Mang Xuống Tuyền Đài

CHƯƠNG 36



Parker đi vào dãy A khu Tử hình lúc 5 giờ 30 sáng thứ Bảy. Già Sam chờ sẵn. Không bị còng tay, người tử tù được viên giám thị lặng lẽ đưa ra hành lang.
Hai người đi qua khu nhà bếp, nơi những tù nhân làm tạp dịch đang rộn rịp chuẩn bị bữa ăn sáng cho tù. Già Sam chưa bao giờ được vào nhà bếp nên ông đi chậm, đảo mắt nhìn quanh. Theo thói quen của người bị giam hãm quá lâu trong một không gian quá chật hẹp, ông dùng mắt ước lượng diện tích của nhà bếp.
Parker mở cánh cửa và ra hiệu cho người tù đi mau hơn. Họ bước ra ngoài trời. Trời đất còn đầy bóng tối. Già Sam nhìn bức tường gạch đỏ gần đấy. Bên trong bức tường đó là phòng hơi độc. Rồi ông rảo bước theo Parker đi qua sân sau của nhà bếp để đến trước cánh cổng sắt có lính gác. Người lính gác cổng đưa cho già Sam một ly cà phê nóng rồi mở cổng cho ông vào sân chơi.
Sân chơi này cũng giống như sân chơi của khu Tử hình, nơi vẫn được các tử tù gọi là Chuồng Bò, nhưng rộng hơn nhiều. Trong sân này già Sam có thể nhìn thấy vầng mặt trời lên ở xa tít chân trời ngoài kia. Tay cầm ly cà phê, ông đến ngồi trên chiếc băng gỗ, nhìn về phía đông, trời bắt đầu ửng hồng.
Thưởng thức hương vị cà phê nóng quyện với khói thuốc lá, già Sam thầm cảm ơn giám thị Parker, người bảo lãnh cho ông ra đây sáng sớm này để ông được thấy cảnh mặt trời mọc. Đây chắc là lần ngắm mặt trời mọc cuối cùng trong đời ông. Khi ông nêu lời yêu cầu được ngắm cảnh mặt trời mọc, phó Tổng giám thị Nugent từ chối. Giám thị Parker can thiệp. Anh nói cho Nugent biết khám đường Parchman có truyền thống ưu đãi người tử tù trong mấy ngày cuối cùng và anh lãnh trách nhiệm về việc đưa người tử tù đi về yên ổn.
Người tử tù già nhìn ngây về phía những đám mây đang chuyển dần sang màu cam ở phía đông. Trong những tháng đầu về sống trong khu Tử hình, khi những khả năng kháng cáo còn nhiều và chưa được giải quyết ngay, ông vẫn dành nhiều thì giờ vào việc hồi tưởng những cảnh sắc của cuộc sống bên ngoài: cảnh những buổi sáng tinh sương, những cánh gà rừng bay trong rừng cây, những cuộc đi săn, những lần tắm mát sáng sớm mùa hè, những trận mưa ào ạt mùa hạ, những cơn mưa dai dẳng mùa thu. Đó là thời gian ông vẫn còn tin có ngày ông sẽ lại trở về trại xách cần câu ra suối câu cá, vác súng vào rừng bắn thỏ, bắn chồn, ngồi trên thềm cổng ngắm cảnh mặt trời lên, mặt trời lặn, xuống phố ăn bữa trưa, ngồi quán uống cà phê, đi sắm đồ linh tinh, hớt tóc, lái chiếc xe pick-up đã xập xệ nhưng còn rất tốt đi tất cả những nơi ông muốn. Ông cũng mơ đến chuyện ngồi máy bay sang California thăm gia đình Eddie. Suốt đời chưa một lần ông đi máy bay.
