Adam đọc bản hợp đồng hai lần. Chàng thấy thú vị vì ngôn từ chất phác của bản văn nhưng phải nhìn nhận ông già khá giỏi trong việc dùng những thuật ngữ luật pháp, ông viết hợp đồng còn khá hơn một số luật sư chính hiệu con nai. Chàng đã từng đọc nhiều bản văn do những ông luật sư già viết, ngô nghê hơn bản văn này nhiều. Bản hợp đồng hai trang chàng đưa ông già, nay trở thành bốn trang, chỉ có hai lỗi chính tả.
– Ông viết giỏi đấy! – Adam nói – Trên tinh thần thì bản này của ông cũng chẳng khác gì bản con đưa ông.
Ông già phà khói thuốc:
– Trên tinh thần thì bản ông viết khác với bản con đưa ông về nhiều điểm lắm. Con đọc lại đi.
– Con thấy ông có vẻ chú trọng nhiều đến năm điểm: Ông Thống đốc; Sách báo; Phim ảnh; Việc chấm dứt hợp đồng ủy quyền; và những ai là người được chứng kiến nếu có cuộc thi hành án.
Ông già nghiêm trọng nói từng tiếng:
– Ông chú trọng đến nhiều chuyện. Ông muốn con nhớ những điều khoản ông ghi trong hợp đồng là không thể sửa đổi được dù vì bất cứ lý do gì. Con vi phạm một điều thôi là hợp đồng tự động mất hiệu lực.
– Ông đòi hỏi thế cũng là hợp lý.
– Ông không cần biết có hợp lý hay không. Ông muốn như thế và ông quyết định sự việc sẽ như thế. Quyết định của ông không thể bị vi phạm hay sửa đổi. Đề nghị sửa cũng không được. Không một người nào khác ngoài con ra được chạm tay vào hồ sơ của ông. Không một tên Do Thái nào ở nhà Kravitz & Bane được phép quấy rầy ông hay nhân danh ông tuyên bố nọ kia. Bọn đàn bà và bọn mọi đen cũng vậy…
– Ông ơi, ông gọi người ta là dân da màu hay người Mỹ gốc Phi có được không?
– Úp… xin lỗi… Từ nay ông sẽ cố ăn nói theo ý con. Cũng được thôi. Chỉ có điều là tốn thêm nước miếng. Bọn đen sẽ là người Mỹ gốc Phi, rồi bọn Mỹ gốc Do Thái. Ông và con sẽ là người Mỹ gốc Ireland.
Adam đưa câu chuyện trở về vấn đề hợp đồng:
– Con đồng ý với những điều khoản trong hợp đồng này.
– Con bắt buộc phải đồng ý nếu con muốn làm đại diện cho ông. Ông chỉ còn bốn tuần nữa để sống. Ông không tin ai cả ngoài con ra.
Adam đọc lại điều khoản về việc chọn người làm chứng cuộc hành quyết. Theo luật, người tử tù có quyền chọn hai người đến chứng kiến cuộc thụ hình của mình.
– Con không hiểu tại sao ông lại thắc mắc về việc chọn người làm chứng?
– Đơn giản thôi. Tại con chưa chứng kiến vụ hành quyết nào nên con chưa biết đấy thôi. Sẽ có mười lăm người được mời, hay được phép đến dự kiến. Ông là diễn viên chính nên ông được quyền có hai người làm chứng. Một số viên chức nhà tù bắt buộc phải có mặt. Trưởng giám thị có phận sự tuyển chọn số người làm chứng còn lại. Vì có quá đông người muốn dự kiến nên thường thì họ tổ chức rút thăm. Bọn phóng viên truyền thông là bọn diều hâu thích xem người khác chết nhất.
– Vậy thì ông đòi quyền tuyển lựa người làm chứng làm gì?
– Bởi vì theo luật tổ chức thực hiện cuộc hành quyết, luật sư của kẻ thụ án mặc nhiên là người làm chứng. Kẻ thụ án là ông, còn con là luật sư của ông…
– Như vậy là… ông không muốn cho con được chứng kiến?
– Đúng vậy.
– Ông giả thiết là con thích chứng kiến lắm sao?
– Ông không giả thiết gì hết, ông chỉ biết là theo thông lệ, tất cả những luật sư đều muốn nhìn thấy thân chủ của mình chết ra sao sau khi đã chịu không cứu được thân chủ. Rồi bọn luật sư sẽ ra đứng trước máy thu hình sụt sùi, nghẹn ngào kể lể mình đã cố gắng đến là chừng nào, luật pháp bất công và tàn nhẫn đến là chừng nào, vân vân…
– Và ông giả thiết là con cũng làm những trò đó?
– Không đâu. Con sẽ không làm những trò nhảm nhí đó. Ông chỉ muốn con không phải nhìn cái cảnh người ta giết ông.
– Đành vậy. Xin làm theo ý ông.
Anh cháu lại nói sang chuyện khác:
– Còn điều khoản ông viết về ông Thống đốc con sợ không được ổn, ông ạ.
– Con muốn nói gì?
– Con thấy… thế nào rồi chúng ta cũng phải… kêu gọi ông ấy.
Ông già hừ lên khinh miệt:
– Đừng nói kêu gọi! Nói thẳng là van xin đi. Điều khoản này ông viết rõ lắm: con mà đệ đơn xin hắn ân xá là ông cho con nghỉ việc.
– Ông Thống đốc có thể tha chết cho ông.
– Không đời nào hắn tha ông. Con có xin chỉ thêm nhục mà thôi. Hắn là một trong những tên muốn giết ông bằng mọi cách, mọi giá. Tại sao con lại nghĩ rằng hắn muốn để cho ông sống?
