Mang Xuống Tuyền Đài

CHƯƠNG 12



Có một tình bạn kỳ lạ giữa những tử tù sống trong khu Tử hình. Nửa số họ là người da trắng, số kia là người da đen. Họ bị kết án tử hình vì tội sát nhân. Nhưng chẳng ai trong bọn họ để ý đến những tội ác họ đã làm trong quá khứ cũng như họ chẳng để ý gì đến tội ác của nhau. Họ cũng chẳng đếm xỉa gì đến màu da trắng hoặc đen. Ở đây dù là người da trắng hay da đen, họ đều giống nhau ở điểm bị nhốt kín để chờ ngày bị giết.
Và cái chết của một người có nghĩa là cái chết của tất cả mọi người trong khu Tử hình. Tin về cái chết sắp đến của Sam Cayhall được truyền đi qua những hàng song sắt dài theo hành lang tối mờ. Từ trưa hôm qua, khi tất cả biết tin này, khu Tử hình bỗng im lặng hẳn đi. Người tử tù nào cũng nghĩ đến cái chết của mình và đều có ý muốn gặp luật sư. Tử tù lại chú ý đến vấn đề luật pháp. Nhiều người mở hồ sơ của họ ra đọc lại. Radio, cassette, tivi được họ tạm quên không dùng.
Giám thị Parker nhẹ bước đi qua dãy A. Mười bốn phòng giam giống hệt nhau. Bốn thước dài, ba thước rộng. Mặt phòng hướng ra hành lang là hàng chấn song sắt nên các tử tù không lúc nào được hoàn toàn kín đáo, riêng tư. Tất cả những gì tử tù làm – ăn, ngủ, tiêu, tiểu – đều có thể bị các giám thị nhìn thấy.
Parker dừng lại vài giây trước mỗi phòng. Các tử tù ngủ yên. Những ngọn đèn trong các phòng đều tắt. Ánh đèn hành lang vàng mờ. Năm giờ sáng, người trưởng dãy, một tử tù được hưởng một số đặc quyền, sẽ đánh thức các bạn tù dậy. Bữa ăn sáng được đem vào lúc 6 giờ – trứng gà, bánh mì, mứt. Cách vài ngày lại có món thịt heo muối, cà phê và nước trái cây.
Chỉ vài phút nữa thôi, khu Tử hình sẽ từ từ sống lại, bốn mươi bảy người sẽ ra khỏi giấc ngủ để lại sống một ngày chờ chết nữa. Bên ngoài, mặt trời lại lên nhưng họ không trông thấy ánh sáng. Họ chỉ biết buổi trưa đến khi không khí trở thành oi bức, khó thở trong phòng giam địa ngục nhỏ bé của họ.
Kinh nghiệm cho Parker biết mỗi khi sắp có cuộc thi hành bản án, cuộc sống trong khu Tử hình sẽ trở thành náo động, ồn ào. Những giám thị như anh sẽ phải trải qua những ngày đêm làm việc vất vả, tinh thần căng thẳng và hết sức khó chịu. Parker thù ghét việc thi hành án nhưng anh vẫn tin xã hội cần có bản án tử hình. Anh là người ngoan đạo và với anh, khi Chúa phán: “Mắt đền mắt, răng đền răng” thì sự việc tất phải xảy ra đúng như thế. Tuy vậy anh vẫn muốn để những người khác phụ trách việc bắt những kẻ giết người phải đền tội thay vì anh. Cũng may cho anh là tiểu bang Mississippi tương đối hành quyết ít tử tù và công việc của anh vẫn diễn tiến tốt đẹp. Trong hai mươi mốt năm hành nghề giám thị nhà tù, anh chỉ qua có mười một vụ thi hành án tử. Từ năm 1982 đến nay chỉ có bốn vụ.
Sau nhiều năm quan sát, Parker thấy có hai loại tử tù. Loại thứ nhất là những tên thản nhiên giết người. Bọn này sẽ sẵn sàng giết nữa nếu có cơ hội. Loại thứ hai giết người vì lầm lẫn. Họ sẽ không bao giờ phạm tội sát nhân nữa. Loại thứ nhất đáng bị đưa ngay vào phòng hơi độc. Loại thứ hai khiến Parker ái ngại vì anh thấy cái chết của họ không cần thiết và không vì mục đích nào cả. Xã hội và mọi người sẽ chẳng ai để ý hay bị thiệt hại nếu những tử tù loại hai này được thả. Parker cho Sam Cayhall là đại biểu của loại tử tù thứ hai. Anh nghĩ người ta nên cho ông già khốn khổ ấy về chết già ở nhà ông ta. Giám thị Parker thực tâm không muốn thấy người tử tù Sam Cayhall thụ án.
