NHỮNG NGƯỜI KHỐN KHỔ

XI. MỘT ĐIỂM GIỚI HẠN



Từ đó, nếu kết luận rằng Đức Cha Biêngvơnuy là “Một ông giám mục triết gia” hay là “Một cụ xứ yêu nước” thì có nguy cơ sai lầm. Cuộc gặp mặt, hay hầu như có thể nói việc giao tiếp giữa ông với nhà cách mạng G., đã để lại cho ông một sự ngạc nhiên khiến ông càng hiền lành hơn. Thế thôi.

Ông giám mục chẳng hề là một chính khách. Nhưng ở đây có lẽ cũng nên nói qua ít lời về thái độ của ông trong các biến cố hồi bấy giờ, cứ giả định rằng có lúc ông nghĩ phải nên có một thái độ.

Hãy lùi lại mấy năm về trước.

Một thời gian sau khi ông Mirien được nhắc lên chức giám mục, hoàng đế phong cho ông tước nam của đế chế, một lần cùng với nhiều giám mục khác.

Mọi người biết, giáo hoàng bị bắt giam tối ngày 5 rạng ngày 6 tháng 7 năm 1809; nhân dịp ấy ông Mirien được Napôlêông mời dự hội nghị các giám mục hai nước Pháp và Ý triệu tập ở Pari. Hội nghị mở tại nhà thờ Đức Bà và họp lần đầu tiên ngày 15 tháng 6 năm 1811 dưới quyền chủ tọa của Đức giáo chủ Phếch. Ông Mirien là một trong chín mươi lăm giám mục đã đến dự. Nhưng ông chỉ dự một phiên họp toàn thể và ba bốn cuộc họp chuyên đề. Vốn là giám mục một địa phận núi non, gần gũi thiên nhiên, quen sống quê mùa và nghèo khó, hình như ông đã đem đến giữa những nhân vật thương lưu kia nhiều ý nghĩ làm thay đổi thời tiết của hội nghị. Không mấy ngày sau ông đã trở về Đinhơ. Có người hỏi vì sao ông về sớm thế, ông đáp:

Có tôi phiền cho các ngài ấy. Không khí bên ngoài theo tôi và đến với các ngài. Tôi có vẻ như một cái cửa mới.

Một lần khác ông nói:

– Tôi chịu thôi, các ông lớn ấy là những ông hoàng, còn tôi, tôi chỉ là một anh giám

mục nông dân hèn hạ.

Sự thật là người ta không thích ông. Ngoài những chuyện kỳ dị khác, hình như có một tối ở nhà một đồng nghiệp tiếng tăm, ông đã buột mồm kêu lên:

Đồng hồ đẹp quá! Thảm lót đẹp quá! Kẻ hầu người hạ đồng phục đẹp quá! Sao mà chói mắt thế! Chao ôi! Ước gì những thứ thừa thãi kia khỏi nheo nhéo mãi bên tai: còn có bao nhiêu người chịu đói! Còn có bao nhiêu người chịu rét! Còn biết bao kẻ khó! Biết bao kẻ khó!

Xin nói qua là thù ghét sang trọng không phải là một sự thù ghét thông minh. Vì thù ghét như thế hàm ý là thù ghét nghệ thuật. Tuy nhiên, đối với kẻ tu hành, ngoài sự tiếp khách và các lễ lạc, thì sa hoa là sai lầm. Dường như nó phơi bày ra những thói quen ít thật sự thương người. Là cố đạo mà giàu sang thì ngược đời. Nhà tu hành phải ở bên cạnh kẻ khó. Có thể nào gần gũi mãi cả ngày lẫn đêm, tất cả mọi nguy khốn, mọi bất hạnh, mọi sự nghèo hèn, mà không dính trên mình một tí gì của cái khốn khổ thiêng liêng kia như bụi đất của lao động được chăng? Có ai hình dung được một người đứng cạnh bếp lửa mà không thấy nóng? Có ai hình dung được một người thợ luôn luôn làm việc bên lò than, mà không hề có lấy một sợi tóc sém, một móng tay dính bụi, một giọt mồ hôi, tí tro trên mặt? Một cố đạo, nhất là một ông giám mục mà thương người thì bằng chứng thứ nhất là ông ta nghèo.

Đó có lẽ là cách suy nghĩ của ông giám mục.

