NHỮNG NGƯỜI KHỐN KHỔ

V. CHỖ CHỐN THÍCH ĐÁNG



Giave giam Giăng Vangiăng vào nhà ngục của thành phố.

Việc ông Mađơlen bị bắt làm xôn xao cả tỉnh Môngtơrơi, hay nói đúng ra là làm mọi người giật mình kinh hoảng. Thật là buồn cho tình đời! Chỉ nghe nói ông ấy “trước kia là một thằng tù”, thế là ai nấy đều gần như lãng ra cả. Mới trong non hai tiếng đồng hồ mà bao nhiêu công đức của ông người ta đều quên sạch và ông chỉ còn là “thằng tù” thôi. Nói cho đúng thì cũng chưa một ai biết rõ câu chuyện xảy ra ở Arát cả. Cả ngày hôm ấy khắp tỉnh chỗ nào cũng bàn tán với nhau:

Chưa biết à? Một thằng đi tù về đấy! – Ai kia? – Ông thị trưởng. – Sao! Ông Mađơlen ấy à? – Phải. – Thật à? – Hắn không phải tên là Mađơlen, cái tên gì đó khó nghe lắm, Bêgiăng, Bôgiăng, Bugiăng gì đó. – Trời ơi! Lẽ nào! – Hắn bị bắt rồi. – Bắt rồi à? – Giam ở nhà ngục chờ giải đi. – Giải đi! – Sắp giải đi ấy mà! – Giải đi đâu? – Hắn phải ra trước tòa Đại hình về một tội cướp đường ngày trước. – Vậy à? Tôi đã bảo mà. Người ấy nhân đức quá, hoàn hảo quá, ngoan đạo quá. Từ chối cả bội tinh. Gặp nhãi con nào cũng cho tiền. Tôi vẫn đồ là trong đó thế nào cũng có cái gì mờ ám.

Đặc biệt giới thượng lưu đồn nhiều chuyện như thế nhất. Một bà lớn có tuổi, độc giả báo “Cờ trắng”, ngẫm nghĩ thế nào rồi nói lên một câu mà không tài gì hiểu nổi ý nghĩa thâm thúy:

– Không sao cả. Cái đó là một bài học cho phe lũ Bônapác!

Thế là cái bóng ma mà người ta vẫn gọi là ông Mađơlen ở Môngtơrơi biến đi. Cả tỉnh chỉ còn độ ba bốn người là còn có cảm tình với ông. Trong số đó có bà già gác cổng nhà ông.

Buổi tối hôm ấy, bà già đáng kính ấy còn ngồi ở buồng gác, tâm trí hoang mang và buồn rầu nghĩ ngợi. Xưởng máy đóng cửa từ sáng, cổng chính khóa chặt, đường phố

vắng tanh. Trong nhà chỉ còn hai bà xơ, bà Pécpêtuy và bà Xempơlit túc trực ở bên thi hài Phăngtin.

Vào giờ thường ngày ông Mađơlen trở về nhà, bà già ấy bỗng nhiên như một cái máy, vô tình đứng dậy, mở ngăn kéo lấy chiếc chìa khóa cửa buồng của ông treo vào cái đinh mọi khi và đặt ở cạnh đấy cây đèn nến ông vẫn dùng để lên phòng riêng. Bà quen như trước đợi ông Mađơlen về, qua đấy cầm lấy chìa khóa và cây đèn nến. Xong bà trở lại ngồi vào ghế, suy nghĩ miên man.

Mãi hơn hai giờ sau bà mới sực tỉnh và kêu lên:

– Ơ kìa! Chúa tôi! Cứ quen treo chìa khóa như mọi lần!

Giữa lúc ấy, cánh cửa sổ mở ra, một bàn tay thò vào cầm lấy chiếc chìa khóa và cây đèn, ghé châm vào ngọn nến bên cạnh.

Bà gác cửa nhìn lên, miệng há hốc, muốn kêu nhưng giữ ngay tiếng lại trong cổ. Bà nhận ra được cái bàn tay ấy, cái cánh tay ấy, cái tay áo dài ấy. Chính là ông Mađơlen.

Theo lời về sau bà kể việc này thì bấy giờ bà kinh ngạc quá, một lúc lâu mới nói lên được:

– Trời ơi! Ông thị trưởng, tôi cứ tưởng ông…

Bà chợt nín lặng. Mấy tiếng sắp nói có thể là vô lễ, không hợp với mấy tiếng bắt đầu.

Bà vẫn coi Giăng Vangiăng là ông thị trưởng. Ông tiếp ý mụ:

Bị bắt giam. Phải, tôi bị bắt giam. Tôi vừa bẻ chấn song cửa sổ, nhảy từ trên nóc xuống và về đây. Tôi lên buồng đây, bà gọi hộ bà Xempơlit. Bà ta chắc đang ở cạnh người đàn bà xấu số ấy.

