Mang Xuống Tuyền Đài

CHƯƠNG 23



Trước hết hai cô cháu đến nghĩa trang để kính viếng linh hồn những vị tiền bối đã chết. Nghĩa trang nằm trên hai ngọn đồi ở ngoài thị trấn. Trên ngọn đồi thứ nhất, gần như tất cả những ngôi mộ đều được xây lớn, đẹp, đắt tiền, những bia mộ bằng đá đen, đá hoa cương. Những ngôi mộ mới hơn nằm trên ngọn đồi thứ hai. Cùng với thời gian, người ta không còn long trọng hoá việc chôn cất người chết và làm những mộ bia dềnh dàng nữa. Tất cả những ngôi mộ ở ngọn đồi thứ hai đều được xây cất sơ sài, những mộ chí nhỏ hơn, vắn tắt hơn. Những hàng cây sồi, cây phong cổ thụ có bóng lá che rợp nghĩa trang, cỏ và các bồn cây cảnh được chăm sóc, cắt xén gọn ghẽ. Nghĩa trang Clanton được kể là một nghĩa trang đẹp.
Ngày thứ Bảy trời đẹp, không có mây, gió nhẹ làm tan khí ẩm. Vừa qua mùa mưa, cỏ đồi xanh mướt, những bồn hoa nở trắng. Quì gối bên cạnh mộ bà mẹ, Lee đặt một bó hoa dưới mộ bia. Cô nhắm mắt lại. Adam đứng sau lưng cô đọc hàng chữ ghi trên bia: Anna Gates Cayhall. Ngày 3 tháng 9 năm 1922 – Ngày 18 tháng 9 năm 1977. Bà mất năm bà 55 tuổi. Adam tính nhẩm, năm đó chàng 13, sống yên bình ở miền Nam California và hoàn toàn không biết gì về dòng họ Cayhall.
Bà nằm riêng một mình một chỗ. Đây là việc chôn cất hơi lạ theo tục lệ dân miền Nam. Ở đây người ta vẫn quen lệ vợ chồng khi chết phải chôn cạnh nhau. Bên cạnh mộ người chết trước bao giờ cũng có sẵn phần đất để chôn người thứ hai.
– Ông 56 tuổi khi bà mất. – Lee nói khi cô đứng lên cạnh anh cháu – Cô muốn ông chôn bà ở chỗ nào có phần đất kế bên để ông có thể nằm cạnh bà. Nhưng ông không chịu. Chắc lúc đó ông nghĩ ông còn sống vài chục năm nữa, ông có thể cưới bà khác không chừng.
– Con nhớ cô có nói là ông bà sống không thuận nhau lắm?
– Không hợp tính thôi. Cô chắc bà cũng yêu thương ông lắm. Ông bà đã sống với nhau đến gần ba mươi năm. Bà là con gái miền quê, ít học, lấy chồng sớm, đẻ con sớm, ở nhà hầu chồng nuôi con. Thời của bà đa số phụ nữ đều như thế.
– Bà có biết gì về những việc ông làm không?
– Cô không rõ. Chắc có biết nhưng không biết rõ. Những chuyện ông làm là những chuyện chẳng bao giờ bà và cô dám nói đến. Cô chỉ biết khi ông bị bắt, bà buồn ghê gớm. Tủi hổ nữa. Bà có đến sống với bố mẹ con ít lâu để tránh bọn nhà báo đến quấy rầy.
– Bà không ra toà khi ông bị xử, bà cũng chẳng lần nào đi thăm ông, phải không ạ?
Lee gật đầu:
– Không lần nào. Bà bị áp huyết cao. Ông cũng không muốn bà đến gặp ông.
Hai cô cháu nắm tay nhau đi trên lối đi lát đá giữa hai hàng cây. Vừa đi họ vừa tò mò nhìn, đọc những mộ chí ghi tên người nằm dưới mộ. Lee chỉ tay về phía hàng cây xa ở tít cuối sườn đồi:
– Dưới hàng cây đó cũng là nghĩa trang. Người da đen nằm ở đó.
Adam ngạc nhiên:
– Thật ư cô? Đến bây giờ vẫn thế sao?
– Vẫn thế. Đó là luật của nghĩa trang. Người da trắng không thể chấp nhận được việc người da đen nằm cạnh ông bà, cha mẹ họ, dù là ông bà, cha mẹ họ đã chết.
Adam lắc đầu như đó là một chuyện chàng không sao tin được. Hai cô cháu lên đến đỉnh đồi và đứng nghỉ ở dưới gốc cây sồi. Những dãy mồ thẳng hàng chạy dài dưới mắt họ. Vòm mái tròn của toà pháp đình quận sáng lên trong ánh nắng dưới kia.
