NHỮNG NGƯỜI KHỐN KHỔ

VII. VỪA ĐẾN ĐÃ CHUẨN BỊ ĐI NGAY



Gần tám giờ, chiếc xe đi trên đường khi nãy mới tiến qua cánh cổng lớn của nhà trạm tỉnh Arát. Người hành khách ta theo dõi từ lâu, bấy giờ bước xuống xe. Ông lơ đãng trả lời những câu mời mọc săn đón của bọn hàng quán, cho người đánh ngựa đưa con ngựa thuê sau về, dắt con ngựa bạch nhỏ xuống tàu ngựa. Rồi ông đẩy cửa bước vào một cái phòng chơi bi-a ở tầng dưới, kéo ghế ngồi, tì tay lên bàn. Quãng đường ông tính bốn tiếng. Nghĩ cho phải thì không phải lỗi tại ông và ông cũng thấy vui vui vì sự đến muộn đó.

Mụ chủ quán bước vào.

Ông khách có ngủ lại không? Có ăn cơm tối không? Ông lắc đầu.

Người hầu ngựa nói rằng ngựa của ông nhọc lắm. Bây giờ ông mới lên tiếng.

Sáng mai nó có thể lại đi ngay được không?

Ồ thưa ông phải để cho nó nghỉ hai ngày là ít.

Có phải bàn giấy nhà trạm cũng ở ngay đây không?

Thưa phải.

Mụ chủ quán dẫn ông đến chỗ bàn giấy. Ông đưa giấy thông hành ra và hỏi xem có thể đi xe thư về Môngtơrơi Xuya Me ngay đêm nay được không? Vừa may chỗ bên cạnh người chuyển thư hãy còn. Ông trả tiền và giữ chỗ ấy. Người thư ký dặn ông:

– Thưa ông, phải có mặt ở đây đúng một giờ sáng để xe chạy.

Xong xuôi, ông bước ra khỏi khách sạn, đi về phía các phố.

Ông chưa đến Arát bao giờ, đường phố lại tối, nên cứ đi liều.

Hình như ông cố tình không muốn hỏi thăm đường ai cả. Ông qua con sông Cơranhsông rồi lạc vào một khu toàn những phố nhỏ ngóc ngách.

Một người hàng phố cầm đèn đi qua. Lưỡng lự mãi, ông mới nhìn trước sau như sợ có người nghe thấy và quyết định hỏi:

Thưa ông, nhờ ông trỏ dùm cho tòa án ở chỗ nào. Người hàng phố đã có tuổi đáp:

Ông không phải là người tỉnh này à? Vậy ông theo tôi, tôi cũng đi về phía tòa án đấy, chỗ tỉnh đường mà. Hiện nay tòa án đang sửa chữa, chỗ xử án tạm đặt ở tỉnh đường đây.

Phiên tòa đại hình cũng xử ở đấy à?

Tất nhiên. Đây này, tỉnh đường ngày nay nguyên là dinh giám mục trước thời cách mạng đó. Rồi năm 1872 ông Côngdiê làm giám mục có cho xây thêm một phòng khá rộng. Nay phiên tòa lập ở đó.

Đi nửa đường, người ấy lại nói thêm:

– Nếu ông muốn xem thì hơi muộn. Thường thì các phiên toàn tan từ sáu giờ kia.

Lúc đến chỗ công viên, người ấy trỏ cho ông bốn cửa sổ dài còn sáng đèn ở mặt trước một ngôi nhà to lù lù trong bóng tối.

May cho ông, vừa đến kịp. Ông có trông thấy bốn cái cửa sổ sáng kia không? Chỗ tòa đại hình đấy. Còn đèn sáng, tất là chưa xử xong. Có lẽ việc kéo dài nên tòa họp cả phiên tối. Ông cần biết việc ấy sao? Có phải là một vụ đại hình không? Ông đến làm

chứng à?

Tôi không có việc gì ở phiên tòa cả. Tôi cần gặp ông luật sư.

Thế thì lại khác. Kia, cửa tòa kia. Người lính gác ở đấy. Ông cứ đi lối cầu thang lớn.

Ông làm y theo lời người hàng phố chỉ dẫn. Một lúc sau, ông bước vào một phòng rất đông người. Đây đó từng nhóm luật sư mặc áo dài đứng lẫn vào đám đông, đang thì thào với nhau.

Cái cảnh những người mặc áo dài đen tụm năm tụm ba ở ngoài phòng án để to nhỏ với nhau vẫn làm cho người ta se lòng lại. Những lời họ nói chẳng mấy khi là những lời nhân từ và thương xót. Thường chỉ là những câu kết án nghĩ trước. Ai đang mơ màng qua đó, cũng tưởng đây là những tổ ong ghê rợn, chứa những bầy ma quái vo ve đang cùng nhau dựng nên đủ mọi kiến trúc tăm tối. Căn buồng rộng chỉ có một ngọn đèn. Trước kia đây là cái phòng đợi trong tòa giám mục; nay dùng làm chỗ tạm nghỉ. Một cái cửa lớn hai cánh đóng chặt ngăn với phòng xử án.

Trong phòng ánh sáng mập mờ, nên ông không ngần ngại hỏi ngay một luật sư mới vừa bắt gặp:

Thưa ông, xử đến đâu rồi?

