Mang Xuống Tuyền Đài

CHƯƠNG 3



Ruth và Marvin Kramer ly dị nhau năm 1970. Cuối năm đó Marvin được đưa vào bệnh viện tâm thần, anh tự tử năm 1971. Ruth trở về Memphis sống với cha mẹ nàng. Tuy gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, vợ chồng Kramer từng mất nhiều công của để đòi hỏi có một phiên xử thứ ba. Cộng đồng Do Thái ở Greenville bất mãn khi thấy dường như vị đại diện công tố đã quá mệt mỏi nên cũng không mấy sốt sắng trong việc truy tố Sam Cayhall và Jeremiah Dogan.
Marvin Kramer được an táng bên cạnh hai con. Một công viên mới được hình thành để tưởng niệm Josh và John Kramer. Nhiều học bổng được đặt ra mang tên hai em. Với thời gian, thảm kịch về cái chết của hai em nhạt dần tính ghê rợn. Rồi năm tháng qua đi, cư dân Greenville không còn mấy ai nhắc đến vụ đặt bom ấy nữa.
Dù FBI cố gắng áp lực, phiên toà thứ ba vẫn không hình thành. Không có bằng chứng nào mới. Những diễn tiến cũ lặp lại. Viện công tố không thấy chút hy vọng nào.
Với Sam Cayhall không chịu cộng tác và Rollie Wedge đi mất tích, Jeremiah Dogan không còn khả năng tổ chức những vụ đặt bom khác. Y bắt đầu tự phong mình là một nhân vật chính trị nặng ký ở Mississippi. Nhưng vào cuối thập niên 70, tình hình chính trị đã đổi khác. Dân da đen được quyền ứng cử, bầu cử. Những trường học công lập không phân biệt đen-trắng nữa. Khắp miền Nam Hoa Kỳ, những vị chánh án liên tục phá bỏ hàng rào phân biệt chủng tộc. Quyền công dân phát triển ở Mississippi và những nhóm KKK trở nên lỗi thời, Pháp vương Dogan cũng cho đốt vài cây thập tự nhưng việc này chẳng làm cho ai chú ý.
Năm 1979, hai sự kiện có ý nghĩa xảy ra gây ảnh hưởng lớn đến vụ đặt bom Kramer. Sự kiện thứ nhất là việc David McAllister trở thành chưởng lý Greenville. Mới 27 tuổi, McAllister là vị chưởng lý phụ trách công tố trẻ nhất toàn bang. Khi mới 17 tuổi, chú nhỏ David đã đứng trong đám đông từ xa quan sát nhân viên FBI tìm nhặt tang vật trong đống đổ nát của văn phòng luật sư Marvin B. Kramer sau khi bị đặt bom. Ngay sau khi được bầu vào chức vụ chưởng lý, McAllister đã thề sẽ đưa bọn khủng bố năm xưa ra trước pháp luật.
Sự kiện thứ hai là việc Jeremiah Dogan bị kết tội gian lận thuế. Sau nhiều năm giỡn mặt và qua mặt FBI, Dogan bị nhân viên số thuế IRS nắm trúng tử huyệt. Cuộc điều tra kéo dài tám tháng với kết quả là bản cáo trạng dày ba mươi trang.
Với những tội danh ấy, Dogan có thể chịu án tù đến 28 năm. Dogan chỉ còn nước chết cứng. Luật sư của y không còn là Clovis Brazelton nữa. FBI trở lại đấu trường.
Sau nhiều cuộc thương thảo sôi nổi và quyết liệt, chính quyền đề nghị với Jeremiah Dogan là nếu y chịu ra toà làm chứng kết tội Sam Cayhall về vụ đặt bom Kramer, y sẽ không phải ngồi tù vì tội trốn thuế. Y sẽ bị phạt nặng về tiền nhưng không bị một ngày tù.
Đã mười năm rồi, Dogan và Cayhall không gặp nhau hay nói một tiếng nào với nhau. Dogan cũng không còn là Pháp vương KKK nữa. Y phải tính sao để có thể được tự do thay vì tàn đời trong tù. Y nhận lời đề nghị.
 
