Chiếc mini van sơn trắng mang tên khám đường đậu cạnh chiếc Saab của Adam Hall. Khi chàng đến gần, cửa kính xe van hạ xuống, luật sư Lucas Mann ló mặt ra:
– Anh có cần về gấp không?
– Thưa không. – Adam trả lời sau khi nhìn đồng hồ tay.
– Tốt. Anh lên đây. Tôi cần nói chuyện với anh. Nhân tiện đưa anh đi một vòng xem phong cảnh nơi này.
Adam không thích thú đi xem cảnh nhà tù nhưng chàng cũng cần có dịp nói chuyện nhiều hơn với Lucas Mann. Ông ta tỏ ra sốt sắng trong việc giao thiệp với chàng, ít nhất ông ta cũng mất công chờ chàng ở đây.
Adam mở cửa xe, cho áo vest và chiếc cặp da lên ghế sau rồi ngồi vào xe cạnh Lucas. Trời nóng nhưng xe có máy lạnh tốt, sạch sẽ, không chút bụi bặm.
Lucas cho xe chạy:
– Cuộc gặp thế nào?
Adam thận trọng:
– Thưa cũng… tốt.
– Đôi bên nhận ông, nhận cháu rồi chứ?
– Vâng.
– Đừng cho là tôi tò mò. Tôi có bổn phận phải biết những việc xảy đến với người tù Sam Cayhall.
Adam gật đầu:
– Vâng, tôi hiểu. Tôi bị xúc động nên không nghĩ đến. Lẽ ra tôi phải báo để ông biết những gì xảy ra trong lần gặp thứ nhất giữa ông cháu tôi.
– Sao? Ông ấy có cho anh làm đại diện không?
– Tôi tin là sẽ cho nhưng ngay sáng nay thì chưa. Chắc ông tôi cũng bị xúc động, không ngờ có tôi đến nên ông cụ dẹp chuyện đại diện lại. Ông cụ có vẻ ác cảm nặng với nhà Kravitz & Bane. Ông tôi nói ông cần suy nghĩ và sẽ đặt vài điều kiện. Hẹn sáng mai tôi trở lại. Chắc là ký thôi.
– Không có trở ngại gì trong việc anh vào gặp ông ấy, nhưng chúng tôi cần ông ấy ký giấy trao quyền đại diện cho anh ngày mai. Nếu không, chúng tôi không thể để anh trở lại gặp ông ấy nữa.
– Tôi hiểu. Tôi sẽ có giấy trong ngày mai. – Adam nói bằng giọng quả quyết. Chàng nhìn chung quanh – Chúng ta đi đâu đây?
Xe đã chạy ra khỏi khu khám đường vào cánh đồng trồng bông và đậu. Cánh đồng rộng trải dài đến tận chân trời.
– Không đi đến đâu cả. Chỉ đưa anh đi một vòng để nói chuyện với anh thôi.
– Tôi nghe đây.
– Giới truyền thông loan tin về phán quyết của Đệ ngũ Pháp viện lúc 10 giờ sáng nay. Chúng tôi đã nhận được năm bảy cú điện thoại của các phóng viên. Họ đánh hơi thấy có xác chết, có mùi máu và họ muốn biết đây có phải là những ngày cuối cùng của Sam Cayhall hay không. Tôi có quen biết một số phóng viên từ những vụ án trước. Đa số họ đều tốt. Họ chỉ muốn có tin đăng báo. Họ có hỏi ai là luật sư của Sam Cayhall, luật sư này sẽ làm những gì để cứu Sam, vân vân… Và bổn phận của chúng tôi là phải trả lời họ.
Adam thấy trên cánh đồng bên phải có một đám tù nhân ở trần, bận quần dài trắng, đang làm việc dưới nắng. Một nhân viên gác tù cầm súng ngồi trên lưng ngựa canh chừng họ.
Chàng chỉ tay:
– Những người tù kia đang làm gì, thưa ông?
– Hái bông gòn.
– Họ bị bắt buộc phải làm việc hay sao?