– Con không nói ông ấy muốn, con chỉ nói ông ấy có thể. Con xin ông bỏ điều khoản này.
Ông già nheo mắt nhìn anh cháu như nhìn một gã ngây ngô, xuẩn ngốc nhất đời. Rồi ông nhô người lên gần tấm lưới sắt ngăn cách để nói cho anh cháu nghe thật rõ:
– Nếu con mơ mộng hắn có thể ra lệnh tha chết cho ông trong phút cuối cùng thì con ngây thơ quá đấy. Để ông nói cho con biết hắn sẽ làm gì khi con đệ đơn xin ân xá. Hắn sẽ lợi dụng con tối đa để tự quảng cáo có lợi cho hắn. Hắn sẽ mời con đến văn phòng của hắn. Trước khi con đến, hắn đã cho bọn phóng viên truyền thông biết để bọn này dựng đồ nghề chờ sẵn. Hắn sẽ nghiêm trọng chăm chú nghe con trình bày, hắn sẽ hứa là hắn sẽ suy nghĩ thật chín và hắn thực tâm không muốn thấy ông phải chết. Hắn hẹn gặp con lần thứ hai. Rồi khi con vừa ra khỏi văn phòng, lập tức hắn mở cuộc họp báo. Hắn kể hết cho bọn nhà báo nghe tất cả những lời con vừa nói với hắn. Càng gần đến ngày chúng giết ông, bọn phóng viên nhà báo, hãng truyền thông, thông tấn càng loan tin ồn ào hơn. Tên chó đẻ ấy sẽ lợi dụng để được xuất hiện trên báo, trên màn ảnh tivi nhiều chừng nào tốt chừng nấy. Hắn có thể tiếp con mỗi ngày nếu con muốn.
– Ông ấy vẫn có thể làm tất cả những việc ông vừa kể dù ta có xin ân xá hay không.
– Đồng ý. Ta không thể ngăn được hắn làm trò khỉ nhưng ta không giúp phương tiện cho hắn làm trò. Ông không muốn ông bị hắn lợi dụng. Đằng nào hắn cũng sẽ giết ông, xin xỏ làm chi cho thêm hèn hạ? Rồi con sẽ thấy: một giờ đồng hồ trước khi chúng giết ông trong phòng hơi độc, tên khốn nạn ấy lại mở cuộc họp báo – có thể ở nhà riêng của hắn, có thể ở ngay trong khám đường này – hắn sẽ đứng trước cả trăm ống kính thu hình để tuyên bố hắn không thể nào ân xá cho ông được, hắn không muốn thấy ông chết nhưng mà… Hắn sẽ làm cái trò khỉ ấy với nước mắt lưng tròng.
Anh cháu vẫn tiếc rẻ:
– Con thấy chẳng có gì thiệt hại cho ta cả khi ta phải giao thiệp với ông ấy.
– Con cứ đến gặp hắn đi. Gặp xong thì con về thẳng Chicago.
– Ông có vẻ thù ghét nhiều người quá. Sao vậy, ông?
Ông già nhún vai:
– Hỏi ngu xuẩn.
– Sao lại ngu xuẩn?
– Vì con đang ngồi ở nửa phòng bên đó, vì lát nữa con tự do đi ra và đi thẳng ra ngoài trời thênh thang. Ra ngoài rồi chỉ vài phút sau con quên đi cảnh tù đày ảm đạm này. Tối nay con đi ăn nhà hàng, nghe nhạc êm dịu, uống vài ly rượu ngọt, thấy cuộc đời lâng lâng. Còn ông thì… ông bị người ta đối xử như con vật. Ông sống trong chuồng. Ông có bản án tử hình treo trên đầu. Án này cho phép bọn cầm quyền Mississippi giết ông hợp pháp sau bốn tuần lễ nữa. Làm sao ông có thể có lòng nhân ái và thương yêu người khác được? Vì vậy mà ông bảo câu hỏi của con là ngu xuẩn.
– Như vậy con có thể hiểu ông muốn nói ông là người có lòng nhân ái và yêu thương người khác trước khi ông bị đưa vào nhà tù này?
Ông già lắc đầu:
– Lại một câu hỏi ngu xuẩn nữa.
Chàng trai nhắc lại:
– Sao lại ngu xuẩn ạ?
– Vì không đúng chỗ, đúng người. Thưa ông cố vấn… ông là luật sư, ông không phải là nhà phân tâm học.
– Con là cháu của ông. Con nghĩ con có quyền hỏi ông về dĩ vãng của ông. Dĩ vãng của ông cũng là dĩ vãng của con.
– Đúng. Con có quyền. Con hỏi đi. Có thể sẽ có nhiều câu con hỏi mà ông không trả lời đâu. Có thể ngay bây giờ con không hiểu nhưng ông tin là mai sau, khi nhớ lại những ngày này, những ngày ông cháu ta gặp lại nhau, những buổi chúng ta trò chuyện với nhau, con sẽ hiểu tại sao ông không trả lời.
Hai ông cháu trầm ngâm trong một lúc.
Ông già hút thuốc, dụi tàn, đốt điếu thuốc mới liên miên. Chàng trai nhìn ngây lên những ô mắt cáo của tấm lưới sắt.
– Ông cho con biết tại sao ông lại trở thành một thành viên đảng KKK?
Ông già trả lời dễ dàng:
– Vì ông bố của ông là người KKK.
– Tại sao ông cụ lại là người KKK?