Xin đừng nghĩ rằng ông ta tán thành ở một số khía cạnh tinh vi, cái mà chúng ta gọi là “tư tưởng của thời đại”. Ông ít xen vào các cuộc tranh cãi về giáo lý thời bấy giờ và không phát biểu ý kiến gì về các vấn đề mà Nhà thờ và nhà nước đang dính vào; nhưng giá thúc ép lắm thì lại hình như sẽ thấy ông là người theo giáo hội La Mã hơn là người theo giáo hội Pháp. Chúng tôi đang mô tả người ông và không muốn giấu một cái gì cả, nên chúng tôi đành nói thêm rằng, đối với Napôlêông lúc suy, ông tỏ ra lãnh đạm. Bắt đầu từ 1813, ông tham gia hoặc tán thành tất cả các biểu hiện phản đối. Lúc hoàng đế từ đảo Enbơ trở về, ông từ chối không ra bệ kiến khi người ta đi ngang qua

vùng và trong thời kỳ “Bách nhật”, ông không ra lệnh cầu kinh cho hoàng đế trong địa phận mình.[29]

Ngoài cô Baptistin là em gái ra, ông còn hai người em nữa: một làm tướng, một là tỉnh trưởng. Ông thường hay viết thư cho cả hai. Với người thứ nhất: một độ ông tỏ ra nghiêm khắc. Lý do là vì ông em này nhân có nắm quyền chỉ huy ở Prôvăngxơ vào lúc Napôlêông đổ bộ lên Cannơ, đã dẫn một đạo quân một nghìn hai trăm người đuổi theo hoàng đế theo lối đuổi để cho người ta thoát. Trong thư từ gửi cho ông em kia, ông tỏ ra thân yêu hơn, ông này trước kia làm tỉnh trưởng, nay thì là một người tốt, đứng đắn, ở ẩn ở Pari, phố Catxet.

Bản thân Đức Cha Biêngvơnuy như vậy là cũng có lúc thiên vị, có lúc buồn nản, tâm hồn như có mây che. Bóng tối của những ham mê từng lúc lướt qua đầu óc hiền lành và vĩ đại, thường xuyên chăm lo những vấn đề của vĩnh viễn. Lẽ ra một người như thế đúng là không nên có chính kiến. Xin đừng hiểu lầm về ý này, chúng tôi không lẫn lộn cái gọi là “chính kiến” với hoài bão sâu xa về tiến bộ, với lòng tin tưởng cao quý tổ quốc, dân chủ và nhân đạo, những cái mà ngày nay phải làm cơ sở cho mọi tấm lòng bác ái. Không đi sâu vào những vấn đề không liên quan trực tiếp đến chủ đề của sách này, chúng tôi chỉ nói đơn giản như sau: tốt đẹp hơn, nếu Đức Cha Biêngvơnuy không phải là người bảo hoàng và mắt ông đừng một phút nào rời bỏ sự chiêm ngưỡng thanh tĩnh; ở đó, vượt qua những bóng mây giông tố lớp lớp lại qua của cuộc đời trần tục, vẫn sáng tỏ như ban ngày ba ánh sáng tinh thần là Chân lý, Chính trực và Nhân đạo.

Dù công nhận Chúa không sinh giám mục Biêngvơnuy ra để làm chính trị, chúng ta vẫn có thể hiểu ông và khâm phục ông, giá như ông phản kháng và chống đối Napôlêông thuở hùng cường, phản kháng và tự do và chính nghĩa, cũng như chống đối một cách kiêu hãnh và chính đáng nhưng nguy hiểm. Nhưng điều ta thích khi điều đó được áp dụng đối với kẻ đang lên, ta lại không thích nếu áp dụng đối với người rơi xuống. Chúng ta chỉ thích đấu tranh chừng nào đấu tranh còn nguy hiểm. Và bao giờ cũng vậy, chỉ riêng những chiến sĩ buổi đầu mới có quyền làm người thanh toán giờ

