Mang Xuống Tuyền Đài

CHƯƠNG 10



Phillip Naifeh đã sáu mươi ba tuổi. Ông chỉ còn phải làm việc mười chín tháng nữa là về nghỉ hưu. Mười chín tháng bốn ngày. Ông giữ chức vụ Tổng giám thị khám đường từ 27 năm nay, qua sáu đời Thống đốc tiểu bang, đã đối phó với cả một tiểu đoàn những nhà lập pháp tiểu bang chuyên bới móc các sơ hở trong việc thực thi pháp luật của nhân viên hành pháp; đã giải quyết cả ngàn vụ kiện cáo, khiếu nại của các tù nhân, đã chịu đựng và làm vô hiệu cả ngàn vụ can thiệp vào công việc điều hành khám đường của những toà án lớn nhỏ, xa gần; đã thi hành một số án tử hình mà ông cố quên, không nhớ.
Naifeh thù ghét án tử hình, ông hiểu rằng xã hội muốn có và cần có án tử hình. Từ lâu ông đã thuộc lòng những lý do bắt buộc xã hội phải có án tử hình. Đó là việc cần phải trừ khử những kẻ giết người. Đó là hành động trừng phạt cuối cùng. Đó là việc răn đe để con người không dám phạm tội. Việc đó làm thỏa mãn ý muốn báo thù của xã hội, giảm niềm đau của thân nhân nạn nhân. Khi cần đến, ông cũng có thể thao thao nói về sự cần thiết phải có án tử hình như bất cứ vị chưởng lý nào trên cõi đời này. Riêng ông, ông cũng thấy một số lý do bắt buộc phải có án tử hình là đúng.
Nhưng tất cả gánh nặng của việc thi hành án tử hình đều đặt trên vai người Tổng giám thị khám đường. Và Tổng giám thị Naifeh thù ghét việc làm ghê tởm ấy. Đôi khi ông triết lý vụn vặt và vẩn vơ về chuyện liên can đến những sinh vật sống trên trái đất được gọi là hành tinh xanh này. Những loài sống bằng trái cây, lá cây, rễ cây không nói làm gì; kể cả những loài ăn thịt và chỉ ăn thịt để sống như loài hổ báo, cũng không giết nhau, không ăn thịt nhau. Hổ báo giết dê, nai, ngựa vằn, trâu để ăn thịt. Chúng giết những loài khác chúng. Thiếu thịt, chúng chịu chết đói nhưng không ăn thịt lẫn nhau. Đặc biệt chỉ có con người là bỏ tù nhau và giết nhau.
Mỗi lần sắp có lệnh thi hành án tử hình, nhiều khi chỉ nghĩ đến việc sắp phải đích thân thi hành án cũng đủ làm Tổng giám thị Naifeh ăn mất ngon, ngủ không yên. Giờ ấy thường là nửa đêm, ông phải đích thân đưa người tử tù từ phòng giam của anh ta đến phòng cách ly khoảng ba giờ đồng hồ trước khi anh ta bị giết. Rồi cũng chính ông phải đích thân đưa người tử tù từ phòng cách ly sang phòng hơi độc. Ông phải đứng bên cái ghế ác ôn, giám sát việc trói buộc chân tay người tử tù vào ghế. “Có nói lời cuối cùng gì không?” Ông phải hỏi người tử tù câu đó theo luật. Trong 27 năm hành sự, ông đã phải hỏi câu trên hai mươi lần. Ông là người ra lệnh cho nhân viên đóng cửa phòng hơi độc. Ông cũng phải gật đầu ra hiệu cho chuyên viên hành quyết thi hành việc hoà tan độc dược với nước để bốc hơi và cho khí độc bốc lên trong phòng.