– Vì ông thân sinh của ông ấy là người KKK.
Chàng trai thở dài:
– Hay quá! Ba thế hệ.
– Bốn chứ không phải ba. Đại tá Jacob Cayhall từng chiến đấu dũng cảm trong cuộc nội chiến, bị thương trên chiến trường, được trao tặng nhiều huân chương, được nhiều người kính mến, là một trong những người sáng lập ra tổ chức KKK ở miền đất nhiều mọi đen này. Xin lỗi… nhiều người Mỹ gốc Phi. Đại tá là cụ cố của ông. Từ cụ cố đến con là năm đời. Không… là sáu đời chứ.
Anh cháu ngập ngừng:
– Ông cho phép con có một nhận xét…
Khói thuốc lá luẩn quẩn trong căn phòng kín làm cho không khí như đặc mờ sương trắng, ông già tử tù trong bộ đồ tù màu đỏ nổi bật lên giữa vùng sương nhạt ấy. Ông gật đầu ra hiệu cho anh cháu nói.
– Con thấy ông có vẻ kiêu hãnh vì nhà ta có nhiều đời tham gia Ku Klux Klan.
– Không phải là chuyện kiêu hãnh. Trong thời các cụ của con, cả trong thời ông còn trẻ, hoạt động KKK là việc phải làm. Ông không trách con hay đòi hỏi con phải tán thành những hoạt động KKK đâu. Thời ông khác, thời con khác. Con không hiểu, con cho là sai lầm, con thấy chẳng có gì đáng kiêu hãnh là đúng thôi. Nếu con ra đời cùng năm với ông, con sẽ không thắc mắc gì về việc phải gia nhập KKK đâu. Ông tin con còn hoạt động mạnh hơn ông nữa.
Hai ông cháu lại cùng im lặng.
Đến lượt ông già đổi chuyện:
– Con có chịu ký hợp đồng này không?
– Dạ chịu.
– Ký đi.
Adam ký tên vào văn bản rồi đưa sang cho ông nội. Ông già nhìn ngắm hai chữ ký nằm bên nhau: Cayhall và Hall.
– Con trở thành Hall từ bao giờ?
– Năm con bốn tuổi. Con không biết gì về chuyện bố con đổi tên họ. Những năm con còn nhỏ, con chẳng thắc mắc gì về chuyện tại sao bố lại thay tên, đổi họ.
Ông già tặc lưỡi:
– Bố con còn giữ cái đuôi Hall làm gì! Sao không đổi luôn sang cái họ nào hoàn toàn khác? Thiếu gì… Miller, Dupont, Long, Brown…
– Con chắc bố cũng tiếc dĩ văng. Người ta khó có thể chỉ một nhát dao là cắt trọn vẹn được quá khứ.
Ông già châm điếu thuốc mới, ông trầm ngâm hút, thở ba bốn hơi khói trước khi nói:
– Adam, ông cháu ta tạm gác chuyện gia đình lại nhé, được không con? Nếu có thì giờ chúng ta sẽ lại nói. Bây giờ ông muốn biết sẽ có những gì xảy đến với ông, ông có những cơ may nào để có thể thoát chết? Cho ông biết con sẽ làm những gì để ngừng đôi kim đồng hồ? Con định làm gì cho ông?
– Thưa ông, việc con làm tùy thuộc vào những gì ông chịu cho con biết về vụ đặt bom văn phòng Kramer.
– Nghĩa là sao?
– Nếu ông chịu cho con biết một số những sự kiện mới trong vụ đặt bom, những chi tiết ông không chịu khai trong những phiên toà trước đây. Những sự kiện mà con chắc là có nhưng con không biết vì sao ông không chịu nói ra. Nếu có những sự kiện mới, vài ba cái thôi, không cần nhiều, con sẽ tìm cách đưa vụ án ra toà xin xử lại. Ông tin con đi, ta chưa tuyệt vọng. Ông cháu ta vẫn còn có thể…
Ông già thắc mắc:
– Sự kiện mới con đòi đó là những sự kiện gì?
Adam ghi ngày giờ luật sư và thân chủ vấn đáp lên trang giấy:
– Người nào đưa cái xe Pontiac đến Cleveland cho ông dùng để đi đặt bom? Tên người đó là gì?
– Ông không biết. Hắn là một tên tay chân của Dogan.
– Ông không biết tên hắn ư?
– Ông không biết.
– Thôi mà ông…
– Ông không biết thật mà. Ông thề là ông không biết kẻ nào mang chiếc xe đến đấy. Ông được hẹn chỗ đến lấy xe. Ông đến. Xe chờ sẵn đó. Trong một bãi đậu xe. Ông thắc mắc chuyện ai là người đem xe đến? Làm xong việc ông đem xe về, để lại ở bãi đậu đó.
– Tại sao người này không bị đưa ra toà cùng với ông? Dù hắn có biết xe được dùng để đi đặt bom hay không, hắn cũng là tòng phạm.
Ông già nhún vai:
– Làm sao ông biết được? Chắc tại vì ông nhận ông mượn cái xe Pontiac ấy của Dogan để đi từ Clanton.
– Vụ Kramer là vụ thứ sáu, phải không ạ?
– Chắc thế…
Ông già cúi mặt xuống. Ông trả lời nhỏ và thận trọng như sợ người khác nghe tiếng.
Anh cháu hỏi lại:
– Ông chắc thế?
– Lâu quá rồi…
Ông già nhắm mắt lại để gợi nhớ.
– FBI nói đó là vụ thứ sáu của ông.
Ông già gật đầu:
– Phải đấy. Vụ thứ sáu. FBI đã nói là đúng.
