Mang Xuống Tuyền Đài

CHƯƠNG 38



Khói thuốc lá mù mịt trong phòng khi Adam mở cửa vào. Già Sam ngồi ở bàn, điếu thuốc lá trên môi. Mặt bàn bừa bộn ba bốn ly cà phê bằng giấy, mấy hộp kẹo bánh ăn dở.
– Ông được ra đây ở luôn rồi sao? – Chàng hỏi đùa.
– Ông ở đây từ sáng sớm. – Già Sam vui vẻ trả lời – Họ cho ông ăn trưa ở đây luôn để khỏi phải đưa đi, đưa về mất công.
– Hôm nay ông tiếp nhiều khách lắm không?
– Cũng vừa phải thôi. Phó Tổng giám thị Nugent đến gặp ông đầu tiên. Ông không ưa cha đó. Vụ hắn đến làm ông khó chịu, ngay từ sáng ông đã tưởng ngày hôm nay ông mất vui rồi chứ. Tổng giám thị Naifeh sợ không dám thấy ông chết nên giả ốm đi nằm bệnh viện, để cho anh phó Nugent thay thế. Sau Nugent là linh mục Griffin. Ông ấy với ông cũng cầu nguyện xin Chúa tha tội cho ông. Lúc đến ông ấy vui vẻ nhưng khi ra về coi bộ ông ấy rầu rĩ quá. Thứ ba là lão bác sĩ cà chớn của khám đường đến xem ông có đủ khoẻ mạnh để đi vào phòng hơi không. Người thứ tư đến gặp ông là ông trẻ Donnie. Người thứ năm trong ngày hôm nay là con. Con có tin gì vui không?
– Thưa không. Không có biến chuyển gì cả từ ngày hôm qua. Các tòa án đều nghỉ cuối tuần.
– Họ nghỉ. Họ dư biết trong lúc họ nghỉ thời gian vẫn qua, kim đồng hồ vẫn quay và ông đến gần cái chết hơn. Nhưng họ vẫn cứ nghỉ, cứ ăn chơi, cứ đi câu, cứ uống bia với sườn nướng.
– Thiên hạ không quên ông đâu. Nhà văn Sherman và nhà xuất bản đưa đề nghị mới: một trăm năm mươi ngàn đô-la để mua quyền viết về cuộc đời ông. Sherman hiện đã đến Memphis. Ông ấy đang ngồi chờ tin ông với cái máy ghi âm. Ông phải trả lời về đề nghị ấy trước tám giờ tối hôm nay.
– Một trăm năm mươi ngàn đô-la? – Ông già nhắc lại, ông có vẻ tiếc – Số tiền này đúng là ở trên trời rơi xuống. Adam… con cần tiền không?
Chàng trai lắc đầu.
– Nếu con cần, ông nhận lời họ đấy. Hay ta lấy tiền cho Carmen?
– Cảm ơn ông. Anh em chúng con có đủ tiền để sống. Ông cháu ta quên chuyện đó đi. Thực ra con cũng đã trả lời người ta là ông không chịu rồi.
Ông già gật đầu:
– Tốt. Con làm đúng ý ông.
Ông già lại đi đi lại lại trong căn phòng nhỏ, điếu thuốc lá nhả khói trên môi, ông nói bình thản như người nói chuyện trời mưa, trời nắng:
– Adam… Ông chẳng còn muốn chờ đợi lâu hơn nữa. Ông muốn ngay trong đêm nay cho xong đi. Không phải ông hờn dỗi đâu, ông muốn thế thật đấy. Con đã làm hết sức con để cứu ông nhưng không được. Mà có được đi nữa thì có ích lợi gì cho ông? Cho là lệnh hoãn hành quyết sáu tháng, một năm. Sau đó mọi việc lại tái diễn. Chẳng có gì mới cả. Ông lại cứ chết mòn trong khu Tử, ông lại đếm từng ngày, lại ký đơn kháng cáo, lại phải gồng mình lên chửi nhau với những tên cà chớn như phó Tổng giám thị Nugent, như lão bác sĩ bị thịt, như con mụ bác sĩ tâm thần mông đít bự như cái thùng phuy…
Ông dừng lại trước mặt chàng trai:
– Ông chán lắm rồi, con ạ. Ông cũng muốn thấy con thành công. Nếu con hoãn được ngày hành quyết hay giảm án được cho ông con sẽ nổi tiếng, con trở về Chicago trong vinh quang. Nhưng ông rất tiếc, ông không thể giúp cho con thêm nổi tiếng. Ông muốn con ngừng tất cả mọi việc để ông được chờ đón cái chết trong yên bình… Con ơi, ông chán sống như thế này lắm rồi…
Adam nhìn sững khuôn mặt đầy những nếp nhăn của ông nội chàng. Chàng nhìn thấy giọt lệ ứa ra trong mắt ông già, từ từ lăn xuống gò má khô cằn rồi chìm trong bộ râu xám vàng. Đôi vai gầy của ông run run. Chàng ôm chầm lấy ông.
