Mang Xuống Tuyền Đài

CHƯƠNG 40



Ông luật sư già ngồi trên băng đá dưới bóng cây trong công viên xế mặt tiền tòa nhà Thống đốc Mississippi ở thủ phủ Jackson. Adam thấy ông cởi áo vest và xắn hai tay áo sơ-mi nhưng chiếc nơ trên cổ áo ông vẫn ở trong tình trạng tuyệt hảo. Chàng giới thiệu Carmen với Goodman.
Goodman nói ngay vào chuyện:
– Ông Thống đốc muốn gặp anh lúc 2 giờ trưa nay. Tôi vừa từ văn phòng ông ấy ra. Từ sáng đến giờ tôi ra vào văn phòng đó ba lần rồi. Ghé qua căn cứ của chúng ta một lúc rồi đi ăn trưa…
Ông chỉ tay về phía cao ốc bên kia công viên:
– Gần đây thôi. Chúng ta đi bộ.
Ba người đi qua công viên vàng nắng. Carmen ngửng mặt nhìn lên vòm cây lá rì rào trong gió. Nàng tưởng như vẫn đang nhìn thấy ông nội của nàng trong căn phòng nhỏ. Không biết giờ này ông đang làm gì?
– Ông Thống đốc có ý định gì vậy?
Adam hỏi. Chàng thấy Goodman và Carmen đi quá chậm. Họ như hai người nhàn rỗi đi dạo công viên giữa trưa chứ không phải là những người chạy cứu mạng người sắp chết.
– Làm sao biết được? – Goodman trả lời – Tôi chỉ biết là ông ấy có vẻ bối rối và muốn gặp riêng anh. Có thể là chiến dịch hướng dẫn và uốn nắn dư luận của chúng ta đã có hiệu quả. Ông ấy hoang mang và mệt mỏi. Nhất định là điên đầu chứ. Mỗi ngày có đến bốn, năm trăm cú điện thoại đến đòi hỏi. Chịu gì nổi! Cuộc tấn công diễn ra bài bản quá mà…
– Không thấy có dấu hiệu gì họ nghi ngờ…?
Ông luật sư già mỉm cười:
– Không. Mình đánh nhanh, đánh mạnh đến nỗi họ tối tăm mặt mũi không còn nghĩ đến chuyện kiểm soát nữa, thì giờ đâu mà họ nghi ngờ.
Carmen thắc mắc vì những lời đối thoại đầy khả nghi của Goodman và Adam. Nàng đưa mắt nhìn Adam, dò hỏi. Adam mải nói nên không để ý.
– Còn chánh án Slattery? – Adam hỏi.
– Không thấy có tin gì mới ở tòa án từ 10 giờ sáng nay. Thư ký của Slattery gọi đến văn phòng Memphis tìm anh. Ở đấy người ta cho biết tôi đang có mặt ở đây nên tôi được gọi đến.
– Hy vọng gì chăng?
Adam hồi hộp khi thốt ra câu hỏi. Chàng chỉ muốn được nghe ông luật sư đàn anh của chàng nói ra mấy tiếng: “Có hy vọng chứ…” dù đó chỉ là hy vọng hão huyền.
Nhưng luật sư Goodman vẫn tỏ ra thận trọng đúng tác phong của luật sư lão luyện:
– Tôi không thể trả lời có hy vọng hay không. Dù sao đây cũng là một việc tốt. Toà có thể bác ngay đơn khiếu nại của mình mà không cần cho điều trần, nhưng việc tòa cho điều trần cũng chỉ là thủ tục rất thường, nhất là trong mấy ngày cuối cùng này.
Ba người vừa đi vừa nghiêng mặt nhìn đám người biểu tình trước toà nhà Thống đốc. Đám biểu tình ở đây không đông, không náo động bằng đám biểu tình trước cửa khám đường.
Rồi hai anh em theo Goodman vào toà cao ốc có văn phòng tạm ông ta mướn ở đây. Trong văn phòng, bốn người trẻ tuổi đang liên tiếp sử dụng điện thoại. Goodman nói nhỏ với hai anh em:
– Mỗi giờ mình trung bình gọi được khoảng 60 cú điện.