– Hồi nhỏ cô và các bạn cô vẫn đến đây chơi. – Lee nói – Ngày độc lập 4/7 dân thành phố cho đốt pháo bông liên hoan. Chỗ ngồi xem pháo bông tốt nhất là nghĩa trang này. Dưới kia có một công viên, họ phóng pháo bông từ công viên đó. Bọn nhỏ thời cô đi xe đạp đến xem duyệt binh, bơi trong hồ bơi thành phố, đi chơi đây đó chờ đến tối tụ hội về đây xem pháo bông. Các ông đậu xe dưới kia, đứng quanh đó uống bia và whisky để trong xe. Các bà trải nệm ngồi với các con. Bọn trẻ như cô tha hồ chạy nhảy, hò hét. Bọn cô chạy xe đạp ngay cả trên con đường này.
– Cô ơi, thời ấy bố con có đến đây chơi như cô không?
– Có chứ. Eddie, bố con, thời nhỏ đùa nghịch vui vẻ như tất cả các bạn đồng tuổi. Cô nhớ Eddie lắm. Anh em cô trước đây không thân cận nhau mấy nhưng từ khi trở về sống ở Memphis, cô nhớ Eddie thật nhiều.
Anh cháu ngậm ngùi:
– Con cũng nhớ.
– Bố con và cô đến đây, đúng ngay chỗ chúng ta đang đứng đây, trong buổi tối bố con vừa học xong trung học. Để uống mừng, ông ấy và cô có một chai rượu vang rẻ tiền. Đó là lần thứ nhất cô uống rượu. Chắc bố con cũng như cô. Anh em cô ngồi trên mộ Emil Jacobs uống hết chai rượu.
– Năm ấy là năm nào cô?
– 1961. Bố con muốn gia nhập quân đội, ông muốn đi xa nhà, cô thì không thích có ông anh là quân nhân. Hai anh em cô bàn bạc về chuyện lính hay không lính mãi.
– Chắc lúc ấy bố con đang bối rối chưa biết nên chọn đường nào để lập thân.
– Chắc vậy. Nhưng chắc cũng không bối rối hơn những học sinh vừa tốt nghiệp trung học khác. Cô chắc bố con muốn đi xa vì sợ phải chịu ảnh hưởng xấu của dòng họ nếu cứ sống ở đây. Cô muốn nói đến những người Cayhall đêm đêm mang mặt nạ kéo nhau đi đốt nhà, treo cổ dân da đen. Tội nghiệp! Eddie muốn đi xa nhưng rồi cũng không đi được.
– Còn cô, sao cô không bỏ đi? Cô bỏ đi có khó khăn gì đâu?
– Cô khác. Tính nết cô cứng cỏi hơn bố con. Cô chịu đựng được. Con chưa biết hết đâu, có những chuyện xảy ra trong gia đình ta mà cô mong đừng bao giờ con biết, có những chuyện cô cầu xin đừng có ai nhắc lại. Cô quên được, cô chịu đựng được một số những chuyện ấy, bố con thì không.
Lee xiết nhẹ bàn tay anh cháu. Hai người đi trong nắng vàng xuống con đường đất dẫn sang khu nghĩa trang bên cạnh. Lee dừng lại trước một hàng mộ chí:
– Cụ ông cụ bà con nằm đây với một lô ông chú, bà bác và những người Cayhall đủ loại.
Adam đếm được tám ngôi mộ mang họ Cayhall. Chàng đọc lớn tên từng người, ngày tháng sinh tử cùng những lời trích từ Thánh kinh, những lời thiên thu vĩnh biệt, vô cùng thương tiếc.v.v… khắc trên những tấm bia.
Lee lại nói:
– Nhiều người Cayhall đã chết nằm ở những nghĩa trang miền quê. Nguyên quán người Cayhall ở Karaway cách đây 30 cây số.
– Cô có thường đến đây dự lễ mai táng họ không?
– Ít lắm. Như cô đã nói, những người Cayhall không thân thiết với nhau. Những vị nằm đây đều qua đời khi cô còn bé xíu.
Adam thắc mắc:
– Cô ơi, tại sao bà nội con lại không nằm trong khu này?
– Vì bà không thích. Bà chọn chỗ nằm trước. Không bao giờ bà coi bà là người Cayhall. Cho đến lúc chết bà vẫn là người Gates.
Lee gỡ một mảng rêu xanh ra khỏi tấm bia, những ngón tay cô di di trên hàng chữ: Lydia Newscomb Cayhall, tạ thế năm 1961 ở tuổi 72.
– Bà nội của cô thì cô nhớ lắm. Cụ là một tín hữu Ki-tô giáo tuyệt vời. Tội nghiệp! Chắc cụ không thể nằm yên trong mộ khi cụ biết ông con của cụ đang nằm trong khám Tử hình.
– Ông con với con chưa nói với nhau về chuyện ấy. Vì chưa phải lúc, vẫn còn hy vọng.
Ánh mắt Lee chợt sáng lên:
– Bao nhiêu hy vọng?