Giấc mơ sống tự do ấy đã tàn lụi lâu rồi. Sáng nay ngồi trên chiếc ghế gỗ với ly cà phê trên tay, mắt nhìn ngây về phía mặt trời mọc, già Sam biết đây là lần thấy mặt trời mọc cuối cùng trong đời ông. Có quá nhiều người muốn thấy ông chết. Đã quá lâu phòng hơi độc của bang Mississippi không được dùng đến. Chính quyền và cả nhân dân bang này đều cần có cuộc hành quyết. Người tử tù đứng gần cửa phòng hơi độc nhất là ông.
Bầu trời trở nên sáng hơn, những đám mây hồng theo gió bay đi. Tuy chỉ là ngồi trong khu vườn sau nhà bếp nhà tù, năm bảy vòng hàng rào dây thép gai giăng chung quanh, người tử tù cũng thấy cuộc nhìn ngắm cảnh mặt trời mọc sáng nay thật tuyệt vời. Ông bồi hồi nghĩ đến chuyện chỉ còn vài ngày nữa thôi nhà tù này sẽ không còn có ông, ông cũng bùi ngùi nghĩ đến chuyện không biết đã có bao nhiêu người trước ông ngồi ở đây ngắm cảnh mặt trời, và sau ông sẽ còn bao nhiêu người nữa…
 
Dù trong thời trai trẻ ông đã nhiều lần mặc bộ áo dài trắng đặc biệt của những người Ku Klux Klan, đội cái mũ liền mặt nạ che kín mặt, chỉ có hai lỗ thủng cho hai con mắt, nhưng giờ đây khi bỡ ngỡ đến trước cổng nhà tù, Donnie Cayhall cũng cẩn thận đứng xa đám người KKK đang vác biểu ngữ đi đi lại lại. Lực lượng giữ an ninh, trật tự ở đây có vẻ khá dày. Ngoài nhóm người Ku Klux Klan tương đối hiền lành giờ đây có thêm những nhóm Đầu trọc xăm mình hung hãn và nhóm Sơ-mi nâu Tân Phát xít. Thành viên hai nhóm này sẵn sàng gây bạo động, đổ máu, đốt xe, đốt nhà. Tất cả những người này tụ họp ở đây để đòi không được giết tử tù Sam Cayhall.
Donnie Cayhall đứng nhìn cảnh tượng gây xúc động này một lúc khá lâu trước khi vào khám đường. Tên ông có trong danh sách những thân nhân được tử tù Sam Cayhall nhận tiếp. Vài phút sau một chiếc xe của khám đường đưa Donnie Cayhall đến khu Tử hình.
Donnie Cayhall sáu mươi mốt tuổi, em út trong bốn anh em nhà Cayhall. Cả bốn anh em đều theo ông bố của họ tham gia những hoạt động Ku Klux Klan từ những năm họ mới mười mấy tuổi. Với thế hệ của họ, việc tham gia hoạt động trong tổ chức Ku Klux Klan – nói rõ hơn là việc đàn áp, chế ngự dân da đen – là việc làm tự nhiên như ăn, ngủ, thở. Hơn nữa, đa số người da trắng thời ấy cho việc đàn áp dân da đen là bổn phận họ phải làm. Chẳng có ai thắc mắc tự hỏi làm như thế có nên không, có đúng không và có được không. Năm hai mươi tuổi Donnie Cayhall gia nhập quân đội, tham chiến ở chiến trường Triều Tiên. Ông đi xa ra khỏi biên giới miền Nam Hoa Kỳ, được nhìn thấy thế giới và thấy việc những anh KKK đêm đêm mặc áo choàng kiểu phù thủy thời Trung cổ, đội mũ có mặt nạ che kín mặt, kéo nhau đi đốt những cây thập tự giá tẩm dầu thông để đe dọa những ai không nghĩ, không nói, không làm như mình là trò xuẩn ngốc và man rợ.
Từ mười năm nay, tháng nào Donnie cũng gửi một thùng thuốc lá Montclair và một khoản tiền mặt đến khám đường Parchman cho ông anh Cayhall. Ông cũng lâu lâu viết cho ông anh một lá thư nhưng ông thấy ông anh không chịu trả lời thư và có vẻ thích thuốc lá hơn là thư.
