Phu Tử hình yên tĩnh trong thời gian buổi sáng đi dần sang buổi trưa. Trong giờ loan tin buổi sáng, màn ảnh truyền hình tương đối sôi động với tin đơn xin hoãn thi hành án của tử tội Sam Cayhall đã bị toà bác. Quyết định của chánh án được loan như tiếng chuông báo tử, như cái đinh sắt cuối cùng đóng lên quan tài. Đài, tivi đếm từng ngày. Còn 16 ngày kể từ hôm nay đến ngày 8 tháng 8, ngày án tử được thi hành.
Đi trong hành lang, trung sĩ Parker mỉm cười. Kinh nghiệm cho biết bọn tử tù sáng nay ít nói, ít la gọi nhau, lười “thả diều”, chán không gây gổ với giám thị là vì mấy anh bị mất tinh thần với những tin tức mới về Sam Cayhall. Mấy anh mềm xìu khi có một anh sắp vào phòng hơi độc. Nhưng nếu Sam Cayhall được hoãn thi hành án, Khu Tử sẽ ồn ào, náo động, vui nhộn như ngày hội.
Parker dừng lại trước phòng Sam Cayhall, thân mật gọi:
– Giờ ra chơi, Sam!
Đặt cái máy chữ lên giường, già Sam hỏi:
– Mấy giờ rồi?
– Mười một giờ.
Khi đưa hai tay chịu còng, người tù già nói:
– Cho Henshaw cùng ra, được không?
– OK. – Parker gật đầu.
Đi qua dãy hành lang tối mờ, hai người đến trước cánh cửa sắt sơn đen. Parker mở cửa. Ánh nắng buổi trưa làm người tù chói mắt. Không khí ngoài trời cao, đất rộng cũng làm người tù choáng váng. Tất cả những người tù bị nhốt quá lâu trong phòng kín khi đột ngột bước ra trời nắng gió đều không nhiều thì ít, đều bị choáng váng và xây xẩm. Người tử tù nhắm mắt lại và chỉ mở mắt khi hai tay đã được mở còng.
Đây là sân chơi, sân tắm nắng của tử tù. Họ gọi đây là Chuồng bò. Sân chỉ là một khu đất hẹp bao quanh là những bức tường cao, trên đầu tường có hàng dây thép gai tua tủa. Ở đây có một sân chơi bóng rổ, một bàn gỗ, hai ghế gỗ. Sam Cayhall từng đi ngang dọc trong sân và đếm bước đi để so sánh diện tích của sân với phòng tù và để so với bước chân của những tử tù khác.
Trong mấy năm đầu về sống ở đây, Sam từng chạy vòng quanh sân mỗi lần được ra. Ông chạy để đổ mồ hôi và giữ cho trái tim được mạnh. Nhưng rồi sức hấp dẫn của trò thể dục này nhạt dần với thời gian. Những năm sau này mỗi lần được ra sân, ông đều dành hết thời gian vào việc tận hưởng khí trời và đôi chút tự do. Có thời ông rơi vào thói quen cứ ra đây là nằm dài trên ghế gỗ, nhìn lên trời mây, tưởng tượng ra cuộc sống ở bên ngoài: phố xá, đàn bà, xa lộ, thức ăn, ô tô, câu cá…v.v… Những hình ảnh trang trại của ông hiện ra rõ nét trong trí ông.
Thế rồi sau đó ông cũng ngừng cả trò tưởng tượng này. Ở Chuồng bò, ông vẫn hút thuốc lá kịch liệt. Hiện giờ trò chơi hấp dẫn nhất của ông là đánh cờ.
Cửa sắt lại mở. Parker đưa Henshaw ra sân. Sau khi mở còng cho người tù, Parker đặt một hộp giấy lên bàn.
Đợi cho cánh cửa đen sì đóng lại, hai người tử tù đi đến ngồi đối diện nhau bên bàn, bàn cờ giấy được trải ra giữa họ.
– Hôm nay đến lượt tôi chơi quân đỏ. – Sam nói.
– Cái gì? Lần trước anh chơi quân đỏ rồi.
– Nói nhảm. Lần trước tôi chơi quân đen chứ.
– Bậy. Lần trước tôi đi quân đen.
– Nè Hank, còn mười sáu ngày nữa thôi. Để cho người ta chơi quân đỏ đi.
Hank nhún vai rồi chấp nhận. Hai người trịnh trọng bày quân cờ.