– Chút xíu thôi, cô ơi. Nhưng chút xíu hy vọng cũng là hy vọng. Ta vẫn phải chiến đấu.
Ra khỏi nghĩa trang, hai cô cháu đi vào một đường vắng với những vỉa hè mang dấu tích của tháng năm, con đường với những hàng cây sồi cổ kính. Những toà nhà ở đây đều cũ kỹ nhưng được giữ gìn, tu bổ, sơn phết sạch sẽ đẹp mắt, những cánh cổng cao lớn, đường đi từ cổng vào thềm nhà thật dài, những chú mèo bình yên nằm lơ mơ ngủ trên những bậc cửa. Trẻ con trên xe đạp và trên những bàn trượt chạy qua chạy lại, ông già bà cả ngồi trên thêm nhà mỉm cười, vẫy tay chào khách qua đường.
Lee bỗng nói, giọng xúc động:
– Adam… Đây là khu ngày xưa còn bé của cô.
Lúc nào bà cô chàng cũng dịu dàng, thân thiết với chàng nhưng lúc này Adam thấy bà thân thương hơn. Bà bước đi, hai tay thủ trong túi áo khoác, mắt bà ươn ướt vì những kỷ niệm xưa, những kỷ niệm vừa êm đềm, dịu ngọt vừa cay đắng, buồn phiền. Lee nghiêng mặt nhìn vào từng nhà như trước khi bà từng sống trong đó hay hy vọng nhìn thấy hình ảnh những cô bạn ngày xưa. Bà như nghe thấy tiếng cười lanh lảnh, tiếng cãi nhau của những bé gái trên dưới mười tuổi.
– Ngày xưa đẹp chứ cô? – Adam hỏi.
– Cô không biết. Nhà ta ở trang trại. Hồi ấy cô chưa được sống ở thành phố. Cô vẫn mơ ước được sống trong khu thị tứ như thế này, gần trường học, gần sân chơi, gần tiệm bách hoá, muốn mua cái gì cũng có sẵn. Bọn trẻ thành phố tự cho chúng văn minh hơn bọn trẻ sống ở thôn quê. Cũng đúng thôi. Nhưng đó không phải là vấn đề với cô. Cô có nhiều bạn ở khu này, gần như ngày nào cô cũng đến đây chơi nên khu này gần như là khu nhà cô vậy. Chỉ về sau tình hình mới xấu đi.
– Tại vì ông nội con, phải không?
Một bà già bận bộ áo hoa, đội mũ nan rộng vành, đang quét khoảng sân trước nhà khi hai cô cháu đi ngang. Bà già ngừng chổi nhìn sững Lee. Lee đứng lại:
– Chào bà Langston.
Lee niềm nở cất tiếng. Bà Langston vẫn đứng ngây nhìn, hai bàn tay bà nắm vững cán chổi.
– Tôi là Lee Cayhall. Bà có nhớ tôi không?
Bà già nhìn quanh như sợ có người khác nghe được cái tên Cayhall và bắt được bà đứng nói chuyện với một người Cayhall. Không biết bà có nhận ra Lee không, hai cô cháu chỉ thấy bà gật đầu rồi lập tức xách chổi đi vào nhà.
Hai cô cháu lại đi.
– Hồi ở trung học cô hay đi chơi với anh con bà ấy. – Lee lắc đầu như không tin bà Langston lại không nhận ra hay không nhớ nàng là ai – Anh con bà ấy có đưa cô về nhà chơi mấy lần.
– Con đề nghị chúng ta không tự xưng tên hay nhận họ nhận hàng, nhận quen thuộc với bất cứ ai trong ngày đi chơi hôm nay. Được không cô?
– Đồng ý. Rất nên. Ý kiến hay đấy.
Lee đeo cặp kính đen lên mắt. Hai bên đường họ đi qua có nhiều ông bà già đang sửa vườn hoa, cây cảnh. Những ông bà già nhàn tản này đứng nói chuyện với nhau và tò mò nhìn hai người lạ đi ngang nhưng Lee không dừng lại chào hỏi ai nữa. Hai cô cháu vừa đi vừa nói chuyện trời mưa trời nắng, cỏ cây hoa lá cho đến lúc Lee đứng lại.
– Adam… Con nhìn cái nhà thứ ba bên tay phải kia kìa. Cái nhà sơn màu nâu ấy. Nhà con đấy. Hồi con mới ra đời, gia đình con sống trong căn nhà đó.
Hai cô cháu đến gần ngôi nhà. Có hai em nhỏ đang chơi bắn súng trong vườn. Đó là một căn nhà vuông vắn, xinh và gọn, sạch, rất hợp với những cặp vợ chồng trẻ mới có một con. Adam lên ba khi Eddie và Evelyn đi ra khỏi nhà này.
Adam cố moi trong ký ức tìm kỷ niệm, nhưng chàng không nhớ gì cả.
