xe ngựa to thì chàng cũng lén ra khỏi nhà. Mới chín giờ đêm. Chàng sang nhà Cuốcphêrắc. Cuốcphêrắc lúc này không còn là người dân bất di dịch của xóm latinh nữa. Vì “lý do chính trị” anh ta đã rời sang phố Verơri. Phố này bấy giờ là một phố mà các cuộc bạo động thích đồn trú. Mariuytx bảo Cuốcphêrắc: tớ đến ngủ với cậu đây. Cuốcphêrắc, kéo một trong hai chiếc đệm đang rải trên giường, bỏ xuống đất: Ừ, thì ngủ đấy.
Sáng hôm sau, vừa đúng bảy giờ, Mariuytx đã trở về nhà trọ. Chàng trả tiền thuê nhà và các khoản vặt vãnh còn thiếu của mụ Bugông. Chàng cho khuân sách vở, giường, tủ, bàn ghế chất lên một chiếc xe ba gác, rồi đi thẳng, chẳng cho ai biết mình đi đâu. Đến khi Giave trở lại để hỏi thêm chàng về việc xảy ra hôm trước thì chỉ gặp có mụ Bugông trả lời gọn lỏn: dọn đi rồi.
Mụ Bugông nghĩ bụng Mariuytx chắc có dính líu gì đến bọn trẻ trộm bị bắt đêm qua.
Mụ chạy đi đánh rao với các mụ gác cổng trong phố. “Ai mà dám ngờ như thế chứ?
Một gã trai trẻ, trông lành như con gái ấy!”
Mariuytx dời nhà vội vàng như thế này là có hai lẽ: thứ nhất vì cái nhà ấy làm chàng ghê tởm. Ở đấy, chàng đã nhìn thấy rõ bộ mặt của tên nhà nghèo bất lương. Tên nhà nghèo bất lương có lẽ còn tởm hơn cả tên nhà giàu độc ác nữa. Thế mà chàng đã nhìn thấy cái vết xấu xã hội ấy gần quá, kỹ quá, trông thấy tất cả sự phát triển hung tợn đáng kinh tởm nhất của nó. Lẽ thứ hai là sau cuộc bắt bớ như thế, bề nào cũng có án tiết lôi thôi, chàng không muốn dây vào đấy làm gì để cho phải ra tòa khai báo buộc tội Tênácđiê.
Giave thì cho rằng chàng sợ hãi đã bỏ trốn, hoặc lúc xảy ra cuộc phục kích chàng
chưa về nhà. Hắn có để ý tìm nhưng không kết quả gì.
Một tháng trôi qua, rồi một tháng khác. Mariuytx vẫn ở với Cuốcphêrắc. Một người trạng sư tập sự thường xuyên có mặt ở tòa án cho chàng biết Tênácđiê đang bị giam. Cứ đúng ngày thứ hai mỗi tuần, chàng lại nhờ phòng lục sự chuyển cho hắn năm phơrăng. Chàng không có tiền, phải vay của Cuốcphêrắc. Lần đầu tiên trong đời, chàng đi vay. Món tiền năm phơrăng đều đều mỗi tuần trở thành vấn đề khó hiểu cho người cho vay lẫn người được nhận. Cuốcphêrắc nghĩ bụng: vay để đưa cho ai nhỉ? Tênácđiê cũng tự hỏi: của ai gửi cho mình như thế này?
