Mang Xuống Tuyền Đài

CHƯƠNG 35



Giữa xa lộ cao tốc 49 và cổng khám đường Parchman có một khoảng cách rộng chừng ba trăm thước. Trên khoảng cách ấy là một dải đất cỏ xanh trông giống như công viên nhưng không phải là công viên. Đó là di chỉ của một đường sắt tàu hoả đã bị dẹp bỏ từ lâu. Đây là địa điểm những người biểu tình phản đối việc hành quyết tù tử hình hội họp mỗi khi khám đường có vụ hành quyết.
Những người phản đối thường họp lại từng nhóm từ ba bốn đến năm bảy người. Họ đến từ khắp nơi. Họ mang theo những chiếc ghế xếp và những tấm mền để ngủ ngoài trời. Họ ăn ngủ ngay tại chỗ. Đêm đến họ đốt nến nguyện cầu. Họ mang theo những tấm biểu ngữ do họ làm lấy. Và họ khóc ròng trong giờ người tử tù bị hành quyết.
Tình trạng lộn xộn xảy ra trong vụ tử tù Teddy Doyles Meeks bị hành quyết. Teddy can tội cưỡng hiếp và giết chết một em gái mới mười tuổi. Trong đêm cuối cùng khi những người phản đối án tử hình thắp nến nguyện cầu có mấy chiếc xe buýt đưa cả trăm sinh viên, học sinh đến. Nhóm trẻ mới đến này đòi tử tội phải trả nợ máu. Những người cầu nguyện bị trêu chọc, chế giễu. Đôi bên to tiếng, xô đẩy nhau rồi đi đến ẩu đả. Nhân viên công lực phải vất vả mới chia tách được họ.
Đến vụ hành quyết Maynard Tole thì người ta đã có kinh nghiệm. Địa điểm hội tụ trước khám đường được chia làm hai khu. Một khu dành cho những người biểu tình phản đối, khu bên kia dành cho những người ủng hộ việc thi hành án tử hình.
Buổi sáng ngày thứ Sáu khi Adam đến nơi, chàng thấy có khoảng mười mấy người Ku Klux Klan bận những bộ áo choàng trắng dài theo truyền thống đang diễn tập cuộc diễn hành phản đối. Nhóm này có vẻ là nhóm tiền tiêu của số người KKK đông hơn sẽ đến sau. Họ đã dựng một lều vải, đem đến hai tủ lạnh đựng thức ăn. Quanh lều vải có cắm nhiều bảng khẩu hiệu phản đối án tử hình và đòi thả ngay Sam Cayhall.
Ngồi trong xe Adam nhìn ngây nhóm người KKK. Từ trước đến giờ chàng chỉ vài lần nhìn thấy hình ảnh người Ku Klux Klan trên màn ảnh. Đây là những người KKK bằng xương bằng thịt đầu tiên chàng thấy, chàng gặp. Hình ảnh những người này cũng là hình ảnh những ông cố, ông sơ của chàng. Chỉ khác có điều là ngày xưa những ông cố, ông sơ của chàng dữ tợn hơn, cứ mỗi lần mấy ông xuất hiện trong những tấm áo choàng phủ kín đến chân, với những cái mũ vải che kín mặt, kín đầu như thế này là ít nhất cũng có anh da đen bị treo cổ.
Như bị một ma lực hấp dẫn, Adam ra khỏi xe, đờ đẫn đi đến trước lều vải. Chàng đứng nhìn những biểu ngừ đòi trả tự do cho tử tội Sam Cayhall. Trên những biểu ngữ này tử tù Sam Cayhall trở thành “tù nhân chính trị”. Những biểu ngữ mang các hàng chữ đen đỏ: “Sam Cayhall, nạn nhân của bọn chính trị mị dân”, “Xử tử những tên tội phạm đích thực đang lừa dối nhân dân”, “Người da trắng phải được bảo vệ”, “Trả tự do ngay cho Sam Cayhall”.
– Anh cần gì?
Người đàn ông có vẻ là trưởng nhóm KKK hỏi chàng. Mấy người KKK nghe tiếng hỏi cũng quay lại nhìn Adam.
Adam thành thật trả lời:
– Tôi không biết.
– Anh không biết là… sao?
– Tôi cũng không biết nữa.
Chín giờ sáng. Mặt trời đã lên cao. Mấy người KKK mặc áo choàng bắt đầu ra mồ hôi.