– Không. Tất cả đều tự nguyện. Họ muốn ra ngoài trời làm việc hơn là suốt ngày bó gối ngồi trong phòng giam.
Adam nhận xét:
– Những người này bận đồ trắng, ông nội tôi bận đồ đỏ. Hồi nãy tôi lại thấy mấy người tù bận đồ xanh.
– Phân loại theo màu sắc quần áo. Tù bận đồ trắng là loại tù tuân phục kỷ luật nhất, không đánh nhau, không nghiện ma túy và nhất là không mưu đồ vượt ngục.
– Tù mặc đồ trắng phạm những tội gì?
– Đủ thứ tội. Không phải chỉ những người tội nhẹ mới được xếp vào loại tù trắng. Có cả những kẻ phạm tội sát nhân trong đó nữa. Nhưng từ ngày đặt chân vào khám đường, họ chịu sống theo kỷ luật, không quậy phá. Chỉ cần mấy điều kiện đó thôi là họ được xếp vào loại tù trắng và được ra ngoài làm việc.
Lucas trở lại câu chuyện công việc của Adam và khám đường:
– Sáng nay sau khi gặp anh, tôi có nói chuyện với ông Tổng giám thị. Ông ấy muốn gặp anh đấy. Tôi chắc anh sẽ thấy ông ta là người tốt, ông ta chống và thù việc thi hành án tử hình. Ông ta đang hy vọng sẽ không bị dính vào vụ thi hành án tử hình nào nữa cho đến ngày ông ấy yên ổn về hưu, chỉ còn gần hai năm nữa thôi.
Lucas nhún vai:
– Nhưng nay thì hy vọng của ông ấy chắc là tiêu rồi.
Hai người cùng im lặng một lúc. Rồi Adam cất tiếng:
– Ông Tổng giám thị chỉ làm nhiệm vụ của ông ấy thôi?
– Đúng vậy. Tất cả nhân viên chúng tôi ở đây chỉ hoàn tất nhiệm vụ của mình.
Giọng chàng luật sư trẻ có những âm thanh mỉa mai:
– Đó là điều tôi muốn nói. Tôi có cảm tưởng là tất cả quí vị ở đây đều muốn cho tôi thấy là quí vị rất tốt, quí vị rất không muốn giết tử tù nhưng vì trách nhiệm, quí vị vẫn cứ phải giết…
Lucas nhún vai:
– Ít nhất chúng tôi cũng dám nói thẳng là chúng tôi rất không muốn thấy Sam Cayhall phải chết. Chắc anh cũng thấy chứ? Có nhiều người rất muốn thấy Sam Cayhall phải chết.
– Theo ông, những người đó là ai?
– Ông Thống đốc và ông Chưởng lý. Hai nhân vật quan trọng nhiều quyền nhất ở tiểu bang này. Chỉ cần một trong hai nhân vật đó muốn thôi, tử tù cũng đủ mất mạng rồi. Ông Thống đốc muốn được đắc cử nhiệm kỳ nữa. Ông Chưởng lý muốn được cử tri bầu vào chức Thống đốc. Hai ông ấy tranh nhau lấy lòng dân. – Giọng nói đang trầm tĩnh của luật sư Lucas Mann bỗng có những âm thanh cay đắng pha lẫn châm biếm – Không biết vì những nguyên nhân nào người ta đã bầu lên ở tiểu bang này một lô các chính trị gia nhà nghề đầy tham vọng và thủ đoạn, những người sẵn sàng làm đủ mọi cách để đạt thành công. Ông Thống đốc và ông Chưởng lý thi nhau mị dân, thi nhau xuất hiện trước công chúng. Tôi thấy ông Chưởng lý coi bộ nguy hiểm hơn. Tôi chờ ông ấy triệu tập họp báo ngay chiều hôm nay về vụ Sam Cayhall. Ông ấy sẽ làm cho các ký giả thấy rằng có được phán quyết của Đệ ngũ Pháp viện là do công của ông ấy. Công lao là của ông ấy nhưng thắng lợi là của chung nhân dân. Ông Chưởng lý sẽ long trọng hứa là lần này ông ấy nhất quyết đẩy nhanh guồng máy tư pháp để phạm nhân không thể lẩn tránh việc đền tội. Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu tối nay ông Thống đốc lên tivi tuyên bố vụ thi hành án tử hình với Sam Cayhall.