Riêng Mariuytx trong lòng rất ngao ngán. Cuộc đời chàng một lần nữa lại như rơi vào hầm tối. Trước mắt chẳng thấy gì. Bốn bên đều tối tăm bí hiểm, phải đi lò dò, chẳng biết đâu là phương hướng. Có lúc trong bóng tối ấy chàng đã nhìn thấy rất gần con người đẹp chàng yêu, cả ông cụ già có lẽ là ông thân sinh của người đẹp nữa. Phải, những hình bóng xa lạ đang thu hút tất cả tâm trí chàng, đang là nguồn hy vọng duy nhất của chàng ở cõi đời, những hình ảnh ấy, chàng từng nhìn thấy rất gần. Và lúc chàng tưởng giơ tay với được thì một ngọn gió đã cuốn phăng đi tất cả. Còn biết thế nào mà ước đoán nữa! Đến cái tên của người yêu tưởng đã rõ, té ra cũng chưa biết là gì. Nhất định không phải là Uyếcxuyn rồi. Còn Sơn ca chẳng qua là một tên tục. Đến như ông già kia thì thế nào? Ông ta muốn lánh mặt cơ quan cảnh sát à? Trong trí chàng hiện lên hình ảnh người thợ tóc bạc chàng gặp dạo nọ. Bây giờ mới rõ người thợ kia và ông Lơ Blăng có lẽ là một. Ông ta cải trang chăng? Con người ấy vừa có gì dũng cảm mà cũng vừa có gì lờ mờ khó hiểu. Tại sao ông ta không kêu cứu? Tại sao lại trốn chạy? Ông ta là bố đẻ cô ấy hay là không phải? Mà ông ta có phải thực là người mà Tênácđiê tưởng nhận ra mặt không? Tênácđiê có thể nhìn lầm chăng? Bấy nhiêu vấn đề, vấn đề nào cũng bế tắc. Tuy dáng điệu tiên nga của con người đẹp vườn Luychxămbua thì chẳng giảm chút nào. Tình cảnh Mariuytx khốn đốn, éo le; lòng chàng nặng trĩu tương tư mà mắt chàng thì lại bọc đêm tối. Chàng như bị thúc đẩy, bị lôi kéo mà chàng không thể nhích lên một bước. Mọi sự đều tiêu tan, chỉ còn có tình yêu. Mà những bản năng, những linh cảm đột ngột của tình yêu, chàng cũng mất cả rồi. Thói thường, ngọn lửa yêu đương đốt cháy lòng người cũng soi sáng được người
ta chút ít. Nhưng Mariuytx lại cũng chẳng còn nghe thấy được lời khuyên nhủ âm thầm nào của tình yêu cả. Chả bao giờ chàng bảo mình: hay là ta đi đến đó? Hay là ta thử cái này xem? Con người bây giờ chàng biết không còn gọi được là Uyếcxuyn nhất định đang ở một nơi nào đó; nhưng theo hướng nào để tìm nàng, thì chẳng có gì bảo cho chàng biết. Tất cả cuộc đời chàng, giờ phút này, như chỉ còn là một nỗi băn khoăn không bờ bến trong một đám sương mù dày đặc. Tìm cho thấy mặt nàng, thâm tâm chàng vẫn mong ước, nhưng chàng không dám hy vọng nữa.
Khổ làm sao, chàng lại rơi vào cảnh túng thiếu. Cái nghèo hèn lạnh lẽo, chàng cảm thấy như đã ở cạnh chàng sát bên lưng. Đã lâu rồi, từ ngày tâm thần rối bời đến giờ, chàng chẳng còn làm việc nữa. Làm việc không đều đặn là một điều tối nguy hiểm, vì như thế là đã bỏ mất một thói quen. Bỏ mất thói quen làm việc thì dễ nhưng lấy lại thì rất khó.
Mơ mộng chút ít cũng tốt, nó cũng như chút ít thuốc ngũ nhẹ nhàng. Trí óc làm việc nhiều thường khi sinh ra nóng sốt, bần thần không chịu nổi, những lúc ấy mơ mộng một chút cũng làm cho dịu đi, trong người thấy dễ chịu. Dường như mơ mộng lại còn để tỏa ra trong trí một làn sương êm đềm, mát dịu. Trong làn sương ấy, hình thù quá gồ ghề của tư tưởng cũng trở nên nhẹ nhàng, các lỗ hổng, các khoảng cách rải rác trong trí óc đều được lấp bằng lại, từng loại ý tứ được nối liền nhau và góc cạnh các ý nghĩ cũng được xóa mờ đi. Nhưng mơ mộng thái quá thì trí óc sẽ bị chìm ngập tất thảy. Con người dùng trí óc làm việc mà để mình tự suy nghĩ rơi tõm xuống chỗ mơ mộng thì tai hại biết chừng nào! Họ tin rằng họ sẽ ngoi trở lên được dễ dàng và chung quy, suy tưởng cũng chẳng khác gì mơ mộng. Lầm to!