Sau 12 năm sống yên ổn ở quận Ford, Sam Cayhall một lần nữa lại bị truy tố, bắt giam và đối diện với một phiên xử có thể đưa y đến phòng hơi ngạt. Y phải cầm cố nhà cửa, tài sản để lấy tiền mướn luật sư. Clovis Brazelton đã đi nơi khác làm những công việc quan trọng hơn, ra tiền hơn và Dogan không còn chi viện tiền bạc cho cựu đồng đảng nữa.
Tình hình Mississippi đã đổi khác nhiều. Công dân Mỹ da đen đi bầu đông đảo và đã bầu ra nhiều viên chức công quyền người da đen. Bây giờ ít còn những bồi thẩm đoàn toàn người da trắng. Công khai và chính thức, chế độ phân biệt chủng tộc đã chấm đứt. Tuy vẫn còn nhiều việc cần hoàn chỉnh nhưng tình hình năm 1980 đã khác hẳn năm 1967. Tuy rất không muốn nhưng Sam Cayhall cũng phải nhìn nhận như thế.
Sam mướn một luật sư khá giỏi tên là Benjamin Keyes ở Memphis. Chiến thuật của họ là yêu cầu hủy quyết định truy tố với lý do thời gian đã quá lâu. Tối cao pháp viện Mississippi với sáu phiếu thuận, ba phiếu chống, quyết định việc truy tố được tiến hành.
Và guồng máy tư pháp lại chuyển động. Phiên toà thứ ba, cũng là phiên toà cuối, xử Sam Cayhall diễn ra vào tháng 2 năm 1981 trong một toà án nhỏ, lạnh lẽo ở quận Lakehead, một vùng có nhiều đồi cỏ ở mạn đông bắc tiểu bang.
Bồi thẩm đoàn gồm 8 vị da trắng, 4 vị da đen. Chưởng lý David McAllister sắc sảo, hào hoa phong nhã, ăn nói đúng cách. Những hồ sơ và tang vật cũ từ hai phiên toà trước lại được đưa ra. Nhưng phiên toà này có thêm một sự kiện mới tinh. Đó là việc bị cáo Jeremiah Dogan – trước đó chối tội – nay đứng trước toà khiêm tốn khai rằng y đã cũng Sam Cayhall lập mưu đặt bom văn phòng luật sư Kramer. Sam trợn mắt nhìn và nghe rõ từng tiếng của người đồng chí kiêm đồng lõa cũ, còn Jeremiah Dogan thì tránh nhìn mặt bạn. Luật sư của Sam Cayhall tấn công Dogan dữ dội trong suốt nửa ngày và đã thành công trong việc bắt Dogan phải nhìn nhận y đã thoả hiệp với chính quyền để chịu khai báo. Nhưng việc Dogan có thoả hiệp với nhà nước hay không chẳng ảnh hưởng gì đến việc kết tội Sam Cayhall.
Đến lúc này thì dù có muốn, Sam Cayhall cũng không thể khai ra Rollie Wedge. Từ đầu vụ án đến giờ, không lần nào cái tên Rollie Wedge được nhắc đến. Mà nếu Sam khai ra Rollie đương nhiên y đã thú nhận có tham gia trong vụ đặt bom. Sam đành chấp nhận không khai báo thêm gì hết. Y cũng không nói cho luật sư của y biết gì về Rollie Wedge.
Trong ngày xử cuối cũng, chưởng lý David McAllister đứng trước tòa trình bày luận chứng kết tội. Ông kể cho cử tọa nghe chuyện thật của chính ông khi ông còn là một thiếu niên ở thị trấn Greenville, với bạn bè là người Do Thái và da đen. Sáng sớm ngày 21 tháng 4 năm 1967, khi nghe tiếng nổ lớn vang lên trong thị trấn, ông cùng nhiều bạn trẻ khác chạy tới xem, và nước mắt ông đã tuôn chảy ròng ròng khi chứng kiến cảnh những người lính cứu hỏa lôi xác anh em song sinh nhà Kramer ra khỏi đống gạch nát. McAllister diễn xuất tuyệt vời. Khi ông nói xong, phòng xử im phăng phắc. Nhiều vị bồi thẩm đưa khăn lên chấm nước mắt.
Ngày 12 tháng 2 năm 1981, Sam Cayhall bị kết tội giết hai người. Hai ngày sau, y nhận án tử hình.
Ngày 19 tháng 2 năm 1981, Sam Cayhall được đưa đến nhà giam tiểu bang ở Parchman để bắt đầu cuộc hò hẹn với tử thần trong phòng hơi ngạt.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.