Hai anh em gặp nhau trong căn phòng nhỏ dành riêng cho tử tù sắp bị hành quyết thay vì gặp nhau trong phòng có lưới sắt ngăn đôi. Nhờ vậy họ có thể ôm nhau và khi rời nhau mắt họ đều ướt. Hai anh em có tầm vóc bằng nhau nhưng tất nhiên là trông ông anh già lão, hom hem hơn.
Già Sam ngồi lên mặt bàn sắt, Donnie ngồi trên ghế sát ngay hai đầu gối ông anh. Già Sam lấy thuốc lá ra, Donnie không thích hút nhưng để chiều ý ông anh, ông cũng phì phèo chút khói.
– Có hy vọng gì không anh? – Cuối cùng Donnie hỏi.
– Không có gì. – Già Sam lắc đầu – Toà lớn, toà nhỏ, toà cao, toà thấp bác hết các đơn xin. Lần này thì họ nhất định giết tôi.
Bộ mặt đã rầu rĩ của Donnie lại càng thê thảm:
– Sam… Em rất buồn…
Già Sam nhún vai:
– Tôi cũng buồn… Nhưng mà..mẹ kiếp… tôi muốn cho nó xong đi. Chờ lâu quá rồi…
– Anh đừng nói thế…
– Tôi nói thật mà. Tôi đã chán phải sống mãi trong cái chuồng chó ấy. Tôi già rồi, đến ngày chết là phải thôi. Tôi không sợ chết đâu, ai mà chẳng phải chết, tôi chỉ bất mãn về việc bọn chó đẻ có dịp thích thú vì cái chết của tôi. Chúng cho là chúng đã thắng.
– Còn cháu anh? Nó có giúp gì được anh không?
– Nó làm cho tôi tất cả những gì nó có thể làm được. Nhưng vụ của tôi hết thuốc chữa rồi. Nó có giỏi đến mấy cũng chẳng thể cứu vãn được. Tôi muốn chú gặp nó.
– Em thấy hình nó trên báo. Trông thằng nhỏ điển trai quá đi.
– Thông minh nữa. Học giỏi, đậu cao, trong số mười sinh viên đầu khoá đấy. Tội nghiệp nó. Vừa mới vào đời đã bị cú này tối tăm mặt mũi. Không khá được.
– Hôm nay cháu nó có đến đây không anh?
– Có thể. Nó bận lắm. Nó sống với cô Lee nó. Coi bộ hai cô cháu rất hợp tính, rất thương nhau.
Già Sam nở nụ cười kiêu hãnh. Ông tự cho là nhờ ông mà con gái ông và cháu nội ông mới được gần nhau và thương yêu nhau.
– Em có gọi điện cho Albert sáng nay. Anh ấy yếu quá nên không đến thăm anh được.
– Không lỗi phải gì cả. Tôi không muốn thấy Albert vất vả, lọm khọm đến đây. Tôi cũng không muốn phải gặp bọn con cháu anh ấy. Chúng coi tôi như một tai hoạ mà chúng phải chịu. Nhưng… chúng có thái độ ấy với tôi cũng đúng thôi. Chúng chẳng có bổn phận gì với tôi cả.
Già Sam đổi chuyện:
– Donnie, tôi nhờ chú chuyện này. Chú phải chi một khoản tiền đấy.
– Anh cần gì cứ cho em biết.
Già Sam dùng hai ngón tay kéo vạt áo tử tù:
– Cả mười năm nay tôi chỉ mặc có bộ áo quần này. Mỗi năm hai bộ. Tiêu chuẩn. Chưa rách cũng thay. Đây là bộ đồ tôi sẽ phải mặc khi đi vào phòng hơi độc. Tôi có quyền bận bộ đồ khác. Tôi muốn được chết trong bộ y phục đàng hoàng.
Donnie bị xúc động. Ông muốn nói nhưng cổ họng ông nghẹn lại, nước mắt ông ứa ra, vành môi ông run run. Ông chỉ có thể gật đầu.
