Mang Xuống Tuyền Đài

PHẦN III – CHƯƠNG 19



Cánh đồng lúa mì chạy dài nhiều dặm đến chân dãy đồi xanh. Những ngọn đồi cỏ mượt theo nhau vươn mình tới rặng núi hùng vĩ. Trong một thung lũng giữa vùng đồi cỏ bát ngát, mênh mông chỉ có nhiều thiên nhiên, thảo mộc mà vắng người ấy ẩn giấu mật khu Nazi.
Mật khu dàn trải trên hơn một trăm mẫu đất. Những hàng rào dây thép gai được ngụy trang thành những hàng cây leo xanh tốt. Bãi tập dã chiến, sân bắn được che lưới ngụy trang để tránh phi cơ trinh sát phát hiện. Toàn khu chỉ có hai dãy nhà gỗ là lộ diện. Người lạ nhìn thấy sẽ tưởng đây là dãy nhà của những người đi câu trong những hồ nước gần đó.
Nằm dưới lòng đất là nhiều căn hầm thiết kế tối tân. Hầm có hai thang máy lên xuống. Những đường hầm đủ rộng để những chiếc xe hơi nhỏ có thể di chuyển được nối liền những căn phòng lớn. Một phòng là nhà in. Hai phòng là kho vũ khí, đạn dược. Ba phòng lớn là những phòng tập thể. Một thư viện. Phòng lớn nhất là đại sảnh đường nơi các thành viên hội họp, thảo luận, nghe diễn giảng, xem phim.
Đại sảnh đường được trang bị những máy điện tử hiện đại y hệt như trung tâm chỉ huy chiến lược của quân đội một quốc gia hạng trung. Ở đây có những đĩa ăng-ten thu sóng từ những vệ tinh, bắt được tất cả tin tức của các đài truyền thông trên thế giới, có những giàn máy điện toán liên lạc đi khắp nơi trong nháy mắt, các máy fax, hệ thống điện thoại tối tân và những dụng cụ điện tử mới nhất.
Khoảng mươi tờ nhật báo được đưa xuống mật khu mỗi ngày. Tập báo được để trong thư viện, người chăm đọc báo nhất mật khu là một nhân vật tên Roland.
Roland gần như quanh năm sống trong mật khu. Y là nhân vật quan trọng trong Ban chỉ huy. Mỗi ngày vào lúc 9 giờ sáng, Roland tự rót một ly cà phê đem đến chỗ ngồi đọc báo. Y thích đọc báo. Y từng nhiều lần đi vòng quanh thế giới, nói thạo bốn ngôn ngữ và rất ham mê học hỏi, tìm hiểu. Y đọc báo và đánh dấu những tin đáng chú ý để những nhân vật khác đọc và để chuyên viên cho vào máy vi tính.
Roland chỉ đọc thoáng qua những trang báo thể thao, điện ảnh, thời trang. Y không bao giờ xem quảng cáo. Y chú ý đến những tin chính trị, thời sự, nhất là những tin tường thuật những vụ bạo động chủng tộc, thù hận tôn giáo. Y hào hứng khi thấy phong trào Tân Quốc xã phát triển mạnh ở Đức. Y nói tiếng Đức rất thạo. Mỗi năm y sống ở Đức ít nhất một tháng. Y theo dõi tin về toà án ở Hoa Kỳ, Tối cao Pháp viện, những vụ giết người tập thể.
Sáng nay Roland thấy báo đăng bản tin đặc biệt quan trọng đối với y. Vừa mở trang báo phát hành ở San Francisco, khuôn mặt tử tù Sam Cayhall hiện ra ngay trước mắt y. Bản tin hai cột báo, ngắn thôi, nhưng cũng đủ để báo tin Sam Cayhall, người tử tù cao niên nhất Hoa Kỳ, sắp phải thụ án và mới được một luật sư trẻ tuổi đại diện. Luật sư này lại chính là cháu nội của tử tù Sam Cayhall.
Roland đọc đi đọc lại bản tin đến ba lần. Trong vòng nửa tiếng đồng hồ, y đọc được tin về tử tù Sam Cayhall đăng trên năm, sáu tờ nhật báo. Có hai tờ đăng ảnh luật sư Adam Hall.