Lucas nhìn Adam với ánh mắt vừa âu lo vừa thương hại:
– Adam, tôi muốn nói để anh thấy rõ lần này sẽ có rất nhiều áp lực khiến người tử tù không còn xin hoãn thi hành án được nữa. Có những người muốn ông ta chết vì những mục tiêu chính trị của họ. Căng lắm đấy!
Adam nghiêng mặt nhìn vào một sân trại tù khi xe chạy ngang. Trên khoảng sân xi-măng giữa hai dãy nhà, nhiều tù nhân đang sôi nổi chơi bóng rổ. Ở góc sân, một số tù nhân khác đang nhễ nhại hì hục cử tạ. Toàn người da đen, chỉ loáng thoáng vài người da trắng.
– Còn một áp lực nữa. – Lucas tiếp tục – Năm nay Texas đã hành quyết 6 tử tù. Florida cho ra nghĩa địa 5 mạng. Louisiana không chịu kém, cũng phang 3, 4 mạng chi đó. Mississippi chẳng có một vụ hành quyết nào từ hai năm nay. “Lạc hậu quá!” Nhiều người than phiền như thế. Thua xa những tiểu bang khác. Đã đến lúc chứng tỏ Mississippi cũng nghiêm túc như ai trong việc dùng pháp luật để bảo vệ xã hội. Tuần qua ở Jackson, Ủy ban Lập pháp đã họp phiên đặc biệt để thảo luận về việc thi hành án tử hình trong cái được gọi là giai đoạn mới. Nhiều người bất mãn vì những vụ hành quyết ở Mississippi cứ đình hoãn dài dài. Người ta đổ lỗi cho nhau. Những người có quyền bị chỉ trích nhiều nhất. Vì vậy họ cần đưa một tử tù ra xử gấp và chẳng may Sam Cayhall lại là người tử tù đó.
Adam thấy lòng mình nặng trĩu. Cố nén tiếng thở dài, chàng hỏi:
– Ông nói với tôi những chuyện này để làm gì?
Lucas trả lời ngay, nhanh và gọn:
– Để cho anh thấy tôi không phải là kẻ thù của anh. Tôi là luật sư của tù nhân, tôi không phải là luật sư của tiểu bang Mississippi. Anh là người mới đến, tôi muốn anh biết như thế.
– Cảm ơn ông.
Chàng trai thành thật thốt ra lời cảm ơn. Tuy chàng không mong được nghe những chuyện đen tối làm chàng xuống tinh thần, nhưng thực sự những chuyện vừa được nghe cũng rất có ích cho chàng.
Luật sư Lucas Mann cho xe chạy trở về cổng khám đường.
Hai cô cháu ngồi trên chiếc sofa, một bát bắp rang để giữa họ. Trên cái bàn thấp, ngổn ngang những hộp giấy đựng thức ăn Tàu nấu sẵn và hai chai rượu vang nhẹ.
Cô cháu Adam vừa ăn vừa nhìn lên màn ảnh tivi. Gian phòng chìm trong vùng tranh tối tranh sáng.
Lee ngồi bất động, mắt ướt và im lặng. Đây là lần thứ hai nàng nhìn ngây những hình ảnh của người tử tù Sam Cayhall ghi trên cuốn băng video.
Adam nhấn nút “dừng” cho hình ảnh ngừng lại. Đây là hình Sam Cayhall bị còng tay đưa từ nhà tù ra pháp đình. Chàng hỏi mà không nhìn cô Lee:
– Cô đang ở đâu khi được tin ông bị bắt?