– Chú mua cho tôi cái quần Dickie, loại quần tôi vẫn mặc, màu xám. Cho tôi áo sơ-mi, sơ-mi nhé, dài tay, trắng hay xám cũng được. Áo quần đều cỡ nhỏ, vòng bụng tôi bây giờ có 30 thôi. Cho tôi đôi vớ bông trắng, đôi giày, giày rẻ tiền thôi, nhưng là giày đàng hoàng. Tôi không muốn phải đi đôi giày cao su khốn nạn này.
Donnie đưa tay lên chùi nước mắt, ông gượng nói:
– Vâng. Em mang vào ngay. Anh cần gì nữa không?
– Chỉ có thế thôi. Chú là người duy nhất trong gia đình ta chú ý đến tôi trong bao nhiêu năm nay. Trước đây dì Barb có viết thư đều cho tôi cho đến khi bà ấy chết. Thư của dì toàn những lời hỏi thăm và chúc lành, đọc chán ngắt.
– Dì Barb là ai ạ?
– Bà mẹ của Hubert Cain đó. Tôi cũng không biết rõ bà ấy họ hàng dây mớ, rễ má với nhà ta ra sao, chỉ biết ngày tôi còn nhỏ, bà ấy đến chơi, mẹ bảo tôi chào bà ấy là dì. Từ ngày mẹ mất bà ấy không đến nhà mình nữa nên chú không biết.
Già Sam bỗng nhớ một chuyện xưa ngày hai anh em còn bé. Ông kể chuyện. Hai anh em cùng cười. Đến lượt Donnie nhớ và kể chuyện cũ. Cuộc kể chuyện xưa kéo dài cả giờ đồng hồ.
 
Ba giờ chiều ngày thứ Bảy, nhiều giờ sau khi gặp Donnie Cayhall, già Sam lại được đưa ra gặp Adam. Ông đưa cho Adam ba phong thư nữa. Những phong thư gửi đến gia đình Pinder ở Viksburg, đến giáo đường Do Thái ở Jackson và đến một nhà kinh doanh địa ốc cũng ở Jackson. Ba nhà này đều bị già Sam đặt bom năm xưa. Adam nhận thư, hứa sẽ gửi đi sau cuộc hành quyết. Chàng mở hồ sơ ra và nói vào chuyện:
– Ông ơi… Chúng ta còn hai đơn kháng cáo. Đệ ngũ Pháp viện đang thảo luận về việc luật sư Keyes biện hộ cho ông không hữu hiệu, Toà án quận đang xét đơn xin hoãn hành quyết vì bệnh tâm thần…
Già Sam lắc đầu:
– Vô ích hết, con ơi.
– Con không chịu thua. Con còn kháng án nữa.
– Con không làm gì được nếu ông không ký đơn.
– Con có cách.
– Nếu con cứ làm, con sẽ bị cho nghỉ việc.
– Ông không đuổi con được.
– Sao lại không được? Đôi bên có bản giao ước đàng hoàng, con quên là ông có quyền cho con nghỉ việc bất cứ lúc nào ông muốn.
– Ông ơi… Khổ lắm… Ông đừng nhắc đến cái gọi là bản giao ước của ông. Bản đó được viết ra bởi một ông luật sư tự phong nên đầy những khiếm khuyết. Hợp đồng con làm mà ông ký thì ông mắc mà hợp đồng ông làm con ký ông càng mắc nặng hơn.
Già Sam tuột đôi giày cao su ra khỏi chân, ông lại vừa đi vừa thở khói thuốc lá mù mịt trong phòng. Có vẻ như ông không cho những chuyện anh cháu vừa nói là quan trọng. Hơn nữa ông cũng chỉ nói doạ anh vậy thôi. Dù cháu ông có làm gì ông cũng phải chịu.
– Ngày thứ Hai tới chúng ta sẽ có cuộc điều trần với Thống đốc.
