Trận mưa lớn với những tiếng sấm chuyển động đất trời trôi qua đồng bằng vùng Mississippi lúc ba, bốn giờ sáng. Tiếng sấm nổ làm Sam Cayhall tỉnh giấc. Ông nằm nghe tiếng những hạt mưa đập mạnh vào những ô cửa sổ ngoài hành lang rồi tiếng dòng nước chảy xuống đọng thành vũng dưới chân bức tường cách phòng giam của ông không mấy xa. Nệm giường không còn làm ông nóng lưng nữa. Rất có thể trận mưa lớn này sẽ kéo dài đến sáng. Nhờ nó, khu Tử hình sẽ có thể mát mẻ được một hai ngày.
Ông già tử tù thích mưa, nhất là mưa đêm mùa hạ. Chính quyền tiểu bang Mississippi, với sự minh triết vô hạn, đã xây dựng lên nhà tù ở địa điểm nóng nhất toàn bang. Và khu An ninh Tối đa – nôm na là khu Tử hình – được xây theo kiểu lò nướng. Khu cũng có một dãy cửa sổ nhưng quá nhỏ và vô dụng. Những tác giả của cái hoả ngục mini này đã nhất trí phải làm sao để cho khí trời không lọt được vào, khí ngục không thoát được ra. Sau khi đã hoàn thành công trình kiến trúc mà họ tự thấy là tuyệt hảo và là một kiểu mẫu tiện nghi tù ngục, họ lại nhất trí một lần nữa trong quyết định không đặt máy điều hoà không khí cho công trình. Toà nhà khám Tử hình đứng sừng sững và cô độc giữa cánh đồng trồng bông đậu. Nóng bức và ẩm thấp quanh năm.
Nhưng chính quyền tiểu bang Mississippi không chỉ huy cũng không kiểm soát được thời tiết. Khi trời mưa xuống làm không khí dịu mát, ông già tử tù dâng lời tạ ơn. Dù sao thì vẫn có một đấng cao cao trên kia kiểm soát và chỉ huy tất cả. Chính quyền tiểu bang bất lực trước việc trời mưa trời nắng.
Ra khỏi giường, ông đứng vặn mình, vươn vai. Đau lưng là bệnh chung của người già, nhất là khi người già lại là một tử tù. Với thời gian, người tử tù quen dần với bệnh tật và ít có người than vãn về sức khoẻ. Bác sĩ, y tá không phải là bạn của tử tù.
Ông đi tới đứng vịn tay lên song sắt, lắng nghe tiếng gió, tiếng mưa bên ngoài. Chúa ơi… ước gì được đi thẳng qua bức tường kia, đi ra mưa, dẫm chân lên cỏ ướt mềm. Ước gì được chạy trong mưa, dưới mưa, được cảm thấy mưa rơi trên tóc, mưa đập vào mắt, nước mưa mát rượi chảy từ đỉnh đầu xuống đến gót chân.
Nỗi kinh hoàng ghê rợn đặc biệt của khu tử tù là người tù sống trong đó bị chết mỗi ngày. Mỗi buổi sáng thức dậy, người tử tù thấy mình đến gần cái chết thêm một ngày nữa.
Ông đốt điếu thuốc thứ nhất trong ngày và lặng nhìn làn khói thuốc bay chậm, tan chậm trong không gian ẩm nước mưa. Có nhiều điều quái dị trong hệ thống tư pháp xứ này. Ông nghĩ thầm. Hôm nay toà án phán quyết thế này, ngày mai có thể toà phán quyết khác hẳn. Cùng một ông toà ban hành hai cái án khác nhau cho hai vụ giống hệt nhau. Một toà án có thể cất kỹ đơn xin thượng tố của một vụ trong nhiều năm không thèm nhìn ngó, nói năng gì cả; để rồi đùng đùng lôi vụ án ra xử làm mọi chuyện rối tinh rối mù. Những ông toà chết đi, những ông toà mới đến thay thế có những quan niệm và những phán quyết khác hẳn những ông cũ về cùng một vụ án. Tối cao Pháp viện khi thì ngả về tả, khi thì nghiêng sang hữu.
Đôi khi với nhiều tử tù, chết ngay còn đỡ khổ hơn sống mà chờ chết. Nếu được cho quyền chọn chết ngay hay tù chung thân trong khu Tử hình, người tử tù Sam Cayhall đã chọn cái chết trong phòng hơi độc. Nhưng như người ta vẫn nói: còn sống còn yêu, còn sống là còn hy vọng, gần như tất cả những người tử tù đều có niềm hy vọng mong manh có thể vụ án của họ sẽ được xử lại, có thể án của họ sẽ giảm. Họ mong chờ phép lạ đến từ trời cao. Sự mong chờ đó giúp cho họ sống được từng ngày.
Mới đây Sam đọc một tài liệu cho biết hiện có 250 tử tù đang chờ bị thi hành án ở Hoa Kỳ, nhưng trong năm 1989 vừa qua chỉ có 16 người trong số bị hành quyết. Tiểu bang Mississippi chỉ hành quyết 4 tử tù kể từ năm 1977, năm tử tù Gary Gilmore đòi được chết bằng súng do tiểu đội hành quyết ở Utah. Những con số này làm các tử tù thêm sức bám víu vào cuộc sống và làm họ sốt sắng đệ đơn xin thượng tố.