Roland theo dõi thật sát vụ án Sam Cayhall vì nhiều lý do. Trước nhất, đây là vụ án điển hình mà những người Nazi cần biết: một lão khủng bố Ku Klux Klan của thập niên 60 hiện sống mòn mỏi trong khám tử hình. Hồ sơ Sam Cayhall được Roland lấy từ các báo được lưu trữ ở mật khu khá nhiều. Tuy không phải là luật sư, Roland cũng biết tử tù Sam Cayhall không còn hy vọng xin kháng cáo hay xin hoãn ngày thụ án. Roland muốn Sam Cayhall chết càng sớm càng tốt nhưng y giữ kín ý muốn này vì bọn thành viên Nazi trẻ trong mật khu coi anh già Sam Cayhall là người hùng, một người da trắng cương nghị đã dám liều mạng hành xử quyền thượng đẳng của dân da trắng. Bọn Nazi này quyết định sẽ đến khám đường biểu tình phản đối việc tử tù Sam Cayhall chịu án.
Roland là hậu duệ của dân Cajun ở vùng Thibodeaux. Y sinh ra và lớn lên trên lãnh thổ Hoa Kỳ nhưng không mang quốc tịch Hoa Kỳ. Y có ba sổ thông hành giả giống hệt sổ thật: một sổ thông hành Hoa Kỳ, một sổ thông hành Đức, sổ thứ ba được coi như do Cộng hoà Ireland cấp. Y ra vào biên giới những quốc gia này không chút khó khăn.
Roland có nhiều tên giả. Phải gọi đó là những cái tên bí mật mới đúng. Một cái tên bí mật Roland đã dùng chỉ có vài người biết, mấy người này đều đã chết trừ một người. Cái tên đó là Rollie Wedge và người biết tên cuối cùng còn sống là tử tù Sam Cayhall.
Rollie Wedge, tức Roland, trốn khỏi Hoa Kỳ năm 1967 sau vụ đặt bom văn phòng luật sư Kramer cùng với Sam Cayhall. Y sang sống ở Ireland, rồi đến Libya, Munich, Lebanon. Trong hai năm 1967 và 1968, y có trở về Hoa Kỳ hai lần để theo dõi vụ xử Sam Cayhall và Jeremiah Dogan. Lúc này y đã trở thành một nhân vật quốc tế với những giấy tờ căn cước tuy giả nhưng vô cùng hoàn hảo.
Sau đó còn vài lần nữa Roland, tức Rollie Wedge, trở về Hoa Kỳ. Lần nào y cũng về vì vụ Sam Cayhall. Năm tháng qua, y dần dần quên đi vụ này. Y đến sống trong mật khu Nazi từ ba năm nay. Bây giờ y không còn là một thành viên Ku Klux Klan lỗi thời nữa. Y là một nhân vật lãnh đạo Phong trào Nazi quốc tế đầy quyền lực.
Roland vẫn chờ tin Sam Cayhall chết từ 23 năm nay. Y và Sam có chung một bí mật, y coi đó là gánh nặng và chỉ có thể gỡ ra khỏi vai y khi Sam chết. Roland rất thán phục Sam. Khác hẳn Jeremiah Dogan, Sam Cayhall tôn trọng lời thề giữ bí mật và nhất định không chịu cung khai đồng bọn. Tuy muốn thấy Sam Cayhall chết sớm, y vẫn nhìn nhận con người ấy thật cừ khôi. Dogan đã cung khai và Dogan đã chết.
Giờ đây chuyện anh cháu luật sư mới ra trường hung hăng bay đến tính chuyện cứu mạng ông nội làm Roland lo âu. Y biết trong những trường hợp thập tử nhất sinh để cứu mạng thân chủ, bọn luật sư có thể làm tất cả mọi việc. Và tử tù Sam Cayhall đã cùng đường rồi. Đây là lúc đương sự có thể cung khai sự thật vì sự hối thúc, năn nỉ của anh cháu luật sư.
Rollie Wedge thấy y phải trở về thành phố cũ để theo dõi những diễn tiến của cuộc hành quyết.
 
Adam chạy xe về phía tây, qua sông sang Arkansas, qua những trạm đậu xe tải, những trường đua chó để đi vào vùng trang trại vắng vẻ. Chàng đi qua những thôn ấp cảnh sắc đặc biệt của Hoa Kỳ ven các sườn đồi. Chàng vào uống chai Coke trong tiệm bách hoá nhà quê ven đường nơi có mấy ông già nhàn tản ngồi trên thềm nhà nói chuyện, uống bia, đuổi ruồi bằng cây quạt nan và chịu đựng cái nóng. Chàng hạ mui xe xuống rồi lại đi.