Adam nói. Chàng chờ đợi ông nội chàng nổi cơn thịnh nộ. Nhưng không, vẫn điềm nhiên đi qua, đi lại, ông già chỉ hỏi:
– Để làm cái gì vậy?
– Thưa… để xin khoan hồng.
– Xin ai khoan hồng?
– Xin ông Thống đốc.
– Con tin là Thống đốc sẽ khoan hồng cho ông ư?
– Thưa ông… ta có mất gì đâu ạ?
Già Sam đứng lại, ông cau mày:
– Trả lời vào câu hỏi. Với tất cả học vấn, hiểu biết, kinh nghiệm và trí thông minh của con, con thật sự tin là tên khốn nạn ấy sẽ khoan hồng cho ông ư?
– Có thể lắm chứ ông!
– Có thể cái con…khỉ! Ông không ngờ con lại ngu đến thế.
– Cảm ơn ông quá khen.
– Khỏi cảm ơn! – Già Sam ngồi xích lại gần anh cháu. – Đã nói với con ngay từ đầu là ông không muốn xin xỏ bất cứ cái gì ở tên Thống đốc. Không xin nó ân xá, không xin nó khoan hồng. Ông không xin không phải vì ông biết nó sẽ không cho mà còn là vì ông khinh bỉ nó, ông thù hận nó. Nay ta dẹp chuyện ông cháu đi, con là luật sư, ông là thân chủ. Luật sư phải làm theo ý thân chủ, thân chủ có quyền quyết định.
Ông già lấy trong túi áo ra một phong thư, giơ lên:
– Đây là thư ông gửi cho Thống đốc yêu cầu hủy bỏ cuộc điều trần. Nếu con không chịu gửi thư này đi, ông sẽ có một thư khác gửi cho bọn nhà báo đang chờ sẵn ở cửa nhà tù này. Nếu con muốn cho cả bọn công ty luật của con mất mát thì tùy con.
Già Sam để phong thư lên bàn, ông lại tiếp tục đi và đếm bước trong phòng. Một lúc sau anh cháu mới nói:
– Thứ Hai này em Carmen đến thăm ông.
– Tốt. Sáng nay Donnie, ông em của ông đến thăm ông. Ông ấy muốn gặp con đấy.
– Thưa…trước kia ông ấy có là người KKK không ạ?
Già Sam nhíu mày:
– Con hỏi chuyện đó làm gì vậy?
– Thưa ông… ông chỉ cần trả lời có hay không thôi.
– Có. Ngày xưa ông ấy có hoạt động trong tổ chức KKK, cũng như ông vậy.
– Vậy thì con xin lỗi, con không muốn gặp.
– Ông ấy là em của ông. Ông muốn con gặp ông ấy.
Adam lắc đầu:
– Con không muốn gặp thêm một người nào trong họ Cayhall nữa.
– Chỉ mới gặp có hai ba người Cayhall con đã chán rồi ư? Sao lúc mới gặp ông con đòi được biết thật nhiều chuyện về nhà Cayhall?
– Lúc ấy con chưa biết. Nay con thấy con biết từng này chuyện cũng đã đủ rồi. Cô Lee con cũng hỏi con một câu như câu ông vừa hỏi.
Già Sam chỉ mỉm cười mà không nói gì về chuyện đó nữa. Adam nhìn xuống sổ tay:
– Thưa ông… có chuyện này chắc ông thích: ngoài cổng mới có thêm bọn đầu trọc, bọn Áo nâu Tân Phát xít, nhiều bọn thù hận xã hội khác kéo đến nhập với bọn KKK đòi trả tự do cho ông. Không khí hết sức căng thẳng. Ông là người hùng trong ngày của họ. Như một đám xiếc vậy. Ở thành phố cũng có đám biểu tình đòi thả ông.
Già Sam mỉm cười:
– Lỗi tại ông sao?
– Không phải lỗi tại ông song ông cũng là nguyên nhân để bọn họ diễn những trò hề này. Họ muốn làm ông trở thành vị Thánh tử đạo của họ.
