Mang Xuống Tuyền Đài

CHƯƠNG 34



Phó Tổng giám thị George Nugent bước vào khu An ninh Tối đa, tức khu tử Hình, nghiêm trọng như ông tướng bốn sao đi thị sát doanh trại. Ông trừng mắt nhìn đầu tóc rồi nhìn xuống đôi giày của một anh giám thị và gằn giọng:
– Hớt tóc theo đúng luật. Lần sau tôi còn thấy mái tóc bầy hầy này của anh là tôi phạt. Đánh giày cho bóng.
Packer mở cửa đi vào dãy A. Đứng lại bên cửa, anh ta báo cáo:
– Sam Cayhall ở phòng sáu.
Nugent đi vào hành lang, vẻ mặt nghiêm trọng, không thèm nhìn vào những phòng giam hai bên đường đi. Dừng lại trước song sắt phòng giam số 6, ông ta nhìn vào. Sam Cayhall mặc áo thụng, quần soóc, đang ngồi lọc cọc mổ cò lên chiếc máy đánh chữ cổ lỗ sĩ.
Thấy người đến, già Sam nhìn ra rồi lại tiếp tục lách cách gõ máy.
– Sam! Tôi là George Nugent.
Già Sam đã nghe bọn giám thị, ông gọi là bọn đầu trâu mặt ngựa, gián tiếp báo cho các tử tù biết Tổng giám thị Naifeh lên cơn đau tim đã đi nằm bệnh viện, người thay thế là phó Tổng giám thị George Nugent. Không nhìn ra già Sam hỏi:
– Anh muốn gì?
– Tôi muốn gặp ông.
– Gặp rồi đó. Anh còn muốn gì nữa? Tôi đang bận. Lúc khác anh trở lại.
Gullit ở phòng bên trái, Henshaw ở phòng bên phải, cùng ra đứng ở song sắt để nghe cuộc đối thoại giữa già Sam và Nugent, anh phó Tổng giám thị mới.
Nugent hắng giọng rồi long trọng nói:
– Tôi là phó Tổng giám thị. Tổng giám thị Naifeh bổ nhiệm tôi quản lý toàn khu này và đặc biệt phụ trách điều khiển vụ hành quyết ông. Có vài việc tôi cần thảo luận với ông.
Già Sam vẫn chú tâm vào việc đánh máy chữ. Ông thốt lên tiếng chửi thề khi gõ lầm một chữ. Ông làm như không nghe tiếng Nugent. Đứng ngoài song sắt nhìn vào, Nugent lại hỏi:
– Sam… Tôi nói chuyện với ông vài phút được không?
Từ phòng bên Henshaw đưa ra lời khuyến cáo:
– Phải gọi ông ấy là ông chứ? Ông Cayhall… ông ấy đâu phải là bạn anh mà anh gọi ông ấy là Sam…
Gullit lên tiếng:
– Ê! Giày anh đi là giày nhà binh. Xi-zin sao lại đi giày nhà binh to tổ bố? Bộ anh không có đôi giày đàng hoàng nào hay sao mà phải tha đôi giày lính ấy?
Nugent gầm gừ:
– Mấy người đi vào trong. Tôi không nói chuyện với mấy người… – Nugent nói lớn.
Henshaw nói lớn hơn:
– Còn lâu ấy. Ai thèm nói chuyện với anh? Bọn này thấy anh ăn nói bất lịch sự ngứa tai chịu không nổi nên bọn này phải nói cho anh biết. Ông Cayhall nói là ông đang bận, bộ anh điếc hay sao mà anh cứ đứng đấy làm phiền ông ấy mãi? Muốn được hầu chuyện ông Cayhall lúc khác anh trở lại…
Nugent dậm chân:
– Tôi ra lệnh cho các anh câm mồm!