– Thời đó nhà này sơn màu trắng. – Lee nói – Hai hàng cây này cũng thấp hơn, nhỏ hơn.
– Cuộc sống của bố mẹ con thời ấy ra sao cô?
– Rất đẹp. Mới lấy nhau, mới có một đứa con kháu khỉnh. Bố con đổi việc làm luôn nhưng chẳng bao giờ không có việc lâu hơn một tuần. Mẹ con làm việc bán thời gian trong một tiệm kim hoàn. Cô thấy thời kỳ ấy bố mẹ con sống rất hạnh phúc. Mẹ con không phải là người địa phương nên không quen thân ai ở đây. Mẹ con đi làm xong là về nhà thôi.
Một em nhỏ chĩa khẩu súng nhựa bắn Adam. Chàng cười với em rồi đi theo Lee. Hai cô cháu sang khu công viên gần cạnh.
Lee trở thành hướng dẫn viên kiêm giảng viên lịch sử. Năm 1863 bọn Yankee đốt rụi Clanton – bọn khốn kiếp. Sau Nội chiến, Đại tướng Clanton, một người hùng của quân đội Nam Hoa Kỳ – gia đình ông là sở hữu vùng Clanton – từ mặt trận trở về. Ông cụt mất một chân, ông bỏ lại cái chân ở một góc nào đó trên mặt trận Shiloh. Ông trở về và đích thân hoạch định địa điểm xây toà Pháp đình và những đường phố chung quanh. Bản họa đồ nguyên thủy của ông hiện còn được giữ trong phòng hồ sơ trên lầu Pháp đình, ông thích bóng mát nên cho trồng nhiều hàng sồi thẳng băng quanh Pháp đình. Là người minh triết nhìn xa trông rộng, ông đã thấy trước cảnh thành phố hồi sinh từ đống tro tàn và trở thành phồn thịnh.
Thành phố có khu trung tâm thương mại nhưng người dân vẫn thích đi mua sắm ở những tiệm nhỏ quanh công viên trong những chiều thứ Bảy, sáng Chủ nhật. Lee kể những chuyện này về Clanton khi hai cô cháu đi bên nhau trên hè phố. Xe cộ ít, chạy chậm dưới đường, người đi lại trên vỉa hè còn ít và chậm rãi hơn. Lee dừng lại trước một tiệm thuốc tây nhỏ xíu:
– Đây là một sào huyệt của bọn trẻ thời cô còn nhỏ. – Lee gỡ cặp kính đen ra khỏi mắt – Đằng sau tiệm này có phòng bán kem, nước ngọt, có máy nhạc và truyện bằng tranh cho khách tha hồ đọc. Chỉ cần một xu thôi là mua được ly kem dâu bự cồ như cái cối, ăn nhẩn nha nửa giờ mới hết. Nếu là cặp con trai con gái cùng đến thì cối kem còn kéo dài hơn nữa.
Tay trong tay, hai cô cháu đi đến đài Tưởng Niệm. Lee chỉ pho tượng đồng, giới thiệu đó là tượng Đại tướng Clanton, với đủ cả hai chân. Ngày thứ Bảy Pháp đình đóng cửa. Họ mua hai lon Coca từ máy bán tự động ở vỉa hè và ngồi nghỉ trên những bậc thềm Pháp đình. Lee kể cho anh cháu nghe vụ án nổi tiếng nhất quận này. Vụ xử anh Carl Lee Hailey trong Pháp đình sau lưng họ. Carl Lee Hailey là người da đen, anh dùng súng bắn chết hai người đàn ông da trắng đã hãm hiếp con gái anh. Trong những ngày xử có hai đám biểu tình thường trực trước toà. Một bên là dân da đen biểu tình đòi thả tù, một bên là dân da trắng đảng KKK biểu tình đòi tử hình người tù. Tình hình nghiêm trọng đến nỗi Vệ binh Quốc gia được gửi đến để đề phòng bạo động. Ngày ấy Lee lái xe từ Memphis tới đây để xem cảnh náo động. Bồi thẩm đoàn xử Carl Lee Hailey toàn là người da trắng và anh ta được tha bổng.
Lee đưa Adam ra đầu công viên. Ở đây có hai vòi nước giống hệt nhau, một ở bên phải, một ở bên trái lối vào công viên. Ngày xưa dân da trắng đi chơi công viên uống nước ở vòi bên phải, dân da đen cũng đi chơi công viên uống nước ở vòi bên trái. Không có lẫn lộn. Cho đến ngày một phụ nữ da đen tên là Rosai Alfie Gatewood, người phụ nữ da đen thứ nhất, dám đường hoàng đến uống nước ở vòi nước vẫn được dành riêng cho người da trắng. Cô uống nước đàng hoàng, công khai mà không bị người da trắng nào chặn lại, thoá mạ hoặc đánh đập. Ít lâu sau vụ này, cả hai vòi nước đều bị khoá.