– Trong những vụ đặt bom ấy, ông đều dùng cái xe Pontiac?
– Dùng xe ấy vài lần thôi, không phải tất cả.
– Xe nào cũng do Dogan cung cấp?
Ông già gật đầu:
– Hắn là nhà mua bán xe hơi cũ.
– Trong xe để sẵn chất nổ?
– Ừ. Chất nổ để sẵn trong cốp xe. Dogan có đủ súng và chất nổ để trang bị cho ít nhất là một tiểu đoàn, nhưng bọn FBI không tìm ra kho vũ khí của hắn.
– Ông học cách dùng chất nổ ở đâu?
– Người KKK chỉ dạy cho nhau. Học bằng cách đọc sách. Dùng chất nổ có gì là khó. Chỉ cần học chừng năm, bảy phút, được dạy vài mánh khoé là thằng ngu nhất đời cũng sử dụng được chất nổ. Dễ như đốt pháo. Đánh diêm châm lửa vào dây dẫn lửa rồi chạy cho nhanh, cho xa. Giản dị thế thôi.
Adam nhìn vào sổ ghi của chàng:
– Ngày 2 tháng 3 năm 1967, giáo đường Hirsh ở Jackson bị đặt bom. Có phải ông là tác giả không?
Sam xoay xoay điếu thuốc giữa hai ngón tay:
– Chuyện ấy có gì quan trọng?
– Câu hỏi đơn giản mà. Ông chỉ cần trả lời phải hay không. Không còn bao nhiêu thì giờ nữa.
– Phải.
– Ai cùng đi với ông?
– Tại sao con lại nghĩ là có ai cùng đi?
– Đơn giản thôi. Chẳng ai đi đặt bom một mình hoài hoài. Ông có thể làm vài vụ một mình nhưng không thể vụ nào ông cũng chỉ đi một mình. Còn có người làm chứng rằng anh ta nhìn thấy hai người trong chiếc xe Pontiac màu xanh lá cây chạy gần giáo đường vài phút trước khi bom nổ. Người làm chứng ấy còn định ra toà khai chính mắt anh ta nhìn thấy ông là người lái xe.
Ông già mỉm cười:
– A… anh bạn đó tên là Bascar. Ông có đọc chuyện anh ta kể đăng trên tờ báo nào đó. Cũng theo bài báo thì đêm ấy anh bạn Bascar từ tiệm rượu ra, say mèm. Anh ta chỉ ba hoa về cái xe Pontiac sau khi ông đã bị bắt, ảnh ông và cái xe Pontiac được đăng lên khắp các báo. Anh ta đâu có được đưa ra toà làm chứng.
– Con đặt lại câu hỏi: Khi ông đi đặt bom giáo đường Hirsh ở Jackson ngày 2 tháng 3 năm 1967, có người nào cùng đi với ông không?
Sam im lặng một lúc khá lâu.
Adam hồi hộp chờ đợi. Thái độ của ông già cho chàng biết có người cùng đi đặt bom với ông nhưng chàng chưa hiểu vì sao ông lại không chịu nhận, không chịu khai ra người đó. Nếu ông có người cùng đi thì người đó chính là kẻ gài bom, là thủ phạm cho bom nổ và là kẻ sát nhân. Chính phạm không phải là Sam Cayhall. Rất có thể ông già chỉ là đồng loã lái xe, ông không phải là thủ phạm đã giết hai anh em song sinh nhà Kramer. Nếu ông khai ra sự kiện này, chàng có thể dùng nó để xin toà mở một phiên xử mới. Hoặc ít nhất có thể xin toà cho lệnh hoãn thi hành án.
Adam thất vọng khi ông già trả lời ngắn, gọn:
– Không có ai cả. Ông đi một mình.
Ông già nói nhỏ thôi, nhưng bình thản, như chuyện đó với ông chẳng có gì quan trọng.
Adam nói sau tiếng thở nhẹ:
– Con không tin ông.
Ông già ngước nhìn anh cháu qua những ô lưới sắt:
– Ông đi một mình. – Ông già nhắc lại. Ông nhún vai như để nói ông chẳng bận tâm gì đến việc lời nói của ông có được tin hay không.
Adam thất vọng, nhưng chàng làm ra vẻ chờ đợi ông già trả lời như thế. Chàng ghi vài chữ trên trang giấy rồi lật sang trang khác:
– Trong đêm 20 tháng 4 năm 1967, ông đến Cleveland lúc mấy giờ?
– Để ông nhớ lại xem – Ông già tỏ vẻ sốt sắng trong việc trả lời – Đi từ Clanton lúc 6 giờ tối, đến Cleveland lúc 8 giờ tối. Đến chỗ hẹn lấy xe lúc 8 giờ mấy phút.
– Chiếc xe nào ạ?
– Xe Pontiac. Nhưng ông đến quá sớm. Chiếc xe chưa có ở đó nên ông chạy thẳng về thành phố Greenville, đi một vòng xem tình hình ra sao.
– Trước đó ông có đến Greenville, phải không ạ?
– Nhiều lần.
Ông già tự ý kể dù anh cháu không hỏi:
– Hai tuần trước ông có vào tận văn phòng Kramer. Ông vào toà nhà tìm chỗ đặt bom.
– Ông làm thế để làm gì?
Ông già mỉm cười:
– Ông biết con không nỡ nói… Ông đâu còn trẻ gì mà phải tỏ ra can đảm, bất chấp nguy hiểm? Không phải thế đâu! Ông chỉ muốn không bị bối rối bất ngờ khi hành sự.
