Mang Xuống Tuyền Đài

CHƯƠNG 27



Khi lái xe qua cổng khám đường, Adam tính đây là lần thứ năm chàng ra vào khám đường này. Năm lần trong hai tuần lễ. Không biết trong 15 ngày sắp đến chàng còn ra vào nơi này bao nhiêu lần nữa?
Chàng nghĩ đến cô Lee. Chàng có trách nhiệm trong việc cô trở lại uống rượu, nhưng cứ như lời cô nói thì việc uống rượu trở lại cũng là việc thường xảy ra trong nhiều năm nay. Cô nghiện rượu, cai rồi uống lại khi cô muốn, chàng chẳng thể làm gì được để ngăn cản. Tối mai chàng sẽ về nhà ăn tối, nói chuyện với cô. Hôm nay và tối nay chàng có việc phải làm.
Ba giờ chiều. Giờ nóng bức nhất trên xa lộ. Mặt đường nhựa bị nắng hun nóng bốc hơn lên làm cảnh vật xa xa hiện lên mờ mờ như sau làn sương trắng. Hai bên đường trải dài những cánh đồng khô khan, những bụi cây cành lá cong queo. Người ta làm việc uể oải, những chiếc xe cũng có vẻ như chạy chậm lại.
Adam dừng xe trước một tiệm thực phẩm Trung Hoa, vào mua bình nước trà lạnh. Chàng vừa uống vừa cho xe chạy về Greenville. Chàng có một việc phải làm ở thành phố này, một việc không vui nhưng chàng bắt buộc phải làm.
Xe chạy vào những con đường liên tỉnh nhỏ, vắng xe. Adam chạy xe nhẩn nha như người đi ngoạn cảnh. Chàng đi lạc hai lần nhưng rồi cũng đến được trung tâm thành phố vài phút trước 5 giờ chiều.
Đi ngang công viên có tượng đài anh em Kramer, chàng đậu xe ở đầu đường, xuống xe đi bộ đến toà nhà cổ có treo tấm bảng Nhà buôn Kramer ở mặt tiền. Đây là một tiệm buôn lớn, đa phần nhà này đã được chuyển hoá thành cửa hàng thương mại nhưng phòng tiếp khách vẫn giữ nguyên vẻ cổ kính. Những ngăn tủ gỗ trưng bày các sản phẩm từ lâu nay không còn được sản xuất nữa. Một két sắt thu tiền được sản xuất vào thập niên 50 vẫn ngự trị trên quầy hàng.
Một thanh niên bước ra hỏi Adam:
– Chào ông. Ông cần gì ạ?
Adam gượng cười:
– Tôi muốn gặp ông Kramer.
– Ông là khách mua.
– Không…
– Ông là khách bán?
– Cũng không…
– Xin lỗi. Ông muốn gặp ông Kramer có chuyện gì?
Adam đưa cho anh ta tấm danh thiếp:
– Tôi là luật sư đến từ Chicago. Tôi cần gặp ông Kramer có chuyện riêng.
– Ông chờ cho một phút.
Người thanh niên đi vào. Adam đứng ngắm cái két sắt. Chàng từng đọc được đâu đó trong tập hồ sơ riêng của chàng rằng dòng họ Kramer có nhiều tay nổi tiếng trong thương trường từ lâu đời. Một ông tổ, ông sơ Kramer đã từ một tàu chở dân châu Âu di cư đổ bổ lên Greenville và nhận nơi này làm quê hương, ông ta mở một tiệm bán thực phẩm và công việc thương mại cứ thế phát triển.
Adam đứng chờ 5 phút, rồi 10 phút. Chàng sẽ chờ 15 phút, nếu ông già Kramer không ra tức là ông ta không chịu tiếp chàng. Cũng được. Cũng tốt. Việc quan trọng là chàng có đến để nói chuyện với ông ta.
Có tiếng chân người đi đến rồi ông già xuất hiện, tay cầm tấm danh thiếp của chàng. Ông già Kramer cao gầy, tóc xám, mắt nâu giữa hai quầng mắt thâm. Khuôn mặt ông dài, cương nghị. Ông đi thẳng người, mắt không mang kính, tay không chống gậy. Ông nhìn sững vào mặt Adam.
Adam thấy hối hận là chàng đã không bỏ đi trước khi ông già Kramer bước ra nhưng rồi chàng nhớ lại lý do chàng mất công đi gặp ông bố của nạn nhân Marvin Kramer nên mở lời:
– Chào ông, ông Elliot Kramer?
Ông già gật đầu.
– Thưa ông, tôi là Adam Hall, luật sư ở Chicago. Ông Sam Cayhall là ông tôi và tôi đại diện ông ta.
Dường như ông già Kramer đã biết chàng là ai nên ông không tỏ vẻ ngạc nhiên.
– Tôi đến để được thưa chuyện với ông. – Adam nói tiếp.
Ông già lạnh lùng:
– Chuyện gì?
– Chuyện ông Sam Cayhall.
– Còn có gì để nói về người ấy nữa? Tôi muốn hắn quằn quại ngàn đời trong lửa hoả ngục.