Ông đã nhìn mặt hai người tử tù đầu tiên trong cuộc đời Tổng giám thị của ông khi họ ngắc ngoải dẫy chết trên ghế. Sau hai lần đó, ông thấy ông không nên nhìn nữa. Ông cũng phải tuyển lựa những chứng nhân: những công dân đến chứng kiến vụ hành quyết. Ông phải làm đúng và làm trọn cả trăm thủ tục lỉnh kỉnh, rườm rà, nhiều thủ tục lỗi thời và rõ ràng là vô ích, làm cho có làm, để có thể thi hành án tử hình theo đúng luật pháp. Những thủ tục này được liệt kê trong quyển Chỉ Nam về những việc phải làm để có thể giết tử tù một cách hợp pháp, kể cả việc phải tuyên bố rõ ràng trước các chứng nhân câu: “Tử tù đã chịu án theo đúng pháp luật. Tử tù đã chết… Án tử hình đã được thi hành”. Chưa hết, ông còn phải ở lại đó giám sát việc đưa xác chết từ trong phòng hơi độc ra, việc xịt nước, xịt thuốc rửa sạch xác chết trước khi cho vào áo quan, xem xét việc thông hơi phòng hơi độc, việc rửa sạch phòng… vân vân và vân vân…
Có một lần Naifeh ra điều trần trước một Ủy ban lập pháp ở Jackson. Trong cuộc điều trần này, ông nói lên ý kiến của ông về việc giải quyết trường hợp những tù nhân bị kết án tử hình. Theo ông, nên giam giữ trọn đời những tử tù trong khu gọi là khu An ninh Tuyệt đối. Bọn tử tù này không thể giết người được nữa, họ không thể vượt ngục và sẽ chết dần trong tù. Ý kiến của Tổng giám thị Phillip Naifeh được các tờ báo địa phương đăng lên trang nhất. Và ý kiến đó làm ông chút xíu nữa mất chức và bị cho về hưu non.
Buổi sáng trong văn phòng, Naifeh đọc phán quyết mới nhất của Đệ ngũ Pháp viện về vụ Sam Cayhall. Luật sư Lucas Mann ngồi đối diện ông. Naifeh nén không thốt ra tiếng thở gì để Luật sư Mann có thể nghi là ông thở dài.
– Bốn tuần nữa. – Ông nhìn Lucas Mann – Sam còn bao nhiêu toà án để có thể thượng tố?
– Hết rồi! – Lucas lắc đầu – Chỉ có mấy cái đơn xin khẩn cấp tối hậu thôi.
– Ông nghĩ sao?
– Có cái gì đó cho tôi thấy là lần này cửa tiệm nhà ta trúng số độc đắc rồi đấy.
Hai người cùng im lặng trong một lúc. Họ không nhìn nhau. Cả hai cùng nghĩ đến vấn đề thời gian. Sau cả năm bảy năm kéo dài ngày thi hành án vì những khiếu nại, thượng tố, cứu xét, chờ đợi, bốn tuần lễ cuối cùng sẽ trôi qua nhanh như một cái chớp mắt.
– Ông đã báo cho Sam Cayhall biết rồi chứ?
Lucas Mann gật đầu:
– Sáng nay, tôi đã mang đến cho hắn một bản sao phán quyết.
– Gardner Goodman gọi điện cho tôi hôm qua, nói có phái một luật sư đến. Luật sư ấy đến chưa?
– Gardner cũng gọi điện cho tôi. Sáng nay tôi đã gặp người ông ta phái đến. Một luật sư trẻ. Phải nói là trẻ măng. Tên anh là Adam Hall và giờ này anh ta đang nói chuyện với Sam. Chi tiết này khá ly kỳ: Tử tù Sam Cayhall là ông nội của luật sư Adam Hall.
Đôi lông mày rậm của Tổng giám thị Naifeh chuyển động:
– Ông nói gì?
– Sam Cayhall là ông nội của Adam Hall. Ông nội là tử tù, cháu ruột là luật sư. Hôm qua sau khi nói chuyện với Gardner – Gardner không cho tôi biết người ông ta phái đến là cháu của tử tù – tôi nhờ FBI Jackson điều tra giùm lý lịch của luật sư Adam Hall. Sáng nay gặp Adam Hall, tôi mới nói xa gần cho anh ta biết là tôi nắm những dữ kiện về sự liên hệ giữa anh ta và Sam Cayhall, anh ta nhận ngay. Adam Hall có vẻ không muốn giấu chuyện anh ta là cháu của tử tù.
Naifeh nhíu mày:
– Nhưng mà… sao ông cháu lại khác họ nhau?