Người tử tù đứng đấy hút thuốc mãi cho đến lúc trời ngừng mưa và buổi sáng đến. Ông ăn sáng, đến bảy giờ mở tivi xem tin. Bỗng ông nhìn thấy khuôn mặt ông hiện trên màn ảnh sau người nữ xướng ngôn. Chị này sôi nổi loan cái tin đặc biệt trong ngày: Tử tù Sam Cayhall sắp chịu án, và người luật sư đại diện mới tên là Adam Hall, dường như là cháu của tử tù. Luật sư Adam Hall đại diện công ty Kravitz & Bane ở Chicago. Bức ảnh Sam Cayhall chiếu trên tivi đã được chụp cách đây mười năm. Ảnh Luật sư Adam Hall rõ ràng là ảnh chụp lén ở ngoài phố. Tin cho biết thêm luật sư Adam Hall đã xác nhận với phóng viên nhật báo The Memphis Press ông là cháu của tử tù Sam Cayhall.
Ông già bực dọc buông mẩu bánh xuống đĩa nhựa. Luật sư của ông đã nói chuyện với nhà báo, bất chấp lệnh cấm của ông. Sao bọn trẻ thời nay thiếu chữ tín đến vậy! Người ta dạy bọn trẻ những gì trong những cái gọi là trường Luật của xứ sở này?
Từ phòng bên tiếng Gullit hỏi sang:
– Sam… Ông có đấy không?
– Có đây.
– Vừa nhìn thấy ông trên kênh 4. Hình chụp hồi nào coi trẻ quá. Ông thấy sao? Sợ không?
– Thường thôi.
– Hít vào mấy hơi chân khí nhé, ông Sam.
Những tử tù sẽ bị chết trong phòng hơi độc thường nói với nhau câu “Hít vào mấy hơi chân khí” khi họ thấy bấn loạn, giận dữ, sợ hãi hay buồn rầu. Khi họ nói với nhau câu này thì chỉ có ý nghĩa đùa giỡn, khôi hài; nhưng nếu những giám thị mà nói câu này với tử tù thì nó lại mang ý nghĩa ác độc, rủa xả, cố ý hành hạ tử tù bằng cách gợi cho họ nhớ đến cái chết thê thảm đang chờ đợi họ, và đó là hành động vi hiến. Đã xảy ra nhiều vụ tử tù kiện giám thị vì câu này.
9 giờ 30 sáng, trung sĩ giám thị Parker đến trước phòng tử tù Sam Cayhall. Hai giám thị khác cùng đi với Parker. Sáng nay họ mang đến một dây xích sắt.
– Để làm gì vậy? – Nhìn dây xích, Sam hỏi.
– Xích chân. – Parker đáp gọn.
– Ra sân chơi chứ làm gì mà phải xích chân?
– Sáng nay chúng tôi đưa ông đi thư viện. Luật sư của ông yêu cầu được gặp ông ở thư viện. Đi thư viện thì phải xích chân.
Như mọi lần, Sam Cayhall đưa tay ra sau lưng chịu còng. Cửa mở, ông bước ra chịu xích chân.
– Còn giờ ra sân chơi của tôi? – Sam hỏi.
– Đi gặp luật sư hết buổi sáng, còn ra sân ra vườn gì nữa?
– Đừng nói bậy. Tôi có quyền đi gặp luật sư, tôi vẫn có quyền ra sân chơi một giờ đồng hồ. Anh làm sao thì làm. Truất giờ ra sân của tôi là tôi kiện anh.
Parker vẫn hoà nhã như hai người đang nói chuyện giỡn:
– Thôi mà Sam! Đừng có nóng. Kiện cáo mất công lắm, mất công cho ông ấy, không phải cho tôi.
Khi đưa Sam Cayhall ra khỏi hành lang phòng giam, Parker mới nói:
– Khỏi cần ông đòi, Tổng giám thị mới ra lệnh từ nay mỗi ngày ông được ra sân chơi hai giờ, sáng hoặc chiều tùy ông. Cho ông ở ngoài sân chán thì thôi. Cứ thế mãi cho đến ngày ông không ở đây nữa.
Người tử tù hậm hực:
– Mấy người sắp giết tôi nên mấy người mới cho tôi ra sân hai giờ đồng hồ một ngày. Để làm gì vậy? Để tôi có thể đi vào phòng tắm hơi mà không cần mấy người dìu ư? Anh nói với lão Tổng giám thị tôi gọi lão là thằng chó đẻ.
Parker cười khẩy:
– Tưởng nhắn chuyện gì. Chuyện đó ông ấy biết lâu rồi.
Sam Cayhall đi qua bốn lần cửa trước khi bước ra đến ngoài trời. Chiếc xe chờ sẵn. Hai giám thị xốc nách nhấc bổng người tù bị xích chân lên xe. Parker ngồi băng trước với tài xế.
– Nóng quá! – Người tù kêu lên – Cho máy lạnh chạy đi chứ!
– Hít vài hơi chân khí đi, Sam. – Parker nói.
– A… được lắm! Anh sẽ bị lôi thôi về câu ấy đấy, Parker. Tôi sẽ kiện anh.
Máy lạnh được mở, xe chạy, Sam Cayhall ngừng gây sự. Xe chở tù chạy trong vòng hàng rào nhà tù nên không phải là loại xe bít bùng. Người tử tù mở lớn đôi mắt nhìn cảnh vật qua kính chắn gió. Trận mưa lớn đêm qua làm cho cây cỏ sạch bụi và xanh rờn. Nhiều vũng nước còn đọng trong cánh đồng trồng bông. Ông nhớ lại kỷ niệm thời thơ ấu. Thời ấy, có năm ông cũng đi hái bông với mọi người. Nhưng lập tức Sam ngừng ngay việc hồi ức này. Từ lâu ông đã tập quen tính không hồi tưởng quá khứ.