– Ở đây, Memphis. – Lee trả lời, giọng không rung động – Vợ chồng cô vừa kết hôn được mấy năm. Cô đang ở nhà. Phelphs gọi điện về cho cô biết vừa xảy ra vụ đặt bom ở Greenville, thủ phạm là tổ chức KKK, nạn nhân là người Mỹ gốc Do Thái. Lại một vụ kỳ thị chủng tộc tầm bậy tầm bạ. Cô nghe qua rồi bỏ, chẳng để ý gì cả. Chừng hai giờ sau mẹ cô gọi điện đến cho biết người ta đã bắt bố cô vì nghi ông can tội đặt bom. Ông bị bắt ở Greenville, gần ngay nơi nổ bom.
– Phản ứng của cô ra sao?
– Cô không biết nữa. Choáng váng. Sợ hãi. Không tin. Mong là ông bị bắt lầm. Cô ngơ ngẩn không biết phải làm gì. Rồi Eddie, bố con gọi điện đến cho cô biết Eddie và mẹ cô đã cùng đến chỗ bố cô đậu xe để lấy chiếc xe đó về. Trước khi bị kết tội đặt bom, ông nội con chỉ bị cảnh sát bắt về tội chạy xe vi phạm luật giao thông hay sao đó. Khi mới bị giữ ở quận cảnh sát, ông nội con gọi về nhà báo đi lấy chiếc xe của ông. Cô nhớ bố con xúc động lắm. Bố con nói: “Cuối cùng ông ấy cũng lại giết người…” Eddie khóc. Cô cũng khóc. Thật khủng khiếp!
– Bà nội và bố con đi lấy chiếc xe về an toàn?
Lee gật đầu:
– An toàn. Không ai biết, cảnh sát cũng không biết gì về chiếc xe ấy. Họ cứ tưởng ông nội con đến Greenville bằng chiếc Pontiac.
Adam nhấn nút trên cái điều khiển từ xa. Cuốn video tiếp tục chiếu. Những đoạn phim ngắn ghi cảnh Sam Cayhall từ nhà tù ra toà, từ toà án trở về nhà tù. Lời thuyết minh cho biết ông đã bị kết tội đặt bom văn phòng luật sư Kramer.
– Trong thời gian này nhà ta có ai đến nhà tù thăm ông không? – Adam hỏi.
– Không. Trong thời gian ông bị giam ở Greenville thì không. Toà cũng cho ông được quyền tại ngoại nếu ông đóng đủ tiền thế thân. Nhưng số tiền quá lớn, đến nửa triệu đô-la.
Adam gật đầu:
– Vâng. Lớn lắm.
– Lúc đầu gia đình ta cũng tính chuyện vay mượn để có được số tiền ấy. Bà nội con muốn cô nói với chồng cô để chồng cô cho mượn. Tất nhiên là chồng cô không chịu. Ông ấy không muốn bị dính líu. Cũng đúng thôi. Từ đó vợ chồng cô bắt đầu khó chịu với nhau. Bà nội con đau yếu nên không đi thăm ông được, còn Eddie, bố con… thì không muốn.
– Gia đình con đi khỏi Clanton vào lúc nào?
Lee nhô người về phía bàn, cầm ly rượu lên. Nàng suy nghĩ để nhớ lại trước khi trả lời:
– Ông nội bị bắt khoảng một tháng, cô về thăm bà. Bà cho cô biết dường như Eddie sắp đưa vợ con đi nơi khác. Cô không tin. Bà nội nói bố con xấu hổ, cảm thấy nhục nhã, không muốn nhìn mặt người quen. Eddie mất việc làm, cả ngày nằm kín trong nhà tối. Cô gọi điện đến nhà nhưng chỉ được nói chuyện với Evelyn, mẹ con. Bố con không chịu trả lời điện thoại. Mẹ con cũng nói như bà nội là bố con cảm thấy nhục nhã, mất tinh thần, buồn rầu… Cô nói với mẹ con, cô cũng xấu hổ, cũng khổ sở, nhưng vẫn phải gồng mình mà sống. Cô hỏi mẹ con về chuyện bố con định đi sống ở nơi khác. Mẹ con trả lời là bà không biết gì, không nghe bố con nói gì về chuyện ấy cả. Thế rồi ít ngày sau bà nội con cho biết gia đình con đã đi khỏi Clanton vào lúc nửa đêm.