– Chuyện hơi dài. Số là anh con của Sam Cayhall tên Eddie Cayhall đưa vợ con đi khỏi Memphis sau khi ông bố bị bắt về tội đặt bom chết người. Năm ấy người bây giờ là luật sư Adam Hall mới có 3 tuổi. Eddie đưa vợ con đi về miền Tây, định cư ở California, đổi họ thay tên. Adam Hall nguyên tên là Alan Cayhall. Anh cháu học khá, hoàn toàn không biết gì về nguồn gốc gia đình anh. Bố mẹ không nói, làm sao anh biết được, nhất là không biết gì về chuyện ông nội anh đang ngồi tù chờ bị giết về tội đặt bom. Mãi đến năm 1981, sau khi Sam Cayhall bị kết án tử hình, Eddie Cayhall tự tử chết, Adam Hall mới biết chuyện ông nội anh. Anh ta học luật ở Michigan, đứng trong danh sách mười sinh viên xuất sắc nhất toàn khoá. Đến làm việc với công ty Kravitz & Bane và hôm nay đoàn tụ gia đình với ông nội.
Lần này thì Naifeh thở dài thực sự. Ông lắc đầu:
– Chuyện nghe cảm động, mùi mẫn đấy. Nhưng đề tài ấy chỉ tốt cho các ông bà viết tiểu thuyết, làm phim ảnh; còn với chúng ta thì nó sẽ gây thêm rắc rối. Chuyện cái chết của tử tù Sam Cayhall chưa đủ để giới truyền thông làm ồn ào hay sao mà nay lại thêm chuyện ông cháu gặp nhau trong khám tử hình nữa!
Lucas Mann có vẻ ít xúc động hơn, ông nói:
– Hai ông cháu họ đang nói chuyện với nhau. Đây là lần thứ nhất họ gặp nhau kể từ khi Adam Hall rời Memphis lúc 3 tuổi. Theo tôi nghĩ thì Sam sẽ bằng lòng để anh cháu làm luật sư đại diện. Vậy cũng tốt. Chúng ta khỏi mất công tìm luật sư chỉ định cho Sam. Chúng ta không thể thi hành án tử hình với người tử tù không có luật sư đại diện.
Tổng giám thị Naifeh mỉm cười:
– Tôi thấy đã đến lúc ta nên xử tử vài luật sư thay thế cho tử tù.
Lucas Mann không để ý gì đến câu nói cay cú ấy của Naifeh. Ông biết Tổng giám thị Naifeh rất thù ghét giới luật sư. Ông ta đã bị các luật sư lôi ra toà không biết bao nhiêu lần.
– Ông luật sư ạ, tôi sắp về hưu rồi. Còn có mười mấy tháng nữa thôi…
– Naifeh nói.
Ông làm như Lucas Mann chưa hề hay biết gì về việc ông sắp thoát ra khỏi nhà cái nhà tù hắc ám này.
– Sau Sam rồi đến lượt ai? Naifeh hỏi.
Lucas suy nghĩ trước khi trả lời:
– Tôi không biết chắc. Đúng ra thì sau Sam Cayhall sẽ đến lượt Malcolm Friar, người đã giết ba người đi giao pizza trong một tuần. Nhưng hai tháng trước lệnh thi hành án của Malcolm đã được hoãn. Hai năm nữa lệnh hoãn thi hành án của y mới hết hiệu lực.
– Ông Mann, tôi có chuyện này muốn nói với ông…
Naifeh ra đứng bên cửa sổ nhìn ra vườn, dáng vẻ biểu lộ ông có chuyện khó nói. Sau lần chủ trì cuộc thi hành án tử hình lần cuối, ông phải vào bệnh viện nằm mười ngày. Tim yếu: đó là phán quyết của bác sĩ. Nằm trên giường bệnh, ông nhìn dòng ghi nhịp tim đập của ông lên xuống chập chờn trên tâm động đồ. Bà vợ ông được bác sĩ cho biết là ông nên tránh những xúc động mạnh nên ông đã hứa với bà là ông sẽ tránh – không chủ trì một cuộc thi hành án tử hình nào nữa. Ông muốn còn khỏe mạnh để dưỡng già với vợ. Làm việc vất vả suốt một đời để rồi sống những năm cuối cùng trong cảnh bại liệt thì chán chết, ông giữ lời hứa với vợ nhưng ông cũng thấy tiếc. Nếu không có vụ Sam Cayhall, ông sẽ không phải về hưu non mất một năm.
Ông quay lại, xúc động nói với Lucas Mann:
– Tôi sẽ không làm vụ này đâu, tôi giao nó cho người khác. Người đó trẻ hơn tôi, mạnh hơn tôi, tin được hơn tôi. Người đó sẽ thi hành án lệnh tốt. Ông ta chưa lần nào phụ trách việc thi hành án tử hình nhưng tôi biết ông ta rất muốn làm.
Lucas hỏi vội:
– Ai? Không phải Nugent chứ?