– Anh là ai? Anh đến đây làm gì?
– Tôi là cháu của ông Sam Cayhall.
Mấy người KKK xúm lại quanh Adam. Một người nói:
– Cháu của Sam? Vậy là ở phe mình…
– Chưa chắc đâu! – Một người khác lên tiếng – Hắn là luật sư tay chân của bọn tài phiệt Do Thái ở Chicago. Công ty luật của bọn Do Thái tự nguyện biện hộ miễn phí cho ông Cayhall chỉ là để lấy tiếng thôi. Chúng vẫn muốn thấy ông Cayhall bị chết.
Tinh thần Adam sáng suốt trở lại, chàng lắc đầu:
– Các anh chỉ nói đúng có mỗi một điều: tôi là luật sư. Tôi bảo vệ thân chủ cũng là ông nội tôi nhưng tôi không ở trong phe các anh.
Và đến lượt chàng đặt câu hỏi:
– Các anh đến đây làm gì?
– Chúng tôi đến cứu Sam. Anh là luật sư mà cũng là cháu ông ấy nhưng chúng tôi thấy anh chẳng làm gì để cứu ông ấy cả.
– Các anh chính là những người làm cho ông tôi phải chết!
Một thanh niên vạm vỡ, mặt đỏ và bự, loáng ướt mồ hôi, hầm hầm bước đến trước mặt Adam:
– Nói bậy. Sam Cayhall là nguyên nhân làm cho hôm nay chúng tôi đến đây. Khi ông ấy đánh bom giết bọn Do Thái tôi mới có ba tuổi. Anh không thể đổ cho tôi cái tội làm ông ấy bị bắt. Chúng tôi đến để ngăn chặn việc hành quyết ông ấy. Ông ấy bị tù vì lý do chính trị.
Ánh mắt Adam nhìn họ lúc ấy là ánh mắt của người trưởng thành thương hại nhìn bọn con trai mới lớn nói lý sự một cách ngu si nhưng vẫn tưởng là chúng khôn ngoan, hiểu biết. Chàng nói:
– Ông tôi chết là vì đi theo đảng Ku Klux Klan. Mặt nạ của các anh đâu rồi? Các anh chuyên che giấu mặt kia mà?
Mấy anh KKK bối rối nhìn nhau. Mấy anh không biết phải ứng đối như thế nào cho phải với người cháu của Sam Cayhall. Mấy anh coi ông Sam Cayhall như một ông Thánh tử đạo của KKK.
Adam bình tĩnh nói tiếp:
– Ông tôi chết có lợi cho các anh hơn. Các anh sẽ có thể tự hào vì có một người hy sinh cho cái mà các anh gọi là chính nghĩa Ku Klux Klan quái dị của các anh. Các anh đi đi. Để cho ông tôi được chết trong bình yên. Các anh làm ồn ào vô ích. Đằng nào thì các anh cũng có vị Thánh tử đạo.
Có tiếng mở, đóng cửa xe sau lưng, Adam quay lại. Một xe van chở nhóm phóng viên vừa đổ bộ. Chàng đi vội trở về xe của chàng. Cô phóng viên trẻ tuổi chặn đường chàng:
– Ông là Adam Hall. – Nàng hỏi vội – Luật sư của ông Sam Cayhall?
– Vâng. – Adam trả lời, chân chàng vẫn rảo bước.
– Cho tôi được hỏi ông đôi câu…
– Xin lỗi. Tôi không có gì để nói với cô…
Chàng nhìn về phía mấy anh KKK đang đứng nhìn theo chàng:
– Mấy người kia đang sẵn sàng nói. Cô nên đến phỏng vấn họ.
 
Giám thị Parker nhìn cái phích Adam cầm ở tay:
– Gì vậy?
– Kem Eskimo.
Adam mở nắp phích cho Parker thấy cả chục cây kem Eskimo sô-cô-la nằm lạnh trong phích.
– Chờ ở đây. – Parker mở cửa một gian phòng ở ngay gần cửa vào khu Tử hình. Adam chưa đặt chân vào phòng này lần nào, Parker nói thêm:
– Kể từ hôm nay già Sam sẽ gặp mọi người ở phòng này. Thời gian gặp không hạn chế.
Adam bỗng thấy trái tim chàng thắt lại. Việc đổi phòng cho chàng biết thời gian hành quyết đã đến gần. Khám đường tỏ ra hào phóng và ưu đãi người tù sắp bị hành quyết.
