Bữa ăn tối của tử tù gồm mấy món: thịt heo luộc, đậu hầm, bánh ngô. Ăn xong Sam Cayhall nằm hút thuốc lá, đọc hồ sơ một vụ án tử hình ở California. Tiểu bang California thuộc thẩm quyền Đệ cửu Pháp viện. Ở đây vừa xảy ra một vụ ly kỳ là có một tử tù tỏ ra quá thản nhiên trước việc anh sắp bị hành quyết nên những luật sư của anh vớ ngay lấy thái độ đó để la lối là thân chủ của họ bị điên. Theo luật, án tử hình không được thi hành với những người điên hay mất trí. Các luật sư đưa kiến nghị nêu rõ thân chủ của họ quá điên để có thể chịu án. Đệ cửu Pháp viện có nhiều thành viên cấp tiến chống lại án tử hình nên họ nhân chứng lý mới này, ra lệnh đình ngày việc thi hành án.
Sam Cayhall rất thích vụ án này. Đã nhiều lần ông ao ước vụ án của ông thuộc quyền Đệ cửu Pháp viện chứ không thuộc Đệ ngũ Pháp viện.
Tiếng của Gullit từ phòng bên vẳng sang:
– Sam, có diều nè.
“Diều, thả diều” là tiếng lóng gọi thư và việc chuyển thư giữa các phòng giam. Người tử tù đưa thư, đồ sang cho người phòng bên, người phòng bên lại chuyển sang cho người phòng kế cận. Cứ chuyển như thế cho đến khi bức thư, gói đồ đến tay người được gửi.
“Diều” gửi cho Sam Cayhall là thư của người tử tù được gọi là Cậu Đạo. Lẽ ra là Ông Đạo nhưng vì đương sự còn quá trẻ nên được gọi là Cậu Đạo. Cậu Đạo là một thiếu niên Mỹ trắng miền quê, năm mới 14 tuổi đã được những người dân trong vùng tôn là Cậu Đạo. Cậu giảng cho người ta nghe về sự cần thiết phải sống lương thiện, không được ăn gian nói dối. Cậu tả cho người ta nghe về cảnh hoả ngục đầy lửa đỏ và quỉ sứ, cảnh thiên đường đầy hoa thơm, chim hót. Chuyện ly kỳ là có nhiều người nghe cậu và tin cậu. Ly kỳ nhất là cậu chữa bệnh cho người ta và nhiều người khỏi bệnh nhờ những cách chữa trị hết sức vớ vẩn và phản khoa học, phản vệ sinh, phản nhiều thứ của cậu. Cậu được tín đồ góp công của xây tặng một giáo đường nhỏ. Cậu làm chủ giáo đường và cậu hành nghề cầu đạo cứu nhân độ thế cho đến ngày bị bắt vì tội cắt cổ ông bõ giữ giáo đường, hiếp dâm bà vợ ông này rồi cắt luôn cổ bà ta. Năm ấy cậu hai mươi bốn tuổi. Cậu đã nghỉ ngơi trong khu Tử hình được ba năm và vẫn giảng sấm truyền cho các bạn tù.
Thư của cậu viết:
“Bác Sam thân mến. Tôi cầu nguyện cho bác đều đều. Tôi tin chắc Thượng Đế sẽ đặt bàn tay Ngài lên vụ của bác và Ngài sẽ cho ngừng cái việc vô đạo ấy Nhưng nếu Ngài có ý khác, tôi xin Ngài hãy đón bác đi ngay, đi mau. Xin Ngài sớm đưa bác về nhà. Thương yêu. Randy”.
Hay đấy – Sam nghĩ thầm – Anh em đã cầu nguyện cho mình đi mau. Cũng tốt thôi, ông lấy mảnh giấy viết thư cho Cậu Đạo:
“Randy thân mến. Cảm ơn nhiều. Tôi cần được cậu cầu nguyện xin ơn cho. Tôi cũng cần đọc quyển “Án tử hình Bronstein”. Quyển bìa xanh ấy. Cậu gửi sang giùm. Sam”
Ông chuyển lá thư sang cho J. B. Gullit. Đã gần tám giờ tối, không khí vẫn còn nóng và ẩm. Nhưng bên ngoài bóng tối đã xuống. Cùng với bóng tối, không khí sẽ dịu đi.
– Tôi có luật sư mới…
Sam đứng thò hai tay ra ngoài song sắt. Ông ở trần, chỉ bận cái quần cụt. Sam trông thấy hai bàn tay của Gullit cũng thò ra ngoài song sắt nhưng không thể trông thấy mặt hắn. Mỗi lần được ra tập thể dục, phơi nắng ngoài sân hay đi gặp luật sư, ông thường đi thật chậm để nhìn và cười với những người bạn tù. Họ cũng nhìn và cười với ông qua song sắt khi ông đi ngang phòng họ. Ông biết mặt từng người, nhận ra tiếng nói từng người. Nhưng thật là một sự tàn ác man rợ khi những người sống gần sát bên nhau năm này qua năm khác mà chỉ nhìn thấy được hai bàn tay nhau khi nói chuyện sống, chuyện chết với nhau; không một lần được ngồi đối diện hay được nhìn mặt nhau mà nói.