Bà gác vội vàng đi ngay.

Ông không cần dặn dò gì thêm, tin chắc bà giữ gìn cho ông còn kỹ hơn là ông tự giữ

gìn lấy cho mình. Không hiểu ông đã làm cách nào để vào sân mà không gọi mở cổng chính. Thường ông có một cái chìa khóa vạn năng có thể mở được cổng phụ bên cạnh, nhưng khi ông bị bắt chắc người ta đã lục trong người ông và tịch thu rồi. Điểm này đúng là chưa rõ.

Ông lên cái cầu thang đưa vào buồng riêng. Đến bậc trên cùng, ông đặt ngọn nến xuống, nhẹ mở cửa đi vào, lần mò trong bóng tối đóng hết các cửa chớp, cửa kính lại, rồi mới trở ra đem đèn vào trong phòng.

Cẩn thận thế là đúng; mọi người còn nhớ từ ngoài phố có thể nom rõ được cửa sổ buồng ông.

Ông đưa mắt nhìn quanh phòng một lượt, cái bàn cái ghế, cái giường gọn gàng đã ba hôm nay không có người nằm. Chẳng còn vết tích gì về chuyện xáo trộn đêm hôm nọ nữa. Bà gác đã dọn dẹp sạch sẽ. Và bà đã nhặt được trong đống tro hai mẩu sắt bịt đầu gậy và đồng hào bị đốt đen sì, để gọn ghẽ trên bàn.

Ông lấy một mảnh giấy, viết mấy dòng như sau: “Đây là hai mẩu sắt bịt đầu chiếc gậy của tôi và đồng hào tôi ăn cướp của thằng bé Giecve mà tôi đã khai ở phiên tòa Đại hình”. Ông đặt những thứ đó trên tờ giấy để ở giữa bàn cốt cho ai thoạt bước vào cũng trông thấy ngay. Ông mở tủ lấy một cái áo lót mình đã cũ, xé thành mấy mảnh và gói hai cây nến bằng bạc lại. Dáng điệu ông thong thả, bình tĩnh. Ông vừa gói đôi đèn nến của ông giám mục vừa gặm một mẩu bánh đen, chừng như là thứ bánh của nhà tù phát, mà ông đã đem theo khi trốn ra…

Chứng cớ là những vụn bánh mì, người ta tìm thấy trên nền gạch khi nhà chức trách về sau đến khám xét trong phòng.

Có tiếng gõ khẽ ở ngoài. Ông bảo:

– Cứ vào.

Đó là bà xơ Xempơlit.

Mặt bà tái xanh, hai mắt đỏ ngầu, cây đèn cầm ở tay run lẩy bẩy. Con người ta, dù tận thiện hoặc nguội lạnh với cuộc đời đến đâu nữa, khi gặp những cảnh phũ phàng của số mệnh, cũng thấy “bản chất người” của mình hiện lên từ đáy lòng sâu kín nhất. Qua bao nhiêu cảm xúc ngày hôm ấy, bà xơ đã trở lại là một người đàn bà và cũng khóc, cũng run sợ.

Giăng Vangiăng vừa viết xong mấy dòng chữ. Ông đưa tờ giấy cho bà và bảo:

Thưa bà, bà đưa giúp cái này cho ông cụ xứ. Tờ giấy còn để mở. Bà ghé mắt nhìn. Ông bảo:
Bà có thể đọc được.

Bà đọc: “Tôi kính nhờ ông cụ xứ quản lý hộ tất cả tài sản tôi để lại ở đây. Phiền ông trích ra một khoản tiền để trả án phí cho tôi và để chôn cất cho người đàn bà chết hôm nay. Còn bao nhiêu thì ông cho người nghèo”.

Bà xơ muốn nói gì nhưng nghẹn ngào mãi không nói nên lời. Sau bà mới nói được một câu:

Ông thị trưởng có muốn thấy mặt người xấu số ấy một lần cuối cùng không?

Không. Họ đang tầm nã tôi. Tôi đến đấy họ sẽ bắt được tôi, lại thêm làm phiền đến người đã mất.

Vừa nói dứt lời thì ở cầu thang có tiếng ồn ào. Tiếng chân người ầm ầm lên thang và tiếng bà già gác cổng đang gào to, giọng lanh lảnh.

Ông ơi, tôi xin thề rằng cả ngày hôm nay và suốt buổi tối không có một người nào ra vào nhà này cả, tôi có rời bên cửa lúc nào đâu.

Tiếng một người đàn ông đáp:

Thế sao trong buồng kia lại thắp đèn? Ai nấy đều nhận ra tiếng nói của Giave. Cánh cửa căn phòng khi mở ra lại che khuất chỗ góc buồng bên phải.

Giăng Vangiăng thổi phụt ngọn nến và đứng nép vào xó ấy. Bà xơ Xempơlit quỳ xuống bên cạnh bàn.