Adam cố nghĩ ra một câu vô thưởng vô phạt để nói. Chàng nhớ chàng đang ở miền Nam Hoa Kỳ, nơi được gọi là miền Cực Nam, miền Nam sâu heo hút, nơi người ta vẫn còn thói quen giữ lễ độ và phép lịch sự.
Ông già lại lạnh lùng hỏi:
– Hắn bảo anh đến gặp tôi ư? Hắn gửi lời xin lỗi tôi ư?
Adam định nói dối. Nói dối lúc này cũng dễ thôi và xét ra cũng chẳng hại gì nhưng chàng vẫn không thể nói dối. Chàng hỏi lại:
– Thưa ông, nếu ông Cayhall xin lỗi thì có gì thay đổi không?
Ông già cho tấm danh thiếp vào túi áo rồi quay mặt nhìn qua khung kính ra đường:
– Không. Không có gì thay đổi cả. Lẽ ra hắn phải xin lỗi từ lâu rồi.
– Vì không biết tôi đến gặp ông nên ông tôi không gửi lời xin lỗi. Nhưng tôi, thưa ông, tôi xin lỗi ông. Nhân danh bố tôi đã tạ thế, nhân danh bà cô tôi, tôi xin thưa với ông là chúng tôi rất tiếc về những chuyện đã xảy ra…
Vẫn không quay lại, ông già hỏi:
– Tại sao Sam Cayhall không nói được như anh?
– Thưa ông, tôi không thể trả lời được.
– Anh là luật sư mới được mấy ngày của hắn, phải không?
Ông già có đọc báo và biết về luật sư Adam Hall.
– Thưa vâng. Tôi muốn cứu mạng sống ông tôi.
– Tại sao?
– Tại vì nhiều lý do. Giết ông ấy bây giờ cũng không thể làm cho con ông, hai cháu ông, sống lại. Ông Cayhall làm một việc có tội nhưng việc giết ông ấy cũng là việc không phải.
Ông già nhún đôi vai gầy:
– Anh tưởng tôi chưa nghe ai nói những lời như anh vừa nói ư?
– Thưa không. Tôi chắc ông đã nghe nhiều, đã thấy nhiều, đã cảm rất nhiều. Tôi không thể tưởng tượng được ông đã đau đớn đến thế nào. Tôi chỉ cố làm sao để tránh cho tôi và những người thân của tôi không phải chịu cái đau đớn khủng khiếp khi thấy người thân thiết ruột thịt của mình bị giết.
Ông già quay lại:
– Anh còn gì để nói nữa không?
– Xin ông cho tôi năm phút.
– Ba phút rồi đó. Còn hai phút nữa thôi.
Ông già nhìn đồng hồ như để định thời gian, rồi ông lại quay mặt nhìn ra đường.
Adam gợi chuyện:
– Thưa ông, có tờ báo ở Memphis đăng rằng ông nói ông muốn được chứng kiến cảnh ông Cayhall bị buộc vào ghế trong phòng hơi độc, ông muốn nhìn thẳng vào mắt ông ấy?
– Đúng. Tôi có nói như thế. Nhưng tôi cho là việc ấy sẽ không xảy ra.
– Tại sao không?
– Tại vì chúng ta đang sống trong một hệ thống tư pháp thối nát. Hắn là tên tù bị án tử hình nhưng từ mười năm nay người ta bảo vệ hắn, vỗ về hắn, hắn sống yên ổn trong nhà tù. Hắn chỉ việc kháng án, khiếu tố, xin giảm, xin khoan hồng. Và hắn cứ sống. Hệ thống tư pháp xứ này bệnh hoạn. Tôi không chờ đợi thấy có công lý ở xứ này.
– Thưa ông, tôi xin thưa với ông là ông Cayhall không được bảo vệ, không được vỗ về, chiều chuộng trong tù. Đời sống trong khám Tử hình ghê rợn, khủng khiếp lắm. Sáng nay tôi có vào đó.
– Rồi sao? Hắn vẫn sống. Hắn sống, hắn thở, hắn xem tivi, hắn đọc sách. Hắn gặp anh. Hắn ký đơn khiếu tố. Hắn có dư thì giờ để chờ đón cái chết. Hắn có thể nói lời vĩnh biệt. Hắn có thể cầu nguyện và tin hắn được tha tội. Các cháu tôi có thì giờ từ biệt tôi không? Các cháu tôi người nát ra từng mảnh trong lúc chúng đang cười giỡn…
– Thưa ông, một lần nữa tôi xin lỗi ông. Nhưng xin ông nghĩ lại cho: giết ông Cayhall bây giờ có làm cho hai người cháu ông sống lại được đâu.
– Làm sao sống lại được. Là luật sư anh đừng có thốt ra những câu ngớ ngẩn như vậy chứ. Tự nhiên là các cháu tôi không sống lại được nhưng việc kẻ giết chúng bị trừng phạt làm cho nỗi đau đớn của chúng tôi dịu đi. Đã cả triệu lần tôi cầu xin Thượng đế cho tôi thấy Sam Cayhall phải đền tội. Tôi từng bị nhồi máu cơ tim, các bác sĩ cho là không thể cứu được, tôi nằm hai tuần không động đậy. Ý muốn được chết sau Sam Cayhall giữ cho tôi sống. Tôi sẽ đến chứng kiến nếu các bác sĩ của tôi cho phép. Tôi sẽ đến xem hắn bị người ta giết. Rồi tôi thơ thới về nhà đếm từng ngày sống của tôi và tôi cảm tạ Thượng đế.