– Con muốn nói đến việc người nữ thư ký tiếp ông, ra toà nhận diện ông, khai ông là người trước đó đã vào toà nhà hỏi thăm…
– Ông làm thế là ngu. Tất nhiên. – Sam gật đầu – Nhưng lúc ấy ông đâu có nghĩ đến chuyện ông sẽ bị bắt và chị thư ký thấy ảnh ông trên báo, nhớ ra ông. Khi chuyện xảy ra rồi, phê phán khôn ngoan là việc dễ làm.
Thấy ông mình có vẻ chịu nói chuyện, chịu khai, Adam vội đặt câu hỏi:
– Ông lái xe về Greenville chạy lòng vòng trong thành phố rồi sao nữa?
– Ông trở về Cleveland để lấy chiếc xe Pontiac trong chứa chất nổ. Dogan soạn kế hoạch rất kỹ: nếu đến điểm hẹn A không thấy xe thì đến điểm hẹn B.
– Và ông thấy cái Pontiac ở điểm hẹn B? Ai đưa chìa khoá xe cho ông?
– Chìa khoá để dưới tấm bạt trải sàn xe chỗ tay lái. Dễ thôi. Con biết dư mà. Chìa khoá giấu ở đâu chẳng được.
– Rồi ông làm những gì?
– Lái xe đi. Ra xa lộ, quẹo vào một đường nhỏ, mở cốp xe ra xem số mìn để trong đó.
– Có bao nhiêu cây mìn tất cả?
– Mười lăm. Chắc thế. Ông vẫn quen dùng từ mười hai đến hai mươi cây mìn tùy theo toà nhà bị đặt bom lớn hay nhỏ. Hai mươi cây mìn được dùng để đánh giáo đường Hirsh vì toà nhà này được xây bằng đá tảng. Còn toà nhà có văn phòng anh Do Thái Kramer là nhà vách gỗ, chỉ cần mười hai cây cốt mìn là thành bình địa.
– Ngoài những cây thuốc nổ ra, ông còn thấy những gì khác trong cốp xe?
– Mấy thứ linh tinh. Lâu quá làm sao ông nhớ hết. Ngòi nổ, dây dẫn lửa…
– Còn gì nữa không?
– Chỉ có từng ấy thứ thôi. Bộ con muốn ông kê khai cả bánh xe dự phòng với mấy hũ dầu máy, dầu thắng hay sao?
– Con chỉ muốn ông nói rõ về những vật dụng dùng để đặt bom. Trái bom làm nổ văn phòng Kramer được cho nổ chậm bằng một cái đồng hồ. Cái đồng hồ đó ở đâu ra?
– À… cái đồng hồ. Ông quên mất. Cái đồng hồ ấy để riêng trong một cái túi khác nhưng cũng ở trong cốp xe.
Adam lắc đầu:
– Con chắc ông cũng thấy chuyện ông kể có lỗ hổng lớn bằng cái thùng xăng chứ? Đã có dây dẫn lửa rồi thì còn cần gì phải có đồng hồ cho nổ chậm nữa?
Ông già vẫn thản nhiên:
– Đó là ý của Dogan. Hắn cho ông quyền chọn lửa: cho nổ bằng dây dẫn lửa hay bằng đồng hồ.
Chàng trai thắc mắc:
– Ông ơi, ông nói sai về chuyện này để làm gì? Người cùng đi đặt bom với ông đêm ấy là ai? Tại sao ông lại phải che đậy cho hắn? Con thật không muốn nhắc ông nhớ… Con xin lỗi ông trước. Cái án của ông…
Adam nghẹn lời. Chàng không thể nói với ông nội chàng một câu trắng trợn và tàn nhẫn như: “Người ta sắp giết ông, ông còn chờ gì nữa?” Một ý nghĩ bỗng loé lên trong óc chàng: “Hay là người đi với ông là một người thân thiết? Một ông bác, ông chú nào đó của mình chăng?”
– Người đi với ông là một người thân của ông cháu ta ư? – Chàng dịu giọng hỏi.
Ông già lắc đầu:
– Ông đã nói không có ai cùng đi với ông mà.
Adam nén tiếng thở dài. Chàng hỏi tiếp:
– Ông tả hình dáng cái đồng hồ ấy cho con nghe nào.
– Bắt ông kể làm gì cho mất thì giờ. Bọn FBI đã chế ra một trái bom mà, tuy chẳng ưa gì bọn hắn, ông cũng phải nhận là trái bom của họ gần giống y hệt trái bom ông dùng. FBI cũng tìm được một vài mảnh vụn của cái đồng hồ và tìm mua được một cái đồng hồ giống hệt đem trình trước toà. Con không nhìn thấy cái đồng hồ ấy ở toà nhưng chắc con đã nhìn thấy ảnh nó trong hồ sơ.
– Con có thấy. – Adam gật đầu – Con chỉ hỏi ông vì con biết ông không nhìn thấy cái đồng hồ ấy trước ngày ông ra toà. Người nào đi đặt bom với ông đêm đó đã mang cái đồng hồ ấy theo. Người ấy quyết định cho bom nổ bằng đồng hồ. Không phải ông.
Ông già im lặng.
Adam nghĩ thầm: “Mình đoán đúng. Nhưng điều quan trọng là ông nội mình phải tự khai điều đó. Lạ thật! Có những người dựng đứng sự kiện lên để khai, để tự cứu mạng. Riêng ông nội mình thì thà chịu chết chứ không khai”.
– Đây là vụ thứ nhất ông dùng đồng hồ gài cho bom nổ chậm?