Đường dây điện thoại của họ kẹt cứng nên mình không thể gọi nhiều hơn được. Chúng ta gây ra tình trạng kẹt cứng ấy của họ.
– Những người này làm gì vậy? – Carmen khẽ hỏi – Họ gọi cho ai thế?
Adam nói nhỏ với nàng:
– Gọi đến văn phòng Thống đốc nhân danh công dân yêu cầu khoan hồng.
Carmen nhìn những quyển niên giám điện thoại mở trước mặt những người đang bận rộn sử dụng máy điện thoại. Nàng hiểu đây là cách gây áp lực của luật sư Goodman: lấy tên, địa chỉ của công dân khắp nước gọi đến yêu cầu Thống đốc xá án tử hình cho ông nội của nàng.
– Lấy dùm máy bay cho em tôi đi khỏi đây chiều nay. – Adam nói với Goodman.
– Để tôi lo cho. Đi đâu?
– San Francisco.
Goodman gật đầu:
– Có tiệm ăn ở đầu phố. Hai anh em đi ăn đi. Tôi ở đây. Chúng ta đến văn phòng Thống đốc lúc 2 giờ.
Adam nhìn đồng hồ tay:
– Tôi cần đến thư viện.
– Giờ này còn đến thư viện tra cứu gì nữa. – Goodman lắc đầu – Đến những phút cuối như thế này chúng ta có cái gì xài cái đó. Không còn thì giờ để tìm kiếm thêm nữa. Đưa cô em đi ăn đi. Đừng căng thẳng quá.
– Em đói. – Carmen nói. Nàng muốn được ngồi nói chuyện riêng với anh nàng một lúc trước khi họ xa nhau.
Khi ra đến công viên Carmen nắm cánh tay anh:
– Luật sư làm ơn giải thích cho con nhỏ ngu đần này với.
– Giải thích cái gì?
– Việc làm của mấy người gọi điện trong đó.
– Em biết rồi còn hỏi làm gì nữa.
– Việc làm đó có hợp pháp không?
– Tất nhiên là không.
– Việc đó có đạo đức không?
Adam hít vào một hơi dài, chàng hỏi lại:
– Họ đang định làm gì ông nội mình?
– Họ định hành quyết…
– Hành quyết, xử tử, giết, bắt đền tội, trừng phạt, thi hành án… em muốn gọi việc họ định làm với ông nội mình bằng cái tên gì cũng được, nhưng cái tên gọi đúng nhất là giết người. Giết người là một tội ác. Họ đang làm cái tội ác đó và họ cho việc họ làm là hợp pháp. Và họ có quyền nên ta phải bẻ cong pháp luật và đạo đức một chút trong cuộc tranh đấu không cân bằng lực lượng giữa ta với họ.
Carmen thở dài:
– Dù sao thì việc ta làm cũng là sai.
– Việc giết người trong phòng hơi độc còn sai hơn.
Carmen không nói gì nữa. Mới sáng hôm qua nàng bình yên ngồi uống cà phê với người yêu ở một tiệm cà phê trong thành phố San Francisco có cây cầu vàng, cuộc sống với nàng còn hoàn toàn trong lành, tươi sáng. Vậy mà giờ đây nàng lẫn lộn chính tà, mất phương hướng, hoang mang, bất định.
Adam xiết nhẹ bàn tay cô em:
– Đừng trách anh, Carmen. Giờ tuyệt vọng cuối cùng… anh phải làm tất cả mọi việc…
Carmen xiết chặt bàn tay anh, nàng đi sát vào anh:
– Không. Em chỉ hỏi thôi mà. Nếu em là anh, em cũng làm thế.
o O o
Ông Thống đốc tiếp chàng luật sư trẻ tuổi trong văn phòng rộng. Chỉ có hai người nói chuyện với nhau. Họ ngồi gần nhau trong hai ghế bành da. Goodman đưa Carmen ra phi trường. Không một cộng sự viên nào của ông Thống đốc được tham dự cuộc nói chuyện riêng này.