– Chắc là anh cũng đi nước trước luôn? – Hank hỏi.
– Tất nhiên.
Ván cờ bắt đầu. Hai người tù chăm chú đấu cờ. Chẳng để ý gì đến ngoại cảnh, họ quên trời mây, quên nắng nóng, không biết áo họ dính vào lưng vì mồ hôi. Hank Henshaw bốn mươi hai tuổi, từng sống trong khu Tử 9 năm nhưng có khả năng sẽ không phải vào phòng hơi ngạt. Có sai lầm gì đó trong khi xử Hank và vụ án đang được duyệt xét lại. Rất có thể Hank sẽ được giảm án và ra khỏi khu Tử một ngày không xa.
Hank nói giữa hai nước cờ:
– Tình hình coi bộ không mấy sáng sủa, phải không? Luật sư nói sao?
– Vẫn còn hy vọng. – Sam trả lời mơ hồ.
– Vẫn còn hy vọng là sao?
– Tức là… mình còn 16 ngày nữa mới phải dzô đó.
– Thằng nhỏ khá không?
– Khá lắm. Thông minh, sắc sảo ra trò. Sắc trong máu mà. Thứ nhì toàn khoá nghen, chủ bút tạp chí Luật trường đại học.
– Nghĩa là gì?
– Nghĩa là nó cừ lắm. Nó sẽ thành công trong đời.
Sam đột ngột cho quân cờ đỏ nhảy qua hai quân cờ đen. Hank chửi thề.
– Mẹ kiếp! – Sam cười thích thú – Chơi như thế không chết sao được? Anh chỉ toàn thua với thua thôi.
– Xin lỗi. Hai tuần trước tôi chẳng thắng anh liên tiếp mấy ván là gì?
– Không có đâu. Từ ba năm nay anh thua tôi dài dài.
Hank ngoan cường chống đỡ nhưng chỉ năm phút sau ván cờ thứ nhất của họ đã kết thúc. Sam Cayhall thắng. Họ bày lại bàn cờ.
Mười hai giờ trưa, Parker và một giám thị nữa mang còng trở lại Chuồng bò đưa hai tử tù về phòng. Họ ăn trưa: đậu chiên, khoai nghiền, bánh khô. Sam ăn qua loa rồi soạn sẵn khăn tắm, xà bông, quần cụt chờ đến lượt đi tắm.
Theo lệnh toà, mỗi tuần tử tù được tắm 5 lần. Phòng tắm ở đầu dãy. Mười bốn người tù xài chung phòng tắm này. Thời gian tắm là 10 phút. Hết 10 phút, vòi nước được tắt từ bên ngoài.
Hai mươi phút sau khi tắm về, Sam Cayhall được đưa lên xe để ra thư viện.
Adam đã cởi áo vest và nới lỏng nút cravat. Hai ông cháu bắt tay nhau. Ông già ngồi ngay xuống ghế và đốt điếu thuốc lá.
– Mấy ngày nay con làm gì? – Ông già hỏi.
– Thưa ông con bận nhiều việc. Con phải về Chicago hai ngày thứ Tư, thứ Năm.
– Công việc của con có liên quan gì đến ông không?
– Thưa liên can nhiều lắm. Goodman gọi con về gặp để thảo luận kế hoạch cứu ông.
– Goodman vẫn còn quyền quyết định những việc liên can đến ông ư?
– Vâng. Con phải báo cáo tất cả mọi việc với ông ấy và đợi lệnh ông ta. Con biết ông không ưa Goodman nhưng sự thực ông ta rất quan tâm đến ông, rất không muốn ông phải thụ án.
Sam lắc đầu:
– Bây giờ ông chẳng còn để ý gì đến hắn.
– Tại sao ông có sự chuyển biến tình cảm như vậy? Con có thể biết được không?
– Có gì đâu! Khi người ta sắp chết thì người ta có suy nghĩ khác hẳn trước về nhiều chuyện lắm.
Adam đợi Sam nói thêm nhưng ông già ngừng lại. Chàng cố gắng quên đi vụ ông già bắn chết người tá điền da đen năm xưa. Thật khó, nhưng chàng đã hứa với cô Lee là sẽ không đem vụ đó ra hành hạ ông già.
– Con chắc ông biết toà án Mississippi đã bác đơn xin hoãn của ta. – Vừa nói, Adam vừa mở cặp lấy hồ sơ.
