Mang Xuống Tuyền Đài

CHƯƠNG 33



Một ngày mới bắt đầu với cơn khủng hoảng: Cô Lee say rượu, lái xe, bị cảnh sát bắt và từ đồn cảnh sát ra bà đi biệt không về nhà mà cũng không gọi điện về nhà cho anh cháu. Adam nóng ruột, bồn chồn, âu lo. Đây là lần thứ nhất trong đời chàng gặp tình trạng này. Từ trước chưa một người thân nào của chàng làm chàng lo âu.
Vào lúc 12 giờ trưa ông chú Phelphs gọi đến văn phòng cho Adam biết ông chưa tìm ra được cô Lee. Ông đã hỏi tất cả những trung tâm cai nghiện, những bệnh viện, dưỡng đường trong vòng hai trăm cây số quanh Memphis, không nơi nào trả lời họ có tiếp nhận bà Lee Booth. Cuộc tìm kiếm vẫn đang tiến hành.
Adam đến thư viện Luật của khám đường lúc ba giờ trưa. Sam Cayhall được đưa đến đó khoảng ba mươi phút sau. Ông già có vẻ không được vui, ông đã nghe được tin xấu trên màn hình tivi trong giờ phát tin trưa nay. Đơn kháng án và đơn khiếu nại của ông đều bị bác. Đệ ngũ Pháp viện chuẩn y quyết định của toà án tiểu bang Mississippi bác bỏ việc tử tù Sam Cayhall chống việc bị hành quyết trong phòng hơi độc. Toà án bang Mississippi cũng bác đơn khiếu nại về việc luật sư Benjamin Keyes biện hộ không hữu hiệu cho can phạm Sam Cayhall trong phiên xử cách đây chín năm.
Chỉ còn chín ngày nữa. Già Sam vào phòng, ngồi xuống ghế nhưng thay vì rút thuốc lá châm hút như mọi lần, ông hỏi như anh bé con năm bảy tuổi hỏi quà:
– Kem Eskimo đâu?
Ông có yêu cầu Adam đem vào cho ông mấy cây kem Eskimo sô-cô-la sữa, món ông thích ăn từ thời nhỏ và đã lâu lắm ông không được ăn. Adam lấy từ dưới chân bàn lên cái phích đựng kem.
– Có đây. Con phải nói mãi mới đem được vào cho ông đấy. Người ta sợ thuốc độc hoặc ông có làm sao họ sẽ phải chịu trách nhiệm.
Già Sam cầm cây kem lên ngắm nghía, cẩn thận bóc giấy bọc, thè lưỡi liếm nhẹ lớp sô-cô-la vỏ kem trước khi cắn một miếng lớn. Ông nhắm mắt lại để thưởng thức sâu đậm hơn. Nửa phút sau cây kem thứ hai được lấy ra khỏi phích. Trước khi thưởng thức cây kem thứ hai này, già Sam mới nói:
– Coi bộ công cuộc làm ăn của ông cháu ta không được khá. Phải không con?
– Vâng. – Adam lấy trong tập hồ sơ ra mấy tờ giấy – Đây là những án lệnh của toà bác bỏ đơn kháng án của ông cháu ta. Ông đọc nhé?
Già Sam lắc đầu:
– Ông không cần đọc. Bây giờ con định làm gì?
– Con muốn chứng minh ông bị điên loạn quá nặng, nặng đến mức pháp luật không thể hành quyết ông được. Ông điên và ông quá già, ông không còn đủ sáng suốt để biết ông bị trừng phạt.
Già Sam vừa ăn vừa lắc đầu:
– Không được đâu, con ơi…
– Thưa ông… tại sao lại không được ạ?
– Tại vì ông không điên. Tại vì ông hoàn toàn sáng suốt, ông biết rõ vì sao ông bị người ta giết. Việc ấy không được là tại vì đó là việc mà bất cứ luật sư nào cũng làm khi đã hết thuốc chữa.
– Ông muốn chúng ta bỏ cuộc sao?
Già Sam lại đưa cây kem lên nhìn ngắm. Có vẻ ông coi việc ăn kem quan trọng hơn việc anh cháu bỏ cuộc hay theo cuộc. Nhưng rồi ông cũng nhẩn nha nói:
– Ông thấy con bỏ cuộc cũng có lý lắm đấy.
Thay vì ngồi ở ghế luật sư bên kia bàn, Adam đến ngồi sát bên ông nội chàng:
– Sao ông nói vậy? Tại sao ông lại đổi thái độ, ông không muốn tranh đấu nữa?