Để trả lời, ông già tử tù chỉ gật đầu.
– Tại sao? Những lần trước ông đều dùng dây dẫn lửa, tại sao lần này ông lại bày đặt đổi sang đồng hồ?
Ông già nhún đôi vai gầy:
– Người ta đã hỏi ông câu ấy cả trăm lần.
– Vâng. Con đã đọc những câu trả lời của ông trong hồ sơ, nhưng con muốn chính ông trả lời cho con biết. Tại sao ông lại đổi? Con hy vọng với con ông sẽ có câu trả lời khác.
– Không khác đâu, con đừng chờ đợi. – Ông già nói bằng giọng trầm buồn – Ông thay đổi vì ông muốn thử một trò chơi mới. Có gì là lạ khi sau mấy vụ cho bom nổ bằng dây dẫn lửa, ông đổi sang dùng đồng hồ? Ông đã chán cái trò quẹt diêm châm lửa rồi ba chân bốn cẳng chạy cho nhanh. Ông muốn có một thời gian an toàn để đàng hoàng đi đến một khoảng cách xa, như đến một tiệm cà phê chẳng hạn, ngồi đó nhâm nhi ly cà phê nóng, chờ nghe bom nổ.
– Ông gài trái bom ở văn phòng Kramer lúc mấy giờ?
– Khoảng bốn giờ sáng.
– Ông cho nó nổ lúc mấy giờ?
– Năm giờ. Nhưng có sự trục trặc ông không hiểu là vì sao bom không nổ lúc năm giờ sáng mà lại nổ vài phút trước tám giờ sáng. Vì vậy nên mới có người chết và hôm nay ông mới ngồi đây bận bộ đồ tử tù này.
– Ông có chủ tâm giết luật sư Kramer không?
– Không. Bọn ông không chủ trương giết người, chỉ làm sập nhà cho bọn nó sợ thôi.
– Tại sao trước toà Dogan lại khai đổ tội cho ông cố ý dùng đồng hồ gài cho bom nổ chậm để giết luật sư Kramer? Ông nhớ chứ? Dogan khai trái bom hắn cung cấp cho ông có kèm dây dẫn lửa. Việc cho nổ bằng đồng hồ là do ý ông, hắn hoàn toàn không biết.
– Dogan khai bậy để cứu cái thân hắn. Hắn sợ đến phát điên vì bị FBI quấy rầy mấy năm liền. Ông cho con biết một sự kiện về tâm lý…
Ông già mỉm cười. Khói thuốc lá lại dày đặc vây quanh chỗ ông ngồi như một màn sương huyền ảo:
– Có thể con biết rồi nhưng ông cũng cứ nói. Người đã ở trong tù rồi thì không còn sợ bị bắt vào tù nữa. Người ở bên ngoài với vợ con, người được tự do thì rất sợ bị bắt vào tù. Đó là trường hợp của ông và Dogan, và đó cũng là sự khác nhau giữa ông và Dogan. Nếu hắn bị bắt mà ông còn ở ngoài, chắc ông cũng sợ như hắn và ông cũng làm như hắn.
– Còn vụ đặt bom nhà Pinder? Ông nói ông không chủ trương làm chết người nhưng trái bom ấy được cho nổ lúc bốn giờ sáng trong lúc cả gia đình Pinder đang ngủ say. May mà chỉ có một người bị thương.
– Chẳng có gì may hay rủi hết. Trái bom ấy được cho nổ ở nhà để xe. Nếu cho nó lên nhà trên thì bọn Pinder đã chết hết.
– Không muốn giết người, vậy ông đặt bom để làm gì?
– Đe dọa. Trả đũa. Giữ cho bọn Do Thái khốn nạn không được giúp đỡ bọn đòi quyền bình đẳng, giữ cho bọn đen ở yên trong những vùng dành riêng cho chúng. Chúng có trường học, nhà thờ, phòng vệ sinh, khu gia cư riêng của chúng. Bọn ông không muốn chúng được chung đụng với phụ nữ da trắng, trẻ con da trắng. – Ông già đứng lên như để nói cho rõ hơn. Ông có vẻ xúc động – Adam, con nghe ông nói đây. Ông không có ý định giết ai hết. Trái bom được gài cho nổ lúc năm giờ sáng nhưng vì trục trặc sao đó nên gần tám giờ sáng nó mới nổ. Dù nó có nổ lúc tám giờ sáng, hai đứa con nhà Kramer cũng không chết nếu sáng hôm ấy bố chúng nó không đưa chúng đến văn phòng chơi, chờ giờ đến nhà trẻ. Định mệnh. Chúng chết vì sáng hôm ấy bà mẹ chúng bị đau, không đưa chúng đến nhà trẻ được.
Adam thốt ra tiếng thở dài:
– Khi luật sư Kramer bị cụt hai chân, chẳng ai thấy ông tỏ vẻ hối hận gì. Khi ông ta chết, ông vẫn thản nhiên.
– Hắn tự tử. Ông có giết hắn đâu?
– Con xin lỗi, ông có giận con cũng phải nói: ông… bệnh quá đấy!
Ông già nhún vai:
– Bệnh chứ sao không! Bao giờ vào phòng hơi độc, ông còn bệnh nữa.
Adam không nói về chuyện đó nữa. Ông cháu chàng sẽ tranh luận về các vấn đề chủng tộc và thù hận sau này nếu họ có dịp, còn bây giờ chàng phải hỏi kỹ ông già về vụ đặt bom. Không có hy vọng ông sẽ nói với chàng chuyện gì mới nhưng… biết đâu đấy!