Suy tưởng là trì óc phải làm việc, còn mơ mộng thì trí óc chỉ hưởng thụ thôi. Đem mơ mộng thay vào suy tưởng thì có khác gì coi thuốc độc cũng như thức ăn?
Bạn đọc còn nhớ Mariuytx đã bắt đầu từ đó.
Ái tình vụt đến khiến chàng say mê, cuối cùng đẩy chàng xuống cái hố mơ mộng hão huyền không biết đâu là đáy.
Hễ bước ra khỏi nhà là để lang thang mộng tưởng. Thai nghén của sự biếng lười. Vực thẳm huyên náo và tù đọng. Càng ít làm việc, túng thiếu lại càng tăng. Cái luật tự nhiên nó thế! Con người sống trong trạng thái mơ mộng bao giờ cũng hoang phí và nhu nhược: trí óc buông lỏng thì làm gì giữ cho đời sống chặt chẽ được. Trong cảnh sống ấy có cái hay mà cũng có cái dở, lỏng lẻo là có hại nhưng rộng rãi lại là tốt. Có điều đã nghèo, mà rộng rãi, hào phóng, lại không làm việc nữa thì đến nguy. Nguồn thu cạn, túng thiếu hiện ra.
Con đường dốc ấy cực kỳ nguy hiểm; người tốt, xấu, người cương, nhu gì cũng trượt chân rồi nhào như nhau cả. Kết cục đều là rơi tõm xuống một trong hai cái hố này: tự tử hoặc phạm tội ác.
Cứ đi ra để mơ mộng rồi có ngày đi ra để nhảy xuống nước. Già mơ mộng, làm nên những Etcutx và những Lơbrax.
Mariuytx thong thả tụt dần trên dốc ấy, hai mắt đăm đăm nhìn con người đã mất hút. Điều đó có vẻ lạ nhưng đúng là như thế. Nhớ nhung như làm sánh sáng hình ảnh người yêu trong cõi u tối; người càng khuất bóng, hình ảnh lại càng rạng rỡ; tấm lòng thất vọng chỉ còn nhìn thấy có một chút ánh sáng ấy; đó là ngôi sao trong đêm tối nội tâm.
Nàng, đó là tất cả ý nghĩ của Mariuytx. Chàng không còn có suy nghĩ gì khác. Chàng chỉ mang máng cảm thấy cái áo cũ của chàng không còn cách gì dùng được nữa, cái áo mới cũng đã đủ rồi, cái sơ mi thì đã sờn, cái mũ, đôi giày đều mòn hỏng, nghĩa là cả cuộc đời chàng cũng mòn mỏi. Chàng tự nhủ: ước gì được thấy mặt nàng một lần trước khi nhắm mắt.
Chỉ còn một ý nghĩ làm chàng dịu được cõi lòng: nàng đã yêu chàng, đôi mắt nhìn của nàng đã nói lên điều đó. Nàng không biết chàng tên họ gì nhưng lại hiểu thấu tâm hồn chàng và biết đâu, dù ở nơi bí ẩn nào đi nữa: Nàng cũng vẫn yêu chàng? Ai dám bảo nàng không trông tưởng đến chàng như chàng trông tưởng đến nàng? Có những giờ phút mình không giải đáp được cho mình, – tình yêu thường có những phút như thế –
trong lòng toàn những cớ đáng buồn mà lại cứ cảm thấy một niềm vui âm thầm, nhẹ nhàng, chàng tự bảo: đó là ý nghĩ của nàng truyền đến cho ta! Rồi lại thêm: có lẽ ý nghĩ của ta cũng đến với nàng như thế này.
Cái ảo tưởng ấy, một chốc sau, chàng lắc đầu hoài nghi. Nhưng nó đã gieo được vào lòng chàng những tia sáng có khi na ná như là hy vọng. Thỉnh thoảng, nhất là về chiều, cái giờ làm cho tâm hồn mơ mộng càng sầu muộn, chàng hạ bút ghi vào quyển vở giấc mơ trong sáng nhất tốt đẹp nhất đang tràn ngập tâm trí say mê của chàng. Chàng cho như thế là “viết thư cho nàng”.