Lần đầu tiên Adam ngửi thấy mùi của ông nội. Mùi hắc của khói thuốc lá quyện với mùi mồ hôi của người không được tắm luôn, mùi da thịt không được hưởng gió nắng. Mùi đó chẳng thơm tho gì nhưng chàng lại không thấy nó làm chàng ghê tởm như khi chàng vô ý ngửi phải mùi của bọn đàn ông được tắm quá nhiều nước, quá nhiều lần, xài quá nhiều xà bông thơm, quá nhiều phấn sáp khử mùi hôi, nước thơm, sống quá nhiều thời gian trong những gian phòng có máy điều hoà không khí. Chàng ôm ghì lấy ông và không còn thấy mùi gì nữa.
– Ông ơi… Con không muốn thấy ông chết…
Ông già cũng ôm cứng chàng trai:
– Tại sao?
– Tại vì ông là ông của con, tại vì con vừa tìm lại được ông.
Hai ông cháu ôm nhau, không nói trong một lúc. Rồi ông già lấy lại được bình tĩnh trước, ông buông nhẹ anh cháu ra và lùi lại một bước:
– Ông xin lỗi con vì ông đã để cho con tìm thấy ông trong nhà tù này.
– Ông ơi… Ông đừng nói thế.
– Cứ để ông nói, ông phải nói chứ. Ông rất tiếc vì ông đã không thể là một ông nội xứng đáng với đứa cháu như con. Con nhìn ông xem…
Ông già giơ ngang hai cánh tay gầy:
– Có thứ ông nội nào thảm não như ông không? Ông nội gì mà bị người ta nhốt như con vật, bị người ta đưa đi giết như con vật. Con thử nhìn con xem. Con đẹp trai, thông minh, lương thiện, học thức, có tương lai thật sáng. Người như con có thể nào là do máu huyết của một người như ông sinh ra? Tại sao ông trở thành người đồi bại đến như thế này? Trên đường đời ông đã lầm lạc ở chỗ nào? Ông thù hằn người ta để rồi ông như thế này đây. Con không thù hằn ai cả, đời con đẹp biết bao nhiêu. Chúng ta cùng chung một huyết thống nhưng tại sao chúng ta lại khác nhau đến thế?
Ông già chầm chậm ngồi xuống ghế, đầu gục xuống, hai tay ôm lấy mặt. Hai ông cháu yên lặng trong một lúc lâu.
Không gian chỉ thỉnh thoảng vang lên vài tiếng động nhẹ của mấy người giám thị đi lại bên ngoài.
– Con ơi… Ông cũng chẳng muốn phải chết khốn khổ, khốn nạn chút nào. – Ông già nói, giọng khàn khàn – Nhưng đến lúc này cái chết không còn làm ông bận trí nữa. Từ lâu rồi ông đã biết ông sẽ chết ở đây. Nỗi sợ hãi lớn nhất nặng nhất của ông là ông chết mà không được một ai thương tiếc, xót xa. Ý nghĩ ấy thực ghê rợn. Chết mà không một người thân yêu đi sau quan tài, không ai nhỏ một giọt nước mắt. Nhưng bây giờ thì khác rồi. Bây giờ ông đã có người thương yêu ông, luyến tiếc ông. Ông biết con sẽ buồn vì con thương ông, ông biết con sẽ lo cho ông được chôn cất tươm tất. Ông sẵn sàng rồi, con ơi..
Ông già ngửng mặt lên nhìn anh cháu. Vẻ mặt ông thản nhiên nhưng đôi má ông ràn rụa nước mắt, ông gượng cười:
– Bây giờ ông cháu ta làm thế này nhé… Ông sẵn sàng ra đi, ông sẽ dành hai ngày tới để sửa soạn ra đi. Về phần con, con cứ làm những việc con cần làm, con muốn làm. Nếu con thắng, đó là tốt cho con. Nếu không, ông vẫn thảnh thơi ra đi.
Adam hỏi vội:
– Vậy là ông bằng lòng cộng tác?
– Cộng tác nhưng không có cái trò xin khoan hồng, cũng không kháng án thêm nữa. Còn hai đơn kháng án ông đã ký đấy. Con lo hai đơn ấy đủ rồi. Ông sẽ không ký đơn nào nữa đâu.
Ông già lấy tay lau nước mắt, ông đốt điếu thuốc mới:
– Cô Lee con thế nào? – Ông hỏi.
– Thưa ông cô con vẫn ở trong viện điều dưỡng…
Adam nói dối. Chàng đã toan nói thật vì chàng nghĩ đến lúc này chàng chẳng nên che giấu ông nội chàng chuyện gì nữa, nhưng chàng lại hy vọng sẽ tìm được cô Lee hay cô sẽ trở về trước nửa đêm ngày thứ Ba. Vì vậy chàng nói tiếp:
– Cô con đau nặng hơn con tưởng.
– Nghiện rượu à?