Hai giờ sau chàng ngừng xe. Lần ngừng này để hỏi thăm đường. Mũi Calico không còn xa nữa. Chàng được người ta chỉ cứ đi theo dòng sông Trắng này. Con đường hẹp, chạy vòng vèo ven những chân đồi, qua những cánh rừng khá dày, những dòng suối bạc. Nhiều người ngồi câu cá trong những chiếc bè trên sông.
Calico là một thị trấn nhỏ nằm gọn trên mũi đất nhô ra lòng sông. Có ba căn nhà nổi dùng làm bến câu cá nằm gần cầu tàu chính. Adam xuống xe trước nhà nổi tên là Calico Marina.
Chàng đi qua cầu ván ra nhà nổi. Nhiều chiếc xuồng cho mướn được buộc vào cầu ván. Một tấm bảng ghi giá tiền mướn xuồng, tiền công hướng dẫn viên, tiền mướn dụng cụ câu cá và giá tiền thuê câu cá.
Một thiếu niên bước ra đón, Adam nói:
– Tôi muốn gặp ông Wyn Lettner.
Hướng vào trong nhà, chú thiếu niên gọi lớn:
– Ông Lettner… Có khách…
Wyn Lettner là một người cao lớn, dễ đến gần hai thước, bờ vai rộng, gân guốc. Gardner Goodman từng mô tả Wyn Lettner là tay uống bia có hạng nên Adam nhìn ngay vòng bụng của ông ta. Vòng bụng ấy không có gì là vĩ đại. Lettner vào khoảng ngoài sáu mươi, mớ tóc xám nằm trong lòng chiếc mũ nỉ của dân câu cá nhà nghề. Ít nhất Adam cũng đã nhìn thấy bốn năm bức ảnh của đặc phái viên FBI Wyn Lettner trong hồ sơ của nhà Kravitz & Bane về vụ án Sam Cayhall. Trong những bức ảnh ấy, Wyn Lettner luôn luôn tỏ ra là một đặc vụ FBI điển hình: complet đen, cravat đen, sơ mi trắng, tóc cắt ngắn. Thời ấy ông ta trẻ trung và thể hình gọn gàng hơn bây giờ nhiều. Cũng tất nhiên thôi, hai mươi năm qua rồi còn gì!
– Chào anh bạn! – Giọng nói của Wyn Lettner trầm trầm dễ nghe – Tôi là Wyn Lettner.
Adam đưa tay ra bắt:
– Thưa ông, tôi là Adam Hall. Tôi cần được nói chuyện với ông.
Wyn Lettner sốt sắng:
– Chuyện gì vậy, anh Hall?
Chú thiếu niên đã trở về chỗ làm việc. Trên khoảnh sân rộng chỉ còn có hai người.
– Thưa ông, tôi là luật sư. Tôi đại diện cho tử tù Sam Cayhall hiện đang ở khám đường Parchman, Mississippi. Tôi muốn được hỏi ông vài chuyện về Sam Cayhall.
Vẻ mặt Wyn Lettner trở thành nghiêm trọng:
– Tôi có đọc tin về vụ ấy trên báo. Tôi biết Sam là ông nội của luật sư. Tôi thấy căng đấy. Khó cho cả hai người.
Bàn tay lớn tướng của hộ pháp Lettner đặt trên vai chàng luật sư trẻ tuổi mà vừa mới gặp ông đã biết là vì tuyệt vọng nên mới phải mò tìm ông cầu may. Ông thân mật nói:
– Mời anh vào đây uống cái gì đã, rồi muốn nói gì thì nói.
Adam được đưa vào căn phòng bốn bức vách treo, gắn, móc đầy những dụng cụ câu cá, những thức ăn đóng hộp, nước ngọt, bia – các món cần cho người đi câu. Một tủ lạnh lớn cỡ nhà hàng ngạo nghễ đứng sừng sững trong góc phòng.
– Ngồi đây. – Lettner chỉ tay xuống chiếc ghế – Bia chứ?
– Cảm ơn. Lát nữa tôi uống, bây giờ thì chưa.
Bây giờ là 5 giờ chiều. Lettner mở lon bia, uống một hớp hết nửa lon, ông ngồi xuống chiếc ghế bọc da giả có vẻ như được lấy xuống từ một chiếc xe tải.
– Lần này họ nhất định thanh toán già Sam ư? – Lettner hỏi – Anh có hy vọng gì cứu ông ấy không?