Hai cô cháu tìm được cái bàn trống trong tiệm ăn đông khách gần công viên. Lee kể những chuyện vui vui về thành phố và người thành phố. Trong lúc ăn bà vẫn mang kính đen. Adam nhận thấy nhiều lần bà cô chàng nhìn những người chung quanh như sợ họ nhận ra bà.
Ăn xong, hai cô cháu đi bộ trở về nghĩa trang, nơi họ để xe. Adam lái xe, Lee ngồi cạnh chỉ đường. Họ đi vào vùng quê, qua nhiều khu phố tồi tàn của người da đen, nhiều trang trại nhỏ với những đàn bò gặm cỏ trên sườn đồi. Nói chung thì miền đồng quê vẫn đẹp và hôm nay là một ngày đẹp trời.
Lee bảo Adam lái xe vào con đường nhỏ lát đá dẫn đến trước toà nhà sơn trắng bỏ hoang với những giàn hoa dại mọc ở cổng và những dây leo thường xuân phủ kín các khung cửa sổ. Toà nhà cách xa đường lộ đến trăm thước. Lối vào nhà bị che lấp vì những bụi cỏ gai, cỏ dại um tùm trong vườn nhà. Hộp gỗ đựng thư bên cổng đã mục nát vì mưa nắng.
– Giang sơn nhà Cayhall của cô cháu ta đấy…
Lee nói nhỏ. Hai cô cháu ngồi im trong xe một lúc. Họ yên lặng nhìn toà nhà hoang. Cuối cùng anh cháu hỏi:
– Sao… sầu thảm quá vậy cô?
Chàng định nói “Sao nhà ta…” nhưng chàng không thốt ra được hai tiếng “nhà ta” thân thương. Toà nhà hoang vắng này không có vẻ gì thân thương với chàng.
– Nó nguyên là một toà nhà đẹp, nhưng số mệnh nó không ra gì. Chủ nó gặp tai hoạ nên nó chịu hoạ lây và trở thành thê thảm như thế này…
Lee gỡ cặp kính để lau nước mắt:
– Cô ra đời trong nhà này, cô sống trong đó mười tám năm và trong một ngày cô đã vội vã rời bỏ nó để ra đi.
Anh cháu thắc mắc:
– Sao nhà lại bị bỏ hoang như thế? Nhà của ông con phải không cô? Ông con không ở nhà, nhà có thể giao cho văn phòng địa ốc nào đó quản lý, cho mướn hoặc bán đi chứ.
Lee tự trấn tĩnh để không khóc thêm, bà hít vào một hơi dài rồi cố gắng xếp đặt cho câu chuyện có thứ tự:
– Nhà của ông nội nhưng phải cầm cố lấy tiền chi cho luật sư trong mấy lần ra toà, nặng nhất là lần ra toà sau cùng. Ông chẳng bao giờ trở về nhà nữa và ngân hàng tịch biên nhà. Có đến tám mươi mẫu đất canh tác sau nhà nhưng rồi tất cả đều hoang hoá hết. Cô có ngỏ ý muốn chú Phelphs mua nhưng chú từ chối. Cô chẳng trách gì chú ấy vì chính cô cũng không muốn trở về đây chút nào. Kể từ ngày nhà bị tịch biên, đây là lần thứ nhất cô trở về đây. Ngân hàng có cho vài người đến mướn nhưng cô nghe nói ai ở cũng làm ăn lụn bại. Cuối cùng là bỏ hoang luôn. Khi đưa con đến đây, trên đường đi cô vẫn không biết nhà còn đứng hay đã sụp rồi.
– Còn những đồ đạc của ông bà con thì sao?
– Khi tịch biên, ngân hàng có cho cô muốn lấy đồ gì thì lấy. Cô về những chỉ lấy đi mấy tập hình, mấy bức hoạ, những giấy tờ riêng, sách Kinh, vài vật kỷ niệm, cái tủ nhỏ bằng gỗ quí của bà nội. Cô gói tất cả những thứ đó trong nhà kho ở Memphis.
– Con muốn được xem. Cho con xem.
– Con muốn đến xem lúc nào cũng được. Con muốn lấy gì thì lấy. Bà mẹ cô đã chết, ông bố cô ở trong khám Tử hình, anh cô tự tử… Cô còn tinh thần nào mà giữ đồ kỷ niệm gia đình.