– Có luật sư mới à? Tốt đấy, Sam…
– Thằng nhỏ này hay lắm, ly kỳ nữa…
– Ông nói cái gì? Thằng nhỏ nào?
– Luật sư của tôi ấy…
– Làm sao?
– Nó là cháu tôi. Cháu nội. Gọi tôi bằng ông.
– Cái gì? Luật sư là cháu nội?
– Ừa. Cháu tôi là luật sư. Đến từ Chicago để đại diện cho tôi. May ra…
– Chưa bao giờ nghe ông nói ông có cháu nội, cháu ngoại.
– Hai mươi năm rồi có gặp nó đâu. Gia đình nó ở California. Hôm qua nó đến gặp tôi, xưng là luật sư và muốn đại diện cho tôi.
– Năm nay nó bao nhiêu tuổi?
– Hai mươi sáu.
– Ý chà… Ông chịu để cho một anh mới hai mươi sáu tuổi lo việc bảo vệ quyền lợi của ông sao?
Câu nói của Gullit làm Sam thấy bực bội:
– Đến lúc này tôi còn bày đặt lựa chọn gì nữa.
– Cũng đúng. Tôi muốn nói ông còn biết rõ luật hơn nó nữa. Về kinh nghiệm toà án thì chắc chắn ông nhiều hơn nó.
– Có thể, nhưng mình có luật sư đàng hoàng vẫn hơn. Tận tâm với mình thì ai bằng được con cháu mình.
Sam đốt điếu thuốc lá mới đưa sang cho Gullit. Người bạn tù láng giềng này là người duy nhất được ông mời thuốc. Hank Henshaw, người bạn tù ở phòng giam bên phải, không hút thuốc.
Hai người im lặng thưởng thức khói thuốc trong một lúc. Rồi Gullit hỏi:
– Có hy vọng gì nhiều không ông?
– Có đấy. Tôi thấy thằng nhỏ được lắm. Rất sắc.
Gullit tắc lưỡi:
– Kỳ cục dữ ta. Chuyện đời chẳng ai ngờ trước được. Cháu nội làm luật sư vào tù đại diện cho ông nội bị án tử hình. Không thể tưởng tượng được. Cứ như là chuyện tiểu thuyết hay phim.
Gullit ba mươi mốt tuổi, có vợ nhưng chưa có con. Chị vợ anh có tính gọi là “hoa nguyệt” tức nhẹ là lẳng lơ, nặng là dâm đãng, đĩ thoã. Tuy có chồng, chị vẫn cứ giao du thân mật với hết tình nhân này đến tình nhân khác. Là một phụ nữ tàn nhẫn, vô lương tâm, chị không đến nhà tù thăm chồng được một lần. Đã vậy có lần chị còn viết thư gửi vào báo cho anh chồng ngồi tù tin vui chị đã mang bầu. Nhận được thư vợ, Gullit rầu rĩ không nói không rằng suốt mấy ngày đêm. Sau đó anh tâm sự với ông già Sam Cayhall đã mấy lần anh đánh chị vợ đến chết đi sống lại nhưng chị vẫn cứ chứng nào tật nấy. Anh nói anh cũng ngoại tình lung tung, chẳng cần che giấu. Một tháng sau ngày báo tin mang bầu, chị vợ lại tống thư vào tù cho chồng biết chị đã phá thai, chị xin lỗi anh và chị nhất định không chịu ly dị anh, chị đợi anh trở về.
– Kỳ cục thật đấy! – Già Sam nói – Mặt mũi nó giống mẹ nhiều hơn giống bố.
– Vậy là anh cháu của ông ngất ngư đi vào nhà tù nói với ông nội… Ông ơi, cháu đây?
– Không. Lúc đầu nó không chịu nói ngay. Tội nghiệp cháu tôi. Nó làm gì nên tội mà cũng phải… Có người ông như tôi, nó có sung sướng gì đâu! Lúc đầu tôi nói với nó chuyện cà kê lằng nhằng mãi. Sau rồi tôi thấy ngờ ngợ vì giọng nói của nó. Không biết có phải vì cái mình vẫn gọi là tình máu mủ, tình ruột thịt không. Tự nhiên tôi thấy nghi nghi. Thằng nhỏ mặt mũi không giống bố mấy nhưng giọng nói và điệu bộ, từ cái đưa mắt nhìn đến cái nhếch môi, cái nhún vai, tôi thấy rõ ràng hình ảnh bố nó thời bố nó bằng tuổi nó. Tôi hỏi, nó mới nhận.
– Bố nó là con ông? Sao không thấy anh ấy đến thăm ông?
– Con tôi chết rồi.
Quyển sách được “thả diều” từ phòng Cậu Đạo đến. Sam cầm sách trở về giường nằm đọc. Im lặng dần dần lắng đọng trong khu Tử hình. Dường như đêm nay những tử tù trong dãy A đều chán xem tivi. May mắn là đêm nay Cậu Đạo không hát. Ngoài việc giảng Sấm truyền, nhiều lúc cậu nổi hứng hát Thánh ca – những bài Thánh ca do cậu ngẫu hứng biểu diễn – Cậu hát không hay lắm, chỉ được cái giọng cậu rất khoẻ. Cậu thường làm cả khu rung động và làm các bạn tù kịch liệt phản đối, đòi cậu tắt đài.