Cửa mở. Giave bước vào.

Bên ngoài có tiếng nhiều người xì xào và tiếng bà gác cửa phản kháng ở hành lang. Bà xơ không nhìn lên. Bà cầu nguyện.

Ngọn đèn để trên mặt lò sưởi, ánh sáng lù mù. Giave trông thấy bà xơ thì dừng lại, sững sờ.

Ta đã biết bản chất của Giave rồi. Con cá sống nhờ nước thì hắn sống nhờ sự tôn vinh uy quyền. Tôn kính tuyệt đối, không một chút dè dặt, không một chút chống đối lại. Mà, theo hắn thì uy quyền nhà thờ lại là thứ uy quyền cao nhất. Hắn là một người tin đạo, vừa hời hợt vừa nghiêm chỉnh ở đây cũng như ở các vấn đề khác. Trong trí hắn, một giáo sĩ là một khối óc không bao giờ nhầm lẫn, một bà xơ là một người không bao giờ mắc một lỗi nhỏ. Đó là những linh hồn giam kín mình giữa thế gian, chỉ chừa một cửa thông với ngoài mà cửa ấy chỉ mở để đưa ra ngoài những sự thật.

Vừa trông thấy bà xơ, hắn đã toan quay ra.

Nhưng một bổn phận khác giữ lại, bức bách phải có hành động trái ngược lại, đứng lại và thấy ít nhất cũng phải thử hỏi một câu.

Chính hắn lại gặp bà xơ Xempơlit là người bình sinh không biết nói dối bao giờ.

Giave biết vậy và đặc biệt kính trọng bà cũng vì thế.

– Thưa bà, trong phòng này chỉ có một mình bà thôi chứ?

Thật là giây phút ghê gớm! Bà gác cổng tội nghiệp tưởng mình sắp ngất đi.

Bà xơ nhìn lên đáp:

Phải.

Nếu vậy thì xin lỗi bà, tôi cũng phải hỏi đi hỏi lại cũng là vì phận sự bắt buộc. Chiều tối hôm nay bà có trông thấy ai không, một người đàn ông? Nó vừa vượt ngục, chúng tôi đang đi tìm, cái thằng Giăng Vangiăng ấy mà, bà có trông thấy nó không?

Bà xơ đáp:

– Không.

Bà đã nói dối. Bà nói dối liền liền hai lần, không lưỡng lự, nhanh nhảu, như khi người ta làm việc nghĩa.

– Vậy xin lỗi bà.

Hắn chào rất cung kính và lui ra.

Hỡi người con gái của Chúa! Từ lâu người không còn trên đời này nữa, người đã đi gặp các bà chị đồng trinh và các ông anh thiên thần, trong cõi ánh sáng nghìn năm. Mong rằng, trên thiên đường, lần nói dối này cũng được xét cho bà.

Giave thấy bà xơ trả lời như thế nên tin ngay, không chú ý đến một sự lạ lùng là cây nến vừa bị thổi tắt hãy còn vương khói trên bàn.

Một giờ sau, trong cây cối và sương mù, có một người đi nhanh ra khỏi thành phố Môngtơrơi, tiến về hướng Pari. Người ấy là Giăng Vangiăng. Về sau có hai ba người phu xe tải hàng lại khai rằng có gặp ông ta, mình mặc một cái áo choàng công nhân, tay ôm một gói đồ. Ông ta nhặt được cáo áo ấy ở đâu? Chẳng ai biết cả. Chỉ biết là cách đó vài ngày, có người thợ già nằm ở nhà thương của xưởng mới chết, đồ đạc để lại chỉ có một cái áo khoác công nhân. Có lẽ là cái áo ấy đấy. Xin nói nốt một câu về

Phăngtin.

Chúng ta ai cũng cùng một bà mẹ: đất. Người ta trả Phăngtin lại cho bà mẹ ấy.

Ông cụ xứ nghĩ rằng – và nghĩ như thế có lẽ đúng – phải dành hầu hết món tiền của Giăng Vangiăng cho kẻ khó. Vì nói cho cùng Giăng Vangiăng và Phăngtin là hạng người nào? Chỉ có một thằng tù và một con đĩ. Vì lẽ đó, ông hết sức đơn giản hóa việc tang ma Phăngtin, chỉ giữ cái mức cần thiết tối thiểu là chôn cất ở khu mộ chung.

Người ta chôn Phăngtin ở khu nghĩa địa bố thí, nơi đất chung của mọi người và chẳng là của ai cả, nơi vùi lấp những kẻ nghèo hèn. May mà còn có Chúa biết linh hồn ở đâu để tìm về. Người ta đặt Phăngtin vào bóng tối, bên cạnh những nắm xương vô chủ; xương chị đành chung chạ với xương người. Mồ của chị là cái mồ chung của mọi người cũng như giường chị nằm trước kia.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.