Xe chạy chậm, Sam thích thú nhìn đám tù nhân ngồi hoặc đứng quanh mấy tù nhân khác đang nằm đẩy tạ. Những làn da trần loáng ướt mồ hôi dưới ánh mặt trời. Những người này cũng là tù nhân, họ đang sống trong nhà tù, những hàng rào dây thép gai vẫn bao quanh họ nhưng họ được đi lại ngoài trời, trong nắng, trong gió; được cười nói, được ở tù yên ổn chờ ngày ra khỏi tù, không bị ám ảnh bởi cái chết ghê rợn trong phòng hơi độc. Người tử tù thấy cuộc sống có nhiều cái “được” của những bạn tù kia sung sướng, đáng sống biết chừng nào!
Thư viện Luật của nhà tù được các tù nhân gọi là Tiệm Sách – vì nó quá nhỏ và có quá ít sách. Thư viện chính của nhà tù nằm trong một khu cách khu Tử hình khá xa. Tiệm Sách chỉ dành cho những tử tù. Sam Cayhall từng đến đây nhiều lần trong chín năm trời.
Hai viên giám thị đi theo mở dây xích dưới chân Sam Cayhall khi họ vào bên trong thư viện.
– Ông có hai giờ. – Parker nói.
Sam xoa xoa hai cổ tay sau khi được mở còng:
– Tôi ở đây mấy giờ tùy theo ý tôi.
Parker gật đầu:
– Được! Ông muốn ở lại đây đọc sách cả ngày cũng được, nhưng hai giờ nữa tôi đến lôi cổ ông về.
Sam bước vào phòng. Cánh cửa đóng mạnh lại sau ông. Sam đặt tập hồ sơ mang theo lên bàn, mắt nhìn thẳng về phía chàng luật sư.
Lần thứ nhất hai ông cháu được gặp nhau trong cùng một gian phòng, không gian giữa họ không bị ngăn cách bằng một hàng lưới sắt. Adam thấy ông nội chàng, nhìn gần, có vẻ thấp nhỏ hơn trong bộ đồng phục tử tù. Những cảm giác pha trộn của tình trạng liên hệ giữa họ: ông và cháu, luật sư và thân chủ, người tự do và người mất tự do, làm cho họ sững sờ trong vài giây đồng hồ.
– Chào ông. – Adam mở lời.
– Chào con. Ông vừa nhìn thấy hình ông và con trên tivi.
– Ông đọc báo chưa?
– Chưa.
Adam đẩy tờ nhật báo lướt trên mặt bàn, Sam đưa tay ra chặn lại. Ông ngồi xuống ghế, mở tờ báo, đọc kỹ bản tin và nhìn kỹ ảnh ông, ảnh anh cháu in kèm.
Phóng viên Todd Marks tìm được người tên là Alan Cayhall ra đời ở Clanton, quận Ford, năm 1964, người đứng tên bố trên giấy khai sinh là Edward S. Cayhall. Tiếp đó Todd Marks lục tìm giấy khai sinh của Edward S. Cayhall và thấy thân phụ của người này chính là Samuel Lucas Cayhall, người tử tù đang chờ bị thi hành án. Bản tin cho biết luật sư Adam Hall xác nhận thân phụ ông đã đổi họ tên ở California và Sam Cayhall là ông nội của ông. Todd Marks cẩn thận không viết chính luật sư Hall xác nhận với anh ta chuyện trên nhưng qua bản tin, anh ta đã không tôn trọng thoả hiệp miệng giữa anh ta và Adam Hall. Ai đọc bản tin này cũng thấy là hai người – phóng viên và luật sư – đã gặp nhau, đã nói chuyện với nhau.
Bản tin đăng thêm chi tiết người con Edward S. Cayhall đã tự tử chết ở California, không thấy viết gì đến người con nào khác của người tử tù. Lee chưa bị nhắc đến, phóng viên Todd Marks chưa biết gì về bà Lee Cayhall Booth.
Bản tin về hai ông cháu được đăng trên trang nhất tờ báo. Sáng sớm hôm nay Lee đưa tờ báo cho Adam khi anh cháu đang ngồi uống cà phê trên ban-công ngắm mặt trời lên trên dòng sông trắng. Hai cô cháu cùng uống cà phê rồi nước trái cây. Họ thay phiên đọc báo và bình luận. Adam nói anh chàng phóng viên nhà báo đã cho phục sẵn nhiếp ảnh viên ở cửa khách sạn Peabody, chờ chàng bước ra là chụp liền nên tờ báo mới có tấm ảnh này. Thủ đoạn nhà nghề của mấy tay ký giả ký thôi. Không có gì đáng ngạc nhiên hay khó chịu vì nghĩ rằng mình bị lừa.
Vứt tờ báo xuống bàn, ông già hỏi, giọng gay gắt:
– Con có gặp tên nhà báo này không?
– Con có gặp.
– Sao lại gặp nó?
– Vì hắn gọi điện đến văn phòng của con ở Memphis, yêu cầu được gặp con. Vì hắn đã nghe được tin đồn về ông cháu mình. Vì con muốn gặp hắn để chính con xác nhận tin đó. Thưa ông, có gì quan trọng đâu ạ?
– Báo nó đăng ảnh ông, ảnh con chình ình thế này mà không phải là quan trọng à?
– Ảnh ông lên báo nhiều lần rồi. Dù con có tránh không gặp hắn thì hắn vẫn cứ đăng ảnh ông và loan tin đồn về ông cháu ta như thường. Để hắn loan tin đồn có thể có hại cho ông cháu ta. Gặp hắn, ít nhất con cũng có thể ngăn chặn được phần nào.
Những luận cứ Adam đưa ra không làm ông già hài lòng. Ông nhún vai:
– Còn con? Bộ con khoái được có ảnh đăng báo lắm ư?