– Chính là Nugent, phụ tá của tôi.
– Cái nhà ông khùng khùng, mát mát ấy ư?
– Phải. Hắn khùng, hắn mát nhưng hắn về phe chúng ta. Hắn làm việc đúng từng chi tiết theo luật, theo lệnh, theo kỷ luật tuyệt đối, không chút sai sót. Hắn là người tốt nhất để ta giao việc thi hành án tử hình. Tôi sẽ đưa cho hắn quyển Chỉ Thị và tôi sẽ được thảnh thơi vì tôi biết chắc hắn sẽ thực hiện vụ hành quyết hoàn hảo.
George Nugent là Phó Tổng giám thị. Ông ta là đại tá hồi hưu được tuyển vào làm việc ở khám đường này. Ông áp dụng kỷ luật nhà binh với cả tù nhân lẫn nhân viên nên bị tất cả mọi người ở đây thù ghét.
Lucas cảnh cáo:
– Nói hắn khùng khùng, mát mát là không đúng. Hắn điên. Nắm quyền, hắn sẽ gây thiệt hại cho người khác. – Rồi ông nhún vai – Tôi chỉ nói thế thôi. Việc quyết định là ở ông. Ông là sếp ở đây. Chỉ cần nhắc ông là hắn làm gì sai, ông sẽ chịu trách nhiệm về tinh thần đấy.
Naifeh lại thở dài:
– Cảm ơn.
Lucas Mann đứng lên:
– Tôi chờ gặp lại Luật sư Adam Hall xem cuộc gặp gỡ giữa ông cháu họ kết quả ra sao. Tôi sẽ báo cho ông biết sau.
– Cảm ơn.
 
Trong nhiều phút, chàng luật sư trẻ tuổi và người tử tù già cùng im lặng.
Ông già cúi mặt. Chàng trai nhìn lên máy điều hoà không khí như chàng chưa từng nhìn thấy một cái máy kỳ lạ như thế bao giờ. Gian phòng vắng chỉ có tiếng rè rè, sạch sạch của cái máy điều hoà không khí già lão.
Tiếng cửa mở. Giám thị Parker thò đầu nhìn vào phòng.
Anh ta gật đầu, lùi ra ngay khi Adam nói:
– Chúng tôi còn nói chuyện.
Adam đứng lên nhìn qua tấm lưới sắt. Sam ngước mặt nhìn lên. Đôi mắt hai ông cháu gặp nhau.
– Ông ơi… Ông cháu mình cần nói với nhau…
Sam gật đầu. Ông đưa điếu thuốc lên môi. Những ngón tay ông run run khi ông bật lửa.
Không phải là câu hỏi, ông già nói nhỏ như nói với chính mình:
– Con là Alan đấy!
– Vâng. Đến năm bố con mất, con mới biết hồi nhỏ tên con là Alan.
– Con ra đời năm 1964?
– Vâng.
– Cháu nội đầu tiên của ông. Ông nghe nói Eddie đến California và có một đứa con gái nữa…
– Vâng, tên em con là Carmen.
– Ai nói cho con biết về ông và gia đình?
– Thưa ông, cô Lee.
Ông già nhắm mắt lại trong vài giây đồng hồ. Hai mắt vẫn nhắm, ông hít liên mấy hơi khói thuốc:
– Cô ấy… sao?
– Con mến cô lắm. Cô Lee đẹp, hiền lành, trí thức nữa. Con chưa được sống nhiều gần cô nên con cũng chưa biết gì nhiều. Song con nghĩ cô sống bình thường như mọi người.
Ông già mở mắt, đổi chuyện:
– Tại sao con đến làm việc cho nhà Bane?
– Thưa ông, đó là một cơ sở pháp luật rất tốt.
– Con biết nhà đó đại điện cho ông chứ?
– Vâng, con biết.
– Con đã dự tính làm việc này từ lâu rồi, phải không?
– Vâng. Con dự tính, quyết định và thực hiện nó từ năm năm nay.
– Tại sao?
– Con không biết.
Ông già hỏi gặng:
– Phải có lý do nào thúc đẩy con chứ?
– Lý do rõ ràng thôi. Ông là ông nội của con. Dù ông có muốn hay không ông cũng là ông nội của con và con là cháu nội của ông. Con đã đến đây với ông rồi. Bây giờ ông cháu ta chỉ còn phải tính đến chuyện sẽ làm gì thôi.