Già Sam nhún vai:
– Ông làm sao ngăn họ được.
Adam nói sang chuyện khác:
– Lucas Mann nhờ con hỏi ông về chuyện người làm chứng. Ông đã chọn ai chưa?
Người tử tù già lại nhún vai:
– Chọn người chứng kiến cảnh ông… chết ư? Donnie không muốn nhìn ông chết. Con thì ông không muốn cho con thấy. Ông chẳng có ai để mời đến cả.
– Hiện có đến ba mươi nhà báo và đài, truyền hình muốn được phỏng vấn ông.
– Bỏ qua chuyện đó đi con.
– Ông nhớ tác giả Wendall Sherman con nói với ông chứ? Người định viết truyện đời ông ấy?
– Nhớ. Anh chàng chịu chi năm mươi ngàn đô?
– Vâng. Bây giờ số tiền không còn là năm mươi ngàn đô nữa. Nhà xuất bản của ông ta sẵn sàng đóng trước khoản tiền một trăm ngàn đô để được ông cho quyền ghi âm những lời ông kể, dự cuộc hành quyết, điều tra thêm về ông và thực hiện một quyển sách lớn về ông.
– Không. Ông không muốn trong vài ngày tới ông phải kể lể về cuộc đời chẳng có gì đáng kể của ông với bọn người lạ. Ông không muốn họ đến quê mình đào bới những chuyện cũ. Ông cũng hoàn toàn không cần tiền.
– Vâng. Còn về chuyện y phục của ông. Trước đây ông có nói..?
– Donnie lo cho ông một bộ đàng hoàng rồi.
– Ông có quyền có hai người gần ông trong những giờ cuối cùng. Khám đường có tờ giấy này để ông ký tên, ông điền tên hai người ông chọn vào đây.
– Thường thì hai người đó là ông linh mục và luật sư. Phải không con?
– Vâng.
– Vậy thì là con và Ralph Griffin.
Adam biên tên hai người lên giấy, chàng hỏi:
– Ralph Griffin là ai ạ?
– Linh mục mới của khám đường, ông ấy là người chống án tử hình, con tin được không? Ông linh mục trước cho rằng tất cả bọn tử tù đều phải bị hành quyết hết, càng sớm càng tốt, hành quyết nhân danh Chúa Jesus.
Già Sam ký tên lên tờ giấy.
– Ông có quyền gặp một người đàn bà lần cuối.
Già Sam cười thành tiếng:
– Gặp làm gì? Ông già quá rồi.
– Lucas Mann nhờ con hỏi ông chuyện đó vì đây là luật của khám đường. Ông cũng phải ký nhận là ông đã nghe hỏi chuyện này và ông không cần.
Già Sam gật đầu:
– Ký gì cũng được, ông sẵn sàng. Ông chỉ không ký đơn xin khoan hồng thôi.
– Thưa ông còn chuyện này nữa: ông để lại cho ai những vật dụng riêng tư của ông?
Ông già thở dài:
– Ông có gì đâu mà để lại? Có cái máy đánh chữ cổ lỗ sĩ, cái tivi đen trắng, vài quyển sách nát. Từng ấy thứ thôi. Con có muốn mấy món đồ ấy của ông không?
Adam thật không biết chàng sẽ phải làm gì với mấy món đồ ông nội chàng vừa kể, nhưng không muốn làm ông bị chạm tự ái, chàng sốt sắng nói:
– Cho con đi. Ông ký vào đây cho con.
– Rồi, con lãnh ra đem đốt hết đi cho ông.
Già Sam ký. Ông quăng bút rồi tung tăng đi lại trong phòng như một chú thiếu niên. Adam bùi ngùi xếp giấy tờ vào cặp.
– Ông muốn con gặp ông trẻ Donnie. – Ông già nói.
– Vâng. Ông hẹn ông trẻ giùm con. Sáng mai con trở lại.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.