Chàng nhìn quanh. Phòng nhỏ, sạch sẽ, sáng sủa, có bàn ghế, điện thoại.
Sam Cayhall được đưa vào phòng. Hôm nay người tử tù không bị còng tay như những lần trước. Hai ông cháu bắt tay nhau. Già Sam ngồi xuống ghế, thản nhiên mở phích lấy kem ăn ngon lành. Ăn hết hai cây ông mới nói:
– Sáng nay tivi loan tin ông đã đệ đơn xin khoan hồng lên Thống đốc. Tại sao con làm vậy? Ông đã nói với con ông không xin khoan hồng mà?
– Có gì quan trọng đâu ông, đó chỉ là thủ tục.
– Cái gì mình cho là quan trọng thì nó là quan trọng. Ông đã nói với con ngay từ đầu ông không xin ân huệ gì ở thằng chó đẻ ấy hết. Tại sao con lại làm trái ý ông?
Adam xoa dịu:
– Thủ tục là phải làm như thế, ông ơi. Nếu ta không muốn, ta sẽ không đến điều trần. Đệ đơn xin khoan hồng là quyền lợi của ta, ta có quyền yêu cầu như thế. Cho hay không là ở hắn. Ta có quyền đệ đơn yêu cầu nhưng ta không đến dự phiên điều trần để được khoan hồng.
Già Sam lắc đầu tỏ vẻ chán nản nhưng ông vẫn ăn ngon lành. Adam thấy tuy ông phản đối nhưng thực ra ông có vẻ chẳng quan tâm gì lắm đến việc chàng xin Thống đốc khoan hồng hay không xin. Ông như người thua cuộc sẵn sàng chịu đựng mọi chuyện trái ý. Ông chỉ nói vài lời phản đối lấy lệ thế thôi. Nếu trước đây mười ngày chàng đệ đơn xin khoan hồng rất có thể ông đã làm dữ dội đến cái độ có thể đuổi chàng.
Ông già nói như người kể chuyện vui:
– Đêm qua bọn đầu trâu diễn tập cuộc hành quyết. Lâu rồi chúng nó không giết người nên sợ lụt mất ngón nghề. Chúng nó bắt ở đâu được con heo, cho vào phòng hơi độc, cũng xả hơi cho chết đàng hoàng. Chúng nó diễn tập như bọn đào kép tập tuồng ấy. Sắp đến giờ chúng đưa ông lên sân khấu rồi. Bọn khốn nạn.
Adam im lặng.
– Con có biết mùi khí cyanide giống mùi gì không?
– Thưa không.
– Mùi quế. Bọn đầu trâu không đóng kín cửa khu phòng hơi sang dãy A nên bọn tù ngửi thấy mùi hơi cyanide thơm như mùi quế. Cũng dễ chịu đấy.
Chàng trai không thể biết ông già nói chơi hay nói thật, nói đúng hay nói sai. Rất có thể ông già đã tưởng tượng ông ngửi thấy mùi quế thơm. Trông ông đáng thương quá. Già ốm, hom hem, vàng vọt, mái tóc thưa nhiều sợi bạc, hàng ria tua tủa, những ngón tay đen đủi, khẳng khiu chỉ còn da và xương. Thật là một tội ác khi đem giết một ông già còm ròm như thế này. Ông già quả thật đã phạm tội giết người, nhưng việc đó xảy ra đã quá lâu và ông cũng đã bị giam trong tù quá lâu rồi. Ông đã chết đi, sống lại không biết bao nhiêu lần trong khám tử hình. Ông cũng chẳng còn sống được bao lâu nữa.
Ăn hết cây kem thứ ba ông già lại hỏi:
– Con có thấy bọn KKK tụ họp ngoài đường không? Ông nhìn thấy họ trên tivi sáng nay.
– Dạ có. Chừng hơn một chục anh. Con có đứng lại nói vài câu với họ.
Ông già kiêu hãnh nói như một cựu chiến binh kể thành tích chiến đấu:
– Ngày xưa ông cũng mặc bộ áo như thế, nhưng ông còn mang mặt nạ nữa kia.
– Vâng. Con biết. Chính vì ngày xưa ông mặc bộ áo KKK ấy mà hôm nay ông cháu ta mới ngồi đây đếm từng ngày. Ông ký cho con tờ giấy cho phép để con đuổi họ đi mới phải. Con nghĩ ông phải thù hận họ chứ?