Ông già nhún vai:
– Ông cũng không biết tại sao. Chỉ biết là bây giờ ông có ý nghĩ khác..
– Nói cho con nghe đi…
– Mấy đêm nay ông nhớ đến một ông bạn thân của ông. Ông ấy bằng tuổi ông, cùng học một trường, một lớp với ông nhưng đẹp trai hơn ông, thông minh hơn ông, đức hạnh cũng hơn ông. Năm ông ấy và ông hai mươi sáu tuổi, ông ấy lấy vợ. Bà vợ ông ấy đẹp, có học, con nhà giàu, yêu thương chồng, đẻ mấy đứa con thật dễ thương. Hai ông bà có nhà riêng trong khi ông cứ lẹt đẹt ở trại không sao về được thành phố. Thế rồi ông ấy chết vì tai nạn đụng xe. Chết ngay. Vậy là bỏ lại hết, ông ấy chẳng còn được hưởng gì cả. Còn ông, ông sống dai dẳng mãi đến bây giờ. Bốn mươi mấy năm sau ngày ông đưa đám ma ông bạn ông rồi đấy. Đó là chưa kể không biết bao nhiêu người trẻ hơn ông nhiều mà chết trước ông. Chết lúc nào, chết lúc bao nhiêu tuổi, chết ở đâu thì cũng là chết thôi. Tại sao ta coi thường cái chết của người khác mà ta lại coi trọng cái chết của ta quá đến như thế chứ?
Già Sam nhìn anh cháu bằng ánh mắt thật buồn và an phận:
– Adam… con ơi… Ông già rồi… Ông mệt mỏi. ông không còn muốn sống nữa…
Anh cháu nhăn nhó:
– Ông ơi… Con xin ông..
– Để cho ông đi ta có mấy cái lợi này: áp lực sẽ không đeo nặng lên vai con, con sẽ không phải chạy đầu này sang đầu kia năn nỉ mấy thằng chó đẻ. Con van xin chúng nó cũng có tha cho ông đâu. Bỏ đi, con sẽ không có cái mặc cảm con bị thất bại khi chúng giết ông. Khi chấp nhận cái chết, ông sẽ có thể sống những ngày cuối cùng của ông đường hoàng hơn, can đảm hơn. Ông cháu ta sẽ có nhiều thì giờ trò chuyện, tâm sự với nhau hơn. Đằng nào rồi ông cũng chết mà. Để ông chết bây giờ ta sẽ làm cho nhiều người được sung sướng: những người nhà Kramer, những người này có quyền được thấy ông chết. Rồi bọn McAllister, Roxburgh và tám mươi tám phần trăm dân Hoa Kỳ là những người tán thành án tử hình. Ta sẽ giúp vào việc thi hành pháp luật và bảo vệ công lý, bảo vệ xã hội xứ này. Như vậy không tốt hơn ư? Ông sẽ lững thững đi vào phòng hơi thay vì để cho người ta tưởng tượng ông là lão già tham sống, sợ chết, quì mọp, van xin…
Anh cháu nói như rên rỉ:
– Ông ơi… tại sao ông lại yếu mềm như thế này? Mới hôm qua ông còn cứng cỏi lắm mà…
– Adam… Ông đã nói ông già rồi. Ông không còn muốn gồng mình lên chiếu đấu nữa. Ông đã sống cả một cuộc đời dài. Con thử nghĩ xem… Nếu con cứu được ông khỏi bị thụ án, sẽ có những gì tốt đẹp, đáng sống để hưởng đến với đời ông? Ông có được ra khỏi nơi đây không? Con sẽ trở về Chicago làm việc tối tăm mắt mũi. Ông biết con sẽ đến thăm ông bất cứ lúc nào con có thì giờ nhưng con sẽ có rất ít thì giờ để có thể đến thăm ông. Ngoài công việc con còn có vợ con nữa chứ. Con sẽ viết thư, gửi thiếp Giáng sinh, gửi quà cho ông. Còn ông thì cứ sống dài dài trong khám Tử cho đến một lúc nào đó không có hơi độc, hơi địa gì ông cũng đứng tim, tắt thở. Ông không bi quan đâu, dù con có lạc quan đến mấy con cũng phải thấy ông chẳng còn sống được bao lâu nữa chứ?
Anh cháu nghẹn ngào:
– Con không muốn thấy ông… như lúc này. Con muốn thấy ông gây gổ, ăn thua đủ với người khác..