– Con ơi, con nên về đi. Đừng…
– Không. Con không bỏ đi. Con đã quyết định làm việc này từ lâu rồi.
– Con định làm cái việc gì chứ?
– Con cứu ông. Ông cần luật sư bảo vệ. Con đến bảo vệ ông.
– Không ai có thể giúp ông được nữa. Họ đã quyết định giết ông vì nhiều lý do. Con không cần phải nhảy vào cuộc.
– Vì sao ạ?
– Vì tuyệt vọng. Con sẽ bị thiệt hại vô ích khi con cứ lao đầu vào vụ này. Con thất bại là cái chắc. Ông không muốn con bị thất bại. Ông không muốn vì ông mà con bị tai hại, thiệt thòi. Tại sao ta lại cứ nhất định làm một việc mà ta biết trước sẽ thất bại? Người ta sẽ moi ra việc con là cháu của ông. Lôi thôi cho con lắm. Đời con sẽ đỡ khổ hơn khi con là Adam Hall.
– Con là Adam Hall và con sẽ không đổi tên. Nhưng con cũng là cháu của ông và con chẳng có gì phải sợ người ta biết. Con đã nhận con là cháu của ông với luật sư Lucas Mann ở đây rồi. Trước khi vào gặp ông, con phải gặp ông ấy. Công ty của con cũng biết con là cháu của ông.
Ông già thở dài:
– Vậy là cả nước biết mất thôi!
– Thưa ông, họ biết thì họ làm cái gì? Thì ông cháu ta đã làm sao? Con là cháu của ông thì ai làm gì được con? Con đã trưởng thành, con biết suy nghĩ và con tự chủ. Hơn nữa con còn là luật sư. Con biết luật. Không ai bắt nạt con được.
Ông già có vẻ thoải mái hơn. Ông ngồi hút thuốc, thỉnh thoảng lại lắc đầu và mỉm cười. Ánh mắt ông có cái thú vị như ánh mắt của những ông già có tính hài hước khi nói chuyện với những anh bé con muốn tỏ ra mình là người lớn.
Rồi ngước lên nhìn anh cháu, ông hỏi:
– Con muốn gì?
– Trước hết con xin ông nói rõ về vụ đặt bom. Đêm ấy ai là người cùng đi với ông?
– Một mình ông thôi, không có ai nữa.
Chàng trai khựng lại vì câu trả lời quá sẵn sàng của ông già. Nhưng chàng chỉ khựng lại trong một giây:
– Thôi được. Ông cháu ta sẽ nói đến chuyện đó sau. Bây giờ sau khi ông nói về vụ án, con xin ông cho con biết về gia đình, dòng họ, những người bà con thân thuộc với con. Có thể con sẽ không ưa họ đâu, nhưng con cần biết về họ. Con nghĩ con có quyền được hỏi, được biết.
Ông già lại lắc đầu:
– Có gì đáng kể đâu! Ông thấy con chẳng cần biết.
– Ông nói thật sao? Những nguyên nhân nào đưa ông đến chỗ này? Phải có nguyên nhân chứ? Đâu phải tự nhiên. Tại sao ông lại không cho con biết những nguyên nhân ấy? Đó không phải là chuyện đáng kể sao? Cái gì đã thúc đẩy ông làm những việc ông làm? Có bao nhiêu người Ku Klux Klan trong dòng họ ta? Những người Cayhall đã giết bao nhiêu người trong một trăm năm nay? Thưa ông, những chuyện ấy đáng kể lắm chứ!
Adam mở cặp, lấy ra tờ hợp đồng và cây bút đẩy qua khe hở sang cho Sam Cayhall:
– Đây là hợp đồng cho quyền đại diện. Ông ký đi.
Không cầm tờ hợp đồng lên xem, ông già hỏi:
– Lại ký hợp đồng với bọn Kravitz & Bane ư?
– Tất nhiên là với nhà Kravitz & Bane rồi. Ông thắc mắc làm gì.
– Tất nhiên là thế nào? Tại sao ông lại không thắc mắc? Ông đã đuổi cổ bọn này, không cho chúng nó đại diện ông. Bây giờ ông lại ký mời chúng nó trở lại.
– Ông ký là ký với con, ký cho con quyền đại diện ông. Nhà Kravitz & Bane chỉ là cái vỏ. Ông sẽ không gặp bất cứ ai khác ngoài con. Vì con là nhân viên của công ty này nên trên danh nghĩa ông ký với công ty thôi.
– Ký rồi thì sao?