Chàng trai mỉm cười:
– Họ chụp lén con. Ông nhìn ảnh cũng thấy con bị chụp lén. Nhưng bị chụp lén, không sửa soạn gì mà trông con cũng được đấy chứ! Cháu ông đâu đến nỗi nào.
Ông già gõ gõ ngón tay lên tờ báo:
– Con nói cho nó biết tất cả những chuyện này?
– Vâng. Gần tất cả. Hắn cũng tự tìm được vài chi tiết. Con có giao hẹn hắn không được loan tin là hắn gặp con, không được viết chính con xác nhận bất cứ chuyện gì với hắn. Hắn đã vi phạm giao ước. Con sẽ không bao giờ cho hắn gặp con nữa.
Ông già lấy thuốc ra hút. Thái độ của ông trở lại thoải mái, môi ông thoáng hiện nét cười:
– Đừng tự ái. Con còn trẻ, đôi khi con ngây thơ cũng phải thôi. Không ai giao ước với bọn nhà báo cả. Chính vì không muốn thấy con bị hố với bọn nhà báo nên ông mới cản không cho con giao thiệp với bọn nó. – Ông đổi chuyện – Con nhận với nó con là cháu của ông?
– Nhận chứ ông. Con không muốn chối, mà có chối cũng chẳng được.
Ông già có vẻ hài lòng. Khói thuốc ông nhả ra bắt đầu quần tụ như đám mây thánh trên đầu ông. Chàng trai nghĩ đến chuyện làm sao để không bị nhức đầu vì số lượng khói ông già sản xuất ra trong mấy tiếng đồng hồ hai ông cháu nói chuyện trong căn phòng này.
Ông già long trọng khuyến cáo:
– Con phải tránh xa bọn truyền thông. Chúng vô lương tâm và ngu ngốc. Chúng bới móc đời tư người ta để sống. Chúng dối trá và sẵn sàng phạm những việc chúng biết là bậy bạ, kể cả những việc có thể làm người ta chết oan.
– Ông ơi… con là luật sư, con bắt buộc phải giao tiếp với giới truyền thông.
Ông già gật đầu thông cảm:
– Ông biết. Khó đấy. Ông muốn nhắc để con thận trọng trong khi giao thiệp với bọn bất lương ấy.
Adam mở cặp lấy ra tập hồ sơ. Chàng mỉm cười:
– Thưa ông, đêm qua con nghĩ ra được một đòn khá hay để mở đầu trận đánh tự vệ của ông cháu ta.
– Đòn gì thế? Ông nghe đây.
– Con sẽ nộp yêu sách này sáng thứ Hai tới. Đơn giản thôi. Mississippi là một trong năm tiểu bang vẫn còn dùng phòng hơi độc để thi hành án tử hình. Viện Lập pháp Mississippi trong năm 1984 đã thông qua đạo luật cho phép tử tù được quyền chọn lựa việc chết trong phòng hơi hay chết vì tiêm thuốc. Nhưng luật mới ấy chỉ được áp dụng với những người bị kết án sau ngày 1 tháng 7 năm 1984. Không áp dụng với ông.
Ông già gật đầu:
– Đúng. Theo ông thấy, nửa số tù hiện chờ chết trong khu Tử hình có quyền chọn lựa theo luật mới, nửa số đã bị kết án trước ngày ban hành luật thì miễn chọn.
– Một trong những lý do Viện Lập pháp thông qua đạo luật tiêm thuốc cho người tù được chết đỡ khổ hơn là để làm cho việc thi hành án tử hình nhân đạo hơn một chút. Con có nghiên cứu những cuộc bàn cãi về vấn đề này nên con thấy nhiều thành viên Viện Lập pháp Mississippi cho việc giết người trong phòng hơi độc là dã man và lỗi thời. Thời đại mới phải có cách giết mới: nhanh hơn, tiện hơn, đỡ tốn hơn và làm cho người bị giết đỡ đau hơn. Luận cứ chúng ta đưa ra để yêu sách là khi chính quyền đưa ra cách tiêm thuốc tức là mặc nhiên cho việc giết người bằng hơi độc là không còn hợp thời. Tại sao lại không hợp thời? Vì đó là cách giết người tàn ác.
Ông già suy nghĩ rồi nói sau mấy hơi thuốc:
– Con nói nữa đi.
– Chúng ta sẽ tấn công phòng hơi độc và yêu cầu không thi hành án trong phòng hơi độc. Con nghe nói có xảy ra nhiều bê bối trong hai vụ hành quyết Teddy Doyle Meeks và Maynard Tole.
Ông già ngước lên nhìn:
– Bên ngoài cũng biết những chuyện bê bối ấy sao? Hay đấy!
– Ông có biết gì về hai vụ ấy không ạ?
Ông già cười giọng mũi:
– Biết quá chứ sao lại không! Hai người đó chết chỉ cách chỗ ông nằm có vài chục thước. Bọn tử tù chỉ có chuyện chết để nói với nhau cả ngày lẫn đêm. Người nào trong khu Tử hình cũng biết chi tiết vụ hành quyết hai người con vừa nói.
– Chuyện ra sao, ông kể cho con nghe đi.