Gullit lớn tiếng cho anh em tù cả dãy nghe rõ:
– Không dám đâu. Anh là cái thá gì mà đòi ra lệnh cho chúng tôi câm mồm. Vì anh điếc nên chúng tôi phải nói lớn. Anh làm gì chúng tôi? Còng tay, còng chân chăng? Cứ việc. Bỏ đói chăng? Nên lắm. Anh cứ làm đi rồi khắc biết thằng nào vỡ mặt..
Đặt máy chữ xuống giường già Sam châm thuốc hút, ra đứng bên song sắt, thở khói ra hành lang:
– Anh muốn gì? – Già Sam hỏi.
– Muốn trao đổi vài chuyện với ông.
– Biết rồi. Đừng có nhắc đi, nhắc lại mãi. Chuyện gì?
– Ông viết di chúc chưa?
– Viết chưa hay viết rồi không phải là việc của anh, anh hỏi làm cái gì? Di chúc là một văn kiện riêng chỉ những người được ủy thác mới có quyền mở ra sau khi người viết di chúc đã chết. Đó là luật. Anh không biết à?
Gullit cười khẩy:
– Ngu ơi là ngu. Ngu hết chỗ chê!
Henshaw tiếp lời:
– Ngu hết nước nói. Không thể tin được. Không biết bọn đầu trâu móc ở đâu ra anh cà chớn này!
Bộ mặt anh lính tẩy Nugent nay trở thành cai tù từ màu trắng nhạt chuyển sang màu xanh tái:
– Tôi cần biết ông có ý định như thế nào về những vật ông để lại.
– Khỏi lo. Tôi có đồ vật gì nhiều đâu. Có khoản ấy trong di chúc của tôi.
– Tôi mong ông đừng gây khó khăn, Sam…
Gullit lại la lớn:
– Điếc à? Đã bảo phải gọi ông ấy là ông Cayhall…
Búng mẩu thuốc lá qua song sắt, già Sam nói rành rọt từng tiếng như nói với một anh đại ngốc:
– Tôi mà gây khó khăn à? Tôi gây khó khăn làm cái gì chứ? Dù có ngu đến mấy anh cũng phải thấy rằng nếu tôi gây khó khăn thì cái thân tôi chỉ thêm khốn khổ, khốn nạn thôi. Tôi hoàn toàn cộng tác với chính quyền trong việc chính quyền giết tôi. Tôi là một công dân yêu nước. Trước khi Nhà nước cho tôi vào đây, tôi vẫn đi bầu đều và đóng thuế đầy đủ. Tôi kiêu hãnh là một công dân Hoa Kỳ. Dù đất nước này sắp xì hơi độc vào phổi tôi cho tôi chết tôi vẫn yêu đất nước này. Tôi là một tù nhân gương mẫu. Anh tin đi. Đừng sợ.
Giám thị Parker là người thích thú nhất khi nghe cuộc đối thoại này. Đứng bên cửa vào hành lang, anh ta cười tủm tỉm.
Nugent vẫn chưa chịu thua:
– Tôi cần có tên hai người do ông muốn có mặt trong cuộc hành quyết. Ông được quyền có hai người.
– Tôi chưa quyết định có mời ai hay không. Lấy vợ hay lên làm vua, làm tổng thống thì mới nên mời khách đến chứng kiến. Bị tống vào phòng hơi độc thì mời người thân đến xem làm gì. Bao giờ anh vào phòng anh có mời ai thì mời, tôi thì không chắc đâu.
Gullit, Henshaw cười ré lên. Tử tù toàn khu cười theo. Làn sóng cười cuồn cuộn trôi trong hành lang A khu Tử hình. Cai ngục Nugent không còn cách ứng phó nào hay hơn là cách nhún vai tỏ vẻ khinh mạn rồi rút lui có trật tự.
– Tôi sẽ trở lại.
Đó là lời đe dọa của cai ngục Nugent trên đường rút lui.
Đám tử tù la lên:
– Người sẽ trở lại… Lãnh tụ sẽ trở lại… Heil Hitler!
 
Chuyến đi đến khám đường khởi hành từ thành phố vào lúc xế trưa không hứa hẹn gì nhiều.