– Ông biết rồi. Tivi sáng nay có loan tin. Toà quyết định nhanh đấy chứ.
– Con đã gửi đơn kháng cáo lên Đệ ngũ Pháp viện. Ngày thứ Ba khi con đến toà để gặp ông Chánh án, tình cờ con gặp Thống đốc McAllister đến toà dự một phiên họp. Ông ấy đến nói chuyện với con trước, ông ấy ngỏ ý muốn được nói chuyện riêng với con về vụ ông. Có cho con số điện thoại và yêu cầu con định ngày gặp. Ông ấy nghi ông không phải là thủ phạm vụ đặt bom.
Ông già trừng mắt:
– Nghi? Nghi cái gì? Hắn là tên đã đưa ông đến đây. Hắn chỉ muốn thấy ông chết thôi. Ông đã yêu cầu con không được nói chuyện với hắn và con đã hứa. Con đã ký giấy cam kết là không gặp hắn.
– Thôi mà ông! Ông ấy túm lấy con khi con vừa từ phòng họp ra. Dù sao ông ấy cũng là Thống đốc. Ông ấy nói rất có thể ông ấy sẽ nghĩ đến chuyện khoan hồng…
– Hắn nói thế à? Và con tin hắn?
– Ông ơi, con tin hay không tin, người ta nói thật hay nói dối không thành vấn đề. Việc của chúng ta bây giờ là làm tất cả những gì có thể làm được. Xin khoan hồng thì có hại gì đâu? Ông ấy muốn xuất hiện trên tivi, ta hẹp hòi gì mà không cho ông ấy có dịp. Dù chỉ có một phần nghìn hy vọng thôi ta cũng làm.
Ông già gằn giọng:
– Không. Không. Không. Ông không cho phép con xin hắn cho điều trần để mong được khoan hồng. Không. Một nghìn lần không. Một vạn lần không. Ông biết rõ thằng chó đẻ ấy. Hắn lừa con đấy. Hắn dụ con vào bẫy. Hắn đã mưu đồ trước rồi. Con mà đệ đơn xin khoan hồng là hắn sẽ giả vờ suy đi xét lại ra cái điều có tinh thần trách nhiệm. Hắn sẽ đóng kịch đánh lừa tất cả mọi người để rồi cuối cùng hắn sẽ lắc đầu với con.
Adam viết vài chữ lên quyển sổ chờ cho cơn phẫn nộ của ông nội chàng qua đi.
– Bây giờ ông muốn con phải làm gì? – Chàng hỏi sau khi ông già đốt điếu thuốc mới – Con thấy chỉ còn có việc ta bỏ cuộc, đầu hàng.
Ông già dịu giọng:
– Đơn kháng án gửi lên Đệ ngũ Pháp viện thì được nhưng cũng chẳng có hy vọng gì. Ông đã nghĩ nhiều, chẳng có lý do nào để ta kháng án.
– Chỉ còn Benjamin Keyes.
– Đúng. Chỉ còn Keyes. Ông coi ông ấy là bạn. Ông không muốn đưa ông ấy ra làm lý do.
– Thưa ông, đây chỉ là thủ tục rất thường trong những vụ kháng án tử hình. Khi đã hết lý do để khiếu tố, luật sư sau phải móc cho bằng được một vài lỗi sơ suất của luật sư trước làm lý do kháng cáo. Luật sư bị móc cũng thông cảm, chẳng ai buồn phiền hay trách cứ gì. Goodman có nói với con là ông ấy có đề nghị ông ký đơn khiếu tố việc Benjamin Keyes biện hộ cho ông có sự khiếm khuyết nhưng ông không chịu. Lẽ ra việc khiếu tố ấy phải làm từ lâu.
Ông già trầm ngâm:
– Đúng vậy. Bây giờ ông thấy ông không chịu là sai lầm.
Adam tiến tới ngay:
– Nghiên cứu hồ sơ con thấy Keyes đã sai lầm khi không để ông ra cung khai trước toà.
– Khi Dogan ra khai trước toà, ông cũng có ý định khai là ông gài bom nhưng ông không có ý định giết người. Đó là sự thật. Ông không muốn giết ai hết.
– Luật sư của ông đã ngăn không cho ông khai như thế?
Ông già mỉm cười:
– Con muốn ông nói như con vừa nói, phải không?
– Vâng.
– Ông còn có sự lựa chọn nào khác không?