Ông già ngồi thẳng lên, đặt hai tay lên bàn, nhìn mơ hồ xuống tờ báo:
– Meeks là tử tù thứ nhất bị thi hành án ở tiểu bang này sau mười năm không hành quyết một tử tù nào. Bọn cà chớn trong khám đường này quên mất chúng phải làm những gì khi giết người, chúng không nhớ cách sử dụng phòng hơi. Năm đó là năm 1982, ông về đây đã được hai năm. Trong mười năm trời, bọn tử tù sống phây phây, chỉ ăn rồi ngủ, chẳng ai thèm nhớ gì đến những cái gọi là phòng hơi với chất cyanide, đến bữa ăn cuối cùng. Tuy bị kết án tử hình nhưng án không thi hành, chẳng ai có gì để phải sợ. Vụ Meeks làm cho bọn tử tù choàng tỉnh. Họ giết Meeks rồi họ sẽ giết những tử tù khác.
Adam đã đọc nhiều bài báo tường thuật vụ thi hành án tử tù Teddy Dole Meeks hết sức luộm thuộm, bê bối nhưng chàng muốn nghe chính một tử tù thuật lại vụ đó:
– Vụ đó xảy ra như thế nào, thưa ông?
– Rất nhiều chuyện. Con đã nhìn thấy phòng hơi độc bao giờ chưa?
– Thưa chưa.
– Sát cạnh phòng hơi độc là căn phòng nhỏ, chỉ lớn hơn buồng điện thoại công cộng một chút. Chuyên viên bào chế thuốc độc làm việc trong cái ô nhỏ ấy. Y pha chất acid với cyanide rồi đổ vào cái ống cho chảy vào phòng hơi. Khi họ giết Meeks, anh chàng bào chế đang say rượu.
Ngạc nhiên và không tin, Adam kêu lên:
– Sao ạ?
– Tử tù tất nhiên chẳng ai nhìn thấy anh bào chế này, nhưng việc lúc anh ấy xỉn thì ai cũng biết. Nguyên nhân là, con nên nhớ chi tiết này, không ai chờ đợi Meeks chịu án. Tù và bọn giám thị đều nghĩ tử tù sẽ được hoãn thi hành án vào phút chót như những vụ trước. Meeks đã được hoãn chịu án hai lần. Nhưng lần này không có lệnh hoãn. Đến phút cuối, bọn cà chớn mới cuống quít chạy đi tìm chuyên viên bào chế độc dược. Chuyên viên này được cơ quan Tư pháp tiểu bang chỉ định, không phải cứ anh lang băm pha chế nào cũng làm được việc đó. Khi bọn cà chớn tìm được chuyên viên bào chế thì anh ta đã say khướt. Say thì say, anh ta vẫn phải vô nhà tù hành nghề. Không biết tại sao mẻ thuốc đầu tiên anh ta cho qua ống dẫn chảy vào cái chậu đặt dưới ghế Meeks ngồi trong phòng lại không bốc hơi. Mọi người chờ đợi Meeks nhăn nhó, dãy dụa rồi chết. Meeks thì hít vào một hơi dài, nhịn thở và cũng chờ đợi. Nhưng chờ mãi chả thấy gì cả, Meeks nhịn thở hết nổi đành phải há miệng ra thở. Thấy tử tù vẫn sống nhăn, bọn cà chớn giương mắt ếch ra nhìn anh bào chế. Anh này lầm bầm chửi thề rồi đong thuốc làm lại. Nhưng trước hết phải lấy số thuốc không bốc hơi từ trong phòng hành quyết đem ra ngoài. Việc này mất đến mười phút. Mẻ thuốc thứ hai được đổ vào ống dẫn. Lần này thì thuốc hiệu nghiệm, hơi độc bốc lên. Người chứng kiến nhìn qua cửa kính vào phòng có thể thấy làn hơi như khói xanh bốc lên từ dưới ghế tử tù ngồi. Không ai biết tại sao trong phòng lại có cây cột sắt dựng ngay sau ghế tử tù. Khi mọi người tưởng Meeks đã chết thì hắn lại dãy dụa, đầu hắn giật giật ra đằng sau, đập mạnh vào cây cột.
Adam đặt câu hỏi:
– Từ lúc hít phải hơi độc đến lúc chết là bao lâu?
– Không ai biết chắc. Theo lão bác sĩ khám đường thì chết ngay và không đau đớn gì nhưng lão có bao giờ phải hít hơi độc đâu mà lão biết. Những người bị bắt buộc phải hít hơi độc thì chẳng ai còn sống để kể lại kinh nghiệm. Theo vài người chứng kiến thì Meeks dãy dụa, co quắp, đập đầu đến năm phút.
Vụ tử tội Meeks bị hành quyết cung cấp cho những người vận động bãi bỏ án tử hình nhiều dữ kiện để tranh đấu. Điều chắc chắn là tử tội Meeks đã bị đau đớn nhiều trong phòng hơi độc và những đau đớn ấy là không cần thiết. Adam thấy những chi tiết ông nội chàng kể đều phù hợp với những gì chàng được đọc về vụ xử Meeks.
– Khi Meeks chịu án, ông ở đâu?