Adam lắc đầu:
– Cho đến lúc này thì chưa thấy có ánh sáng nào le lói ở cuối đường hầm.
– Ông ấy không phải là người xấu.
Chàng trai thấy ấm lòng khi nghe thấy nhận xét ấy từ người cựu đặc vụ cảnh sát Liên bang dự phần trong công tác tiêu diệt tổ chức Ku Klux Klan kỳ thị chủng tộc hoành hành ở những tiểu bang miền Nam Hoa Kỳ. Lettner lại đưa lon bia lên. Sau hớp này, trong lon bia không còn giọt nào nữa. Adam cảm thấy ông ta có vẻ ngượng vì cái chết sắp đến của tử tù Sam Cayhall.
– Thưa ông, hồi đó ông làm việc ở Mississippi bao lâu?
– 5 năm. Ông Hoover phái tôi đến đó sau khi ba người đấu tranh cho quyền công dân bị giết ở đấy. FBI thành lập đội điều tra đặc biệt giao cho tôi phụ trách và chúng tôi đến Mississippi. Sau vụ đặt bom văn phòng Kramer, coi bộ mấy anh KKK ở đó không còn chuyện gì hấp dẫn hơn để làm.
– Thưa ông… trên thực tế, đội điều tra của ông đã làm những gì?
– Ông Hoover ra chỉ thị rõ ràng: cho người xâm nhập tổ chức KKK và phá nát nó. Đúng ra thì trước đó FBI chúng tôi đã cố ý không hành động gì ở Mississippi. Vì nhiều lý do. Ông Hoover không ưa nhà Kennedy và những người Kennedy cũng không ưa ông Hoover. Sự liên lạc giữa FBI và Nhà Trắng không được êm đẹp mấy. Vì vậy ông Hoover cứ lửng lơ con cá vàng trước tình hình bê bối đủ thứ ở miền Nam. Nhưng đến khi mấy anh KKK làm quá, cảnh sát Liên bang cũng phải can thiệp thôi. Năm 1964 là năm tình hình an ninh ở Mississippi tồi tệ nhất.
– Đó là năm tôi ra đời.
– Báo đăng anh ra đời ở Clanton, phải không?
– Vâng. Nhưng mãi đến mới đây tôi được biết tôi ra đời ở Clanton. Bố mẹ nói tôi chào đời ở Memphis.
Lettner mở lon bia thứ hai:
– Anh muốn hỏi tôi về chuyện gì?
– Thưa… ông Goodman, sếp của tôi… chắc ông biết, dặn tôi phải đến gặp ông.
Lettner gật đầu:
– Tôi biết Goodman. Nhưng anh muốn hỏi tôi về chuyện gì? Vụ đặt bom văn phòng Kramer ư? Vụ đó khoá sổ lâu rồi. Di sản của nó chỉ còn già Sam đó thôi.
– Ông đành để mặc ông già tội nghiệp đó bị tử hình oan hay sao?
Có khách đến, Lettner ra tiếp. Adam đi ra sàn gỗ, đến đứng cạnh giàn máy bơm nhìn xuống hai chú nhỏ câu cá trong chiếc xuồng gần đó. Đến lúc này chàng mới nhận ra một điều là chàng chưa lần nào đi câu cá trong đời.
Lettner đi tới:
– Anh có thích câu cá không?
– Tôi chưa có dịp đi câu bao giờ.
– Đi với tôi. Ta vừa đi vừa nói chuyện. Tôi phải đi xem hai chỗ có thể có nhiều cá để giới thiệu với khách.
Lettner mang theo một thùng đá lạnh chứa nhiều lon bia xuống chiếc xuồng máy. Xuồng tròng trành theo sóng và Adam thấy ngại ngại.
– Nắm sợi dây… – Lettner từ dưới xuồng nói lên – …bước xuống, đừng sợ.
Rồi Adam cũng ngồi được yên ổn trong xuồng. Lettner cho máy nổ, xuồng lướt đi. Chỉ một thoáng, mũi Calico đã chìm xa đằng sau. Xuồng chạy ngang nhiều điểm câu đông người trên những chiếc bè cao su. Lettner cho xuồng vào một khúc sông vắng, tắt máy rồi hỏi:
– Câu hay bia? Hay cả hai?
– Bia thôi. – Adam trả lời.