Adam ngậm ngùi:
– Con không nhớ một chút gì về những ngày sống ở Clanton.
– Năm đó con mới lên ba, làm sao con nhớ được. Lần cuối cô trông thấy con là lúc con đang chơi trong vườn nhà. Lúc nhỏ con kháu khỉnh trông hay lắm. Vài tuần sau bố con gọi điện cho cô, bảo cô nói với bà là gia đình con hiện đang sống bình yên ở Texas. Lại vài tháng sau Evelyn gọi cho cô, cho biết bà đang có thai, gia đình sẽ không đổi chỗ nữa, sẽ định cư ở California. Rồi thôi. Liên lạc bị ngừng trong nhiều năm. Nguyên nhân theo cô nghĩ vì chẳng có gì để nói với nhau ngoài những chuyện buồn phiền. Bố con cũng như bà nội và cô, ai cũng khổ sở vì chuyện ông nội, ai cũng sợ phải nói đến ông. Không nói vì bất lực, vì chẳng thể làm được gì giúp ông khỏi khổ cả. Ông nội lại không muốn ai đến thăm.
Hai cô cháu im lặng trong một lúc.
– Ông bà ngoại con ở đâu hả cô? – Adam hỏi.
– Cô không biết. Dường như ở Georgia hay Florida.
Adam lại cho máy video chạy. Những hình ảnh về phiên toà thứ nhất ở quận Nettlses hiện lên. Trước cửa pháp đình, một nhóm người KKK đang biểu tình. Hàng rào cảnh sát vây quanh. Đám đông hiếu kỳ đứng nhìn.
Lee bỗng thốt lên:
– Không thể tưởng tượng được.
Adam cho máy ngừng chiếu:
– Cô có đến dự phiên toà nào không?
– Có một hôm cô lẻn vào phòng xử mà không để ông biết. Ông cấm không cho ai đến toà. Bà nội con không đến được vì huyết áp bị loạn, bà gần như nằm liệt giường. Hôm ấy ông không trông thấy cô.
– Còn chú Phelphs làm gì?
– Ở kín trong văn phòng, làm việc cật lực để quên âu lo và cầu nguyện để đừng ai phát hiện ra tội phạm Sam Cayhall là cha vợ mình. Cuộc ly thân của cô chú xảy ra từ ngày đó. Xa nhau ít lâu rồi xa nhau luôn.
– Cô còn nhớ những gì về phiên toà này?
– Cô thấy ông có một bồi thẩm đoàn rất tốt. Tất cả đều là người da trắng. Cô có cảm giác các vị bồi thẩm chống lại bản buộc tội của ông Chưởng lý Công tố và họ lắng nghe từng lời của luật sư biện hộ.
– Luật sư ấy là ông Clovis Brazelton.
– Ông ấy hùng biện lắm. Cô bất mãn và thất vọng nhiều khi các bồi thẩm không đồng ý với nhau và phiên xử bị công bố không đúng luật. Cô vẫn tin ông sẽ được tha bổng. Chắc ông cũng chờ đợi như thế.
Adam cho cuộn băng video chạy tiếp. Hình ảnh phiên toà thứ hai hiện ra. Quang cảnh không có gì khác nhiều với phiên thứ nhất.
– Con tìm được những đoạn phim này ở đâu vậy? – Lee hỏi bằng giọng thán phục.
– Con mua, con xin. Tiền thì không mất nhiều, chỉ mất công thôi. Cô là người thứ hai sau con coi cuộn phim này.
Hình ảnh trên tivi cho thấy thời gian trong phim là năm 1981, người ta đang loan báo phiên toà thứ ba xử Sam Cayhall.