Lee bỗng rùng mình:
– Thật ghê rợn… hôm cô trở về đây một mình để lấy đồ. Con không tưởng tượng nổi đâu. Cảm giác thương tâm của cô khi cô một mình đi vơ vẩn trong nhà, bỏ cái này, lấy cái kia, hy vọng giữ chúng để một ngày nào đó mai sau lấy ra xem. Giữ làm gì, xem lại làm gì nếu không phải là để khóc? Những năm xưa mình sống với bố mẹ, anh em mình yên vui trong nhà này, có bao giờ mình nghĩ có ngày nhà chẳng còn ai cả, mình trở lại một mình. Hôm ấy thực tình là cô muốn tưới một can xăng, phóng một mồi lửa cho nó cháy tiêu. Bây giờ cô ân hận là ngày đó cô đã không đốt nó. Đừng tưởng là cô nói chơi đâu. Cô muốn đốt nhà này thực đấy. Hôm ấy sau khi đi lờ phờ trong nhà một hồi, cô tìm được cây đèn dầu trong bếp. Dám còn cả lít dầu hôi trong đèn. Cô đặt cây đèn lên bàn và đứng nhìn nó thật lâu. Cô thấy đốt nhà quá dễ.
– Sao cô không đốt?
– Khi ấy vợ chồng cô chú vẫn chưa xa nhau hẳn, cô mới sinh em Walt. Cô biết nếu cô đốt nhà cô cũng chẳng bị tù vì chú Phelphs sẽ đền tiền cho ngân hàng. Ông chồng cô không thể để cho bà vợ ông vào tù vì bất cứ tội gì, nhưng cô không dám vì sợ tai tiếng… Bố giết người, con đốt nhà. Hôm nay nghĩ lại cô thấy ân hận. Phải chi ngày ấy cô cho nó mồi lửa.
Không khí trong xe bắt đầu nóng. Adam mở cửa bước ra khỏi xe.
– Cho con đi một vòng quanh nhà.
Hai cô cháu len lỏi giữa những bụi gai, bước qua những vũng nước rộng đến nửa thước. Khi lên đến thêm nhà, Lee quả quyết nói:
– Cô không vào nhà đâu.
Lee rút tay ra khỏi bàn tay anh cháu. Adam nhìn khung cửa rệu rã và bỏ ý định vào bên trong nhà. Chàng đi vòng quanh nhà, kiễng chân nhìn qua những khung cửa sổ chằng chịt dây leo vào những gian phòng tối om.
Sân sau có mấy cây sồi, cây thích cổ thụ, tàn lá rậm rạp xoè rộng ngăn ánh nắng nên mặt đất bên dưới trơ trụi, cỏ không mọc được. Sân dẫn ra vườn sau, khu vườn chạy dài đến hơn ngàn thước, xuống tít tận bìa rừng dưới chân đồi. Xa nữa là rừng cây.
Đến đây Lee lại nắm tay Adam, đưa anh cháu đến bên căn nhà gỗ chứa đồ ở góc vườn. Cô nhìn lên vòm cây bên nhà.
– Đây là cây của cô. – Giọng nói của Lee có âm thanh rung động – Cháu biết tên cây này không? Cây mạy châu đấy. Cây mạy châu của cô ngày xưa.
Chàng trai trầm trồ:
– Cây lớn quá chứ.
– Cây này dễ trèo lắm. Cô ngồi cả giờ trên chạc cây, thả hai chân toòng teng, dựa lưng vào thân cây. Mùa xuân, mùa hạ cô thường lên cây ngồi, người lớn đi ở dưới không biết có cô trên cây. Cô có thế giới riêng của cô trên ấy.
Bỗng dưng Lee nhắm mắt lại, đặt một tay lên miệng, đôi vai run run. Adam ôm lấy cô. Chàng muốn nói một câu gì đó để bà cô bớt đi nỗi xúc động.
Một lát sau Lee nói:
– Chuyện ấy xảy ra ở đây.
Cô cố gắng không khóc. Adam im lặng.
– Con có hỏi cô về chuyện ông nội giết một người da đen…
Lee nói, hai hàm răng nghiến lại, những ngón tay run run đưa lên má chặn những giọt nước mắt. Bàn tay cô run đến nỗi cô phải thủ cả hai tay trong túi áo:
– Vụ ấy xảy ra ở đây, trong sân này.
Một phút dài trôi qua trong khi hai cô cháu đứng nhìn ngây căn nhà, không người nào muốn cất tiếng nói. Gió nhẹ rì rào trong vòm lá cây trên đầu họ. Tiếng gió thổi, lá reo là tiếng động duy nhất trong khu nhà hoang vắng này.