– Ông ở phòng số 1, dãy D. Đêm ấy an ninh và trật tự, nói cho đúng và rõ là những cấm đoán, được thắt chặt hơn trong toàn khám. Ở tất cả những khu khác, tù nhân đều biết có vụ hành quyết trong đêm. Giờ hành quyết luôn luôn ấn định vào lúc sau 12 giờ đêm. Điều nực cười là bọn cà chớn có cả hai mươi bốn giờ một ngày để thi hành án nhưng chúng vội vàng làm việc đó ngay vào phút đầu tiên trong ngày. Lệnh thi hành án chỉ ghi ngày thôi, không ghi giờ, nhưng cứ một phút sau 12 giờ đêm, phút thứ nhất của ngày mới là chúng làm luôn. Tuy vậy việc chúng làm cũng có cái tốt là nếu lệnh tạm hoãn được gọi tới bằng điện thoại, những luật sư của tử tù có cả một ngày để chạy cho lệnh hoãn chính thức được đưa đến khám đường trong ngày. Như vụ xử Buster Moac. Chúng đưa Buster vào phòng lúc nửa đêm, trói buộc xong xuôi chỉ còn có việc đóng cửa, thả hơi độc thì có điện thoại tới báo lệnh tạm hoãn để chờ quyết định mới. Buster được đưa trở về phòng cách ly trong lúc các luật sư của hắn toát mồ hôi xin lệnh hoãn thi hành án chính thức. Nhưng xin không được. Đến lúc mặt trời mọc, Buster bị đưa vào phòng hơi độc. Người ta truyền nhau mấy câu nói cuối cùng của Buster. Hắn phê bình miếng bít-tết cuối cùng hắn ăn còn quá sống. Câu thứ hai hắn nói với lão Tổng giám thị Naifeh: “Thằng Thống đốc chó đẻ không chịu ân xá cho tôi. Nói cho nó biết kỳ tới tôi không bỏ phiếu bầu cho nó nữa”.
Ông già có vẻ thích thú vì câu nói đó, Adam thấy chàng cần cười lên vài tiếng phụ họa.
Bốn năm sau ngày Teddy Doyle Meeks thụ án, đến lượt tử tù Maynard Tole phải vào phòng hơi độc. Tole được nhà Kravitz & Bane biện hộ miễn phí. Adam đã đọc nhiêu bài tường thuật vụ xử tử Tole nhưng chàng vẫn hỏi:
– Vụ Maynard Tole thì sao ạ?
– Ông gọi hắn là Mỹ đen, nhưng với con thì hắn là người Mỹ gốc Phi. Nhiều người khác gọi hắn là người da màu.
Hắn là thành viên của một nhóm tự nhận là tranh đấu cho quyền lợi của người da màu. Hoạt động chủ yếu của nhóm là tổ chức những vụ đánh cướp nhà băng gọi là để lấy tiền lo việc tranh đấu. Hắn bắn chết người trong một vụ cướp nhưng hắn cho là hắn chẳng có tội gì cả. Bao nhiêu tội lỗi trên đời này đều do bọn da trắng và xã hội do bọn da trắng làm chủ gây ra. Hắn vẫn chửi rủa ông và dọa giết ông nhưng ông chẳng đếm xỉa gì đến hắn. Hắn chỉ giỏi đánh võ mồm.
– Đánh võ mồm là sao ạ?
– Là ăn tục nói phét, là hung hãng con bọ xít, đao to búa lớn, mở miệng ra là dọa giết người nọ người kia nhưng thực chất, bản lãnh chẳng có gì đáng kể. Đa số bọn Mỹ đen đều như thế. Chúng la lối om sòm là chúng vô tội, sở dĩ chúng phải vào tù là do xã hội trắng xô đẩy chúng. Kể cả khi chúng cướp của, hãm hiếp. Chúng vẫn tự cho là chúng vô tội. Những việc chúng làm đều do bọn trắng gây ra.
– Như vậy thì… khi hắn ra đi, chắc ông cũng thấy nhẹ người?
Ông già lắc đầu:
– Không đâu. Ông đã nói là ông không thèm lý gì đến những tên to mồm chỉ giỏi chửi bậy chửi bạ. Ông thấy việc giết người là không đúng. Bọn đen giết người là bậy. Bọn trắng giết người là bậy. Việc ông đã làm là bậy. Việc người ta giết ông cũng là bậy.
– Tole có bị đau đớn nhiều như Meeks không?
– Ngang nhau. Một chuyên viên bào chế mới được bổ nhiệm. Anh này khá hơn, không say xỉn khi hành nghề. Mẻ thuốc anh ta bào chế kiến hiệu cấp kỳ. Tole cũng dãy dụa, cũng đập đầu vào cây cột sắt như Meeks. Hắn hấp hối lâu đến nỗi bọn cai tù thấy sợ, phải xô đẩy những người chứng kiến ra ngoài, không cho họ nhìn thấy cảnh tượng ghê rợn ấy. Khi chúng cho Buster chịu án, chúng rút kinh nghiệm nên dùng dây buộc chặt đầu Buster vào thành ghế, để Buster không giật đầu về đằng sau được.
Hai ông cháu yên lặng trong một lúc. Rồi anh cháu nói:
– Ông thấy luận cứ của con chứ. Chết trong phòng hơi độc là cái chết ghê rợn. Chúng ta sẽ tấn công cách thức thi hành án bằng phòng hơi. Chúng ta sẽ tìm và đưa ra trước toà những nhân chứng khai trình những gì họ thấy về những vụ đó và con hy vọng chúng ta sẽ thuyết phục được ông chánh án nào đó ra phán quyết việc xử tử bằng phòng hơi độc là vi hiến.
Ông già nhún vai:
– Rồi sao? Làm thế để làm gì? Không chịu chết bằng hơi độc để rồi chịu chết bằng chất thuốc tiêm vào người? Hơn gì? Cũng là chết thôi.
– Con định dùng kế hoãn binh. Ta không chịu phòng hơi, xin được lệnh tạm hoãn có thời hạn. Có thì giờ ta sẽ thượng tố lên những toà trên. Ta có thể kéo dài trong nhiều năm.
– Việc con định làm đó đã có người làm rồi.
– Làm rồi? Ở đâu ạ?
– Texas, 1983. Vụ Larson. Luật sư cũng đưa ra những luận cứ như con vừa nói nhưng đều bị toà bác. Toà phán quyết những phòng hơi độc đã phục vụ tốt từ năm mươi năm nay, đã chứng tỏ tính cách hữu hiệu và nhân đạo trong việc giết người.