Già Sam điềm nhiên ăn kem:
– Ông chán tất cả rồi.
– Ông không thể ngồi yên, khoanh tay cho người ta giết ông. Ông phải chiến đấu đến cùng. ông đã chiến đấu cả chín năm trời rồi, nay chỉ còn có mấy ngày nữa thôi sao ông lại bỏ cuộc?
– Vì vô ích, con ơi. Làm gì thì cuối cùng ta cũng thua.
– Thua cũng phải đánh. Ông ơi, con xin ông… Ông hãy chiến đấu với con đến phút cuối cùng…
Anh cháu rơm rớm nước mắt. Ông già xúc động lặng đi nửa phút rồi môi ông nở nụ cười hiền:
– Rồi. Được. Con muốn đánh thì ta đánh. Bây giờ con định làm gì?
– Ngày mai sẽ có một chuyên viên đến xét nghiệm tinh thần ông.
– Chuyên viên gì?
– Bác sĩ điều trị bệnh tâm thần đến từ Chicago.
Ông già lại mỉm cười:
– Ông tỉnh queo như thế này đời nào hắn chứng nhận ông loạn thần kinh?
– Bác sĩ này khác. Ông ấy làm việc cho công ty của con, ông ấy sẽ chứng nhận đúng như ý ta muốn.
– Ai sẽ trả tiền cho hắn?
– Công ty luật Kravitz & Bane. Có nhiều người ở Chicago, những người Mỹ gốc Do Thái, vẫn bận tâm đến việc giữ cho ông khỏi chết. Những người ấy chi tiền. Bác sĩ sẽ đến xét nghiệm cho ông và viết một báo cáo nêu rõ tình trạng ông vì quá già lão nên trở thành lẩm cẩm, không còn nhớ biết gì nhiều, nói năng loạng quạng..
– Theo ông thì rồi cũng chỉ là công cốc thôi. Già trẻ, điên tỉnh gì chúng nó cũng giết tuốt. Con không nhớ ở Texas chúng xử tử một em mới mười mấy tuổi ngớ ngẩn vì đầu óc chậm phát triển đó ư?
– Con nhớ chứ. Nhưng đây không phải là Texas. Mỗi vụ một khác. Không vụ nào giống vụ nào. Ông cứ cộng tác với bọn con đi.
– Bọn con là những ai?
– Là con với Goodman. Ông biết Goodman rồi. Ông ấy lo cho ông nhiều lắm. Con cần có ông ấy trợ lực. Một mình con lo việc không xuể trong mấy ngày tới.
Già Sam không nói gì. Đã ăn liền một lúc năm cây kem, ông đứng lên đi đi lại lại trong phòng. Chàng trai nói tiếp:
– Tối hôm qua con có gọi điện nói chuyện với Carmen, em con. Em con muốn đến gặp ông.
Già Sam đứng lại:
– Sao nó lại muốn đến gặp ông?
– Con không biết, con không gợi ý cho em con đến. Nó đưa ra ý kiến ấy. Con nói con phải thưa với ông trước đã.
– Chưa bao giờ ông được thấy nó cả.
– Chính vì thế nó mới muốn đến để được nhìn thấy ông và để được ông nhìn thấy nó. Nó là cháu gái duy nhất của ông đấy, ông ạ.
Già Sam rút điếu thuốc đưa lên môi, ông tần ngần rồi lắc đầu:
– Ông không muốn cháu gái ông nhìn thấy ông nội nó khốn khổ, khốn nạn như thế này. Tội nghiệp nó. Không cho nó gặp là hơn.
– Em con giống tính con. Chúng con mang dòng máu Cayhall trong người. Chúng con chịu đựng được những cảm giác mạnh. Con xin ông cho em con được gặp ông.
– Để ông nghĩ xem. Còn cô Lee? Cô ấy có còn muốn gặp ông nữa không?
– Vẫn còn chứ ạ. Ông cho phép là cô ấy đến ngay.
Adam ngài ngại khi nói như thế. Nếu cô Lee của chàng phải qua cuộc điều trị cai rượu dài ngày ở một trung tâm cai nghiện nào đó cô sẽ không thể về được để gặp mặt ông nội chàng trong vòng bảy ngày sắp tới. Già Sam nói, giọng trầm trầm:
– Ngay lúc này ông không muốn cho Lee và Carmen đến gặp ông. Lee đã không gặp ông cả mười năm nay rồi. Ông muốn cô ấy giữ mãi hình ảnh của ông mười năm về trước. Còn Carmen thì thật tình ông không muốn nó thấy ông nội nó thảm thương như thế này. Đừng để cho nó thấy ông, đỡ khổ cho nó hơn.