Ông già thản nhiên:
– Ông không thù hận họ mà ông cũng chẳng hào hứng gì khi họ kéo nhau đến đây. Họ đã bỏ rơi ông. Khi Dogan phản thùng, tố cáo ông trước toà, hắn tự nhận hắn là một thứ Pháp vương Ku Klux Klan, nhưng họ đã không một ai lên tiếng phản đối hắn. Họ để mặc ông sống như chết trong nhà tù này bao nhiêu năm nay, không tên nào đóng góp cho ông một đô-la trả tiền án phí. Chính họ cũng phản bội ông.
– Ông ơi… Ông chờ đợi gì ở bọn nửa người nửa ngợm nửa đười ươi ấy? ông chờ đợi thấy chúng tỏ ra chung thủy ư?
– Sao lại không? Ông là người trung thành, chung thủy. Con phải nhận là ông sống có thủy, có chung chứ?
– Vâng. Chính vì ông khác họ nên hôm nay họ ở ngoài đó mà ông thì ngồi trong này. Tại sao ông lại không chịu khai như Pháp vương phường tuồng Jeremiah Dogan? Ông trung thành với những tên sớm đầu, tối đánh như thế để làm gì? Chúng không đáng được ông bảo vệ.
Ông già không tỏ vẻ khó chịu khi bị anh cháu phê phán, trái lại ánh mắt ông có vẻ tò mò, thú vị khi ông hỏi:
– Con nói chuyện gì với bọn KKK ngoài đó?
– Con yêu cầu họ đi chỗ khác. Họ đâu có thương xót gì ông. Họ chỉ lợi dụng dịp này để cho thiên hạ biết họ còn có mặt. Họ sẽ suy tôn ông làm ông Thánh tử đạo của họ. Rồi họ sẽ kéo nhau đến viếng mộ ông, họ đọc cho nhau nghe những bài tán dương ông nhưng thực ra là để tán dương chính họ.
Ông già có vẻ đồng ý với chàng trai. Ông chậm rãi bóc vỏ giấy cây kem thứ tư. Một lúc sau Adam hỏi:
– Thưa ông… ông quyết định sao về việc em Carmen muốn đến thăm ông?
– Ông cũng muốn gặp nó nhưng con phải tả cho em con biết ông tả tơi như thế nào. Ông không muốn khi nhìn thấy ông nó tối tăm mặt mũi vì trông ông… dễ sợ quá…
– Con bảo đảm với ông là không có chuyện ấy đâu. Con thấy ông được lắm.
– Cảm ơn con. Còn cô Lee thế nào? Ông đọc báo thấy đăng tin cô ấy say rượu, lái xe, bị cảnh sát bắt. Cô có bị giam lâu không?
Adam trả lời chắc chắn như chàng biết cô Lee của chàng lúc này đang ở đâu vậy:
– Thưa không. Cô con được thả ngay. Hiện cô con đang ở trong dưỡng đường.
– Nếu cô muốn vào thăm ông thì con bảo cô đến. Bất cứ ngày nào.
Già Sam lấy trong túi ra phong thư đưa cho Adam:
– Đây là danh sách những người thân ông thuận để vào gặp ông. Con đưa cho luật sư Mann giùm ông. Con đọc đi.
Adam mở thư ra xem. Bản danh sách ngắn gọn chỉ có tên bốn người: Adam Hall, Lee Cayhall Booth, Carmen Hall và Donnie Cayhall. Ông già nói như để phân trần:
– Người trong họ ta khá đông nhưng chẳng có ai thiết tha gì đến ông mà ông cũng chẳng mong họ tới.
– Thưa ông… có nhiều phóng viên nhà báo, truyền hình muốn được phỏng vấn ông.
– Bảo họ đi chỗ khác.
– Vâng. Nhưng có nhân vật này con cần thưa để ông biết. Ông ta tên là Wendall Sherman, một tác giả khá nổi tiếng từng viết ba bốn tác phẩm, có quyển được giải văn chương. Con chưa đọc tác phẩm nào của ông ta cả song con có nghe nói đến ông ta. Ông ta gọi cho con hôm qua, ngỏ ý muốn được vào ngồi nói chuyện với ông và ghi âm chuyện đời ông do chính ông kể. Theo con thấy ông ấy là tác giả đứng đắn, không viết chuyện giật gân bậy bạ câu khách như bọn nhà báo viết láo ăn tiền. Cuộc ghi âm chuyện ông kể có thể kéo dài nhiều tiếng đồng hồ. Nếu ông bằng lòng, ông ấy sẽ bay đến gặp ông nội trong ngày hôm nay.