– Vâng. Nhưng ông cũng thấy có sự khác biệt rất lớn chứ ạ. Đây không phải là Texas. Chính Texas cũng đã chuyển sang việc dùng thuốc tiêm rồi. Họ đã dẹp bỏ những phòng hơi độc cổ lỗ sĩ để áp dụng cách giết người tốt hơn, kỹ thuật hiện đại hơn.
Ông già đứng lên, đi tới bức tường trước mặt rồi chậm bước đi trở lại:
– Được thôi. Ông cũng muốn chết với kỹ thuật hiện đại…
Ông đứng lại đốt điếu thuốc mới trước khi lại bước đi. Khi trở lại trước mặt anh cháu, ông long trọng nói:
– Này con… ông vừa đếm bước đi trong phòng này. Chiều dài của nó là ba mươi bước chân ông, chiều ngang của nó là mười sáu bước, ông có thể đi liền ba mươi bước mà không bị tường hay song sắt ngăn lại. So với phòng giam của ông dài mười bước, rộng sáu bước thì đây là tự do đó con. Với ông, đây là tự do.
Ông già lại bước đi, vừa đi vừa phun khói thuốc lá. Chàng trai lặng nhìn ông già gầy gò trong bộ đồ áo liền quần màu đỏ đi qua đi lại với làn khói mỏng toả sau lưng. Ông già chân không mang bít tất, đi đôi giày cao su nên phát ra những tiếng lép nhép vì mồ hôi chân.
Ông già đứng lại trước tủ sách, lấy một quyển ra mở tìm. Gặp trang ông định tìm, ông già đọc qua rồi giơ quyển sách lên như một kịch sĩ trên sân khấu:
– Đây này, ông nhớ đúng. Nó ở trong sách này. Án tử hình Jimmy Old ở Bắc Carolina. Old không muốn chết. Bọn đầu trâu phải hè nhau kéo hắn vào phòng hơi độc. Hắn gào thét, vùng vẫy, khóc toáng lên. Hắn ngồi trên ghế mở mắt trắng dã nhìn những người chứng kiến qua cửa kính như ngạc nhiên vì họ không làm gì để cứu hắn. Hắn co giật dữ dội đến nỗi có anh nhà báo ói mửa liền tại chỗ. Giám thị phải kéo màn đen che cửa kính lại không cho ai nhìn vào phòng nữa. Ước lượng Old phải mất đến mười bốn phút mới chết được.
Ông già cẩn thận để quyển sách trở lại chỗ cũ. Đốt điếu thuốc lá khác, ông ngửa mặt thở khói lên trần phòng:
– Ta có thể nói tất cả những phòng hơi độc trong những nhà tù trên xứ sở này đều được công ty Sản phẩm Kim khí Eaton ở thành phố Salt Lake dựng lên từ lâu lắm rồi. Ông đọc được ở đâu đó chuyện ghi phòng hơi độc của khám đường Missouri là do chính tù nhân dựng lên, nhưng cái phòng hơi độc của nhà tù này là sản phẩm của nhà Eaton. Tất cả những phòng hơi sản phẩm của nhà Eaton đều thiết kế như nhau: khung thép, tường thép, hình bát giác, có năm sáu ô cửa sổ nhỏ lắp kính dày để người chứng kiến nhìn vào phòng. Không có nhiều chỗ trong phòng hơi. Chỉ có một cái ghế gỗ với những dây buộc bằng da để tử tù ngồi. Giữa bốn chân ghế đặt cái chậu bằng kim khí. Ngay trên chậu có treo sẵn một gói đựng những viên cyanide. Anh bào chế làm rơi gói thuốc xuống lòng chậu bằng cách giật một cái cần, rồi anh đổ nước acid sulfuric vào lòng chậu qua ống dẫn từ bên ngoài. Nước acid gặp cyanide sẽ bốc lên thành hơi độc, giết chết người ngửi phải nó. Họ cho đó là cách giết người nhanh nhất và ít gây đau đớn nhất.
– Phòng hơi độc được chế ra để thay cho ghế điện, phải không ạ?
Như một thuyết trình viên đầy đủ thẩm quyền, ông già gật đầu:
– Phải. Vào thập niên 20, 30 cái ghế điện này đi hành nghề lưu động nữa kia. Những nhà tù không có ghế, mượn ghế. Ghế được đặt trong xe kéo đến cổng khám đường. Tử tù được lôi ra đứng sắp hàng chờ đến lượt lên xe như chờ đến lượt hớt tóc.
Ông già ngừng lại vài giây như ngẩn ngơ vì câu chuyện hồi tưởng này, ông thở khói rồi lắc đầu:
– Tử hình là trừng phạt tối đa nhưng tử hình không phải là tra tấn tối đa. Rất nhiều nơi trước đây hoan hỉ dùng cái ghế khốn nạn này để giết người. Hoa Kỳ nổi tiếng văn minh nhờ có ghế điện. Tử tù bị trói chặt vào ghế. Bọn đầu trâu kéo cầu dao cho điện giật nhưng nhiều khi điện không đủ mạnh hay bọn cai tù gắn những cục điện cực không đúng cách nên người bị điện giật cháy gan ruột mà vẫn chưa chết. Bọn đồ tể chờ vài phút rồi cho điện giật cú nữa. Lửa, tia điện xẹt ra lỗ mắt, lỗ tai tử tù là chuyện thường. Ông có đọc một báo cáo về vụ một tử tù bị điện giật lòi cả hai con mắt ra ngoài. Da thịt người chết vì điện nóng đến nỗi phải chờ một lúc mới biết được người bị điện giật đã chết hay chưa. Có tử tù ngồi cứng ngắc tưởng chết rồi té ra vẫn chưa chết hẳn. Thế là cai tù lại cho điện giật lần nữa. Có người chịu đến ba bốn lần điện như thế mới chết hẳn. Việc đó khủng khiếp quá. Vì vậy anh bác sĩ quân y mới chế ra cái phòng hơi độc này để có thể giết người đỡ khủng khiếp hơn. Đến nay phòng hơi độc đã trở thành lỗi thời. Người ta lại nghĩ ra cách giết người mới là tiêm thuốc vào người.
