NHỮNG NGƯỜI KHỐN KHỔ

VII. VÀI HÌNH DÁNG CỦA CÁI BÓNG TỐI ẤY



Trong khoảng thời gian sáu năm, từ 1819 đến năm 1825, mẹ nhất của tu viện là tiểu thư Đo Bơlơmơ, mà tên đạo là mẹ Inôxăngtơ. Mẹ thuộc dòng họ Magơrit đơ Bơlơmơ tác giả quyển sách: Sự tích các thánh dòng Xanh Bơnoa. Mẹ đã được tái cử. Mẹ trạc sáu mươi, người thấp béo, “Hát như một cái chĩnh rè”; như nói trong một bức thư mà chúng tôi đã nhắc đến; ngoài ra thì rất tốt, người duy nhất vui tính trong tu viện mà cũng vì thế mà được kính mến.

Mẹ Inôxăngtơ thừa hưởng cái thông thái của bà tổ trong họ Magơrit, bà Đaxiê của dòng tu.[112] Mẹ giỏi văn chương, uyên thâm, bác học, hiểu biết nhiều, lại là một sử gia kiểu riêng, một bồ chữ Latinh, một bồ chữ Hy Lạp, một bồ chữ Hêbrơ, nên là một bênêđichtanh hơn là một bênêđichtin.[113]

Mẹ nhì là một bà tu sĩ già, người Tây Ban Nha, hầu như lòa, gọi là mẹ Xinêredơ.

Những mẹ tư vấn đáng kể là mẹ Xanhtơ Ônômơ thủ quỹ; mẹ Xanhtơ Gietơruyđơ, giáo nhất của các bà mới nhập dòng; mẹ Xanhtơ Anggiơ, giáo nhì; mẹ Anôngxiaxiông, giữ kho đồ lễ của nhà thờ; mẹ Xanhtơ Ôguyxtanh y tá, người duy nhất độc ác trong tu viện; rồi đến mẹ Xanhtơ Mêchtinđơ (tiểu thư Gôvanh), rất trẻ, có một giọng hát tuyệt hay; mẹ Đêdănggiơ (tiểu thư Đơruê), trước đã ở tu viện Phiơ Điơ và tu viện Tơrêdo, giữa hai tỉnh Gido và Manhi; mẹ Xanh Giôdép (tiểu thư Côgôluydo); mẹ Xanhtơ Adêlaiđơ (tiểu thư Đôvecnay); mẹ Midericoócđơ (tiểu thư Đơ Xiphuyatơ bị lôi cuốn bởi khổ hạnh); mẹ Côngpaxiông (tiểu thư Minchierơ, sáu mươi tuổi còn được nhập dòng, tuy là trái với điều lệ, rất giàu); mẹ Pơrêvidăngxơ (tiểu thư Đơ Lôđinierơ); mẹ Pơrêdăngtaxiông (tiểu thư Đi Xinghenda) năm 1847 là mẹ nhất; và cuối cùng mẹ Xanhtơ Xêlinhơ (chị của nhà điêu khắc Xêraki), sau đó hóa điên; và mẹ Xanhtơ Săngtan (tiểu thư Đơ Xuydông) cũng hóa điên.

Trong số những bà đẹp nhất còn có một thiếu nữ hăm ba tuổi rất xinh, người ở đảo

Buốcbông, con cháu của Hiệp sĩ Rôđơ, nhưng ở đây tên là mẹ Axônxiông.

Mẹ Xanhtơ Mêchtinđơ phụ trách việc hát và đoàn hợp xướng của nhà thờ, thường huy động các cô học trò lưu trú. Thường mẹ huy động cả một nhóm đầy đủ nghĩa là bảy em, từ 10 đến 16 tuổi thôi, giọng hát và tầm vóc hợp nhau, mẹ bảo đứng hát, xếp hàng cạnh nhau, theo lứa tuổi, từ cô bé nhất đến cô lớn nhất, như là một bộ sáo thiếu nữ, một thứ sáo sống của thần Păng, xếp bằng những thiên thần.

Trong các bà phục vụ, những người mà các cô học trò lưu trú quý nhất là bà Xanhtơ Ơphơradi, bà Xanhtơ Magơrit, bà Xanhtơ Máctơ có bệnh thần kinh và bà Xanh Misen, có một cái mũi dài làm các cô học trò cười.

Tất cả các bà đều rất hiền dịu đối với các em gái nhỏ ấy. Họ chỉ nghiêm khắc đối với bản thân họ. Chỉ nhà lưu trú mới đốt lửa sưởi. Món ăn hàng ngày của nhà lưu trú so với bữa ăn của tu viện là món ăn sang. Thêm vào đó trăm sự săn sóc khác. Nhưng khi một em nhỏ đến gần một nữ tu sĩ và nói với bà, thì không bao giờ bà trả lời.

Cái kỷ luật im lặng ấy đã đem lại hậu quả là trong tu viện người ta lấy mất tiếng nói của con người và trao cho những vật vô tri vô giác. Khi thì quả chuông của nhà thờ lên tiếng, khi thì chiếc nhạc của người làm vườn. Một cái chuông rất kêu, đặt bên cạnh bà gác và có thể nghe thấy bất cứ ở đâu trong tu viện, với những nhịp khác nhau như qua một thứ máy viễn thoại; báo tất cả mọi hoạt động trong sinh hoạt vật chất của tu viện. Nó cũng có thể dùng để gọi, khi cần, người này hay người khác lên buồng khách; mỗi người, mỗi vật đều có tín hiệu riêng. Mẹ nhất là một một, mẹ nhì là một và hai, sáu năm là giờ lên lớp. Thành ra học trò không bao giờ bảo: vào lớp học, mà chỉ nói: đi sáu năm. Bốn bốn là tín hiệu của bà Đơ Gienlixơ. Tín hiệu này, nghe thấy luôn. Những người nào không phúc hậu, thương người thì bảo: đồ quỷ bốn! Mười chín tiếng báo hiệu một sự việc lớn lao, đó là việc mở cổng khóa, một tấm sắt ghê rợn lô nhô những chốt, chỉ quay trên bản lề khi nào Đức Tổng giám mục đến tu viện.

Trừ Đức Tổng giám mục và người làm vườn như chúng tôi đã nói, không có một người đàn ông nào vào được tu viện. Các cô gái lưu trú còn được thấy hai người nữa:

cha tuyên úy, giáo sĩ Banexơ, già và xấu, mà các em có thể nhìn thấy trên sàn hát, qua một chấn song sắt; người nữa là thầy dạy vẽ, ông Anxiô, mà bức thư chúng tôi sơ lược nhắc đến đã gọi là ông Anxiô và đặt tên là lão già còng kinh tởm.

Rõ ràng là những người đàn ông này đều đã được chọn lọc.

Đó là cái nhà tu kỳ lạ ấy.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.