– Thật kỳ dị, anh thấy không? Anh là cháu ông ấy nhưng anh chỉ mới gặp ông ấy, mới thực sự biết ông ấy chưa đầy một tháng nay. – Giọng nói của McAllister bình thản, gần như mệt mỏi – Còn tôi, tôi biết rõ ông ấy từ nhiều năm nay. Ông ấy gần như trở thành một phần lẽ sống của tôi vậy. Từ lâu rồi tôi chờ đợi ngày hôm nay, tôi muốn thấy ông ấy phải đền cái tội đã làm chết hai anh em Kramer. Nhưng hôm nay, khi ngày ấy đến, tôi lại hoang mang. Tôi không giấu gì anh khi tôi nói rằng tôi hiện không biết rõ tôi phải làm gì…
McAllister nói bằng giọng nói trầm trầm như đôi người quen biết nhau lâu ngày đem tâm sự ra nói với nhau. Adam nghe, nhìn và nghĩ rằng người đang nói với chàng phải là một người thành thật đến thô bạo hoặc là một kịch sĩ đóng trò tuyệt hảo. Chàng không thể biết, và chắc chàng sẽ không bao giờ có thể biết, ông ta là người thành thật hay là một kịch sĩ.
– Thưa ông Thống đốc, chính quyền và nhân dân Mississippi có lợi gì nếu ông Cayhall phải chết? – Adam hỏi – Nếu các vị giết ông Cayhall, đời sống của các vị có đẹp hơn được chút nào không trong buổi sáng ngày thứ Tư các vị ngủ dậy và nhìn mặt trời mọc?
– Không đẹp hơn chút nào. Nhưng anh nói như vậy vì anh không tin ở án tử hình, còn tôi, tôi tin.
– Tại sao?
– Tại vì phải có sự trừng phạt tối hậu cho việc giết người. Hãy tự đặt anh vào địa vị của bà quả phụ Ruth Kramer, anh sẽ nghĩ khác. Vấn đề của anh và của những người giống anh là các người quên mất những nạn nhân.
– Chúng ta có thể tranh luận cả giờ đồng hồ về sự cần có hay không cần có án tử hình.
Thống đốc McAllister hiểu Adam muốn nói chàng không đến gặp ông để tranh luận, ông gật đầu:
– Đúng. Ta bỏ qua chuyện ấy đi. Nói thẳng vào chuyện của chúng ta thôi. Ông Sam Cayhall có nói gì với anh không? Tôi muốn hỏi ông ấy có nói với anh chuyện gì mới và quan trọng liên can đến vụ án không?
– Thưa ông, tôi không thể tiết lộ những gì thân chủ tôi nói với tôi.
– Việc tôi muốn biết có thể có lợi cho ông Cayhall. Tôi muốn biết chắc chắn chỉ có một mình ông ấy đi đặt bom văn phòng Kramer hay còn có người nào khác?
– Ông Thống đốc muốn biết việc ấy để làm gì khi chỉ còn một ngày nữa là đến giờ hành quyết?
– Tôi nói thật: tôi cũng chưa biết tôi sẽ làm gì nhưng tôi nghĩ rằng nếu tôi biết chắc chắn ông Cayhall chỉ là tòng phạm và có một người khác phải chịu trách nhiệm về vụ đặt bom, tôi sẽ không thể để cho ông Cayhall phải chịu hành quyết. Tôi có thể ngăn được cuộc hành quyết ấy. Anh dư biết tôi có khả năng làm như thế. Tương lai chính trị của tôi có thể bị thiệt hại nặng nhưng tôi không cần. Tôi đã chán ngấy trò chơi chính trị rồi. Tôi không hứng khởi chút nào khi tôi bị đặt vào địa vị người có quyền, có trách nhiệm, quyết định tha cho sống hay bắt người khác phải chết. Tôi có thể ân xá cho ông Cayhall nếu tôi biết chắc ông ấy chỉ là tòng phạm.
Adam nhìn thẳng vào mặt McAllister:
– Ông cho rằng có một người khác chịu trách nhiệm trong vụ đánh bom, người đó mới là thủ phạm. Ông đã nói như thế với tôi lần tôi gặp ông trước đây. Rồi ông Wyn Lettner, đặc vụ FBI phụ trách cuộc điều tra về vụ đặt bom ấy, cũng tin như thế. Vậy thì tại sao ông lại không căn cứ trên niềm tin ấy mà ra lệnh khoan hồng?