Chàng lấy lon bia trong lúc Lettner sửa soạn cần câu. Ông ta giải thích:
– Ngày nào tôi cũng phải đi câu thử như thế này. Đây là một phần công việc của tôi. Tôi phải biết chỗ nào cá cắn câu để chỉ cho khách tới.
– Vì sao ông lại đến sống ở cái điểm tận cùng thế giới này? – Adam hỏi.
– Bị cơn nhồi máu cơ tim năm 75, phải nghỉ việc. Có lương hưu đủ sống nhưng hoạt động quen rồi, ngồi chơi xơi nước chắc chết sớm. Vợ tôi cũng không thích ngồi không. Chúng tôi tìm được chỗ này có việc làm cho vui. Bèn mua cái nhà nổi, đầu tư. Thế là đâm lao phải theo lao. Cứ phải làm mãi.
Xuồng trôi theo dòng nước chảy. Lettner thỉnh thoảng dùng mái chèo cho xuồng lên ngược dòng. Adam muốn giúp nhưng chàng không biết dùng mái chèo. Không thấy cá cắn, Lettner lịch thiệp nhắc lại vụ án:
– Già Sam không phải là người xấu. Ông ấy đúng là nạn nhân của hoàn cảnh.
Adam nhắc lại câu hỏi chưa được trả lời:
– Theo ông, ta nên mặc để cho ông ấy chịu án ư?
– Chuyện ấy không do tôi quyết định. Dân Mississippi muốn tiểu bang họ có án tử hình phải được thi hành. Họ cho là già Sam có tội và đáng phải đền tội, tôi có là cái gì đâu trong việc dự phần quyết định để già Sam sống hay bắt ông ta chịu án.
– Nhưng ông cũng có ý kiến riêng của ông chứ?
– Ý kiến riêng của tôi vô giá trị.
– Vậy thì sao ông lại nói già Sam không phải là người xấu?
– Chuyện dài đấy.
– Trời chưa tối. Còn những mười mấy lon bia trong thùng này. Cỡ tôi chỉ ba lon là hết chỗ chứa.
Wyn Lettner cười nhẹ. Vừa mở lon bia, vừa đảo mắt quan sát mặt sông, ông nói:
– Sam Cayhall không phải là đối tượng nguy hiểm của FBI khi tôi được phái đến Mississippi. Ông ấy không hung hăng đao to búa lớn hò hét trong những đêm mấy anh KKK họp đảng mặc áo choàng trắng, đội mũ có chóp che kín mặt, cầm giáo mác, đao kiếm kiểu phường tuồng đi đi lại lại bên đống lửa bập bùng ven rừng. Ông ta cũng không ra mặt hoạt động công khai, hô hào thúc giục dân da trắng giành lại quyền làm chủ. Vì vậy lúc đầu chúng tôi chẳng để ý gì đến ông ta. Thoạt đầu chúng tôi tung tiền ra mua tin tức từ những thành viên KKK. Đám tay sai trong nội bộ tổ chức KKK đa số là những người dốt nát, nghèo và ham tiền. FBI không thể dẹp được đảng KKK nếu không chịu chi. Ngân khoản chi vào việc mua tin lên đến ba mươi ngàn đô. Chúng tôi tìm được xác ba người hoạt động đấu tranh cho quyền công dân bị giết chôn trong rừng. Thành quả đầu tiên ấy cho chúng tôi có khả năng làm tới. Nhiều vụ bắt bớ diễn ra nhưng khó có bằng chứng kết tội được bọn cầm đầu trước toà. Mấy anh KKK phản ứng, bạo động gia tăng, nhà thờ, nhà tư của dân da đen bị đặt bom liên tiếp. Đúng là chiến tranh – đảng KKK tuyên chiến với FBI. Ông Hoover nổi giận, chúng tôi được chi thêm tiền, thêm người…
Lettner ngừng nói để uống bia. Ông nhìn chàng trai:
– Chú em… chắc chú dư biết tôi sẽ không nói chuyện gì có lợi cho chú đâu, tôi nói toàn là những chuyện vớ vẩn thôi.
– Tại sao?
– Có những chuyện tôi có thể nói, có những chuyện tôi không thể nói được.
Adam hỏi ngay:
– Không phải chỉ có mình già Sam đến đặt bom văn phòng Kramer phải không?