Adam hỏi:
– Như vậy là sau khi bị bắt vì tình nghi là thủ phạm đặt bom, ra toà, được về nhà; ông nội con đã sống tự do đến mười ba năm. Trong thời gian ấy ông con làm gì?
– Sống bình thường, trông nom trang trại, canh tác kiếm chút hoa lợi đủ hai ông bà sống, ông không kể gì với cô về chuyện đặt bom, cũng chẳng nói gì về những hoạt động của ông trong tổ chức KKK. Cô thấy ông có vẻ thích thú khi được thiên hạ biết mặt, nghe tên ở Clanton. Ông trở thành một thứ người hùng địa phương được nhiều người kính nể. Bà nội đau nặng hơn, ông ở nhà suốt ngày để chăm sóc bà.
– Ông nội con không tính bỏ đi nơi khác ư?
– Không. Dường như ông không thực sự nghĩ đến chuyện bỏ đi. Lúc ấy ông bỏ đi quá dễ. Ông tin là về mặt pháp luật, ông không còn gì để phải sợ nữa. Ông đã qua những hai phiên toà và đã thoát được tù tội. Thời đó ông nghĩ như vậy là đúng. Trong thập niên 60, không một bồi thẩm đoàn nào ở Mississippi lại cho người Ku Klux Klan là có tội. Ông cho là ông đã thắng.
– Có bao giờ ông hỏi gì về bố con không?
Lee uống hết ly rượu. Nàng cảm thấy trái tim thắt lại. Chẳng bao giờ nàng ngờ có ngày nàng phải nhớ lại, phải trả lời về những kỷ niệm đen tối này. Nàng đã cố gắng quên chúng đi. Quên để sống.
– Cô nhớ trong mấy năm đầu có vài lần ông hỏi cô có biết tin gì của gia đình con không. Cô cũng chẳng biết gì nhiều để nói với ông. Bố con không thư từ, không điện thoại, không cho tin, làm sao cô biết được. Cô chỉ biết gia đình con ở California nhưng địa chỉ đích xác thì cô không có. Bà nội con bị ung thư nặng vào năm 1973. Cô có nhờ một thám tử tư tìm bố con. Hắn lấy của cô một khoản tiền rồi báo cáo là không tìm được.
Adam bùi ngùi:
– Năm đó con 9 tuổi, học lớp 4 ở Salem, Oregon.
– Về sau mẹ con cho cô biết trong những năm đầu, gia đình con di chuyển nhiều nơi. Bố con lại đổi họ tên nên anh thám tử tồi cô thuê không tìm ra được.
– Bà nội con mất năm nào?
– Năm 1977. Khi tang lễ đang cử hành trong nhà thờ, bố con đột ngột đi vào. Ông ấy ngồi ngay sau cô. Đừng hỏi cô tại sao bố con biết tin bà nội mất. Bố con hiện ra ở Clanton rồi lại biến đi. Ông không đến chào ông nội. Bố con về Clanton trên chiếc xe mướn để không ai dò biết được địa chỉ. Sáng hôm sau cô lái xe trở về Memphis. Bố con chờ cô ở cửa nhà. Hai anh em uống cà phê và nói với nhau đủ thứ chuyện trong hai giờ đồng hồ. Ông ấy cho cô xem mấy bức hình con và Carmen. Cô được biết gia đình con sống êm đêm ở California, có việc làm tốt, có nhà riêng mua ở ngoại thành. Mẹ con cũng kiếm được tiền trong ngành địa ốc. Bố mẹ con thực hiện được giấc mơ đẹp của người Mỹ trung lưu. Bố con nói sẽ không bao giờ trở về Mississippi nữa, kể cả khi ông chết. Sau khi bắt cô thề giữ bí mật, bố con cho cô biết tên họ mới và số điện thoại. Không cho địa chỉ, chỉ cho số điện thoại thôi. Ông ấy dặn cô không được gọi tới trừ khi có chuyện tối quan trọng. Cô ngõ ý muốn gặp con và Carmen, bố con nói chuyện đó tính sau. Nhiều lúc cô thấy ông vẫn là anh Eddie ngày xưa, nhiều lúc cô lại thấy đổi khác gần như hoàn toàn. Trưa hôm đó bố con và cô chia tay. Và thế là chẳng bao giờ cô còn gặp lại ông ấy nữa. Khi bố con mất, mẹ con gọi điện cho cô.