Không nên nghĩ rằng trí óc chàng rối loạn. Ngược lại chàng đã mất các khả năng làm việc nhằm một mục đích nhất định, nhưng mà hơn lúc nào hết chàng sáng suốt và chu đáo. Chàng nhìn thấy những gì diễn ra trước mắt, cả những sự việc và những con người ít liên quan nhất, với một thứ ánh sáng yên lành và chân thực. Đối với việc gì, chàng cũng nói tiếng nói đúng nhất mà rõ ràng là ngao ngán và vô tư. Hầu như không dính chút mong ước nào, sự xét đoán của chàng rất cao đạo.
Sống trong tâm trạng ấy, không gì thoát khỏi mắt chàng, không gì lừa nổi chàng; mỗi phút chàng mỗi khám phá chiều sâu của cuộc sống, của nhân loại và vận mệnh con người. Dù khắc khoải, những người được thượng đế ban cho một tâm hồn xứng đáng với tình yêu và tai họa là những người sung sướng! Ai không từng trải việc đời và lòng người dưới hai thứ ánh sáng ấy thì không thấy chút gì là chân lý và không biết gì cả.
Một tâm hồn yêu đương và đau khổ là một tâm hồn đạt đến cao siêu. Dù sao ngày tháng cứ qua và chẳng có chuyện gì mới xảy đến. Mariuytx chỉ có cảm giác quãng dốc đáng sợ mà chàng còn phải trải qua hình như mỗi phút mỗi ngắn lại. Tuồng như chàng đã hé thấy rõ cái hố sâu thăm thẳm.
– Sao! – Chàng lặp đi lặp lại cho mình nghe, – thực ta sẽ không gặp lại nàng trước ư!
Đi ngược hết phố Xanh Giắc, bỏ bức rào, đi về phía tay trái, thì đến phố Xăngtê, phố
Gơlaxie, rồi trước khi đến dòng sông nhỏ Gơbơlanh thì người ta bắt gặp trước mặt một quãng đồng. Trong cái vành đai dài và đơn điệu của các đại lộ quanh Pari, đây là nơi độc nhất mà Ruytxđaen[250] có lẽ thích ngồi.
Có một vẻ gì xinh đẹp trong cái cảnh bày ra trước mắt: một đám cỏ xanh với những dây phơi quần áo rách, một chiếc nhà cũ của những người hàng rau làm đâu từ thời Lui XIII, mái mẹ lởm chởm mái con, mấy hàng giậu mục nát, một vài vũng nước dưới rặng bạch dương, vài người đàn bà và tiếng cười, nói. Ở chân trời, đài Păngtêông, cây của những người điếc – câm, tu viện Vanđơgraxơ lù lù, đen thui, kỳ quái, ngộ nghĩnh nguy nga và ở cuối là cái chóp vuông nghiêm nghị của nhà thờ Đức Bà. Cảnh cũng đáng ngắm nên ít người lai vãng. Chừng như cứ mười lăm phút họa hoằn mới có một cỗ xe bò hay một anh phu xe.
Một lần, lang thang một mình, Mariuytx đặt chân đến đây. Hôm đó trên đường lại có một người đi qua. Chừng như ngạc nhiên trước vẻ đẹp gần như hoang vu của cảnh vật. Mariuytx hỏi người qua đường:
Đây là chỗ nào nhỉ? Người bộ hành đáp:
Đây là cánh đồng Sơn ca.
Và tiếp: Đây là chỗ Uynbách giết người con gái chăn cừu ở Ivơry.
Sau tiếng Sơn ca, Mariuytx không còn nghe thấy gì thêm nữa. Trong trạng thái mơ mộng có khi chỉ một tiếng cũng đủ làm cho trí óc ngưng đọng lại một cách bất ngờ. Cả tâm trí bỗng nhiên ngưng chung quanh một ý nghĩ và không còn thu nhận được một cái gì khác. Sơn ca chính là cái tên mà Mariuytx dùng để gọi thay cho tên Uyếcxuyn trong những phút buồn phiền sâu lắng. Sững sờ, chàng tự nhủ:
– A ra đây là cánh đồng của nàng. Nhất định ta sẽ tìm ra nơi nàng ở.
Nghe thật là vô lý, nhưng không có gì ngăn cản nổi ý nghĩ ấy. Và ngày nào chàng cũng đến thăm cánh đồng Sơn ca.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.