Lettner nghe nhưng chỉ mỉm cười, ông tiếp tục kể chuyện mà không trả lời thẳng vào câu hỏi của Adam:
– Cuối năm 65 đầu 66, mạng lưới lấy tin của FBI trong nội bộ KKK đã dày đặc. Cũng không có gì khó khăn lắm. Chúng tôi vừa dùng tiền mua chuộc, vừa quấy rầy và đe dọa. Chúng tôi theo dõi một anh KKK, cho người ngồi trong xe đậu trước nhà anh ta, đi theo anh ta suốt ngày đêm. Chỉ đi theo lẵng nhẵng thôi, cố ý để cho anh ta biết anh ta bị FBI theo dõi, không hỏi han gì cả. Chỉ vậy thôi cũng đủ làm đương sự sợ xón đái. Chúng tôi đến gặp chủ nhân hay giám đốc cơ sở anh ta làm, đưa thẻ hành sự ra hỏi về anh ta, làm như anh ta là một tay nguy hiểm ghê gớm cho xã hội. Chúng tôi đến nhà thờ hỏi ông cha sứ về anh ta. Chỉ cần nghiêm trọng nói: “Chúng tôi được lệnh điều tra về ông Mỗ, xin linh mục cho biết những gì linh mục biết về ông đó”. Nếu đương sự có con trai, con gái đến tuổi dậy thì, chúng tôi đi theo những em này. Em trai đưa bạn gái, em gái đưa bạn trai đến những chỗ bờ sông, bãi vắng để hôn hít, sờ soạng nhau mà có hai anh cớm cộc không giống ai cứ đứng lù lù ngắm cảnh ngay sau lưng thì các em cụt cả hứng. Quấy rầy và làm đương sự mất ăn mất ngủ năm bảy ngày như thế xong, chúng tôi chặn đương sự lại đâu đó, lịch sự nhưng nghiêm trọng và lạnh lùng mời đi theo nói chuyện. Đa số các đương sự chịu nói ngay. Có nhiều anh còn khóc nức lên nữa. Chú tin được không? Đàn ông vợ con cả đống mà khóc sướt mướt khi phải thú tội với cớm.
Lettner cười thành tiếng. Adam đưa cho ông lon bia mới. Chàng mở lon bia thứ hai cho mình. Chàng hy vọng chất bia vào nhiều sẽ làm cho người cựu đặc vụ điều tra Liên bang nói nhiều hơn.
– Kể cũng tức cười. Có anh chàng này tôi nhớ nhất. Đảng viên KKK chính hiệu con nai vàng. Chúng tôi tóm được quả tang anh đang nằm trên giường ôm cứng chị tình nhân da đen. Chuyện này có vẻ mâu thuẫn nhưng lại có khá nhiều ở những tiểu bang miền Nam. Bọn đàn ông da trắng khinh bỉ, đốt nhà dân da đen, treo cổ đàn ông da đen nhưng lại lén lút làm tình với đàn bà da đen. Tôi cũng không hiểu tại sao lại có những phụ nữ da đen chịu phục vụ những tên đàn ông da trắng như thế. Trở về chuyện anh chàng KKK của chúng ta. Anh ta có một căn nhà gỗ dùng để đi săn trong rừng và làm tổ uyên ương. Trưa hôm đó, anh ta đang mê mẩn với chị tình nhân da đen trên giường thì chúng tôi ập vào. Chụp anh chị vài tấm ảnh để chơi thôi nhưng vô ảnh là anh ta chết ngắc rồi. Chúng tôi cho chị ả ra về và bắt đầu nói chuyện với anh chàng. Anh ta là một công dân gương mẫu trong cộng đồng, một cột trụ của xã hội, một nhân vật khả kính địa phương, nhưng chúng tôi nói với anh ta như nói với một gã du đãng mới lớn. Anh ta khóc mướt, rồi anh ta trở thành tay đưa tin quan trọng nhất của chúng tôi.
Lettner uống bia rồi lắc đầu:
– Hồi kết của anh ta không khá mấy. Cuối cùng anh ta cũng đi tù.
– Tại sao?
– FBI không phụ trách vụ anh ta nên tôi không rõ lắm. Chỉ biết là trong lúc anh ta lén lút làm tình với chị tình nhân da đen thì vợ anh ta cũng lén làm tình với một thiếu niên da đen làm công trong trại. Bà chủ có thai, sinh hạ một em cột nhà cháy. Anh chàng KKK nổi điên xách súng đến nhà hộ sinh bắn chết cả mẹ lẫn con. Anh ta sống đến mười mấy năm trong nhà tù Parchman đấy.