Adam lại cho băng chạy. Những hình ảnh của phiên toà thứ ba hiện lên. Lần thứ ba, can phạm Sam Cayhall bị còng tay, bị đưa từ nhà tù đến toà án. Mười ba năm đã trôi qua kể từ phiên toà trước. Trông ông già hẳn đi. Ông luật sư mới đi bên ông.
– Cô có đến dự phiên toà thứ ba này không? – Adam hỏi.
– Không. Ông cấm không cho cô đến.
Adam lại bấm nút cho máy video ngừng chạy:
– Đến lúc nào thì ông nội con biết là người ta lại sắp đến bắt ông?
– Cô không biết chắc là lúc nào. Thoạt đầu một tờ báo ở Memphis đăng một cái tin nhỏ về lời tuyên bố chẳng được ai để ý của ông Chưởng lý mới đến nhậm chức ở Greenville. Ông Chưởng lý này ngỏ ý muốn mở lại vụ án Kramer. Đó chỉ là một cái tin nhỏ mười mấy dòng chìm mất giữa trang báo. Nhưng nó làm cô kinh sợ. Cô đọc đi đọc lại cái tin năm bảy lần và ngẩn ngơ vì nó cả tuần. Sau bao nhiêu năm yên lành, khi gần như tất cả mọi người đều đã quên, đột nhiên cái tên can phạm Sam Cayhall đặt bom chết người lại xuất hiện trên trang báo. Cô gọi ngay cho ông. Ông cũng đọc cái tin đó rồi. Ông bảo cô đừng sợ. Chừng hai tuần sau, tờ báo lại đăng một tin nữa. Bản tin lần này dài hơn, choán nhiều chỗ hơn. Ảnh Chưởng lý David McAllister được đăng cùng với bản tin. Cô lại gọi cho ông. Ông lại bảo cô cứ yên tâm. Chuyện bắt đầu như thế. Trước nhỏ, sau lớn dần. Mà lớn thật nhanh. Những gì xảy ra sau đó cho cô thấy rằng thế nào vụ án cũng được mở lại. Ông nội con cũng sợ nhưng ông vẫn cô gắng tỏ ra can đảm. Ông nói ông đã thắng hai lần rồi, lần thứ ba này ông cũng sẽ thắng.
– Cô có gọi điện cho bố con không?
Lee khổ sở gật đầu:
– Có. Khi biết chắc sẽ có phiên xử thứ ba, cô gọi cho bố con. Ông ấy không nói gì nhiều. Sau đó vụ Sam Cayhall bị bắt lại, bị đưa ra toà xử lại, đăng đầy trên các báo toàn quốc, chiếu trên tivi nên cô không cần phải cho bố con biết nữa.
Hai cô cháu yên lặng một lúc lâu để theo dõi những hình ảnh trên màn hình. Trong phiên toà thứ ba này, người xuất hiện trước máy thu hình nhiều nhất là Chưởng lý David McAllister. Những hình ảnh cuối là cảnh can phạm Sam Cayhall bị còng tay đưa từ toà án ra xe về nhà tù.
Lee nhắc lại:
– Làm sao con có được cuộn băng này?
– Một trong mấy năm đầu ở đại học, có ông giáo dạy môn Chính trị cho phép sinh viên đem báo vào lớp và thảo luận với nhau về những vấn đề thời sự. Một sinh viên nào đó đem vào tờ Los Angeles Times trong có bài viết về vụ Sam Cayhall sắp bị đem ra xử lại ở Mississippi. Bọn con phát biểu, tiên đoán linh tinh về nghi can và phiên toà. Trong số người tin chắc Sam Cayhall có tội có cả con. Bọn con theo dõi và con thấy cả bọn đều hài lòng khi bồi thẩm đoàn tuyên bố Sam Cayhall có tội. Vài tuần lễ sau bố con mất, cô đến và cho biết sự thật. Lúc đầu con sợ các bạn học của con phát hiện ra…
– Chúng có biết không?