– Ký rồi thì ông cháu ta sẽ cùng nhau làm việc. Con không thể giúp gì ông được nếu ông không chịu ký. Nếu ông không ký, con không có cả quyền vào gặp ông bất cứ ngày nào, lúc nào. Về mặt pháp lý, ông phải ký trước đã.
Ông già nhắc lại:
– Ông muốn biết ông ký rồi thì sao? Những chuyện gì sẽ xảy ra? Con sẽ làm những gì?
– Trước hết ông cháu ta kiểm lại vụ đặt bom văn phòng Kramer.
– Kiểm đi kiểm lại cả ngàn lần rồi.
– Ông cháu ta vẫn kiểm lại. Con có cả ngàn câu hỏi cần hỏi ông.
– Thiên hạ cũng đã hỏi ông cả ngàn câu rồi. Những câu hỏi của con chẳng có gì mới lạ đâu.
– Vâng. Nhưng ông đã không chịu trả lời tất cả những câu hỏi của thiên hạ. Những người hỏi ông cũng không phải là con. Con khác họ. Ông cũng đâu có chịu nói tất cả sự thật.
– Ông chắc cuối cùng con cũng phải xin Thống đốc ân xá?
– Vâng.
Ông già bỗng thay đổi thái độ. Ông như nổi khùng lên:
– Này con, ông cấm con không được xin xỏ gì tên khốn nạn ấy. Nó là thằng dối trá, thằng chó đẻ! Chính vì nó mà giờ đây ông phải ngồi ở đây. Nếu ông ký giấy này, tuyệt đối con không được gặp nó bằng bất cứ cách nào. Nếu con ngỏ lời xin nó khoan hồng tha chết cho ông, lập tức con không còn là luật sư của ông nữa.
Chàng trai mỉm cười:
– Ông nói vậy tức là con đã là luật sư của ông rồi?
– Chưa đâu. Ông cảm ơn con đã đến đây với ông. Nhưng ông còn phải suy nghĩ đã. Ông sẽ ghi thêm vài điều kiện vào hợp đồng này để khi nào ông cho con nghỉ việc, cái công ty đầy bọn Do Thái chủ nhân của con sẽ không thể làm phiền gì được ông. Sáng mai con trở lại, chúng ta sẽ bàn tiếp về hợp đồng này.
Adam nhăn mặt:
– Còn mai với mốt gì nữa, ông ơi. Gấp rồi!
Ông già nhún vai:
– Khi người ta đã chờ đợi được hơn chín năm trời một mình trong phòng giam tử tù thì việc nhanh hay chậm hơn một ngày chẳng có gì quan trọng. Sáng mai con trở lại. Ngày mai chắc ông sẽ khá hơn. Ông cháu mình sẽ lại nói chuyện, ông hứa mà.
– Vâng. – Chàng trai đành tạm hài lòng – Sáng mai con trở lại. Con sẽ ở Memphis trong vài tháng.
– Memphis? Ông tưởng con ở Chicago?
– Công ty của con trụ sở chính ở Chicago nhưng có một văn phòng ở Memphis. Địa chỉ ghi trên danh thiếp con đưa ông đấy. Ông có thể gọi điện tới đó cho con bất cứ lúc nào.
– Con đã có vợ chưa?
– Thưa chưa.
– Còn Carmen, em con?
– Thưa, nó còn đi học.
– Em con ra sao?
– Nó thông minh, khá đẹp. Nó giống mẹ con.
– Evelyn, mẹ con, trước kia rất đẹp.
– Mẹ con bây giờ vẫn còn đẹp. Nhưng mà… con thấy con mến cô Lee hơn là con yêu mẹ. Nếu con là con của cô Lee chắc con sung sướng lắm.
Đôi mắt sắc của ông già nhìn kỹ anh cháu:
– Bây giờ mẹ con ra sao?
Anh cháu hiểu ông nội muốn hỏi gì về bà mẹ:
– Mẹ con tái giá rồi, hiện sống với ông chồng khá giàu ở Portland.
– Đừng khắc nghiệt với mẹ con. Mẹ con chỉ đáng thương, không đáng trách.
Một lần nữa ông lại đột ngột đổi chuyện:
– Chúng ta chia tay đi. Hẹn gặp lại con sáng mai.
Ông cầm lấy tờ hợp đồng và cây bút.
– Vâng. Ông có muốn con mang gì vào cho ông không?
– Không. Con trở lại với ông là được rồi.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.