– Tôi rất buồn khi thấy ông sống với thù hận nặng nề đến thế. – Chàng trai thở dài.
Ông già gật đầu:
– Tôi cũng buồn. Nhưng không phải tự dưng tôi thù hận. Người làm cho tôi thù hận là Sam Cayhall.
Bên ngoài mặt trời đã lặn. Trong nhà, bóng tối thẫm màu hơn. Chàng trai nói nhỏ:
– Bố tôi đã phải chết vì hậu quả của vụ này.
– Tôi có lời chia buồn. Tôi đọc thấy trên báo là ông ấy tự tử sau khi Sam Cayhall bị kết án tử hình.
– Giọng nói của ông già dịu lại.
Adam bùi ngùi:
– Thưa ông, ông nội tôi cũng khổ sở nhiều. Khi làm cho gia đình ông tan nát, ông nội tôi cũng làm cho gia đình chúng tôi tan nát. Có khi người gây nên tội bị đau khổ, dằn vặt vì tội ác hơn người bị hại nhiều.
– Hắn chết đi là xong cả.
– Có thể như ông nói, nhưng thưa ông, tại sao ta lại không ngăn việc giết người khi ta có thể?
– Ngăn ư? Anh bảo tôi ngăn bằng cách nào?
– Ông và ông Thống đốc là bạn thân?
– Chuyện ấy liên can gì đến anh?
– Xin ông trả lời cho. Có phải không ạ?
– Phải. – Ông già gật đầu – Tôi quen biết ông ấy trước khi ông ta làm Thống đốc.
– Tuần trước tôi có gặp ông Thống đốc. Ông ấy có quyền khoan hồng, tha chết cho tử tù trong tiểu bang của ông ta.
Ông già nhún vai:
– Tôi không chờ đợi ông ta làm việc đó.
– Nhưng tôi chờ đợi, thưa ông. Tôi tuyệt vọng. Đến lúc này tôi chẳng còn gì để mất cả, ngoài việc mất ông nội tôi. Nếu ông và gia đình ông nhất quyết đòi phải hành quyết tử tù, chắc chắn là ông Thống đốc sẽ làm theo ý muốn của ông.
Ông già gật đầu:
– Đúng đấy.
– Và nếu ông ngỏ lời ông không muốn thấy tử tội Sam Cayhall bị hành quyết nữa, tôi nghĩ ông Thống đốc cũng sẽ nghe ông.
– Anh luật sư, tôi thấy anh không chỉ tuyệt vọng, anh còn ngây thơ nữa.
– Tôi xin phép không tranh luận với ông.
– Tôi cũng thấy thích thú khi anh cho tôi là người có thể ảnh hưởng đến việc làm của ông Thống đốc tiểu bang. Tôi bảo giết là ông ấy giết, tôi bảo tha là ông ấy tha. Nếu thực tôi có quyền như thế, ông nội anh đã chết từ lâu rồi.
– Thưa ông, ông nội tôi không đáng bị giết.
– Hai cháu tôi mới thật không đáng bị giết. Con trai tôi cũng chẳng làm gì nên tội để phải chết.
Adam không chờ đợi được thấy cảm tình và lòng thương xót ở đây. Chàng chỉ đến để nói những gì phải nói. Và chàng đã làm xong công việc cần làm. Chàng nói những lời cuối bằng giọng bình tĩnh hơn:
– Thưa ông Kramer, tôi xin lỗi đã đến làm phiền ông. Cảm ơn ông đã vui lòng tiếp. Tôi có một đứa em gái ruột, một em trai con bà cô và bà cô tôi, con gái ông Sam Cayhall. Tôi đến để thưa với ông, tử tội Sam Cayhall cũng có những người thân và những người thân của tử tội cũng đau khổ ghê gớm. Gia đình chúng tôi cũng đầy những tang tóc, những thảm kịch.
Ông già quay lại, cố nén tiếng thở dài:
– Tôi rất tiếc.
Và ông nói lời cuối:
– Cảm ơn anh đã đến.
– Chào ông.
Màn đêm đã xuống. Adam đi trở lại công viên tưởng niệm anh em nhà Kramer. Chàng lại ngồi lặng trước bức tượng anh em Kramer một lúc khá lâu. Thế rồi chàng thấy chán ngấy vì những hận thù, những tội ác, những lời xin lỗi và những lời chia buồn, chàng đứng lên đi tìm tiệm ăn.
Tám giờ tối trong phòng khách sạn, chàng gọi về nhà cho cô Lee. Cô có vẻ nhẹ người khi nghe chàng nói đêm nay chàng không về nhà. Chàng nói chàng sẽ về nhà vào tối mai. Chưa 10 giờ đêm, Adam đã ngủ say.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.