– Không ai biết cả. Con là con cháu nhà Cayhall mà, con biết giữ bí mật.
Lee thở dài:
– Bây giờ con muốn giữ cũng không được nữa.
Adam đặt cái điều khiển từ xa lên bàn:
– Con rất tiếc vì cô sẽ bị phiền nhiễu trong những ngày tới. Cô có sợ chú Phelphs và gia đình chú ấy phản ứng gì không?
Lee lắc đầu:
– Không. Họ phản ứng gì cũng mặc họ. Cô khinh bỉ họ.
– Khinh họ nhưng cô vẫn cứ xài tiền của họ?
– Đó là tiền cô kiếm được. Cô đã phải chịu đựng ông ấy đến hai mươi mấy năm rồi. Cả tuổi xuân của cô, cả cuộc đời của cô đã mất vì ông ấy…
Lee thở dài. Nàng đưa tay vuốt nhẹ lên tóc:
– Thôi… Adam con ơi… Con đừng nói gì về chuyện vợ chồng cô nữa!
– Vâng. Con xin lỗi. Hôm nay là một ngày quái dị trong đời con. Con đã đến gặp ông nội sáng nay. Con đã can đảm nhìn thẳng vào dĩ vãng nên con cũng đòi hỏi cô phải can đảm. Cô cháu ta không chạy trốn được dĩ vãng thì phải quay mặt lại đối diện với nó.
Lee rơm rớm nước mắt:
– Con thấy ông thế nào?
– Một ông già gầy gò xương xẩu, nước da xanh mét, tóc bạc và thưa, mặt nhiều nếp răn, hút thuốc liên miên. Ông đã quá già để bị nhốt kín như thế.
– Cô nhớ cô có gặp ông mấy ngày trước khi ông bị bắt lại. Cô có hỏi tại sao ông không bỏ đi! Chỉ cần ông lặng lẽ biến đi trong đêm tối và đến sống ở một nơi nào đó bên Nam Mỹ là xong hết. Chẳng còn chuyện gì rắc rối xảy ra. Chắc ông cũng nghĩ đến chuyện ấy vì ông nói với cô về thành phố Sao Paulo, một thành phố có đến hai mươi triệu cư dân trong số đó có rất nhiều người là dân tị nạn đến từ khắp nơi trên thế giới. Rất tiếc là ông đã không đến Sao Paulo.
Adam thở dài:
– Con ước gì ông đi. Nếu ông đi, bố con chắc vẫn còn sống.
Lee cũng thở dài:
– Nhưng ông đã không làm thế. Hai ngày trước khi ông bị đưa đi nhà tù Parchman, cô đến gặp ông trong nhà tù Greenville. Đây là lần cuối cùng cô được gặp ông. Đến lúc này cô chỉ còn biết nghẹn ngào, cô không nói gì, hỏi gì ông được nữa! Dường như ông biết tâm trạng của cô nên nói ông không trốn đi vì ông không ngờ ông bị kết án tử hình. Thật kỳ dị. Đến giờ này cô vẫn cứ không tin là ông đã được sống tự do trong mười mấy năm trời. Trong những năm ấy ông bỏ đi quá dễ. Ông nói không chịu trốn đi là lỗi lầm lớn của ông. Lỗi lầm ấy làm ông phải chết.
Hai cô cháu nhìn nhau. Chàng trai từ từ ngả đầu vào vai bà cô. Như người mẹ, Lee ôm lấy cháu. Nàng vuốt nhẹ lên lưng cháu:
– Cô rất buồn khi thấy con bị liên lụy vì ông. Cô thương con quá…
Chàng trai nghẹn lời:
– Ông nội con còn đáng thương hơn nhiều, cô ơi! Ông phải mặc bộ đồ tử tù màu đỏ. Con thấy ông khổ sở quá…