– Tên chú ấy là Joe Lincoln. – Lee hít vào một hơi dài trước khi nói – Bố con và cô quen gọi chú ấy là chú Joe. Chú ấy có đến năm, sáu đứa con. Nhà ở dưới kia, làm công cho nhà ta. Nhà gia đình chú ấy ở cũng của nhà ta. Dân da đen đông con thời ấy phải làm việc vất vả khủng khiếp mới có thể tạm đủ sống. Con trai chú ấy tên là Quince, cùng tuổi với bố con, họ chơi khá thân. Một chiều mùa hè bọn trẻ không phải đi học, Eddie và Quince chơi đùa ở đây. Cả hai năm ấy mới tám, chín tuổi. Đang chơi, Eddie kêu bị mất một tên lính chì và cho là Quince lấy cắp. Quince không nhận. Hai bên đang cãi cọ thì ông nội con đi đến. Ông tát cho Quince mấy cái, chửi: “Đồ mọi đen, dòng giống trộm cắp…” Quince khóc, chạy về nhà. Ông nội con vào nhà lấy cây gậy, ra ngồi trước thềm nhà…
Lee chỉ tay về phía thềm nhà:
– Ông hay ngồi hút thuốc lá ở chỗ ấy. Ông có gọi bố con: “Eddie, ra coi bố đánh thằng mọi đen này…” Chú Joe đến. Ông nội và chú to tiếng. Ông nội nhảy đến đánh trước. Chú Joe khoẻ hơn, trẻ hơn nhưng không dám đánh. Chú chỉ đỡ. Ông yếu hơn nhưng tấn công dữ dội, đánh lấy thắng. Hai ông bố đánh nhau, hai anh con đứng khóc bên ngoài. Rồi ông vớ được cây gậy và trận đánh trở nên không đồng sức nữa. Chú Joe bị ông đánh ngã và dường như ông muốn đánh cho chú chết luôn. Chú Joe ngã, dậy không nổi. Ông vẫn đánh tới tấp. Chú Joe la lên bảo Quince: “Lấy súng…” Chú được cấp cây súng để bắn bọn chồn cáo phá phách trong trại. Cây súng ấy cũng của ông nội con. Ông nội con cũng ra lệnh cho bố con vào nhà lấy súng. Khi súng mang ra, chú Joe đã đứng lên được nhưng chú chạy không kịp. Ông nội nổ súng. Chú Joe lại ngã xuống. Dường như chú chết ngay vì bị bắn vào đầu…
Adam thấy cổ họng chàng nghẹn lại:
– Cô chứng kiến vụ ấy từ đầu đến cuối ư?
Lee khổ sở gật đầu. Hai má cô đầm đìa nước mắt:
– Không may cho cô là lúc ấy cô đang ngồi trên cây mạy châu này. Không ai biết cô ở trên cây. Kể cả Eddie và Quince. Cô nhìn thấy hết. Quince cầm súng chạy đến. Cô sợ ông nội bắn cả Quince nhưng Quince thoát chết vì vứt súng đi để ôm lấy xác bố. Ngay sau đó là Ruby, vợ chú Joe, cùng mấy đứa nhỏ lóc nhóc chạy đến, kêu khóc thảm thiết, ông nội con lấy luôn cây súng Quince đem tới rồi đi vào nhà.
– Lúc ấy bố con ở đâu?
– Trong phòng riêng. – Lee ngước mắt nhìn lên một khung cửa sổ rệu rã trên lầu – Khi ông nội đã vào nhà, không thấy ai để ý, cô từ trên cây tụt xuống, chạy thẳng vào rừng. Bố con và cô có một chỗ ngồi chơi rất tốt bên bờ suối. Cô biết chắc thế nào ông ấy cũng đến đó tìm cô. Bố con chạy đến, kinh hoàng và xúc động kể cho cô nghe vụ ông nội vừa bắn chết chú Joe. Bố con ngạc nhiên khi cô nói cô đã chứng kiến vụ ấy từ đầu đến cuối. Lúc đầu bố con không tin nhưng sau đó phải tin vì những chi tiết cô kể. Bố con lấy trong túi ra tên lính chì vừa tìm thấy trong phòng, tên lính đồ chơi mà ông bảo là Quince đã lấy cắp. Từ đấy bố con có mặc cảm phạm tội. Cô hứa cô sẽ không nói với ai việc ông ấy tìm lại được tên lính chì. Bố con hứa sẽ không nói là cô nấp trên cây nhìn thấy ông nội đánh và bắn chú Joe. Bố con ném tên lính chì oan nghiệt ấy xuống suối.
– Như vậy là ông nội con không biết có cô nhìn thấy ông bắn Joe?
– Không bao giờ ông biết. Eddie không nói, cô cũng không nói. Cô cũng không nói chuyện ấy với cả bà nội. Sau bố con, con là người duy nhất nghe cô kể chuyện và biết cô lúc đó ngồi trên cây này. Khi anh em cô về đến nhà, ông bà đang cãi nhau kịch liệt. Bà điên lên mà ông cũng điên không kém. Dường như ông đánh bà hay là tỏ vẻ định đánh bà, cô không biết rõ, chỉ biết là bà đưa ngay bố con và cô vào xe rồi lái đi. Khi xe ra đến cổng thì xe của ông cảnh sát trưởng đến. Ai cũng tưởng ông bị bắt đi nhưng khi cô trở về, ông vẫn ngồi hút thuốc trước hiên nhà như không có chuyện gì xảy ra cả.
– Ông cảnh sát trưởng làm gì hả cô?