Bóng đèn điện duy nhất trong phòng được gắn trên bồn rửa mặt. Bồn được làm bằng thép đúc để người tù không thể vặn, bẻ, đập lấy mảnh làm võ khí hay để tự tử. Sam Cayhall bật đèn, đánh răng. Lúc ấy vào khoảng 5 giờ 30 sáng.
Quay lại, ông ngồi lên mép giường, đốt điếu thuốc lá đầu tiên trong ngày. Ông cúi mặt nhìn xuống đôi chân trần đặt trên nền xi-măng. Đôi giày nhà tù cấp cho ông là loại giày cao su, thứ ông ghét thậm tệ. Ông đẩy giày vào gậm giường. Đồ đạc của ông, ngoài mấy bộ đồ tù, có cái tivi đen trắng, cái radio, máy chữ, quạt máy, bàn chải đánh răng, cái lược, cái cắt móng tay và quyển lịch treo tường. Món có giá nhất của ông là số sách luật ông có được trong những năm tù. Ông đã đọc đi đọc lại gần như thuộc lòng những chương quan trọng. Ông xếp số sách luật trên kệ sách bằng nhựa ở đầu giường. Trong cái thùng carton dưới gậm giường là tập hồ sơ dày cộm mang tên “Tiểu bang Mississippi truy tố Sam Cayhall”. Nhiều trang trong hồ sơ này cũng được Sam Cayhall thuộc lòng.
Tài sản Sam Cayhall để lại cuộc đời này thật nghèo nàn. Có thời ông từng băn khoăn về sự nghèo nàn ấy, nhưng nay ông hoàn toàn thảnh thơi, ông thường cười thầm khi thấy những tử tù khổ sở với việc viết di chúc. Mấy anh làm như con cháu mấy anh sẽ tranh giành nhau dữ dội cái máy tivi cũ rích, mấy chồng sách nát của mấy anh để lại. Ông dự định khi phải viết di chúc và ý muốn tối hậu theo luật lệ, ông sẽ để lại mấy đôi vớ len, mấy cái quần lót cho Hội Nâng cao đời sống dân da màu.
Phòng giam bên trái phòng Sam Cayhall là phòng của J. B. Gullit, một thiếu niên da trắng thất học can tội hãm hiếp và giết chết một nữ sinh vừa được bầu làm hoa khôi. Nữ sinh này từ trường đại học, đội vương miện hoa hậu sắc đẹp về thăm nhà và bị chết thảm. Ba năm trước, Gullit đã được nhân viên nhà tù sửa soạn cho vào phòng hơi độc, Sam Cayhall đã mách nước cho hắn làm một kiến nghị xin hoãn ngày thi hành án. Sam chỉ cho Gullit thấy một số vấn đề chưa được giải quyết trong vụ án và việc hắn không có luật sư đại diện. Được đơn khiếu nại của tử tù J. B. Gullit, Đệ ngũ Pháp viện lập tức đình hoãn ngày thi hành bản án và từ đó đến nay Gullit là người bạn tù chân thành nhất của Sam Cayhall.
Bên phải phòng của Sam là phòng Hank Henshaw, đầu đảng một băng côn đồ lấy tên là Mafia Da Trâu. Băng này đã tan nát từ lâu. Ban đêm Hank và bọn đàn em chặn đường đánh cướp một xe tải mười tám bánh. Bọn Hank chỉ tính uy hiếp tài xế để cướp hàng nhưng bác tài và anh phụ xe chống cự, thế là bắn nhau. Gia đình Hank có tiền, chịu mướn luật sư giỏi nên tử tù Hank yên tâm, còn nhiều năm nữa hắn mới chết.
Ba người láng giềng này gọi khu của họ là Quốc gia Rodesia.