Xong rồi.

Xong rồi!

Ông nhắc lại bằng một giọng khác thường, khiến người luật sư phải quay lại.

Thưa ông, tôi hỏi khí không phải, ông là người nhà người ta phải không?

Không, tôi không quen ai ở đây cả. Thế có kết án không?

– Có chứ. Có cách nào khác được đâu.

– Khổ sai?… Chung thân.

Ông hỏi câu nữa, giọng nhỏ đi, chú ý mới nghe rõ:

– Lý lịch đã được xác định rồi à?

Người trạng sư đáp: Lý lịch gì? Có gì mà phải xác định lý lịch. Vụ án thực giản dị. Mụ ấy đã giết con, tang chứng đầy đủ. Tòa xét không phải là chủ tâm trước nên mới kết án chung thân.

Thế là một người đàn bà?

Còn là gì nữa, mụ Limôđanh mà! Ông định nói việc nào?

Không. Nhưng xong rồi sao phòng xử còn đèn sáng thế?

Xử đến việc khác, đã bắt đầu được hai giờ rồi.

Việc gì nữa?

Ờ, việc này cũng rõ ràng lắm. Tên này là một tên đói khát, một tên tù khổ sai đi đày về, tái phạm về tội ăn trộm. Tôi chẳng nhớ tên nó là gì nữa. Trông mặt nó thực là tay đại bợm. Cứ cái bộ mặt ấy cũng đủ tống cổ nó đi đày khổ sai rồi.

Thưa ông, có cách gì vào được phòng xử án không?

Có lẽ cũng khó đấy. Trong phòng đông lắm. Nhưng tòa vừa nghỉ, có nhiều người ra, khi nào tòa tiếp tục, ông thử vào xem.

Vào lối nào?

Lối cửa lớn này.

Người luật sư bỏ đi nơi khác. Trong phút chốc ông thấy trăm ngàn nỗi cảm xúc ùa đến một lần làm cho lòng ông rối bời. Lời nói của người ngoài cuộc kia đâm thẳng vào tim

ông có lúc như mũi kim lạnh buốt, có lúc lại như lưỡi dao cháy bỏng.

Khi ông được biết là tòa xử chưa xong, ông thở đánh phào một cái. Song ông cũng không thể nói rõ thở phào như thế là vì ông bằng lòng hay là vì ông đau đớn.

Ông đến gần mấy đám đông người nghe xem họ nói gì. Phiên tòa này xử nhiều việc lắm, ông Chánh án phải đưa ra xử hôm nay cho xong hai vụ án giản dị và chóng vánh này. Bắt đầu là vụ giết con, giờ đến vụ tên tù khổ sai, tên tái phạm, tên “ngựa quen đường cũ”. Thằng này có ăn trộm táo, song chứng cứ chưa chắc chắn; điều chắc chắn là nó đã từng đi đày ở Tulông. Cái ấy mới nguy cho nó. Vả tòa đã hỏi cung nó rồi, chứng cứ cũng khai cả rồi; chỉ còn luật sư cãi và công tố buộc tội; nhưng chắc đến nửa đêm mới xong. Thằng ấy thì thế nào cũng bị rồi; ông chưởng lý tài lắm, không kẻ nào bị ông buộc tội mà thoát được! – Ông lại là người tài hoa, biết cả làm thơ kia đấy.

Một người mõ tòa đứng gần cửa vào buồng xử án. Ông lại gần hỏi:

Thưa ông, sắp mở cửa chưa?

Cửa không mở nữa đâu.

Sao thế? Sắp xử lại rồi mà không mở cửa à? Có phải tòa đang nghỉ không?

Tòa vừa mới tiếp tục, nhưng không mở nữa.

Tại sao?

Tại trong phòng chật cả rồi.

Sao? Không còn lấy một chỗ à?

Không còn chỗ nào. Cửa đóng rồi. Không ai vào được cả.

Im lặng một lúc, người mõ tòa lại bảo:

– Cũng còn hai ba chỗ nữa sau ghế ông chánh án, nhưng ông chánh án chỉ dành cho

những vị khách quen thôi.

Nói xong hắn quay đi.

Ông cúi đầu bước đi, qua phòng đợi, thong thả từng bậc một xuống cầu thang, dáng ngập ngừng. Chừng như ông đang tự hỏi xem nên làm gì. Cuộc tranh đấu bản thân gay go từ hôm qua đến nay vẫn chưa dứt và cứ mỗi lúc lại bắt sang một tình tiết mới. Xuống đến chân cầu thang, ông đứng tựa vào lan can, khoanh tay lại. Bỗng ông mở cúc áo ngoài, rút ví ra, lấy bút chì và mảnh giấy ghé vào chỗ đèn sáng viết vội vàng dòng chữ như sau: Ông Mađơlen thị trưởng Môngtơrơi Xuya Me. Rồi ông bước nhanh lên thang gác, rẽ đám đông, đến thẳng trước mặt người mõ tòa, đưa cho hắn mảnh giấy và dõng dạc bảo:

– Đem cái này vào cho ông Chánh án.

Người mõ tòa cầm lấy mảnh giấy nhìn qua rồi đi vào.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.