chót. Ai chưa từng là kẻ buộc tội gay gắt đối phương trong thời thịnh vượng của nó, thì khi nó sụp đổ, nên làm thinh. Chỉ có kẻ tố cáo sự thành công mới xứng đáng làm người phán xử hợp pháp sự sụp đổ? Về phần chúng tôi, khi đấng Cứu thế can thiệp và trừng phạt thì chúng tôi cứ im lặng để cho Người làm. Cứ chứng kiến năm 1812 là chúng tôi thấy không muốn đánh người ta nữa rồi.[30] Đến năm 1813, cơ quan lập pháp xưa nay ít nói bỗng nhiên lên tiếng một cách hèn nhát vì đã được những tai họa của đế chế khuyến khích. Đó là một việc chỉ đáng khinh bỉ, cho nên vỗ tay hoan hô là sai. Năm 1814, trước lũ thống chế phản bội, trước cái thượng nghị viện ngã từ cái đống bùn nhơ này sang đống bùn nhơ kia, tôn thờ đó rồi chửi bới đó, trước sự sùng bái vừa rút lui vừa phỉ nhổ lên thần tượng, bấy giờ bổn phận ta là phải làm ngơ. Năm 1815, trong khi những đổ vỡ cuối cùng như đang treo trên đầu, cả nước Pháp rùng mình cảm thấy nó đang đến gần một cách dễ sợ, trong khi có thể lờ mờ nhìn thấy Oatéclô đang mở chờ Napôlêông, thì quân đội và nhân dân mà có hoan hô một cách đau xót con người đã bị số mệnh lên án, cái đó cũng chẳng có gì đáng cười. Và, sau khi đã có ý kiến về kẻ độc tài, người có trái tim như ông giám mục thành Đinhơ không thể nào không biết rằng, ngay trên bờ vực thẳm, mà một con người vĩ đại và một quốc gia vĩ đại còn ôm chặt nhau như thế thì cái đó phải nói là cao cả và cảm động.

Trừ cái đó ra, ông vốn là thế và lúc nào cũng thế; trong bất cứ việc gì cũng công bằng, chân thật, phải chăng, thông minh, khiêm tốn và đứng đắn; hay làm điều lành và độ lượng, mà độ lượng cũng là một kiểu làm điều lành. Đúng là một nhà tu hành, một nhà hiền triết, một con người. Cũng cần phải nói, ngay trong cái chính kiến mà chúng tôi vừa chê trách và sẵn sàng phê phán một cách nghiêm khắc, ông cũng rộng lượng và dễ dãi, có lẽ còn hơn chúng tôi, người đang kể chuyện đây. – Người gác cổng nhà hội hương là một người được hoàng đế bổ dụng. Ông ta là một hạ sĩ quan già trong đoàn cựu vệ binh, một lính xung kích ở Auxtéclít, trung thành với Bônapác cũng như con phượng hoàng trên cán cờ đế chế. Gặp dịp, ông già khốn khổ này bật ra nhiều câu nói thiếu suy nghĩ mà luật pháp hồi đó gọi là ngôn ngữ phiến loạn. Từ cái hình nghiêng của hoàng đế vắng bóng trên huân chương bắc đẩu bội tinh, ông ta không

bao giờ chịu mặc lễ phục như ông nói, để khỏi phải đeo chiếc huân chương của mình. Ông ta đã thành kính tự tay mình cạy đi hình ảnh ấy trên chiếc huân chương mà Napôlêông đã trao cho mình, khiến cho chiếc huân chương bị thủng một lỗ, nhưng ông không muốn thay vào đó một cái gì cả. Thà ta chết – ông nói – chứ nhất định không mang trên trái tim ta ba con cóc.[31] Ông sẵn sàng chế giễu công khai Lui XVIII. Thằng già thấp khớp đi ủng Anh! – Ông ta nói – cho nó chuồn sang Phổ với món của cải của nó đi! Ông ta lấy làm sung sướng được tóm thu cả hai cái mà ông ghét nhất, nước Phổ và nước Anh trong cùng một lời chửi. Ông ta hăng quá đến nỗi mất việc làm. Thế là bị vứt ra vỉa hè với cả vợ lẫn con, không kế sinh nhai. Ông giám mục gọi đến, quở trách nhẹ nhàng và xếp ông ta vào chân gác cổng nhà thờ lớn.

Ông Mirien đúng là người chăn chiên, người bạn của tất cả mọi người trong địa phận mình.

Trong vòng chín năm, nhờ những việc làm phúc đức, cách cư xử hiền hòa của Đức Cha Biêngvơnuy cho nên đối với Đức Cha, trong thành phố như tràn đầy một niềm tôn kính dịu dàng của con cháu đối với ông cha. Thái độ của ông đối với Napôlêông cũng được công nhận và nhân dân mặc nhiên thể tình cho ông về khoản đó, vì vốn là một đàn cừu yếu đuối, họ tôn thờ hoàng đế nhưng cũng kính yêu Đức Cha của họ.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.