Mặt trời đang lặn. Adam tận hưởng cảnh hoàng hôn đẹp và thơ mộng trên dòng sông lớn, vắng. Lettner cho xuồng đến chỗ khác. Ông hỏi Adam về gia đình và thân thế chàng. Ông nói là sau khi bắt Sam Cayhall, FBI có điều tra về gia đình ông ta. Họ biết Sam Cayhall có một người con trai nhưng anh này đã bỏ đi nơi khác sống và tỏ ra hoàn toàn vô can, vô hại nên họ không đi tìm anh ta. Họ có điều tra về vài người trong họ Cayhall nhưng sau cũng không bắt ai cả. Adam hỏi lại nhiều câu nhưng Lettner đều tránh né được dễ dàng. Adam thấy nếu Lettner không chịu tự ý cho biết, chàng sẽ không thể khai thác ông ta được. Ông ta đã có 25 năm kinh nghiệm thẩm vấn người khác.
Tên riêng của bà Lettner là Irene. Bà chào đón chồng và người khách bất ngờ về nhà ăn bữa tối với vẻ chân tình và duyên dáng thật tự nhiên. Bà từng quen với việc phải tiếp những ông khách đến bất ngờ như thế này. Bà cũng thản nhiên tiếp nhận xâu cá hồi chồng bà và ông khách câu được.
Nhà Lettner là một villa nhỏ nằm trên bờ sông ở phía Bắc thị trấn. Hiên nhà có lưới che quanh để ngăn muỗi. Người ngồi ở đây có thể ngắm cảnh dòng sông tuyệt đẹp. Hai người đàn ông ngồi trong những chiếc ghế mây. Họ tiếp tục uống bia trong lúc bà chủ nhà đặt bếp lò ngay trên bàn để họ nướng cá.
Ăn cá tươi nướng ngay trên bếp, nướng được con nào ăn con đó là một việc hoàn toàn mới với Adam. Lettner nói cá mình câu được bao giờ cũng ngon hơn cá mình mua. Adam nghiệm thấy đúng. Bữa cá hồi nướng nhậu với bia tối nay được quá.
Ăn được nửa chừng, Lettner chuyển sang uống Scotch. Adam muốn chuyển sang uống nước lạnh nhưng sợ ông chủ mất hứng, chàng đang cần ông ta nói nhiều nên phải gồng mình lên tiếp tục uống bia.
Bà Lettner uống ly rượu vang nhẹ. Bà kể những mẩu chuyện nho nhỏ về thời bà bị người ta chửi rủa thậm tệ, bị đe dọa hành hung vì chồng bà là cảnh sát da trắng mà lại đi bênh vực bọn da đen. Đến cả mấy người con của ông bà cũng tránh né không đến thăm bố mẹ. Hai gia đình nội ngoại của ông bà đều lo sợ cho an ninh của bà trong miền Nam kỳ thị chủng tộc. Những ngày đó thật đáng sống… Bà nhắc lại câu đó vài lần với vẻ hồi tưởng tha thiết. Bà rất kiêu hãnh vì chồng và những việc ông đã làm trong cuộc tranh đấu cho quyền công dân.
Gần 10 giờ, bà Irene vào nhà trong. Lettner đứng lên đi vào phòng vệ sinh. Khi trở ra, ông mang theo chai Scotch và hai cái ly bầu cỡ lớn. Ông rót một ly đưa cho Adam và đột ngột hỏi khi chàng không ngờ nhất:
– Anh cho là già Sam có người giúp trong vụ đặt bom văn phòng Kramer?
– Tất nhiên là phải có người cùng làm.
Adam thấy lưỡi đã hơi ríu lại khiến chàng khó nói trong lúc ông già Lettner vẫn tỉnh queo.
– Cái gì làm anh quả quyết như vậy?
– FBI các ông khám xét kỹ nhà ông Sam Cayhall, đúng không?
– Đúng.
– Cả chục mạng FBI đến khám xét mấy ngày liền mà không tìm được một cái gì dính dáng xa gần đến thuốc nổ, mìn, kíp nổ, dây dẫn lửa. Nghĩa là hoàn toàn không tìm được vật gì chứng tỏ chất nổ từng được chứa trong nhà Sam Cayhall, đúng không?
– Đúng. Nhưng rồi sao? Sự kiện anh nhấn mạnh đó chứng tỏ cái gì?
– Già Sam không biết dùng chất nổ. Ông ấy không có kinh nghiệm gài bom.