– Không làm gì nhiều. Ông nội khai là hai người đánh nhau. Ông phải nổ súng để tự vệ, nếu không ông có thể bị đánh chết. Chỉ là mạng sống của một anh mọi đen thôi, chẳng có gì quan trọng. Lúc đó là Mississippi của những năm 50. Đời sống thời ấy ở miền này không giống như ngày hôm nay. Người da trắng giết người da đen không bị truy tố ra toà dù chỉ là ra toà xử lấy lệ, không cả bồi thường cho gia đình nạn nhân. Vụ án mạng xếp lại luôn. Ông nội còn được quyền giữ cả khẩu súng ông đã giao cho chú Joe.
– Sao gia đình ông Joe không kiện?
– Kiện cáo gì được. Ai nghe họ? Ai bênh vực họ? Ông nội ra lệnh đuổi vợ con chú Joe ra khỏi nhà. Việc đuổi đi là hợp pháp. Mẹ con Ruby Lincoln phải dắt díu nhau đi thôi. Họ đi đâu? Làm gì để sống? Không ai cần biết. Bà nội phản đối việc trục xuất vợ con chú Joe nhưng không được. Bà giận lắm. Cô tưởng bà ly dị ông ngay lúc đó chứ.
Lee thở dài:
– Rất tiếc bà nội đã không cương quyết hơn nữa với ông nội. Biết đâu nếu bà làm dữ, đòi ly dị, tính tình ông lại chẳng thay đổi, ông lại chẳng phải suy nghĩ kỹ trước khi làm một việc gì quan trọng và tình trạng ngày hôm nay của cô cháu mình đã chẳng xảy ra.
– Sau đó có bao giờ bố con đi tìm anh bạn da đen Quince không?
– Có. Khi lái được xe, Eddie đi tìm gia đình Lincoln. Họ sống trong khu người da đen tồi tàn nhất Clanton. Bố con kể là nhà họ ở không có điện, không có cả nước máy. Bố con xin lỗi, bà Ruby yêu cầu ông ấy đừng bao giờ trở lại nữa.
Lee đi tới ngồi dựa vào gốc cây mạy châu. Adam đi theo. Chàng đứng nhìn và thấy thương hại bà cô. Tội nghiệp! Một cô bé mới mười tuổi đã trông thấy ông bố giết người. Chàng nhớ tới ông bố của chàng. Bây giờ chàng hiểu tại sao ông lại có những ngày sầu thảm, chán đời. Đó là vì ông mang nặng mặc cảm phạm tội đã gây nên chuyện làm chết oan một mạng người.
Như cảm thông những ý nghĩ của anh cháu, Lee bỗng nói:
– Cô cũng có tội. Nếu lúc ấy cô kêu lên, cô từ trên cây nhảy xuống, vừa chạy vừa kêu, ông nội trông thấy cô… rất có thể ông đã không nổ súng. Người bố khó có thể làm những chuyện hung dữ khi có con gái mình đứng nhìn…
– Bốn mươi năm qua rồi, cô ơi. Cô tự hành hạ nào có ích gì!
Lee rên rỉ:
– Thật đáng thương cho bố con và cô. Trẻ con khi có chuyện gì bối rối thường kể với bố mẹ, mong được chỉ bảo. Chị em cô không có ai để kể lể, để được nghe lời khuyên.
Adam còn có cả trăm câu cần hỏi về vụ ông Sam Cayhall bắn chết người tá điền Joe Lincoln, nhưng chàng thấy không nên hỏi gì nữa trong lúc này. Bà cô chàng đang bị xúc động.
Lee bỗng đứng phắt lên, trừng mắt nhìn anh cháu:
– Đốt đi nhé, Adam?
– Cô nói gì? Đốt cái gì cô?
– Đốt nhà. Đốt hết đi. Để làm gì? Đốt cho tiêu cái nhà này đi. Con ừ một tiếng đi, ta đốt ngay…
Adam chỉ nói:
– Cô cháu mình về thôi.
Chàng nắm cánh tay cô, đưa cô trở ra đường. Lee yên lặng đi theo. Không nói thêm một tiếng, họ rời xa toà nhà của gia đình họ. Khi xe chạy ngang một tiệm thực phẩm bách hoá, Lee bảo ngừng xe để vào mua Coca. Khi trở ra, cô ôm một hộp giấy 6 lon bia. Không để cho Adam phản đối, cô nói ngay:
– Cho cô uống hai lon. Cô uống hai lon thì không sao cả. Đừng quá hai lon.
– Cô không nên uống. Tại sao lại cứ phải uống bia? Cô không uống lon nào cả có hơn không?
– Hai lon thôi mà… Không sao đâu. Rồi con thấy…
Adam không uống. Lee uống liền hai lon rồi ngả đầu lên thành ghế, thiu thiu ngủ. Adam chú tâm vào việc lái xe. Chàng bỗng thấy muốn mau mau ra khỏi miền đất Mississippi nổi tiếng kỳ thị này, chàng mong sớm nhìn thấy ánh đèn của thành phố Memphis.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.