Adam lái xe, luật sư Goodman ngồi bên, bác sĩ tâm thần Swinn ngồi băng sau. Ông bác sĩ được mời tới cứu viện trạc năm mươi tuổi, trán hói, đeo cặp kính trắng dày cộp, bộ mặt tròn xoe, khổ người lùn và có bụng. Trong ông giống ông chủ nhà đòn đám ma hơn là bác sĩ.
Lucas Mann dàn xếp cho bác sĩ Swinn gặp tử tù Sam Cayhall trong bệnh viện của khám đường. Bác sĩ Swinn đòi hỏi không một ai được có mặt trong cuộc kiểm nghiệm ông thực hiện với tử tù Sam Cayhall. Điều kiện này được cả ba người có trách nhiệm: Goodman, Lucas và Adam tán thành.
Một xe cứu thương của bệnh viện đón bác sĩ Swinn ở cổng khám đường. Lucas Mann đưa Goodman và Adam vào nhà căng-tin của khám đường. Căng-tin không được phép bán bia, rượu. Ba người ngồi nhâm nhi trà đá và nói chuyện vẩn vơ chờ đợi bác sĩ Swinn xong việc trở ra.
Adam được quyền ngồi im trong lúc Goodman và Lucas bắt buộc phải kiếm đề tài để nói chuyện. Hai người đồng ý là càng ngày những vụ thi hành án tử hình càng nhiều hơn. Nguyên nhân là càng ngày nhân dân Hoa Kỳ càng sốt ruột và sợ hãi trước những vụ giết người mỗi ngày một nhiều và cứ đều đều gia tăng mức độ tàn bạo, ghê rợn, khủng khiếp, quái quỉ. Những đoàn bồi thẩm phản ánh tình trạng nhân dân Hoa Kỳ không dung thứ tội ác và đòi trừng trị thật nặng bọn gây tội ác. Không mấy ai còn thương xót bọn giết người khi chúng bị tử hình nữa. Thêm vào đó, những công ty luật có khả năng cũng bị ảnh hưởng của nhân dân, không sốt sắng với việc biện hộ miễn phí cho bọn tử tù như trước nữa, số tử tù nằm chờ bị hành quyết trong những khám Tử hình ngày một thêm đông.
Adam quá chán nghe những chuyện như thế, chàng đã phải nghe, phải đọc những chuyện như thế quá nhiều. Chàng xin lỗi và đi đến chỗ đặt máy điện thoại. Ông Booth không có mặt ở văn phòng. Nữ thư ký của ông nói ông có để tin lại cho chàng: chưa có gì mới cả. Nghĩa là vẫn chưa tìm được cô Lee của chàng hiện đang ở đâu.
Nữ thư ký Darlene đánh máy bản báo cáo của bác sĩ Swinn trong lúc Goodman và Adam viết bản luận cứ đi kèm. Bác sĩ Swinn viết bản báo cáo dài đến 20 trang với những thuật ngữ, ngôn từ, cách trình bày thật điêu luyện và đáng tiền, ông là một thứ lính đánh thuê phục vụ phe nào chịu trả giá nhưng ông làm việc thật hữu hiệu, ông nêu ra những bằng chứng cho thấy tử tù Sam Cayhall đã ngớ ngẩn vì tuổi già, sức yếu và vì phải sống trong khám Tử hình với cái chết treo lơ lửng trên đầu quá lâu. Người tử tù này không còn biết, không còn nhớ vì sao mình lại ở tù. Do đó việc hành quyết đương sự là vô ích và trái luật. Các toà án vẫn dễ dàng bác bỏ những bản báo cáo cứu tử loại này nhưng dù sao đây cũng là một điểm hy vọng. Tử tù Sam Cayhall chẳng còn gì để mất. Goodman bỗng nhớ rằng trong đời luật sư của ông, ông chưa thấy tử tù nào trên 60 tuổi bị hành quyết.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.