Ông già hào hứng vì ông có một cử tọa chịu nghe chuyện ông dù cái gọi là cử tọa ấy chỉ là một người. Chàng trai rõ ràng bị hấp dẫn vì chuyện kể của ông già.
– Ông có biết đã có bao nhiêu người chết trong phòng hơi nhà tù này không?
Ông già trả lời ngay:
– Nhà tù này có phòng hơi năm 1954. Từ đó đến 1970 họ đã dùng nó 35 lần. Toàn là đàn ông. Không có chị đàn bà nào đi tàu suốt trong đó. Sau khi giết Furnam năm 1972, phòng không có khách, mãi đến năm 1982 mới lại có Teddy Moyle Meeks. Sau Meeks có ba khách nữa. Vậy là đã có 39 mạng. Ông sẽ là mạng thứ 40.
Ông già đi đi lại lại như một giáo sư trên bục giảng, ông đi chậm hơn, nói chậm hơn và rõ ràng hơn, chỉ có làn khói thuốc là vẫn toả đều.
– Phòng hơi độc là cách rất không hữu hiệu để giết người. Đã luộm thuộm, bê bối mà còn nguy hiểm nữa. Nguy hiểm cho những người ở bên ngoài phòng. Tất cả những căn phòng giết người này đều đã lâu đời và đều rò rỉ ít hoặc nhiều. Không có cách nào làm được một phòng hơi hoàn toàn không thoát khí ra ngoài. Chỉ cần một tai nạn thoát khí nhỏ thôi là bọn đứng sát bên phòng như anh bào chế, giám thị, luật sư, bọn nhà báo tò mò tranh nhau dí mũi vào cửa kính xem người khác chết sẽ lãnh đủ. Nhưng mà…
Ông già mỉm cười:
– Nói đi cũng phải nói lại. Để cho bọn cai tù chết theo cũng là việc hay đấy!
Lại chầm chậm bước đi, ông nói tiếp:
– Nguy hiểm nhất là thời gian sau khi tử tù đã chết. Có một máy nghe nhịp đập tim được gắn vào ngực tử tù. Máy có dây truyền ra ngoài cho bác sĩ nghe. Khi bác sĩ nói tim tử tù đã ngừng đập, nắp cửa trên nóc phòng được mở ra cho khí độc ùa ra ngoài trời. Nhưng khí lạnh ngoài trời có thể làm cho hơi độc đọng lại, bám vào mọi vật trong phòng, bám nhiều nhất vào quần áo người chết. Họ xịt chất ammonia lên xác chết và khắp phòng để diệt hơi độc còn lại. Rồi bọn đạo tì mang mặt nạ dưỡng khí bắt đầu rờ vào xác chết. Chúng xịt ammonia hay bọt chlorine lên xác chết lần nữa vì hơi độc chứa trong cơ thể người chết có thể xì ra qua những lỗ chân lông. Xác chết vẫn bị buộc cứng trên ghế, đạo tì cắt quần áo của xác chết bỏ vào cái bọc đem đi đốt. Trước đây chúng chỉ cho tử tù bận có cái quần cụt thôi nhưng nay bọn cầm quyền tỏ ra nhân đạo hơn, cho phép tử tù muốn mặc gì tùy ý. Thành ra có nhiều tử tù đòi hỏi về trang phục kỹ lắm. Đến lượt ông, ông chưa biết ông sẽ mặc đồ ra sao đây.
– Rồi người ta mang xác chết đi đâu?
Adam thấy ngượng vì câu hỏi của chàng nhưng chàng muốn nhân dịp này tìm hiểu sâu thêm về phòng hơi độc trong những nhà tù.
– Sau khi được rửa sạch và tẩy độc, xác chết được bận đồ tù, cho vào cái bao kín, đem đến một tang nghi quán. Tới đây xác được trao cho thân nhân nhận lãnh. Thường là như vậy. Không có thân nhân nhận lãnh thì bọn đạo tì đem đi chôn.
Ông già cười nhẹ:
– Con có biết ông định ăn bận như thế nào khi vào phòng hơi độc không? Ông chỉ có hai bộ quần áo đỏ lòm này. Ông sẽ ở truồng đi vào phòng hơi. Chúng nó đâu có cấm ông được. Khi chúng bắt ông ngồi xuống ghế, ông sẽ gỡ cái máy nghe ra khỏi ngực ông để gắn nó vào hạ bộ ông cho thằng cha bác sĩ nghe nhịp đập nơi đó.
Hai ông cháu không người nào cười, ông già đứng trước tủ sách. Ông nhớ đến bốn người bạn tù đã vào cái phòng ấy trước ông. Ông tính chuyện sẽ viết thư xin ông em bộ quần áo tươm tất, đàng hoàng, bít-tất len, đôi giày da. Ông sẽ không chết trong bộ đồ tù với đôi giày cao su dơ dáy này.
Khi quay trở lại với anh cháu, ông già đã trở lại bình tĩnh và sắc sảo, ông nói:
– Ông thấy ý kiến chống việc chịu án trong phòng hơi của con có lý đấy. Ông cháu ta bắt tay vào việc đi.