– Lúc hai giờ đêm hôm ấy, con muốn nói là đêm ông đem bom đi gài ở văn phòng Kramer, có người trông thấy ông ngồi với một người đàn ông ít tuổi hơn ông trong một tiệm cà phê ở Cleveland. Người ấy là ai?
Sam Cayhall ngồi xuống ghế. Ông đốt điếu thuốc mới và mỉm cười như ông đã biết trước sẽ có câu hỏi này.
– Người khai trông thấy ông đi với một gã đàn ông đêm ấy là anh chàng Tommy Harris. Anh chàng này cũng khai bậy cho vui thôi. Hắn muốn được ký giả phỏng vấn, đưa tên, đưa hình lên báo, lên tivi. Mãi đến hơn ba năm sau, hắn mới nói hắn trông thấy ông trong đêm ông đến Cleveland.
– Tại sao Tommy Harris lại không ra toà làm chứng?
– Đừng hỏi ông chuyện ấy chứ. Hắn không được mời ra toà có thể vì chẳng ai tin hắn. Việc ông ngồi uống cà phê với ai bảy giờ đồng hồ trước khi bom nổ chẳng có gì quan trọng. Có thể vì lúc đó tiệm đông khách, tình cờ ông ngồi cùng bàn với một người lạ.
Adam ghi mấy dòng lên giấy:
– Ông cho con biết đặt bom trong văn phòng Kramer xong, ông đi đâu, làm gì?
– Theo như dự tính, đặt bom xong ông đi khỏi Greenville ngay nhưng có rắc rối xảy ra nên phải nhiều tháng sau ông mới đi khỏi được Greenville.
– Vậy thì đặt bom xong ông đi đâu?
– Đến một tiệm cà phê ở Greenville.
– Tại sao ông không đi khỏi Greenville ngay?
– Ông chờ nghe tiếng bom nổ. Ông muốn nghe tiếng bom và nhìn cảnh nhốn nháo, sợ hãi.
– Ông đã từng làm như thế trong những vụ đặt bom trước?
– Vài lần.
Ông già thở ra làn khói xanh. Khói thuốc như khơi dòng tâm sự của ông. Ông kể mà không cần chàng trai yêu cầu:
– Tháng Giêng năm ấy ông đặt bom nhà kinh doanh địa ốc ở Jackson. Nhà này can tội bán nhà trả góp cho bọn mọi… xin lỗi… cho dân Mỹ gốc Phi. Tất nhiên chủ nhà là một anh Do Thái. Ông vừa vào một tiệm ăn cách đó ba khu phố thì bom nổ. Lần đó ông dùng dây dẫn lửa. Loại dây này cháy rất nhanh. Chị hầu bàn chưa kịp đặt ly cà phê của ông xuống bàn thì bom nổ, mặt đất rung chuyển làm chị ta đứng không vững, cà phê đổ lênh láng trên bàn. Tất cả mọi người trong vài giây đều ngây như tượng gỗ. Chỉ có mình ông là không ngạc nhiên, không sợ, vẫn tỉnh trí. Lúc ấy là bốn giờ sáng. Tiệm ăn đã có khách tài xế xe tải, khách đi giao hàng, có cả vài anh cớm ngồi trong góc. Sau vài giây ngồi ngây, mọi người nháo nhào chạy ra ngoài. Trông thật buồn cười, thảm hại nữa.
– Và cảnh tượng đó làm ông thích thú?
– Thú chứ! – Ánh mắt ông già sáng lên khi hồi tưởng – Thú nhất là vụ đặt bom nhà Pinder. Thơ mộng và đẹp. Nhà Pinder ở trong thung lũng. Ông lái xe lên đồi, đậu dưới hàng cây, nhìn xuống. Trăng sáng, đêm lạnh và tĩnh mịch. Tiếng gió rì rào trong cành lá. Tiếng côn trùng nỉ non trong cỏ ướt sương. Những bông hoa đang hé nụ… vân vân và vân vân… Ông một mình ngắm cảnh. Thiên hạ say ngủ hết, một mình ông tỉnh. Và… Bùm… Bom nổ. Ông nhìn thấy rõ cả cái mái nhà để xe nhà Pinder bốc lên trời…
Adam lắng nghe từng tiếng. Ông già ngừng kể một lúc khá lâu chàng mới hỏi:
– Trở lại với Greenville đêm ấy… Đặt bom xong, ông đến tiệm cà phê nào?
– Ông không nhớ.
– Tên tiệm cà phê?
– Ông không nhớ thật mà. Hai mươi ba năm rồi, làm sao ông nhớ được. Mình vào tiệm cà phê là vào thôi, có ai để ý đến tên tiệm.
– Ông cho con biết tiệm cà phê đó ở góc nào, khu nào của Greenville vậy?
– Con hỏi kỹ để làm gì? Con định đến đó tìm chị hầu bàn đêm ấy bưng cà phê cho ông, hỏi xem chị ấy có thấy người nào khác ngồi với ông không chứ gì? Vô ích thôi con ơi. Lâu quá rồi… Chị hầu ấy đâu còn làm việc ở đó nữa. Có còn, chị ta cũng chẳng thể nào nhớ được!
Ông già hỏi lại chàng trẻ:
– Bộ con nghi là ông nói dối sao?
Adam gật đầu:
– Vâng. Con nghi.
– Tại sao nghi?
– Tại vì ông không giải thích được thoả đáng việc ông học ở đâu, ai dạy ông, ông thực tập hồi nào cách gài cho bom nổ chậm bằng đồng hồ báo thức.