– Không.
– Vậy thì ông đành nhận thôi. Đúng. Ông đã muốn khai trước toà nhưng luật sư của ông ngăn lại. Ông đã nói với con tại sao rồi. Vì ông không nhận tội gài bom, rồi ông nhận tội gài bom nhưng nói là gài bom mà không có ý định giết người. Tiên hậu bất nhất. Bồi thẩm đoàn sẽ chỉ biết ông nhận ông gài bom và bỏ qua chuyện ông không có ý định giết người. Anh gài bom, bom nổ, người chết. Vậy là đủ.
Chàng trai quyết định:
– Sáng mai con sẽ đệ đơn kháng cáo với lý do này.
Ông già lắc đầu:
– Sợ muộn rồi, con ạ.
– Muộn còn hơn không, thưa ông. Chúng ta có mất gì đâu!
– Con nên gọi cho luật sư Keyes và nói rõ tình trạng chẳng đặng đừng của ta cho ông ấy biết.
– Vâng. Con sẽ gọi cho ông ấy. Nhưng con cũng nói thật là đến nước này con chẳng còn quan tâm gì đến việc ông ấy có giận ta hay không.
– Ông cũng vậy. Con muốn gọi hay không cũng được.
Ông già đứng lên đi quanh phòng và đếm từng bước đi. Ngang rồi dọc. Việc được bước đi thẳng mấy chục bước có vẻ làm ông thích thú.
– Ông ơi… Cô Lee muốn đến thăm ông đấy…
Ông già ngừng bước:
– Cô ấy nói với con sao?
– Cô nói cô muốn đến thăm ông và bảo con hỏi ông xem ông có bằng lòng không.
– Để ông nghĩ xem đã.
– Suy nghĩ và quyết định nhanh một chút, ông.
– Hồi này cô con thế nào?
– Cô Lee sống bình thường. Cô cầu nguyện cho ông và nhớ ông nhiều.
– Ở Memphis người ta có biết cô là con của ông không?
– Thưa… lúc này thì chưa ai biết. Các báo chưa tìm ra.
– Ông rất mong họ sẽ không tìm ra.
– Cô Lee đưa con về thăm nhà ta ở Clanton hôm thứ Bảy vừa qua.
Ông già buồn rầu nhìn anh cháu:
– Con thấy gì?
– Thấy nhiều lắm. Cô đưa con đến viếng mộ bà nội, chỉ cho con thấy nơi những người Cayhall nằm. Cô cũng dặn con hỏi ông muốn nằm ở chỗ nào.
– Ông chưa nghĩ đến chuyện đó. Ông sẽ cho con biết sau.
– Cô con đưa con đi dạo trong phố, chỉ cho con thấy căn nhà bố mẹ con ở năm xưa, đến công viên trước Pháp đình. Buổi chiều cô đưa con về thăm mái nhà xưa trong trại.
– Nhà còn tốt không con? Bây giờ ai ở đấy?
– Nhà bỏ hoang. Chắc cũng sắp sập đến nơi. Cây leo, rêu xanh phủ gần kín. Cô và con chỉ đi vòng vòng quanh nhà chứ không vào nhà. Cô Lee kể cho con nghe nhiều chuyện xảy ra ở đó thời cô còn nhỏ. Cô cũng kể cho con nghe nhiều chuyện về bố con.
Im lặng. Rồi ông già hỏi:
– Cô có kể cho con nghe chuyện Quince Lincoln và ông bố của nó là Joe Lincoln không?
– Thưa có.
Hai ông cháu nhìn thẳng vào mắt nhau:
– Con có tin không?
Anh cháu hỏi lại:
– Không đúng như thế sao ông?
– Đúng đấy con ạ.
Ông già đến đứng bên tủ sách, quay lưng lại như ông đã đứng lần trước khi hai ông cháu gặp nhau ở đây. Ông nói nhỏ như nói một mình:
– Bốn mươi năm rồi!
Adam thấy mình có tội. Chàng khổ sở nói như năn nỉ:
– Ông ơi… Hôm nay con vào gặp ông không phải để ông cháu ta nói về chuyện ấy. Con đã hứa với cô Lee là con sẽ không nói chuyện ngày xưa đó với ông. Ông cháu ta nói chuyện khác đi.
Ông già thở dài:
– Ông chắc vợ con Joe Lincoln sẽ đỡ khổ khi họ được tin ông chết.