– Viết chuyện đời ông à?
Ông già hỏi, ánh mắt ông sáng lên:
– Viết đời ông thành tiểu thuyết ái tình lâm ly bi đát ư? – Già Sam cười nhẹ – Đời ông có xu teng ái tình nào đâu!
– Đề nghị đứng đắn đấy ông. Ông ấy chi ngay năm mươi ngàn đô-la, khi sách phát hành sẽ được hưởng thêm mấy phần trăm tiền bản quyền.
– Hay đấy! Ông có năm chục ngàn đô vài ngày trước khi ông chết. Con bảo ông nên dùng khoản tiền ấy vào việc gì?
– Con chỉ thưa với ông lời đề nghị của ông Sherman. Ông tác giả ấy thấy ông là nhân vật đặc biệt, ông đại diện cho một thời kỳ trong lịch sử Hoa Kỳ. Con phải thưa với ông chuyện ấy để nếu ông muốn nói gì với người cùng thời, với những người đời sau..
Ông già lắc đầu:
– Từ chối đi con. Ông không thích kể lể chuyện riêng tư của ông với người lạ.
Rồi ông nói:
– Ông muốn con làm cho ông một di chúc riêng. Di chúc chỉ có một điều là ông dành tất cả quyền khai thác cuộc đời ông cho con. Làm đi, đưa ông ký ngay.
Già Sam đứng lên, tuột đôi giày cao su nhà tù ra để đi chân không trong phòng. Ông lại vừa đi vừa đếm những bước chân. Bỗng ông dừng lại:
– Adam… Giúp ông việc này.
– Dạ. Việc gì ạ?
Lấy trong áo ra phong thư, già Sam đưa thư cho anh cháu:
– Ông nhờ con đưa thơ này đến tận tay một người.
– Vâng. Ai thế ông?
– Quince Lincoln.
Ông già như người lạc hồn vào cõi xa xăm nào đó. Ông nói như người nói một mình trong giấc mơ:
– Ông viết cả tuần mới xong thư này. Để viết nó ông đã phải suy nghĩ, lựa lời không biết là trong bao nhiêu đêm. Thư tạ tội đó con. Không phải thư xin lỗi mà là thư tạ tội. Ông đã mang tội lỗi này trên đầu ông, trong tim ông, từ mấy chục năm trời nay. Joe Lincoln, bố của Quince là người tốt. Vì ngu xuẩn ông đã bắn chết Joe. Khi nổ súng ông biết ông có thể giết Joe mà không bị tù tội. Tuy ngoài mặt chẳng bao giờ ông thú nhận nhưng trong lòng ông vẫn hối hận. Bây giờ thì ông chỉ còn có thể nói là ông ân hận. Trong thư ông xin Quince và bà mẹ, nếu bà vợ Joe còn sống, tha thứ cho ông. Xin được tha thứ là thái độ hối lỗi của người Thiên Chúa giáo. Ông muốn xin lỗi mọi người trước khi ông ra khỏi cõi đời này. Con thay ông đi tìm mẹ con Quince Lincoln.
Chàng trai ngậm ngùi:
– Khi con gặp họ, ông muốn con nói gì với họ?
– Nói con là cháu của ông, con thay ông nói lời xin lỗi họ và đưa thư ông cho Quince. Nói với họ là ông chết với trái tim đầy hối hận.
– Xin ông yên tâm. Con sẽ làm việc này.
Già Sam lấy ra hai phong thư nữa, một thư đề tên bà Ruth Kramer, thư kia đề tên ông Elliot Kramer:
– Hai thư này của gia đình Kramer. Đưa cho họ giùm ông, nhưng chỉ đưa sau khi ông đã… đi rồi.
– Sao vậy, thưa ông? Tại sao lại phải chờ đến sau đó?
– Vì việc ông làm hoàn toàn trong sáng. Ông không muốn người ta tưởng ông mong có sự thương hại của người ta khi ông sắp chết.
Adam cho ba phong thư vào cặp. Ba bức thư tượng trưng cho ba xác chết. Chàng thắc mắc không biết ông già còn bao nhiêu thư nữa chưa được viết.
– Còn thư nào nữa không ông? – Chàng hỏi thử.
Ông già mỉm cười:
– Hôm nay thì chỉ có từng ấy thôi.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.