– Ông đã nói rồi. Ông tự học. Có sách dạy. Dễ ợt, có gì khó!
– Ông có cho bom gắn đồng hồ nổ thử lần nào không?
– Có một lần.
– Ông cho nổ ở đâu?
– Trong khu rừng gần nhà ông. Ông dùng hai cây thuốc nổ thôi, đặt trong hốc đá cùng với đồng hồ. Bom nổ đúng như ông đặt giờ.
– Hay quá. Và ông giấu những cây mìn dùng để thí nghiệm ấy ở đâu?
– Trong nhà để xe của ông.
– Nhà gara ấy là phòng thí nghiệm của ông?
– Chứ sao.
– Nhân viên FBI xét kỹ toàn bộ khu nhà ông sau khi ông bị bắt. Họ tìm được đủ mọi thứ nhưng hoàn toàn không tìm được qua một dấu vết nào chứng tỏ trong nhà ông từng có chất nổ. Tại sao vậy?
– Có thể tại vì bọn FBI gà mờ, ăn hại. Có thể vì ông quá thận trọng và khéo léo làm mất hết dấu vết.
– Cũng có thể vì ông chưa bao giờ mang chất nổ về nhà, vì mọi trái bom đều do người khác cung cấp cho ông. Trái bom làm nổ văn phòng Kramer chắc chắn phải do một người có kinh nghiệm về việc sử dụng chất nổ đặt. Người đó nhất định không phải là ông.
Đưa điếu thuốc lên môi, ông già giơ cả hai bàn tay ra làm một cử chỉ như để nói: “Xin lỗi, tôi không còn gì để nói cả!”
– Ông ngồi trong tiệm cà phê đó bao lâu?
– Lâu lắm. Thời gian chờ đợi bao giờ cũng thấy lâu. Năm giờ. Rồi năm giờ mười lăm, năm giờ ba mươi… vẫn không thấy bom nổ. Ông nóng ruột, ông nghĩ hay là trái bom đã được phát hiện và người ta đã gỡ nó đi rồi? Nếu được thế thì hay. Coi như thất bại nhưng không làm ai chết. Gần sáu giờ sáng, ông lái xe chạy trở lại khu văn phòng Kramer. Ông đi ngang trước cửa toà nhà. Khu phố yên tĩnh. Không thấy có vẻ gì là trái bom bị phát hiện. Đường phố loáng thoáng có người xe qua lại. Ông chạy xe qua sông, đến làng Hồ bên Arkansas mới quay trở lại. Ông về tới Greenville lúc bảy giờ sáng. Bom vẫn chưa nổ. Người ta đã đi lại đông rồi, ông đậu xe ở khu phố gần đó, xuống xe đi bộ. Chờ đợi, vẫn không thấy bom nổ.
– Ông có nhìn thấy luật sư Kramer đưa hai con vào văn phòng không?
– Không. Nhưng ông trông thấy cái xe đậu ở sân để xe sau nhà và không biết tại sao linh tính cho ông biết đó là xe của Kramer. Ông nghĩ: “Chết rồi! Tên luật sư Do Thái ấy đã đến văn phòng…” Ông không muốn hắn chết nhưng biết làm sao bây giờ? Ông điếng hồn. Cuống quá, ông nghĩ đến chuyện gọi điện để báo cho hắn biết văn phòng hắn bị đặt bom. Tất nhiên là gọi đến mà không xưng tên. Cho hắn chạy và những người khác trong nhà đó chạy theo. Chỉ chỗ đặt bom cho hắn biết để nếu hắn không tin thì đến đó mà xem. Hắn mà thấy chắc hắn còn chạy nhanh hơn nữa…
– Sao ông không làm như thế?
– Định mệnh. Gọi điện thì dễ thôi nhưng túi ông không có đồng tiền cắc nào cả. Ông không muốn vào tiệm đổi tiền, sợ họ nhớ mặt. Bảy giờ sáng cũng chỉ có mấy tiệm cà phê là mở cửa. Ông phải thú nhận với con là lúc ấy ông cuống quýt, rối trí. Tay ông run mà đầu gối ông cũng run. Ông đi ngang một tiệm cắt tóc. Tiệm đang giờ đông khách. Nhiều người ngồi chờ cạo râu để đến sở làm. Ông vào tiệm, đứng lớ ngớ rồi lại đi ra. Từ phút đó ông không nhớ được gì rõ ràng cho đến khi ông thấy ông ngồi trong đồn cảnh sát.
Có tiếng gõ cửa bên phía phòng luật sư. Trung sĩ Parker vào phòng, bưng cái khay nhựa, trên có ly cà phê:
– Mời luật sư dùng cà phê. – Parker đặt khay lên bàn trước mặt Adam.
– Cảm ơn.
Từ bên kia lưới mắt cáo, ông già tử tù nói sang:
– Cà phê của tôi hai viên đường, một muỗng kem.
– Vâng. – Trung sĩ Parker trả lời gọn.
Khi người giám thị ra khỏi phòng, Adam nói:
– Ở đây lịch sự quá.
– Parchman là nhất tiểu bang. – Ông già tử tù phụ họa – Chúng tôi luôn luôn cố gắng làm vừa lòng khách đến, vui lòng khách đi.
Người tù không được Ban giám thị ưu ái mời uống cà phê, Sam Cayhall biết chuyện đó, ông chỉ nói đùa chơi. Nhưng Luật sư Adam Hall, anh cháu của ông, không biết. Chàng chờ cà phê của ông nội được đem vào để hai ông cháu cùng uống.
Và Adam biết chuyện đó khi ông nội chàng nói:
– Uống đi con.