– Sao lại không? Vụ văn phòng Kramer là vụ thứ sáu xảy ra ở Clanton và những thành phố cạnh đó. Già Sam làm ít nhất ba vụ đặt bom trước vụ văn phòng Kramer. Trước đó già Sam cũng đã từng giết người.
Adam gượng tỉnh, hỏi lại:
– Giết người hồi nào?
– Bắn chết một người đàn ông da đen làm công trong trại của ông ta. Khoảng đầu thập niên 50. Bắn chết ngay tại sân nhà nhưng không bị tù ngày nào, cũng không bị bắt. Vụ này có ra toà nhưng ông ta được tha bổng vì lý do tự vệ. Những năm 50, nạn kỳ thị còn rất nặng ở Mississippi. Có thể ông ấy còn giết một hai người da đen nữa mà tôi không biết.
Adam ngắc ngứ:
– Chưa… chưa… bao giờ tôi nghe nói…
– Anh không nghe nói là vì những người trong gia đình anh không ai chịu nói cho anh biết. Anh hỏi thẳng ông ấy coi. Anh là luật sư lại là cháu ông ấy, anh có quyền hỏi. Xem ông ấy có can đảm nhận với cháu ông ấy không, ông ấy tính tình hung dữ. Việc ông ấy gài bom giết người cũng dễ hiểu thôi, anh đừng giả vờ ngây thơ.
– Tôi không giả vờ gì cả, tôi chỉ muốn cứu ông tôi khỏi chết…
– Ông của anh làm chết hai đứa nhỏ vô tội. Sao anh không nghĩ gì đến những nạn nhân của ông ấy?
– Ông tôi giết người là bậy. Chính quyền giết ông tôi cũng là sai.
– Thôi đi chú em. Chú đừng giở cái luận điệu “bà ngoại tha tội cháu gái chửa hoang” với tôi. Với những kẻ giết người thì án tử hình là quá tốt, quá nhân đạo. Họ làm, họ chịu. Họ biết ngày giờ họ chết, biết vì sao họ chết, họ có thì giờ chuẩn bị, cầu nguyện. Những nạn nhân của họ đâu có được như thế. Đã vậy, những nạn nhân của họ lại hoàn toàn vô tội.
– Như vậy nghĩa là… ông muốn thấy tử tù Sam Cayhall bị hành quyết?
– Tôi muốn thấy tất cả những kẻ giết người có chủ ý trên trái đất này bị hành quyết.
– Sao ông nói Sam Cayhall không phải là người xấu?
– Tôi nói lại: Sam Cayhall là tên sát nhân lạnh lùng, tỉnh táo, tàn nhẫn. Ông ta có tội gài bom với chủ ý để giết luật sư Kramer.
– Ông giải thích tại sao gài bom xong cả mấy tiếng đồng hồ ông ấy vẫn còn lảng vảng ở chỗ gài bom? Để làm gì vậy?
– Chuyện ấy anh phải hỏi ông nội anh chứ, sao lại hỏi tôi? Ông ấy có nói với anh là ông ấy có tòng phạm không?
– Không.
– Vậy là xong rồi. Nếu thân chủ của anh đã nói không có, anh còn cứ đào bới tìm mãi làm gì?
– Tôi nghi thân chủ của tôi không nói sự thực.
– Vậy thì thân chủ của anh lãnh đủ thôi. Nếu ông ấy nói dối để bao che một người nào đó hay vì một lý do nào đó, tôi thấy anh có ba đầu sáu tay cũng chẳng làm gì được.
Adam ngẩn ngơ với ly rượu trên tay:
– Nhưng tại sao ông tôi lại không nói thật với cả tôi chứ? Nhất là trong lúc nguy cấp cuối cùng này…
Lettner nhún vai:
– Làm sao tôi biết được! Mà tôi cũng cóc cần biết. Nhưng tôi nghĩ rằng nếu già Sam không thành thực với anh, anh là luật sư mà cũng là cháu ruột của ông ấy, thì cho ông ấy đi tàu suốt cho lẹ.
Adam cũng thấy sự kỳ cục trong việc chàng làm: tìm bằng chứng thân chủ của mình nói dối. Đến lượt chàng đứng lên đi vào phòng vệ sinh. Khi trở ra chàng thấy Wyn Lettner đã ngủ ngay trên ghế. Chàng loạng choạng đi vào nhà tìm chỗ nằm ngủ.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.