Anh cháu im lặng.
Sau khi đi quanh quẩn vài vòng trong phòng ông già dừng lại:
– Được rồi. Gác chuyện gặp mặt lại, ông trả lời con sau. Ngày mai con cho lão bác sĩ bất lương đến đây gặp ông. Ông sẽ đóng vai ông già ngớ ngẩn cho hắn hành nghề. Kem Eskimo tuyệt hảo. Lần sau con đến nhớ đem cho ông một chục cái nữa.
 
Lucas Mann đứng chờ Adam ở cổng khám đường.
– Cho nói chuyện chút. – Lucas nói qua cửa xe – Cho xe vào chỗ kia.
Đã năm giờ chiều, trời nóng bức và oi ẩm. Ra khỏi xe Adam cùng đi với luật sư Lucas Mann đến chiến ghế đá dưới gốc cây sồi cổ thụ.
– Già Sam thế nào? – Lucas hỏi.
– Bình thường thôi. Không có gì đặc biệt.
– Tôi cần gặp anh để cho anh biết nội trong ngày hôm nay có mười lăm đơn yêu cầu được phỏng vấn Sam Cayhall. Bọn nhà báo mỗi ngày một đến đông hơn.
Adam nói ngay:
– Ông tôi không cho phỏng vấn.
– Còn anh? Có mấy người muốn phỏng vấn anh đấy.
Adam lắc đầu:
– Tôi cũng vậy. Rất tiếc chúng tôi không thể làm vừa lòng mấy anh nhà báo được. Không có chuyện phỏng vấn.
– Được thôi. Tùy anh và ông già. Lần tới anh ghé qua văn phòng tôi, tôi đưa anh tờ tuyên bố không cho phỏng vấn để anh đưa ông già ký. Với tờ tuyên bố ấy tôi sẽ có quyền bảo bọn nhà báo đi chỗ khác chơi. Anh có biết Tổng giám thị Naifeh lên cơn đau tim phải vào bệnh viện không?
– Tôi có đọc tin ấy trên báo sáng nay.
– Ông ấy sẽ không chủ trì cuộc hành quyết. Người thay thế là George Nugent, phó Tổng Giám thị, một nhân vật kỳ cục ra trò đấy. Hắn ta là sĩ quan hồi hưu, tác phong lính tập, lính tẩy khó chịu lắm.
– Không ăn thua gì đến tôi và già Sam. Hắn không thể làm gì được ngoài những gì pháp luật cho phép hắn làm.
– Đúng. Tôi chỉ báo để anh biết thế thôi. Còn chuyện này: tôi có người bạn hiện là luật sư cố vấn cho Thống đốc McAllister. Anh ta cho tôi biết ông Thống đốc có vẻ muốn nhận được đơn xin khoan hồng của ông Cayhall đấy.
Adam nghĩ thầm: “Hắn chỉ muốn có dịp lên tivi thôi. Ông mình nói đúng. Có xin thì hắn cũng giết. Nhưng mình xin thì hắn có dịp xuất hiện với tư cách Thống đốc..” Chàng hỏi:
– Ông thân với Thống đốc lắm à?
Lucas lắc đầu:
– Không dám đâu. Tôi khinh ông ta.
– Thân chủ của tôi cũng vậy. Thân chủ của tôi cấm tôi không được xin xỏ gì ông Thống đốc.
– Đó là quyền của ông Cayhall. Tôi thì tôi thấy có xin khoan hồng cũng chẳng có gì hại cả. Ông già đã làm di chúc chưa?
– Đang làm.
– Ông ấy muốn được chôn ở đâu?
– Trong nghĩa trang thành phố Clanton.
Hai người đi trở lại chỗ Adam đậu xe. Vừa đi Lucas vừa nói:
– Thi hài sẽ được đem tới Tang nghi quán gần đây nhất. Thân nhân đến đó nhận thi hài. Cuộc gặp mặt thân nhân sẽ ngừng bốn giờ trước giờ hành quyết. Kể từ lúc đó can phạm chỉ có hai người ở gần: luật sư và vị cố vấn tâm linh. Ông Cayhall cần chọn hai người làm chứng và cho tôi biết tên. Nếu ông ấy không muốn có ai thì thôi.
– Cảm ơn. Tôi sẽ nói để ông tôi biết.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.