– Tại vì tôi không được biết chắc.
– Thưa ông, như thế có nghĩa là trong những giờ cuối cùng này chỉ cần thân chủ tôi nói có và đưa ra một cái tên người nào đấy, là ông hạ bút xuống ký lệnh ân xá án tử hình?
McAllister lắc đầu:
– Không đơn giản như thế. Tôi sẽ không ân xá án tử hình ngay, tôi chỉ ra lệnh hoãn hành quyết và đề nghị tòa án mở cuộc điều tra mới tìm đích danh thủ phạm.
Đến lượt Adam lắc đầu:
– Thân chủ tôi sẽ không nói ra tên người nào đâu. Tôi đã hỏi nhiều lần, ông ấy đều không chịu nói. Tôi nghi là có người khác, nhưng không hiểu sao ông tôi không chịu khai ra.
– Ông ấy bao che cho ai vậy? – Thống đốc McAllister thắc mắc hỏi.
– Rất tiếc là tôi không biết. Ông tôi chịu hoàn toàn trách nhiệm về vụ đặt bom.
Thống đốc thở dài:
– Làm sao tôi có thể khoan hồng khi can phạm đã nhận tội và chỉ có một mình mình gây tội ác đó thôi? Làm sao tôi có thể giúp can phạm được?
– Thưa ông, tôi nghĩ ông nên giúp vì can phạm là một ông già gần chết đến nơi mà không cần bị ai giết. Ông nên giúp cho ông ấy sống nốt những ngày tàn vì đó là việc làm hợp với đạo đức. Ông nên làm việc đó vì lương tâm ông bảo ông làm việc đó. Chúng ta phải có nhiều can đảm mới có thể sống và làm theo tiếng nói của lương tâm.
McAllister lại thở dài:
– Ông ấy thù ghét tôi nặng lắm. Tôi biết.
– Vâng. – Adam gật đầu – Nhưng nếu ông khoan hồng, ông ấy sẽ là người ái mộ ông suốt đời.
McAllister mỉm cười:
– Ông Cayhall có bị điên thật không?
– Thưa, chuyên viên xét nghiệm kết luận là ông ấy điên. Chúng tôi sẽ cố gắng thuyết phục ông chánh án Slattery.
– Tôi biết chuyện ấy nhưng riêng anh, anh thấy thế nào? Riêng anh, anh có thấy là ông ấy điên thật không?
Adam thấy chàng không thể nói thật được với McAllister. Dù sao ông ta cũng không cùng phe với chàng và chính ông ta là người chủ xướng việc bắt can phạm Sam Cayhall phải đền tội.
– Tôi thấy thân chủ của tôi rầu rĩ, ủ ê. – Adam trả lời mơ hồ – Cũng dễ hiểu thôi. Chẳng ai có thể sáng suốt, bình tĩnh được khi phải sống trong khám Tử hình chờ ngày bị hành hình. Ông tôi già yếu lại đã phải sống trong khám Tử hình quá lâu. Ông tôi lú lẫn từ lâu rồi. Ông tôi từ chối mọi cuộc phỏng vấn. Thật tội nghiệp. Nếu ông tôi làm nên tội, tôi nghĩ từng ấy năm phải sống chờ chết cũng đã đủ đền tội rồi.
Adam không biết Thống đốc McAllister có tin chàng hay không, chàng thấy ông ta chú ý nghe từng tiếng chàng nói.
– Anh dự định làm gì trong ngày mai?
– Thưa ông tôi cũng chưa biết. – Adam thành thật trả lời – Còn tùy ở ông chánh án Slattery. Tôi muốn nói là tùy ở quyết định của tòa án chiều nay. Ngày mai có thể tôi sẽ ở bên ông tôi suốt cả ngày mà cũng có thể tôi sẽ bận rộn với việc đệ những đơn kháng cáo mới.
– Đây là số điện thoại riêng của tôi. Ngày mai anh nên gọi cho tôi nếu anh thấy cần.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.