– Vâng.
– Có dính ma túy không?
– Thưa không. Chỉ có rượu thôi. Rượu là vấn đề của cô con từ lâu rồi. Cai đi, nghiện lại mấy lần.
Già Sam chép miệng:
– Tội nghiệp! Các con, các cháu của ông thật là vô phúc.
Chàng trai cảm thấy trái tim đau nhói, chàng nhớ đến cái chết vì tự sát của bố chàng. Chàng cố quên chuyện đó đi để không làm cho ông nội chàng phải khổ sở thêm, chàng chú tâm vào chuyện cô Lee:
– Thưa ông cô con là người rất tốt, rất đàng hoàng nhưng sống không có hạnh phúc. Con trai của cô bỏ sang sống ở Hà Lan, không về nữa.
– Walt? Tên nó là Walt, có phải không nhỉ?
– Vâng.
Adam trả lời với trái tim nặng như đá. Một gia đình kỳ cục: ông ngoại không biết rõ tên anh cháu, anh cháu mù tịt về ông ngoại.
– Nó bao nhiêu tuổi? – Ông già hỏi.
– Cũng bằng tuổi con.
Ông già uống chút cà phê nguội trong cái ly giấy trên bàn:
– Còn Carmen, cháu gái của ông?
Nghe ông hỏi Adam tự động đưa mắt nhìn đồng hồ tay:
– Con sẽ về Memphis đón em con trong ba tiếng đồng hồ nữa. Sáng mai em con sẽ đến thăm ông.
Ông già thở nhẹ:
– Ông sợ phải gặp nó đấy. Ông không biết ông phải nói năng thế nào với nó…
– Ông đừng sợ, ông ơi! Carmen nó cũng như con. Em con lớn rồi, nó thông minh và cũng khôn ngoan lắm. Con có nói cho nó biết về ông rồi.
– Nói cho nó biết làm gì vậy?
– Thưa ông… vì em con nó muốn biết, vì nó là cháu ông. Con phải nói cho em con nó biết cũng như cô Lee con phải nói cho con biết những chuyện trong dòng họ ta.
Ông già lại thở dài:
– Con có tả cho nó nghe người ngợm ông thiểu não như thế nào không?
– Con đã nói ông đừng sợ mà. Trông ông có gì ghê gớm lắm đâu…
 
Đêm hôm đó, rất khuya sau nửa đêm, Adam kể cho Carmen nghe những chuyện về cô Lee và những vấn đề của cô, về ông dượng Phelphs và chú em họ Walt hiện sống ở Hà Lan, về Thống đốc David McAllister, về cựu đặc vụ FBI Wyn Lettner, về giả thuyết ông già tử tù Sam Cayhall – Ông nội của hai anh em – Có một đồng phạm trong vụ đặt bom văn phòng luật sư Kramer. Tên gọi là đồng phạm này mới chính là thủ phạm, và sau khi hai anh em đã nói với nhau nhiều về bố mẹ họ và cuối cùng về ông nội của họ, Adam mới nói với Carmen là giây phút chàng xúc động nhất, giây phút chàng sẽ không bao giờ quên, là lúc hai ông cháu im lặng ngồi bên nhau trong gian phòng đầy khói thuốc lá. Lúc ấy ông nội đặt bàn tay gầy guộc của ông lên vai chàng, rồi lên đầu gối chàng, bàn tay ông vỗ vỗ nhẹ nhẹ. Rõ ràng là ông muốn ôm ấp, vuốt ve anh cháu nhưng vì anh cháu quá lớn rồi, ông chỉ có thể biểu lộ tình yêu thương bằng mấy cái vỗ nhẹ đó thôi.
Carmen đã phải nghe quá nhiều chuyện nặng nề trong đêm nay. Sau chuyến bay đầu đến Memphis, nàng không được thoải mái trong bầu không khí oi bức, ẩm ướt của miền Nam.
Về đến nhà cô Lee, nàng lại ngồi nói chuyện với anh đến bốn giờ đồng hồ. Đúng ra là Adam kể, Carmen nghe. Nàng nghe bản sơ lược lịch sử thê thảm của dòng họ nàng.
Adam rất thận trọng trong việc kể chuyện gia đình với em gái. Chàng chỉ kể những chuyện chính mà bỏ qua những chuyện phụ; chàng không kể chuyện ông nội họ bắn chết người tá điền da đen, chuyện cụ nội của họ say rượu, đánh nhau, bị người ta đánh chết rồi ông nội họ giết người trả thù.
Chàng đã định cho em gái xem cuộn phim video về những phiên tòa xử ông Sam Cayhall nhưng chàng nghĩ lại: không nên bắt em gái phải nghe, phải thấy quá nhiều chuyện và hình ảnh đen tối trong một đêm. Bắt nàng phải nghe, phải thấy quá nhiều là tàn ác. Anh em chàng còn nhiều thì giờ để nói với nhau về dòng họ, về ông nội của họ sau này.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.