Sam vất mẩu thuốc lá vào bồn cầu rồi ngả lưng lên giường. Ông nghĩ đến anh cháu sắp trở lại gặp ông. Ý nghĩ ấy gợi ông nhớ lại lần cuối cùng ông đến nhà Eddie, con trai ông, ở Clanton. Đó là buổi sáng hôm trước ngày ông đi đặt bom. Sáng tháng Tư ấy trời nắng ấm, ông đem đến cho Eddie một giỏ rau diếp mới hái. Ông chơi đùa ngoài vườn với thằng cháu nội Alan, bây giờ là Adam, trong lúc chờ Evelyn, mẹ nó, ra lấy giỏ rau. Đấy là lần cuối cùng ông bồng thằng cháu nội. Hôm sau, vụ đặt bom xảy ra. Khi ông được trở về nhà, Eddie đã đưa vợ con đi mất.
Có nhiều tiếng lao xao trong dãy, tiếng radio. Cuộc sống lại bắt đầu. Sam ngồi lên, lấy lược chải đầu. Ông đốt điếu thuốc thứ hai trong ngày. Tấm lịch trên tường cho ông biết hôm nay là ngày 12 tháng 7. Ông còn hai mươi bảy ngày nữa.
J. B. Gullit mở tivi nghe tin buổi sáng. Sam ngồi yên nghe tiếng nói vọng sang khá rõ. Đây là giờ tin tức của đài ABC chi nhánh Jackson. Sau chừng hai phút loan nhanh một lô tin vặt về những vụ xảy ra trong đêm ở Jackson: trộm, cướp, hiếp dâm, giết người, tai nạn xe cộ, v.v.. xướng ngôn viên chuyển sang tin quan trọng liên quan đến khu Tử hình nhà tù Parchman: Đệ ngũ Pháp viện đã hủy bỏ quyết định hoãn xử tử tù Sam Cayhall và định ngày Sam phải thụ án là 8 tháng 8. Tin chính thức cho biết phạm nhân Sam Cayhall đã hết quyền kháng cáo và khiếu nại nên việc thi hành án sẽ diễn ra đúng ngày.
Sam mở tivi của ông. Chưởng lý David McAllister xuất hiện với lời tuyên bố sẽ đẩy nhanh tiến độ thi hành án tử tù Sam Cayhall vì vụ án này đã kéo dài quá lâu. Đến lượt Thống đốc Roxburgh xuất hiện. Ông này cũng long trọng hứa sẽ cương quyết thi hành luật pháp tiểu bang.
Tắt tivi, Sam Cayhall ra đứng ở hàng song sắt khi nghe tiếng hắng giọng của Gullit. Gullit hỏi ngay:
– Ông nghe tin không, Sam?
– Có.
– Gay đấy.
– Chắc vậy.
– Ông nên lạc quan đi…
– Có cái gì tốt để lạc quan chứ?
– Ông chỉ còn phải chịu đựng có bốn tuần nữa thôi.
Không thể biết Gullit nói đùa hay nói thật. Sam quay vào. Ông đọc lại bản hợp đồng Adam đưa cho ông hôm qua. Rồi ông lấy máy chữ ra lóc cóc gõ bản hợp đồng theo ý ông.
Bản hợp đồng được gõ xong lúc 9 giờ 30. Ông già tử tù lấy làm kiêu hãnh vì đây là tác phẩm văn bản giá trị nhất ông viết sau nhiều tháng không rờ đến cái máy chữ. Ông vừa ăn mẩu bánh để dành từ bữa sáng vừa đọc lại bản văn.
Tiếng mở cửa sắt rồi tiếng chân người đi đến ngoài hành lang. Parker hiện ra trước song sắt:
– Luật sư đến đó…
Đứng lên, ông già chậm rãi mặc bộ đồng phục tử tù màu đỏ.
– Mấy giờ rồi?
– 9 giờ 35. Hỏi giờ làm quái gì?
– 10 giờ tôi được ra vườn phơi nắng.
– Muốn ra vườn chơi hay muốn đi gặp luật sư?
– Gặp luật sư xong sẽ ra vườn.
– Để coi.
Sam chải đầu rồi đến đứng quay lưng lại khung cửa, hai tay chắp sau lưng. Giám thị Parker đưa cặp còng qua ô vuông dùng để đưa thức ăn, còng tay người tù. Cửa phòng giam được mở bằng máy điện tử.
Khi tử tù được đưa ra khỏi phòng giam, họ bị còng tay, mang xích dưới chân theo luật. Nhưng với Sam Cayhall, giám thị Parker chỉ còng tay thôi. Người tù già yếu này còn chạy hay còn dùng chân để đá, đạp ai được nữa.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.